Giữ chút ấm mùa đông

Cập nhật lúc 07:22, Thứ Năm, 13/12/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Trước lúc chia tay  thầy trò Trường tiểu học và trung học cơ sở (TH và THCS) số 2 Kim Thủy để về xuôi, một cô bé Vân Kiều trao cho tôi bức thư em viết trên trang giấy trắng học trò. Những dòng chữ tròn trịa, đều tăm tắp... đẹp lắm, như tấm lòng dung dị, trong sáng của em. Em viết "Những chiếc áo ấm áp, xinh đẹp, quà từ thủ đô mà chúng em nhận, em cũng như tất cả các bạn chưa được thử lần nào. Có lẽ với các bạn đồng bằng thì nó thật bình thường nhưng với chúng em nó là cả niềm vui, cả niềm hạnh phúc...".

1. Trường TH và THCS số 2 Kim Thủy đứng chân tại Làng Ho, một trong những địa danh nổi tiếng thuộc hệ thống đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Được chia tách từ Trường TH và THCS Kim Thủy tháng 9- 2010, hiện tại trường có 23 cán bộ, giáo viên và 157 học sinh, gồm 9 lớp TH, 2 lớp THCS, học sinh toàn bộ là người Vân Kiều đến từ các bản: Trung đoàn, Rum, Mít, Khe Cát...

Nhớ lại hồi tháng 5- 2012, khi lần đầu tiên tôi đặt chân đến với Làng Ho, đến với Trường TH và THCS số 2 Kim Thủy, thấy cơ ngơi của trường vừa mới đưa vào sử dụng khá khang trang, nói vui với thầy giáo hiệu trưởng Nguyễn Xuân Sửu: "Từ đây, thầy và trò thôi hết khó, hết khổ rồi nghe!". Thầy Sửu cười, nụ cười chẳng thấy vui chút nào: "Rứa thì nhà báo nhầm to. Thôi, trăm nghe không bằng mắt thấy, ở lại với trường chút thời gian sẽ cảm nhận cái khó, cái khổ ngay thôi mà".

Sáng, khi sương trắng còn phủ kín trên những triền núi cao, đã thấy học sinh lác đác đến trường. Mặt trời lên quá một ngọn sào, các em từ các bản xa lần lượt có mặt. Lạ! Học sinh Vân Kiều đi học, em nào cũng giống em nào: tóc cháy khét mùi nắng gió đại ngàn; không mũ đội đầu, tay tung tẩy nắm cơm đựng trong túi nilon... và rất nhiều đứa trẻ chân trần, đi bộ năm sáu cây số tìm chữ.

Trưa, khi hồi trống trường báo hiệu kết thúc buổi học, những đứa trẻ Vân Kiều túa ra sân trường. Các em rủ nhau nhóm năm, nhóm ba "góp cơm ăn chung". Cơm trắng đựng trong túi nilon, một chút muối trắng, thế là thành bữa. Em nào có thêm con cá kho, xem như sang lắm. Nhiều em không có cơm, được bạn bè san sẻ, cũng ấm lòng. Bọn trẻ ăn cơm giống nhau, chỉ một kiểu: dùng tay bốc. Bữa cơm trưa thiếu thốn, đạm bạc nhưng tôi thấy ánh mắt trẻ trong veo, hồn nhiên... và có một chút gì đó cam chịu. Ăn xong, bọn trẻ xuống con suối phía dưới trường giặt sạch những chiếc túi nilon để ngày mai tiếp tục nắm cơm.

Nụ cười rạng ngời của những học sinh Vân Kiều xã Kim Thủy (Lệ Thủy).
Nụ cười rạng ngời của những học sinh Vân Kiều xã Kim Thủy (Lệ Thủy).

Đêm tháng năm, gió Lào hun hút thổi. Cô thầy "cắm" tại trường dạy học đều dưới xuôi lên. Ánh sáng leo lét từ những ngọn đèn dầu không làm dịu đi cái nóng đêm hè. Bữa cơm tối đãi khách vội vàng. Những cô giáo có con mọn giăng võng ra phía trước dãy nhà nội trú, giúp con trốn nóng. Tiếng trẻ khóc nao nao lòng người. Đêm, thầy giáo Đỗ Đức Thuần, quê ở xã Mỹ Thủy bộc bạch: "Thấy khổ chưa anh? Học trò khổ, thầy cô khổ... Nhưng tựu trung lại thành một chữ "quen". Người cũ động viên người mới cố gắng vì sự nghiệp trồng người nơi vùng sâu, vùng xa này. Học sinh Vân Kiều đến trường chăm ngoan, học giỏi là thầy cô hạnh phúc, được an ủi rất nhiều".

2. Tôi về xuôi, trĩu nặng trong tâm những gì ghi nhận nơi Làng Ho, nơi Trường TH và THCS số 2 Kim Thủy. Làm gì giúp cho trẻ Vân Kiều Làng Ho, bản Mít, bản Rum, bản Khe Cát... chút ấm khi mùa đông gần kề?

Thầy giáo hiệu trưởng Nguyễn Xuân Sửu vào một ngày đầu đông đi xe máy ngược theo đường Hồ Chí Minh nhánh tây gần chục cây số ra bản Xà Khía, xã Lâm Thủy, nơi đó mới có sóng điện thoại gọi về cho tôi: "Em lên, có chút quà gì đó động viên học trò của thầy. Mùa đông đến rồi, trên này, trẻ Vân Kiều không có áo ấm đâu em".

Cũng tình cờ, thông tin chuyến đi của tôi cùng CLB PVN lên Làng Ho đến được với nhà báo Thiên Nga, công tác tại Đài tiếng nói Việt Nam, người có mối "lương duyên" với CLB PVN và trẻ em vùng sâu vùng xa tại Quảng Bình. Từ Hà Nội, chị Thiên Nga điện vào thông báo: "Đã lo đủ áo ấm cho học sinh Trường TH và THCS số 2 Kim Thủy, ngoài ra mỗi em còn có thêm 3 cân gạo nữa. Đây là quà của thầy và trò hai trường THCS Đoàn Kết và THCS Lê Ngọc Hân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội gửi tặng".

Một ngày cuối tháng 11, theo tuyến đường 10 lịch sử, chúng tôi đến Làng Ho, đến với Trường TH và THCS số 2 Kim Thủy, mang theo tình cảm của các em học sinh thủ đô, học sinh Quảng Bình lên với học sinh Vân Kiều; mang chút ấm miền xuôi lên giữa đại ngàn Trường Sơn.

3. Hai anh em ruột Hồ Văn Sức (lớp 7), Hồ Văn Mạnh (lớp 5) con bố Hồ Vàng tại bản Rum cách trường 6 cây số, sáng hôm nay dậy sớm, chúng động viên nhau nhanh nhanh đến trường. "Hôm qua, thầy giáo nói sáng nay có khách dưới xuôi lên cho quà, cả đêm không ngủ được, mong trời sáng mau- Hồ Văn Sức rụt rè kể- Cháu cùng các bạn thấy mấy anh chị học sinh đồng bằng hát hay, lại bày cho nhiều trò chơi mới lạ, vui lắm!". Hồ Văn Mạnh tay nâng niu chiếc áo ấm bên anh trai, bảo: "Lần đầu tiên cháu mới biết đến áo ấm".

Trong bức thư trên trang giấy trắng học trò, từng con chữ nét đẹp như mẫu, em Hồ Thị Mạnh (học sinh lớp 5) viết: "Những chiếc áo ấm áp, xinh đẹp, quà từ thủ đô mà chúng em nhận, em cũng như tất cả các bạn chưa được thử lần nào. Có lẽ với các bạn đồng bằng thì nó thật bình thường nhưng với chúng em nó là cả niềm vui, cả niềm hạnh phúc.

Hằng ngày, chúng em đến trường rất vất vả, có những bạn phải đi bộ bốn, năm cây số mới đến được trường. Trời nắng chang chang, đầu không đội mũ, chân không đi dép. Trời mưa thì chỉ manh áo mỏng, có những lúc quần áo ướt, chúng em phải nghỉ học nhiều ngày... Tấm lòng của các thầy cô giáo, các bạn miền xuôi đã chắp cánh thêm niềm tin để chúng em vượt qua khó khăn, tiếp thêm hy vọng cho chúng em những ngày đến trường".

Các thành viên trong CLB PVN, Nhà Thiếu nhi Quảng Bình và nhà báo Thiên Nga cùng các anh chị phụ trách trực tiếp trao gạo, áo ấm, đèn, dầu hỏa cho học sinh Vân Kiều Trường TH và THCS số 2 Kim Thủy. Một tấm áo được trao là cả một tấm lòng gửi lại. Mai Trinh- "phóng viên nhí" đảm nhận chương trình giao lưu xúc động: "Em đã có 5 chuyến đến với các bạn thiếu nhi vùng cao các huyện Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh... nhưng chuyến đi này để lại trong em những ấn tượng rất mạnh, không thể nào quên. Các bạn học sinh Vân Kiều đến trường thiếu thốn nhiều quá, từ áo quần, sách vở, đồ dùng học tập đến bữa cơm trưa hàng ngày... Ước gì chúng em giúp đỡ nhiều hơn thế nữa cho các bạn ấy".

Một chuyến đi với nhiều câu chuyện cảm động... Xa Làng Ho, xa thầy trò Trường TH và THCS số 2 Kim Thủy rồi mà vẫn thấy ấm lòng. Mùa đông đã đến khắp đại ngàn Trường Sơn  rồi đó. Mùa đông này, những đứa trẻ Vân Kiều Làng Ho sẽ thôi không còn lạnh.

                                                                      Thanh Long - Ngọc Hải












 

,
.
.
.