.

Gắn kết phát triển du lịch và lễ hội văn hóa: Nhiều tiềm năng, ít cơ hội...

Thứ Sáu, 22/05/2015, 14:36 [GMT+7]

(QBĐT) - Theo thống kê sơ bộ của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, tỉnh ta hiện có hơn 50 lễ hội truyền thống dân gian, ngoại trừ một số lễ hội đã mai một, vẫn còn đó nhiều lễ hội văn hóa phi vật thể đặc sắc, phản ánh đậm nét phong tục tập quán, hồn cốt tinh thần của người dân đất Quảng Bình. Tuy nhiên, tiềm năng du lịch này vẫn đang còn bỏ ngỏ và chưa được khai phá một cách hiệu quả, thiết thực với quá ít cơ hội để quảng bá, phát triển. Khách du lịch trong nước và quốc tế vẫn mới biết đến Quảng Bình với hệ thống hang động kỳ vỹ, những điểm di tích lịch sử nổi tiếng hay ẩm thực biển phong phú, mà tạm thời bỏ quên những lễ hội văn hóa độc đáo, hấp dẫn.

 

Đến bao giờ những lễ hội độc đáo như đập trống của người Ma Coong mới được du khách thập phương biết đến rộng rãi?
Đến bao giờ những lễ hội độc đáo như đập trống của người Ma Coong mới được du khách thập phương biết đến rộng rãi?

Lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang của huyện Lệ Thủy diễn ra vào ngày Quốc khánh 2-9 hàng năm. Lễ hội là nét văn hóa đặc sắc của vùng quê chiêm trũng có nguồn gốc từ lễ hội cầu đảo của người xưa, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu, đời sống nhân dân no ấm an lành.

Sau này, lễ hội được tổ chức vào đúng ngày Quốc khánh, trở thành hoạt động mừng ngày tết độc lập của người dân Lệ Thủy nói riêng và người Quảng Bình nói chung. Với ý nghĩa sâu sắc đó, Lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống thu hút đông đảo bà con tham gia, nhất là những người Lệ Thủy xa quê cũng mong ngóng ngày về dự hội.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng rất quan tâm đến lễ hội của quê nhà và mặc dù khi tuổi đã cao, sức yếu, nhưng Đại tướng cũng đã từng tham dự lễ hội cùng bà con. Công ty TNHH TT&DL Netin đã nắm bắt được cơ hội “vàng” này để tổ chức các tour du lịch gắn kết với Lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống.

Anh Trần Xuân Cương, Giám đốc Công ty TNHH TT&DL Netin, Tổng thư ký Hiệp hội du lịch Quảng Bình cho biết, từ năm 2012, các tour liên kết với lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống Lệ Thủy được hình thành và thu hút một số lượng lớn du khách quan tâm. Trung bình mỗi năm, công ty nhận từ 3-4 đoàn, mỗi đoàn từ 30-40 du khách trong dịp này. Mỗi tour thường kéo dài trong vòng 2 ngày với những hoạt động chính, như: thăm quan nhà Đại tướng ở Lộc Thủy, xem đua, bơi thuyền, nghe hò khoan Lệ Thủy... Du khách vừa được trực tiếp hòa mình vào không khí tưng bừng, náo nhiệt của lễ hội, vừa có cơ hội tiếp cận những nét văn hóa đặc sắc của Lệ Thủy.

Điểm thuận lợi khi tổ chức tour gắn kết với Lễ hội đua, bơi thuyền Lệ Thủy, theo anh Trần Xuân Cương, chính là “thương hiệu” của lễ hội đã có từ trước, việc quảng bá, thông tin về lễ hội cũng khá rộng rãi, thêm vào đó, các hoạt động phong phú, đa dạng, hướng về nguồn cội và có điểm nhấn luôn thu hút sự quan tâm của khách du lịch.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, công ty vẫn cần nỗ lực để có nhiều đổi mới trong khâu tổ chức nhằm tăng thêm sức hấp dẫn với du khách, như: thay vì chỉ ngồi trên bờ xem đua, bơi thuyền, khách du lịch sẽ được trực tiếp đi theo các thuyền đua bơi; chú trọng nét độc đáo của ẩm thực Lệ Thủy; phong phú hóa các hình thức nghe hò khoan...

Lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang là tiềm năng du lịch của du lịch Lệ Thủy cần có sự khai thác hiệu quả.
Lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang là tiềm năng du lịch của du lịch Lệ Thủy cần có sự khai thác hiệu quả.

Theo chiến lược phát triển của công ty, nhiều lễ hội văn hóa khác sẽ được đưa vào lịch trình các tour, gồm: Lễ hội đập trống của người Ma Coong, Lễ hội Rằm tháng ba Minh Hóa, Lễ hội cầu ngư của người dân một số xã biển. Nhưng, do việc quảng bá thông tin về các lễ hội này còn gặp nhiều hạn chế, cho nên, số lượng khách biết và có nhu cầu tìm hiểu chưa cao, khó xây dựng tour hoàn chỉnh. Thêm nữa, tính đồng bộ, gắn kết giữa các hoạt động du lịch liên quan tại những địa điểm trên vẫn gặp không ít khó khăn.

Không phải là một lễ hội dân gian truyền thống, nhưng Tuần Văn hóa-Du lịch Đồng Hới là sự tổng hòa của nhiều loại hình lễ hội văn hóa văn nghệ dân gian kết hợp với hiện đại, mang đến diện mạo riêng cho TP.Đồng Hới trong những năm gần đây.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP.Đồng Hới cho hay, một trong những công tác được quan tâm nhất của Tuần Văn hóa-Du lịch chính là các hoạt động thông tin, tuyên truyền. Bên cạnh tuyên truyền qua panô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu, hộp đèn, báo chí, hệ thống truyền thanh xã, phường, thôn, tổ dân phố luôn được sử dụng với tần suất cao nhất. Điểm nhấn ấn tượng của Tuần Văn hóa-Du lịch Đồng Hới năm nay chính là Lễ hội ẩm thực “Hương quê Nhật Lệ” và Lễ hội diễu hành đường phố với sự tham gia của hơn 600 người.

Các gian hàng tham gia lễ hội ẩm thực được đề cao bởi tính đặc sắc về hương vị, ngon về cách chế biến, tươi về nguyên liệu, góp phần quảng bá bản sắc văn hóa ẩm thực của Đồng Hới đến với du khách gần xa. Điểm mới của lễ hội ẩm thực năm 2015 là việc xuất hiện các gian hàng đồ lưu niệm Quảng Bình và lồng ghép với hoạt động ra quân “Cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường biển”.

Lễ hội diễu hành đường phố năm nay tăng gấp đôi số lượng so với năm ngoái, do sự tham gia của các đơn vị xã hội hóa, như: nhà thiết kế Nhật Dũng với dàn người mẫu, á hậu nổi tiếng. Song song với đó, một số lễ hội dân gian truyền thống phản ánh đậm nét đời sống văn hóa người Đồng Hới xưa vẫn được duy trì, như: Lễ hội múa bông chèo cạn, Lễ hội cướp cù, Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ... Tất cả những cố gắng đó của Tuần Văn hóa-Du lịch Đồng Hới đã góp phần níu chân du khách, đưa Đồng Hới-Nhật Lệ đến gần hơn với bè bạn gần xa, phát huy thế mạnh từ chính những tiềm năng du lịch của mình.

Kết hợp nhiều lễ hội truyền thống và hiện đại, Tuần Văn hóa-Du lịch Đồng Hới là điểm đến hấp dẫn nhiều du khách.
Kết hợp nhiều lễ hội truyền thống và hiện đại, Tuần Văn hóa-Du lịch Đồng Hới là điểm đến hấp dẫn nhiều du khách.

Như vậy, thay vì chỉ tổ chức đơn lẻ, rời rạc từng lễ hội dân gian, việc tạo kết nối xâu chuỗi các lễ hội, kết hợp hiệu quả giữa nét truyền thống và hiện đại như Tuần Văn hóa-Du lịch Đồng Hới, cũng đã mang đến những điểm nhấn ấn tượng, thu hút khách du lịch. Theo bà Nguyễn Thị Hồng, cái khó để nâng tầm hơn nữa Tuần Văn hóa-Du lịch Đồng Hới chính là nguồn kinh phí huy động từ xã hội hóa vẫn chưa nhiều. Không ít đơn vị, doanh nghiệp xem đây là việc riêng của TP. Đồng Hới để rồi thiếu sự quan tâm, chia sẻ và chưa biến sự kiện này thành một cơ hội tốt để cùng thành phố phát triển, quảng bá du lịch.

Anh Trần Xuân Cương, Giám đốc Công ty TNHH TT&DL Netin, Tổng thư ký Hiệp hội du lịch Quảng Bình khẳng định, phía hiệp hội luôn xem các lễ hội văn hóa như một sản phẩm du lịch đầy tiềm năng, xứng tầm với các thế mạnh khác của tỉnh nhà, như: kỳ quan hang động hay ẩm thực, di tích lịch sử. Cái khó là phải làm sao khai thác hiệu quả, có hệ thống tiềm năng này.

Trước mắt, khâu tuyên truyền quảng bá sẽ được chú trọng để vừa thu hút sự quan tâm của du khách gần xa, vừa tranh thủ được nguồn kinh phí xã hội hóa. Kế hoạch sắp tới của Hiệp hội du lịch Quảng Bình là sẽ xây dựng một câu lạc bộ báo chí chuyên viết về du lịch, tập hợp đội ngũ những người làm báo trong tỉnh và các cơ quan thường trú báo chí tại địa phương. Nỗ lực của câu lạc bộ báo chí sẽ là tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm về các sự kiện liên quan đến du lịch Quảng Bình, đồng thời, tăng cường sự kết nối giữa các cơ quan báo chí và các đơn vị làm du lịch.

Bên cạnh đó, phía các đơn vị kinh doanh du lịch cần mạnh dạn chủ động khai phá các tour mới liên quan đến lễ hội văn hóa, hướng đến không chỉ khách trong nước mà còn cả du khách quốc tế, bởi suy cho cùng, nếu không có “người tiên phong”, vẫn duy trì tâm lý đợi chờ hỗ trợ, thì sẽ bỏ lỡ nhiều thời cơ để gắn kết giữa du lịch-lễ hội trong bối cảnh Quảng Bình đang ngày càng có tiếng tăm trên bản đồ du lịch khu vực và thế giới.   

Mai Nhân