.

Những bước chân không mỏi...

Chủ Nhật, 05/07/2015, 14:30 [GMT+7]

(QBĐT) - Có một điểm chung của những người lính biên phòng mà chúng tôi được tiếp xúc là họ đi rừng rất giỏi. Giữa điệp trùng núi đá vôi với từng vách đá dựng đứng cao hàng trăm mét, những con đường mòn len lỏi giữa ngút ngàn rừng già mờ sương dọc tuyến biên giới Việt-Lào luôn có dấu chân của họ. Dẫu ngày hay đêm, mưa rét hay nắng cháy, bước chân tuần tra lặng thầm của những chiến sỹ mang quân hàm xanh vẫn miệt mài băng rừng, lội suối, bảo vệ từng tấc đất phên dậu thiêng liêng của Tổ quốc...

Cán bộ, chiến sỹ BĐBP tỉnh trên cột mốc số 530.
Cán bộ, chiến sỹ BĐBP tỉnh trên cột mốc số 530.

Một ngày đầu hạ, chúng tôi có dịp đến công tác tại Đồn Biên phòng Cà Xèng, đứng chân trên địa bàn xã Thượng Hóa (Minh Hóa) được nghe kể về những kỷ niệm riêng có từ mỗi chuyến tuần tra đường biên, cột mốc của cán bộ, chiến sỹ nơi đây. Khác hẳn với cái nóng ngột ngạt của tiết trời hè, khi màn đêm buông xuống, khí lạnh tỏa ra từ điệp trùng núi đá vôi khiến nhiệt độ nơi đây xuống thấp, lạnh cóng. Mới 7 giờ tối nhưng tất cả chúng tôi đều phải mặc áo ấm, những bóng đèn đêm trong khuôn viên doanh trại tỏa ánh sáng yếu ớt trong màn sương mù bao phủ dày đặc.

Nhấp ngụm nước chè xanh ấm nóng, Thượng tá Bùi Văn Tiến, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cà Xèng mở đầu câu chuyện bằng một câu nói chắc nịch: “Tuần tra đường biên, cột mốc là nhiệm vụ hết sức vinh quang của cán bộ, chiến sỹ biên phòng, nhưng cũng rất đỗi nhọc nhằn...”

Địa bàn quản lý của Đồn Biên phòng Cà Xèng thuộc các xã Thượng Hóa và Hóa Sơn của huyện miền núi rẻo cao Minh Hóa có đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào dài 31,5km với 7 cột mốc (từ cột mốc số 530 đến số 536). Để thực hiện tốt công tác bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, một trong những nhiệm vụ có ý nghĩa hết sức quan trọng là tuần tra, bảo vệ đường biên và hệ thống cột mốc này.

Đồn trưởng Tiến tâm sự: Trước mỗi chuyến tuần tra, tổ tuần tra phải chuẩn bị đầy đủ phương tiện, lương thực, thực phẩm cần thiết cho khoảng thời gian vài ngày. Ngoài gạo, đồ ăn thức uống thì vật dụng không thể thiếu là xà-cạp (loại tất dày, dài, dùng đeo vào chân-PV) để chống vắt, sên và thuốc cảm cúm, thuốc chống viêm loét do cành cây, đá xước vào chân, tay. Theo quy định, ít nhất một tháng cán bộ chiến sỹ bộ đội biên phòng phải thực hiện một chuyến tuần tra đến các cột mốc trên địa bàn đơn vị mình quản lý một lần.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất mà thượng tá Bùi Văn Tiến vẫn còn nhớ như in đó là lần bị lạc trên đường tuần tra cột mốc cách đây hơn 20 năm về trước. Ngày ấy, khi mới tốt nghiệp Trường Sỹ quan Biên phòng, anh được phân công công tác tại Đồn Biên phòng Cà Roòng với cương vị đội trưởng vũ trang. Trong một lần cùng các đồng đội thực hiện chuyến tuần tra cột mốc, dù sức trẻ dồi dào nhưng anh vẫn chưa quen với những chuyến băng rừng, lội suối vốn đòi hỏi sự dẻo dai nên bước chân cứ chậm lại. Thoáng chốc, bóng dáng đồng đội đã mất hút dưới tán rừng già phía trước.

Dẫu khoảng cách chưa xa nhưng anh vẫn không thể tiếp cận các đồng đội do địa hình dày đặc khe suối và cheo leo những vách đá dựng đứng. Bản lĩnh của một người lính biên phòng đã giúp anh đứng vững trong từng bước chân đi, dẫu đôi lúc vẫn không tránh khỏi cảm giác rợn người bởi những âm thanh “lạ” phát ra đâu đó từ các vách đá, trên từng tán lá xanh dày đến mức ánh sáng mặt trời cũng chẳng thể lọt qua. Mãi sau này anh mới biết đó là tiếng hú gọi bầy của muông thú; tiếng gió rít qua từng hốc đá núi tạo âm thanh u trầm, bí hiểm. Phải mất nhiều giờ được sự hỗ trợ, dẫn đường của các đồng đội, anh đã nhập đoàn và tiếp tục nhằm thẳng hướng cột mốc cần tiếp cận...

Kinh nghiệm của những người lính biên phòng khi tham gia tuần tra cột mốc trên dọc tuyến biên giới Việt-Lào là phải có hộp sơn mang theo để đánh dấu đường đi. Mà phải là loại sơn màu đỏ mới có thể dễ dàng phân biệt với ngút ngàn xanh màu lá cây rừng. Ở mỗi khúc đường cua, các chiến sỹ phải vẽ mũi tên chỉ dẫn vào vách đá ở nơi dễ quan sát nhất. Chiến sỹ Bùi Văn Tám, quê xã Kim Hóa (Tuyên Hóa) sau khi nhập ngũ được biên chế vào đội hậu cần bảo đảm Đồn Biên phòng Cà Xèng chia sẻ: Tháng 9-2014, khi tham gia tổ tuần tra các cột mốc trên tuyến biên giới do Đồn quản lý, anh đã có một kỷ niệm “nhớ đời”.

Dẫu là lần đầu tham gia nhưng anh vẫn đề xuất với lãnh đạo Đồn để được đến với cột mốc xa nhất, khó đi nhất-mốc số 536. Khoác lên mình chiếc ba lô nặng gần 40kg với những vật dụng cần thiết như gạo, đồ ăn, nước uống, tăng võng... những bước chân đầu tiên của chiến sỹ Bùi Văn Tám hết sức tự tin rời đơn vị khi mặt trời còn chưa ló dạng phía đằng đông. Ngày thứ nhất..., ngày thứ hai... Muôn trùng rừng núi được chinh phục bởi đôi chân rắn chắc, dẻo dai của anh và các đồng đội.

Phút nghỉ chân của chiến sỹ BĐBP tỉnh trên đường tuần tra biên giới.
Phút nghỉ chân của chiến sỹ BĐBP tỉnh trên đường tuần tra biên giới.

Sang đến ngày thứ ba của chuyến tuần tra, sau khi vượt qua vô số suối khe, những vách đá núi hiển hiện trước mắt anh như cao hơn, từng con dốc như dài hơn, bước chân anh đã không còn tự tin nữa... “Ngày đầu tiên còn có khe suối để lấy nước, tắm rửa, hai ngày đường tiếp theo phải đi bằng cả hai tay kết hợp hai chân bởi trước mặt luôn là những vách đá cao chót vót cần vượt qua. Vắt, sên thì vô số kể. Lượng nước dự trữ trong 4 can nhựa chỉ đủ cho việc ăn uống, việc tắm rửa đã trở thành “xa xỉ”.

Gặp lúc trời mưa, vắt, sên như “nở” ra từ các lùm cây, lúc nhúc. Tăng võng ướt sũng nước nên đêm đến chẳng thể ngủ được”. – Bùi Văn Tám tâm sự. Phải mất 6 ngày cả đi và về, chiến sỹ Tám cùng các đồng đội mới có thể tiếp cận cột mốc số 536 lúc ẩn, lúc hiện giữa trời mây chót vót trên biên cương.

Có một chi tiết đáng nói và luôn luôn có chung của những người lính biên phòng tuần tra đường biên, cột mốc quốc giới trên dọc tuyến biên giới Việt-Lào là họ thường phải ăn cơm sống. Không phải giữa rừng chẳng thể kiếm được củi đun, cũng chẳng vì mưa ướt. Với chiến sỹ Trần Phi Hùng ở đội vũ trang của Đồn Biên phòng Cà Xèng, việc phải cùng đồng đội ăn cơm sống đã thành quen.

Anh tâm sự: “Hầu hết quãng đường cần vượt qua trong chuyến tuần tra là các vách đá núi dựng đứng. Anh em phải dùng dây rừng kết lại, buộc chặt vào cành cây rồi leo lên, sau lưng là ba lô chật ních những soong nồi, rựa, và nhiều vật dụng cần thiết nên hễ va chạm vào vách đá là méo mó, can nhựa thì vỡ. Đến khi dừng chân để nấu cơm, dù ai cũng cố gắng làm “thợ gò, hàn”, nhưng chẳng thể làm khít nồi với nắp đậy. Gặp lúc trời mưa, củi ướt nên cơm sống hiển nhiên thành “đặc sản”-thứ đặc sản chỉ có trên muôn trùng núi cao, và có lẽ chỉ cán bộ, chiến sỹ biên phòng mới được nếm trải”. 

Bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia là nhiệm vụ hết sức vinh quang của những người lính biên phòng. Dẫu ngày hay đêm, mưa rét hay nắng cháy, bước chân tuần tra lặng thầm của những chiến sỹ mang quân hàm xanh vẫn miệt mài băng rừng, lội suối, bảo vệ từng tấc đất phên dậu thiêng liêng của Tổ quốc...

Nguyễn Hoàng