Chuyện những người vác tù và... - Bài cuối: Cán bộ Mặt trận phải gần dân

Cập nhật lúc 07:38, Thứ Ba, 23/10/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Ông Hoàng Văn Minh, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Bố Trạch biết tôi đang tìm hiểu về những người "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng" liền giới thiệu: "Hay em về xã Đại Trạch, hỏi chị Sanh Mặt trận, chắc chắn ở đây dân ai cũng biết. Một địa chỉ đỏ đó em!".

>> Bài 2: Cơm nhà... việc bản

>> Bài 1: Ông "ham công tiếc việc"

Xã Đại Trạch có 2.323 hộ, 9.256 khẩu sinh sống tại 8 khu dân cư. Trên địa bàn xã có tuyến đường quốc lộ 1A và đường sắt bắc- nam đi qua. Hệ thống giao thông nông thôn gồm 9 km đường tỉnh lộ, 15km đường liên xã, 27km đường liên thôn và 70,5km đường ngõ, xóm. Là một xã thuần nông, lao động nông nghiệp chiếm 65% dân số.

Ngoài ra kinh tế gò đồi, nuôi trồng thủy sản, kinh tế trang trại, kinh doanh dịch vụ tại chợ Bắc Dinh... góp một phần không nhỏ trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của Đại Trạch. Đặc điểm tự nhiên và xã hội tạo cho Đại Trạch những điều kiện đặc thù trong thực hiện hai phong trào lớn hiện nay là phong trào thi đua "Chung tay xây dựng nông thôn mới" và cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư".

Về Đại Trạch trong những ngày xã đang thực hiện chương trình "Thắp sáng đường quê", một trong những nội dung của phong trào "Chung sức xây dựng nông thôn mới" do Đoàn thanh niên chủ trì, trong đó có một phần đóng góp không nhỏ của UBMTTQ xã. Kết quả thu được rất khả quan, 8 thôn lắp đặt được 8 km đường với 79 bóng đèn, tổng số tiền gần 200 triệu đồng. Tôi gặp chị Lê Thị Sanh, Chủ tịch UBMTTQ xã trong thời gian này khi chị đang cùng lãnh đạo xã bám dân, bám địa bàn động viên phong trào.

Chị sinh năm 1959, nhưng nhìn trẻ hơn so với độ tuổi 53 của mình. "Tròn 10 năm chị tham gia công tác mặt trận rồi đó em" - chị bảo - "Khối Mặt trận xã Đại Trạch có đến 16 tổ chức thành viên, 38 ủy viên ủy ban Mặt trận. 10 năm lăn lộn với phong trào, chị rút ra được một điều: làm cán bộ Mặt trận là phải gần dân, sát dân, nắm bắt kịp thời những tâm tư nguyện vọng cũng như những bức xúc của dân để giải quyết kịp thời

Chị Lê Thị Sanh bên cháu Trần Nguyên Sơn bị tật nguyền.
Chị Lê Thị Sanh bên cháu Trần Nguyên Sơn bị tật nguyền.

từ dưới cơ sở".

Sinh ra trong một gia đình nghèo, bố mất sớm, người mẹ hay đau ốm vẫn tảo tần sớm hôm nuôi mấy chị em lớn khôn. Hơn ai hết chị Sanh hiểu được những khó khăn của những hộ nghèo trong xã. Khi có phong trào xây dựng nhà đại đoàn kết, ngoài số vốn hỗ trợ từ phía Nhà nước, chị Sanh cùng các thành viên trong khối Mặt trận cùng nhau vận động đóng góp từ dân, từ các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Mục đích cuối cùng, những ngôi nhà đại đoàn kết xây nên phải kiên cố, khang trang...

Từ năm 2004 đến nay, toàn xã Đại Trạch đã làm được 56 ngôi nhà đại đoàn kết. Riêng cá nhân chị Lê Thị Sanh viết thư kêu gọi gửi cho Nhà máy thuốc lá Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh), Công ty Cao su Việt Trung, Công ty 1- 5... Từ đó các doanh nghiệp này giúp cho xã Đại Trạch làm thêm 10 nhà đại đoàn kết.

Ở xã Đại Trạch mô hình "Nhóm nòng cốt" tại 8 khu dân cư được đánh giá là một mô hình hay bên cạnh Ban công tác Mặt trận, được hình thành từ trong phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" và phát huy có hiệu quả vai trò của mình khi thực hiện phong trào "Chung tay xây dựng nông thôn mới".

Chị Lê Thị Sanh kể: "Bằng cách thức tuyên truyền miệng, "Nhóm nòng cốt", Ban công tác Mặt trận tổ chức họp dân, quán triệt cho nhân dân hiểu: Vì sao phải xây dựng nông thôn mới; nông thôn mới là gì? Ai làm, ai xây dựng nông thôn mới? Làm gì để xây dựng nông thôn mới? Xây dựng nông thôn mới như thế nào? Ai là người được hưởng lợi?... Trên cơ sở trả lời những vấn đề đó, chúng tôi  nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân. Có thế, nên qua một năm triển khai, Đại Trạch đã đạt 12 trong tổng số 19 tiêu chí về nông thôn mới".

Chị gần gũi với dân, được nhân dân tin tưởng, đó là hạnh phúc nhất của cuộc đời chị bên cạnh hạnh phúc gia đình riêng tư. Có một lần tôi tình cờ gặp chị Lê Thị Sanh tại nhà cháu Nguyễn Khánh Phi, sinh năm 1988, bị bệnh bại não, con vợ chồng anh chị Nguyễn Mậu Tuấn, Nguyễn Thị Mai tại thôn Phúc Tự Đông. Chị Sanh tâm sự: "Cháu Phi bị bại não, chỉ nằm một chỗ, gia cảnh rất thương tâm. Mình không giúp đỡ được vật chất thì thỉnh thoảng đến thăm cháu, động viên tinh thần bố mẹ của cháu. Con cái bị như thế, ai mà chẳng xót cho được".

Lần khác, chị đưa tôi đến thăm gia đình anh Trần Văn Trà cũng ở thôn Phúc Tự Đông, có con  trai Trần Nguyên Sơn, tàn tật, nằm liệt giường. Dạo đó gần Tết Trung thu, chị trao cho cháu Sơn một chút quà nho nhỏ của riêng cá nhân mình gọi là... Anh Trà kể: "O Sanh rứa đó anh! Rất đồng cảm với những cảnh đời bất hạnh. Công tác xa thì thôi, nếu có việc gần nhà, o hay ghé vô thăm cháu, thăm gia đình".

"Chị mãi lo công tác xã hội, còn việc gia đình ai chăm?"- Tôi hỏi. "Ông xã của chị!"- Chị chia sẻ- "Anh công tác trong ngành Giáo dục đến 42 năm, nay đã nghỉ hưu. Vợ chồng có hai con đều trưởng thành, nên gánh nặng gia đình cũng vơi đi phần nào. Anh thương chị, luôn động viên chị cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Còn việc gia đình anh cáng đáng hết".

"Sau sự thành công của người đàn ông có bóng dáng của người phụ nữ. Nhưng với chị thì ngược lại: sau sự thành công của người phụ nữ có bóng dáng của người đàn ông"- Tôi trêu chị trước khi chia tay và nhận được từ người phụ nữ mẫu mực này một nụ cười phúc hậu.

                                                                     Ngô Thanh Long



 

,
.
.
.