Chuyện những người vác tù và... - Bài 2: Cơm nhà... việc bản

Cập nhật lúc 07:40, Thứ Hai, 22/10/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Sinh năm 1981, được  đồng bào tín nhiệm bầu giữ chức trưởng bản khi mới tròn 21 tuổi. “Có năng lực, nhiệt huyết và hợp lòng dân”- Ông Trần Văn Anh, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh dành những lời rất “có cánh” như thế khi kể về Hồ Nam, Trưởng bản Khe Ngang.

>> Bài 1: Ông "ham công tiếc việc"

Theo con đường cấp phối rộng thoáng, đổ hết dốc Ma Nang là đến thung lũng Rào Trù thuộc xã Trường Xuân. Hỏi nhà trưởng bản Hồ Nam, cô bé người dân tộc Vân Kiều bên đường đưa tay chỉ về một ngôi nhà xây khá khang trang bảo rằng: “Cứ vào đó là gặp. Trưởng bản có nhà đó”. Dừng xe trước khoảng sân nhỏ, thấy Hồ Nam đánh trần ngồi giữa một đống giấy tờ, sổ sách. Khoác vội chiếc áo đón khách, anh phân trần: “Ngày nghỉ, tranh thu sắp xếp lại các loại giấy tờ. Chuẩn bị vào mùa mưa lũ rồi, phải cất giữ cẩn thận. Tài sản của bản mà!”.

Tôi với Hồ Nam thật ra chẳng xa lạ gì. Ngày anh mới chân ướt chân ráo đảm nhận chức trưởng bản cách đây hơn 5 năm, hai người có dịp trò chuyện với nhau khi anh ra UBND xã họp Ban xóa đói giảm nghèo. Ngày đó bản Khe Ngang chưa được như bây giờ, thiếu đường, thiếu trường, thiếu đất đai và nguồn nước sản xuất. Đồng bào phần lớn lâm vào cảnh thiếu ăn, sống dựa vào rừng. Nhắc lại quãng thời gian nhiều khó khăn, thử thách của Khe Ngang mà mừng cho sự đổi thay ở bản bây giờ.

Khe Ngang có 92 hộ, 366 khẩu đồng bào dân tộc Vân Kiều. Hồ Nam kể cho tôi nghe về một số thành tựu mà bản đạt được: “Toàn bản có 15 ha lúa nước, trong đó hơn 7 ha ở khu vực đập thủy lợi Trạng Rôộng sản xuất lúa hai vụ. Ngoài lúa còn trồng thêm 8 ha đậu xanh, 5ha lạc, 4,5 ha ngô, 1,5 ha sắn và 4 ha cao su. Về chăn nuôi, được 140 con bò, 60 con trâu, 25 con dê và 300 con gà. Trước đây bản toàn hộ đói và hộ nghèo, bây giờ xóa hết hộ đói rồi. 15 gia đình đồng bào kinh tế ổn định, có của ăn của để”.

Đồng bào Vân Kiều bản Khe Ngang làm quen với cây lúa nước.
Đồng bào Vân Kiều bản Khe Ngang làm quen với cây lúa nước.

Bí thư chi bộ bản Khe Ngang, Hồ Phong bảo rằng: “Thằng Hồ Nam là một cán bộ ăn cơm nhà mà lo việc bản. Hắn không nề hà công việc đâu, dù khó khăn đến mấy, miễn sao có lợi cho đồng bào”. Như để chứng minh, Hồ Phong kể cho tôi nghe những câu chuyện về Hồ Nam: Cái ngày bà con mới làm quen với cây lúa nước, không mấy ai nhiệt tình lắm đâu! Thì từ lối canh tác chặt- đốt- cốt- trỉa bao đời nay, giờ về làm lúa nước, không ngỡ ngàng sao được. Hồ Nam như con thoi hết bám dân vận động lại bám đồng ruộng xem cán bộ dưới xuôi hướng dẫn cách canh tác.

Để dân tin và làm theo, Hồ Nam cùng với vài hộ gia đình trong bản đứng ra nhận làm thí điểm. Cây lúa nước lớn dần lên trong sự thấp thỏm của trưởng bản. Vụ thu hoạch đầu tiên, mỗi sào được chừng 5 thúng lúa. Ngày gia đình Hồ Nam gặt lúa, dân bản kéo đến xem thật đông. Hồ Nam khẳng định với bí thư chi bộ bản: “Rứa là thành công rồi”. Sau chuyện cùng đồng bào trồng lúa nước thành công, Hồ Nam tiếp tục đưa thêm các giống đậu xanh, lạc, ngô... về bản. Cứ tự mình trồng thí điểm, đúc rút kinh nghiệm, sau đó vận động dân bản cùng trồng. làm được hạt lúa, hạt đậu, củ sắn... là chủ động lương thực. Dù vào mùa giáp hạt bà con vẫn thiếu ăn, nhờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nhưng bản Khe Ngang không còn gia đình nào đói đứt bữa, đói dài ngày. “Công đầu thuộc về Hồ Nam”- Bí thư chi bộ bản Hồ Phong kết luận.

Nói được, làm được, “làm ra môn ra khoai”, đó là những lời khen của bà con dân tộc Vân Kiều bản Khe Ngang, xã miền núi Trường Xuân dành cho Hồ Nam. Cơ ngơi của gia đình trưởng bản hiện tại rất cơ bản: một ngôi nhà xây trị giá trên 60 triệu đồng; trồng 3 sào lúa nước, 3 ha rừng; nuôi 8 con bò, 1 con trâu. “Nhà mình không có chuyện đói đâu. Làm trưởng bản, đói đồng bào họ cười cho”- Hồ Nam tâm sự- “Chế độ trợ cấp cho trưởng bản 800.000 đồng/ tháng cộng với phụ cấp đại biểu HĐND xã 500.000 đồng/ tháng, số tiền này mình dành cho những chuyến đi. Hay về dưới xuôi lắm! thấy cái gì hay là học tập để về áp dụng cho bản của mình”.

Chị Nguyễn Thị Hoan, vợ của trưởng bản Hồ Nam khi tôi hỏi có lúc nào “buồn cái bụng” không, vì chồng mình “ăn cơm nhà mà chuyên lo việc bản”? Chị Hoan chỉ cười: “Mong đôi chân hắn thật khỏe để mà đi nữa ấy chứ! Việc nhà, mình lo được mà!”.

Trong bản Khe Ngang có chị Hồ Thị Hoa, chồng mất sớm, để lại cho chị 4 người con còn nhỏ dại. Trở thành lao động chính nhưng không có đất sản xuất, nhà nghèo càng nghèo thêm. Tìm cách gì để giúp chị Hoa thoát nghèo là câu hỏi cứ bám riết lấy Hồ Nam. Khi Nhà nước thực hiện chính sách cho đồng bào vay vốn, Hồ Nam đứng ra tín chấp vay giúp chị Hoa 6 triệu đồng. Có vốn rồi, tiếp tục động viên chị mua bò về chăn nuôi, từ một con bò năm 2008, đến nay chị Hoa sở hữu đàn bò 3 con và đã trả hết nợ cho ngân hàng. Hồ Nam đi đến các gia đình: Hồ Đinh, Hồ Bắc, Hồ Trương... có diện tích lúa nước nhiều vận động nhường đất giúp chị Hoa.

Vợ chồng trưởng bản Hồ Nam đang chăm sóc vườn ngô của gia đình.
Vợ chồng trưởng bản Hồ Nam đang chăm sóc vườn ngô của gia đình.

Tấm lòng người Vân Kiều Khe Ngang lúc nào cũng rộng mở, họ nghe lời trưởng bản cắt cho chị Hoa hơn một sào ruộng. Gia đình chị Hoa dần dần vượt qua khó khăn. Nhắc đến chuyện này, chị Hồ Thị Hoa biết ơn Hồ Nam nhiều lắm!

Cái chuyện xây dựng nông thôn mới ban đầu về bản, đồng bào thấy xa lạ. Trưởng bản Hồ Nam mất một thời gian dài nghiên cứu các chủ trương, chính sách của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, về 19 tiêu chí nông thôn mới. “Văn bản Nhà nước dài quá, đồng bào mình khó cất được trong đầu. Nói chuyện với dân bản, mình bảo như thế này: xây dựng nông thôn mới là đem cái no ấm về cho bà con; xây dựng bản Khe Ngang sạch, đẹp, văn minh, bà con ưng cái bụng không?”. Đồng bào gật đầu tán thành: “Ưng!”. Rứa thì bắt tay vào thực hiện”. Đầu tiên, huy động dân làm con đường giữa bản chiều rộng 7m, dài 400m. 11 hộ dân tình nguyện hiến gần 1.000m2 đất, trong đó những hộ như: Hồ Thị Lành, Hồ Thinh, Hồ Chóa, Hồ May, Hồ Long, Hồ Viên... hiến đất nhiều nhất.

Trong xây dựng nông thôn mới, Hồ Nam và tất cả người Vân Kiều bản Khe Ngang cùng chung ước mơ: làm sao đập thủy lợi Trạng Rôộng đủ nước để khai hoang thêm 8 ha trồng lúa, lúc đó người Khe Ngang chắc chắn bảo đảm được cái ăn trong năm; làm sao giúp bản có một ngôi nhà sinh hoạt cộng đồng cho bà con vui chơi, hội họp, học tập; mong muốn Nhà nước hỗ trợ mỗi gia đình trong bản số tiền 3 đến 5 triệu đồng đào giếng, sử dụng nước sạch... chứ như bây giờ chỉ mới 35 hộ có giếng, còn lại dùng nước suối cho ăn uống, tắm, giặt hàng ngày.

“Mình sẽ cố gắng, lúc nào bà con còn tin tưởng thì mình dành hết tâm huyết cho Khe Ngang”- Đảng viên sáu năm tuổi Đảng, trưởng bản Khe Ngang Hồ Nam nói với tôi như vậy lúc tiễn tôi về xuôi. Trên đỉnh dốc Ma Nang, nhìn lại thung lũng Rào Trù, chiến khu xưa xanh một màu no ấm. Nơi đó cùng với bản Khe Dây, Khe Ngang đang trên đà đổi thay.

                                                          Ngô Thanh Long

                                                         Bài cuối: Cán bộ Mặt trận phải gần dân










 

,
.
.
.