.

Khi cây lúa nước về với Ka Ai

Thứ Sáu, 17/07/2015, 13:52 [GMT+7]

(QBĐT) - Cách đây 5 năm, tôi đã đến bản Ka Ai theo một đoàn tình nguyện. Ngày đó, đồng bào nơi đây còn quá nghèo nàn và lạc hậu. Đường về bản làng còn rất khó khăn, mùa mưa đến thì lầy lội và thường bị chia cắt, cô lập... Nhưng thực trạng đó đang dần lùi xa, Ka Ai giờ đã sạch đẹp hơn, đường bê tông và nước sinh hoạt đã về tới bản. Đặc biệt, với sự giúp đỡ của Bộ đội Biên phòng (BĐBP), người Ka Ai đã biết trồng lúa nước. Và cây lúa nước đang từng ngày làm thay đổi cuộc sống của bà con nơi đây.

BĐBP cùng dân bản chuẩn bị cho vụ mùa mới.
BĐBP cùng dân bản chuẩn bị cho vụ mùa mới.

Bản Ka Ai, xã Dân Hóa (Minh Hóa) có 76 hộ dân, 348 khẩu. Đồng bào ở đây chủ yếu là người Mày sống dưới những chân núi đá vôi hùng vỹ. Trước đây, đời sống của bà con vô cùng khó khăn vì thiếu nước sinh hoạt, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh. Khi mùa mưa đến, bản làng bị chia cắt với những vùng khác. Còn đời sống của bà con chủ yếu dựa vào săn bắt, hái lượm, đốt rừng làm rẫy và luôn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước...

Hiểu được nỗi khổ của bà con bản Ka Ai, năm 2011, BĐBP tỉnh đã quyết định làm thí điểm mô hình lúa nước với diện tích 100m2. Ngay trong vụ đầu tiên, lúa đã cho năng suất cao (đạt 4 tấn/ha). Căn cứ vào kết quả đó, Đảng ủy, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng mô hình phát triển kinh tế - xã hội, giúp dân bản Ka Ai vươn lên. Chủ trương hợp với lòng dân, tỉnh đã quyết định đầu tư trên 6,3 tỷ đồng để xây dựng hệ thống thủy lợi dẫn nước sinh hoạt về phục vụ cho bản Ka Vàng và Ka Ai. Tại Ka Ai, BĐBP đã làm một mô hình lúa nước với diện tích 5ha.

Ngày mới sơ khai, các chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo đã tích cực tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền...  thống nhất chủ trương, nội dung, biện pháp chỉ đạo, triển khai; tuyên truyền, vận động dân bản tham gia lao động, di dời 6 ngôi mộ và chặt nhiều loại cây trồng để lấy mặt bằng thực hiện dự án.

Niềm vui của người dân Ka Ai khi được ăn gạo lúa nước.
Niềm vui của người dân Ka Ai khi được ăn gạo lúa nước.

Thượng úy Nguyễn Khánh Toàn, Đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo nhớ lại: “Lúc đó, công tác vận động bà con trồng lúa nước gặp rất nhiều khó khăn. Bởi đồng bào nơi đây quen với cây lúa rẫy, săn bắt và hái lượm nên không chịu đi làm. Vì vậy, chúng tôi đã phối hợp với xã đến tại nhà cùng ăn, cùng ở vận động rất lâu bà con mới chịu theo bộ đội làm lúa nước”. Sau một thời gian triển khai xây dựng mô hình, bộ đội và dân bản đã làm xong 5ha đất trồng lúa. Trong đó, ruộng được chia làm nhiều thửa khác nhau, có đê bao, bờ kè, hệ thống kênh mương, hàng rào và hồ chứa nước...

Bắt tay vào gieo trồng, Đồn Biên phòng đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện để được hỗ trợ giống lúa, kỹ thuật, lịch gieo trồng; đầu tư mua máy cày, máy tuốt, xây dựng nhà kho và nhiều nông cụ sản xuất khác. Chính những chiến sỹ BĐBP đã trực tiếp góp 1.352 ngày công lao động. Những ngày trên cánh đồng, bộ đội luôn là người điều khiển các loại máy móc và những khâu như: ủ giống, xuống giống, ủ phân. Ngoài ra, các anh còn trực tiếp cầm tay chỉ việc tận tình cho từng người dân, hướng dẫn họ biết cuốc, gieo, làm cỏ và gặt lúa...

Ông Hồ Teo cười bảo: “Bà con cầm rạ đi phát - đốt - cốt - trỉa thì quen chứ cầm cuốc, cầm liềm làm lúa nghe cứng tay lắm. Lúc đó, nhiều người định bỏ về lên rẫy trồng sắn, trồng ngô nhưng được bộ đội tận tình chỉ bảo rồi quen dần. Chừ miềng cuốc, gieo, gặt thành thạo rồi và đang nhờ bộ đội dạy cách lái máy cày, vận hành máy tuốt nữa”.

Công trình thủy lợi dẫn nước về cánh đồng Ka Ai.
Công trình thủy lợi dẫn nước về cánh đồng Ka Ai.

Đến thời điểm này, người dân Ka Ai đã trải qua 2 mùa thu hoạch lúa nước. Vụ mùa đầu tiên đạt sản lượng 14 tấn, vụ thứ hai đạt 17 tấn. Từ khi trồng lúa nước, đời sống của dân bản ngày càng đổi thay. Chị Hồ Thị Khăng tâm sự: “Làm lúa nước đỡ vất vả hơn lúa rẫy, năng suất và hiệu quả lại cao hơn rất nhiều”. Trước đây, gia đình chị Khăng làm 2 đến 3 rẫy/ vụ. Nếu thời tiết thuận lợi cũng được khoảng tạ thóc, nhưng có vụ thì trắng tay do mưa gió và dịch bệnh thất thường. Hai vụ lúa vừa rồi, gia đình chị tham gia sản xuất thường xuyên nên cũng đạt được hàng trăm công, sản lượng lúa thu về trên 7 tạ/vụ. Số lúa đó cũng đủ cho 7 khẩu nhà chị ăn.

Chị Hồ Thị Lài, một người dân trong bản phấn khởi: “Nhờ trồng lúa nước mà đời sống gia đình miềng không lo thiếu ăn nữa. Cái chân, cái tay lội ruộng, cầm cuốc, cầm liềm đã quen rồi, chừ không thấy mỏi nữa”. Thiếu tá Ngô Anh Tuấn, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo cho biết: “Những ngày đầu làm lúa nước bà con còn bỡ ngỡ, nhưng giờ họ đã quen rồi. Tay cuốc, tay liềm của họ trở nên thuần thục, những luống cấy đã thẳng hàng hơn. Nhờ có được công trình lúa nước nên bộ đội chúng tôi cũng bớt lo cho bà con, nhất là vấn đề an ninh lương thực trong mùa mưa lũ”.

Từ khi có lúa nước, bữa cơm của dân bản Ka Ai đã no hơn, đời sống của họ ngày càng khởi sắc. Trưởng bản Hồ Xuân Xiêm cười vui vẻ: “Cảm ơn Đảng, ơn Nhà nước và BĐBP đã giúp đỡ dân bản làm nhà, xây trạm y tế, công trình nước sạch và lúa nước. Chừ đời sống dân bản đã khác rồi, không lo thiếu ăn nữa, bà con cũng đã biết vệ sinh môi trường bằng cách gom phân súc vật lại làm phân xanh, làm chuồng trại, hàng rào để chăn nuôi nên các loại dịch bệnh được hạn chế”.

Dù vẫn còn nhiều khó khăn phía trước nhưng từ khi trồng lúa nước, cuộc sống của bà con bản Ka Ai đã đổi thay rất nhiều, đồng bào nơi đây ngày càng tin vào Đảng, chính quyền và những người lính mang quân hàm xanh.

P.V