.
Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập LLVT tỉnh Quảng Bình (4-7-1945 - 4-7-2015):

"Muôn người như một gửi về Trị Thiên..."

Thứ Sáu, 03/07/2015, 17:03 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong những năm chiến tranh chống Mỹ ác liệt, Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình vẫn luôn giữ trọn lời thề son sắt với đồng bào miền Nam yêu thương và Trị Thiên ruột thịt, gửi gắm trọn vẹn nghĩa tình hậu phương đối với tiền tuyến. Giữa đạn bom hủy diệt và lằn ranh sinh tử, mảnh đất và con người nơi “chang chang cồn cát” ấy vẫn quyết tâm sản xuất giỏi, xây dựng hậu phương vững chắc và giữ gìn từng con đường-mạch máu giao thông chi viện cho chiến trường.

 

Vững vàng hậu phương

Ông Hoàng Thường, nguyên chủ tịch UBND xã Võ Ninh kể lại phong trào “Xe chưa qua, nhà không tiếc...” ở Võ Ninh.
Ông Hoàng Thường, nguyên chủ tịch UBND xã Võ Ninh kể lại phong trào “Xe chưa qua, nhà không tiếc...” ở Võ Ninh.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt đã đi qua gần nửa thế kỷ nhưng trong ký ức của ông Trần Đức Triển (Phong Thủy, Lệ Thủy), nguyên là Phó chủ tịch UBND tỉnh thì đó  mãi mãi là những năm tháng không thể nào phai. Thời điểm ấy, ông là Trưởng ban Nông nghiệp huyện Lệ Thủy rồi phó Ban quản lý HTX Nông nghiệp tỉnh Quảng Bình (năm 1972) nên ông hiểu sâu sắc bức tranh sản xuất sôi động của quê hương “Hai giỏi” những năm chống Mỹ. Ngay trên mảnh đất Lệ Thủy quê ông đã phát động một phong trào thi đua sôi nổi với khẩu hiệu “Ba như” (Lãnh đạo như Cam Thủy - Quản lý như Đại Phong - Chiến đấu phòng không như Ngư Thủy) để tạo sức mạnh to lớn từ mọi tầng lớp nhân.

Ông bảo, chưa có bao giờ, cái không khí thi đua sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi lại diễn ra sôi sục như lúc bấy giờ. Giữa đạn bom và lằn ranh sinh tử, người Quảng Bình vẫn không tiếc máu xương, vừa sản xuất, vừa chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Ở khắp nơi trên dải đất hẹp nhất của khúc ruột miền Trung này, đâu đâu cũng thấy dấy lên một không khí thi đua sản xuất.

Từ phong trào “Gió Đại Phong”, ngọn gió tinh thần mạnh mẽ ấy vẫn vi vút thổi qua khắp mọi miền quê, động viên sức chiến đấu, sự nỗ lực vượt khó của nhân dân khắp nơi trong toàn tỉnh vượt qua chông gai, vươn lên sản xuất. Dân quân, du kích chính là lực lượng nòng cốt cùng nhân dân “bám hố bom mà sản xuất”, quyết không bỏ ruộng hoang. Các xã vùng ven quốc lộ 1 – nơi thường xuyên hứng chịu những “túi bom” khổng lồ của kẻ thù như Trung Trạch, Đại Trạch (Bố Trạch), Võ Ninh (Quảng Ninh), Cam Thủy (Lệ Thủy)... -  vẫn quyết tâm bám sát cầu đường, vừa chiến đấu, vừa sản xuất.

Các tiểu đội dân quân xung kích tháo gỡ hàng trăm quả bom nổ chậm, bảo vệ cho nhân dân thu hoạch mùa màng. Dân quân du kích các xã xung quanh bến phà Long Đại, Quán Hàu, phà Gianh... bám đồng ruộng thâm canh, đào đắp hàng vạn mét khối đất, lấp hàng ngàn hố bom, đảm bảo diện tích trồng trọt. Các phân đội nữ dân quân trực chiến Võ Ninh, Xuân Ninh (Quảng Ninh), Phong Thủy (Lệ Thủy), Tiến Hoá (Tuyên Hoá) “tay cày, tay súng” suốt bao tháng ngày không ngơi nghỉ.

Ông Trần Đức Triển nhớ lại: Năm 1967, dù địch vẫn không ngừng đánh phá ác liệt, nhưng diện tích lúa chiêm vẫn đạt 98% kế hoạch, diện tích trồng màu đạt 102% kế hoạch đề ra. Nông dân nhiều nơi xác định: “Địch càng đánh phá ác liệt, ta càng cấy cấy thật thẳng hàng để chúng trên máy bay nhìn xuống thấy rằng bom đạn Mỹ không dễ gì làm chúng ta run tay nhụt chí”. Sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn do nhưng cán bộ, công nhân vẫn chủ động sản xuất công nghiệp và thủ công nghiệp để đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, đáp ứng phương châm xây dựng hậu cần tại chỗ.

Giữa chật vật vất vả, những nhà máy, xí nghiệp vẫn hiên ngang mọc lên, thách thức bom đạn chiến tranh và sự tàn phá của kẻ thù. Năm 1967, Quảng Bình đã xây dựng được 32 xí nghiệp. Có những xí nghiệp được trang bị máy móc tương đối đầy đủ như xí nghiệp cơ khí 3/2, xí nghiệp cơ khí 2/9, xí nghiệp dược phẩm...

Ngành thương nghiệp đã góp phần đẩy mạnh sản xuất và bảo đảm đời sống nhân dân, phục vụ chiến đấu. Năm 1965, năm đế quốc Mĩ bắt đầu chiến tranh phá hoại, thương nghiệp quốc doanh giữ vững vai trò chủ đạo. Mạng lưới cung cấp, phân phối phát triển rộng khắp phù hợp với tình hình thời chiến, bảo đảm hàng hoá đến tận tay người tiêu dùng. Ngay giữa những vùng chiến sự khốc liệt, đời sống của nhân dân vẫn luôn được bảo đảm. Một hậu phương thời chiến được củng cố vững chắc.

Dân công hỏa tuyến Quảng Bình trên đường chi viện cho chiến trường Trị Thiên.
Dân công hỏa tuyến Quảng Bình trên đường chi viện cho chiến trường Trị Thiên.

Người Quảng Bình vừa khắc phục khó khăn, vừa vươn lên trong bom đạn chiến tranh để xây dựng một hậu phương vững vàng. Thực hiện chủ trương “Trút gạo trong nồi cho Trị Thiên đánh Mỹ”, chỉ trong vòng hai tháng cuối năm 1967, Quảng Bình đã huy động các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh đóng góp được 2.600 tấn gạo kịp thời gửi vào Trị Thiên. Giữa đói khổ, chật vật, hy sinh, người Quảng Bình vẫn vẹn nghĩa trọn tình “tất cả vì miền Nam thương yêu, vì Trị Thiên ruột thịt”.

“Xe chưa qua, nhà không tiếc...”

Võ Ninh (Quảng Ninh) từng là vị trí chiến lược quan trọng trên tuyến đường Bắc Nam những năm chống Mỹ. Bến phà Quán Hàu, bến phà 2 Trúc Ly và cầu Dinh Thủy-những địa điểm trọng yếu nằm trên địa bàn xã trở thành “túi bom” ác liệt của không quân Mỹ.

Bước vào tuổi 84, nhưng ông Hoàng Thường, nguyên là Chủ tịch UBND xã Võ Ninh vẫn luôn nhớ mãi những này tháng ác liệt ấy. Ông kể rằng, với tư tưởng chỉ đạo: “Xe chưa qua nhà không tiếc, đường chưa thông không tiếc máu, tiếc công”, nhân dân địa phương đã nêu cao tinh thần quyết tâm thông đường, thông xe bằng mọi giá để đưa hàng ra chiến trường. Hàng trăm hộ gia đình đã tự nguyện, xung phong dỡ nhà, lấp hố bom, lót đường chống lầy cho xe qua.

Từ tấm gương của Võ Ninh, khắp nơi trong toàn tỉnh đều dấy lên một không khí thi đua sôi nổi. Với khẩu hiệu “Mặt đường, mặt nước là chiến trường, tàu thuyền, phà xe là vũ khí”, nhân dân các xã có đường vận chuyển đi ngang qua đã cùng lực lượng giao thông làm ngày, làm đêm lấp hố bom, san mặt đường để thông xe, thông phà. Nhiều người dân đã từng đi qua thời bom đạn ác liệt ấy bồi hồi nhớ lại rằng đã có thời điểm, khắp nơi, nhà dân trở thành kho tàng, làng xóm trở thành bến bãi, đâu đâu cũng có tổ đội đảm bảo an toàn giao thông và tình nguyện làm công tác chi viện chiến trường, nổi tiếng như những cái tên Gianh, Quán Hàu, Cự Nẫm, Thanh Khê, Võ Xá, Mỹ Đức...

Xã Quảng Thuận nằm trên đường quốc lộ 1, ở vùng trọng điểm đánh phá của địch trên bờ Bắc phà Gianh, nhân dân ở đây cũng đã nhiều lần dỡ nhà, lấp hố bom thông đường cho xe qua. Bà con ở đây có câu: “Hết nhà ta lại phá tường/ Không để xe tắc và đường ta hư”. Nhân dân xã Hải Trạch, Đức Trạch (Bố Trạch) có trên 150 gia đình tình nguyện dỡ nhà lấy vật liệu san lấp hố bom hai bên đầu cầu Lý Hòa, thông đường giải phóng xe.

Với ý chí “Tim có thể ngừng đập nhưng mạch máu giao thông không thể tắc”, các lực lượng công binh, các chiến sĩ lái ca nô, thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến, phụ nữ, thiếu niên đã dũng cảm phá bom lấp hố sửa đường, đưa phà, chèo đò cho bộ đội qua sông dưới làn bom đạn của địch. Quân và dân Quảng Bình đã bám trụ kiên cường, vượt qua mọi gian khổ, hy sinh để bảo đảm mạch máu giao thông từ hậu phương ra tiền tuyến.

Trong cuốn hồi ký “Đường xuyên Trường Sơn” của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên có đoạn viết: “Hầu như mỗi người dân Quảng Bình là một dân công; trai gái đều là thanh niên xung phong. Nhà dân là doanh trại bộ đội, là “quân y xá”, là kho hàng. Mỗi chủ nhà là một thủ kho đầy bản lĩnh và phẩm chất trong sáng tuyệt vời. Trong khi cả gia đình, sắn khoai là chủ yếu trong bữa ăn hằng ngày, nhưng gạo của chiến trường không hề suy suyển một hạt...”

Và bằng chính “bản lĩnh và phẩm chất trong sáng tuyệt vời” ấy, người Quảng Bình đã kiên cường vượt qua khó khăn, băng qua lửa đạn để hăng hái sản xuất, chiến đấu, phục vụ chiến đấu, trở thành một hậu phương vững chắc cho miền Nam thương yêu và Trị Thiên ruột thịt.

Diệu Hương