Chuyện những người vác tù và... - Bài 1: Ông "ham công tiếc việc"

Cập nhật lúc 07:32, Thứ Sáu, 19/10/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Dân gian có câu thành ngữ: “Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” để chỉ những người chuyên ăn cơm nhà mình mà hay đi lo việc thiên hạ, không cá nhân, không vụ lợi... Nay trong cuộc sống hiện đại, tưởng những con người này đã thuộc về muôn năm cũ. Nhưng cứ đi về một làng quê, khu phố, bản làng nào đó, lại bắt gặp những con người rất bình dị, vẫn sẵn sàng “vác tù và hàng tổng”.

 

Ông Vũ Xuân Định.
Ông Vũ Xuân Định.

Bà con ở tổ dân phố 3, thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy mỗi khi nhắc đến ông đều có chung nhận xét: “Ông đó ấy à! Già rồi mà cứ ham công, tiếc việc. Ăn cơm nhà... mãi lo chuyện của thiên hạ”.

Tôi gặp ông vào một buổi chiều tháng 9, khi dòng Kiến Giang vẫn đang còn dư âm của những mái chèo thuyền đua dậy sóng Tết Độc lập. Ngồi trò chuyện cùng ông, nhắc lại lời nhận xét của bà con trong tổ dân phố, ông cười khà khà: “Là trưởng ban Mặt trận, không chịu cảnh “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” thì chẳng nên cơm cháo gì. Anh về cơ sở mà xem, bao nhiêu công việc chờ mình. Con gà, con lợn đi lạc, tìm ông Mặt trận. Hàng xóm láng giềng tiếng bấc tiếng chì, có Mặt trận. Vợ chồng cơm không lành, canh không ngọt cũng gọi ông Mặt trận...”

Ông tên Vũ Xuân Định, sinh năm 1946, tham gia quân đội từ năm 1965, chiến đấu tại các chiến trường Quảng Trị, Savanakhet (Lào), chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử... Năm 1979, chiến tranh biên giới phía bắc nổ ra, ông lại có mặt trong đội hình Quân đoàn II, bảo vệ biên cương Tổ quốc.

Năm 1984, ông về hưu với cấp bậc thượng úy, quân y sỹ. “Về hưu nhưng vẫn khát khao cống hiến và được cống hiến vì cái chất lính trong người không cho mình ngồi yên”- ông Vũ Xuân Định tâm sự - “Người dân tín nhiệm mình cử làm xóm trưởng, cán bộ y tế ở HTX Xuân Giang, rồi sau đó làm Trạm trưởng Trạm y tế thị trấn Kiến Giang. Cái thời bao cấp đó... lấy sức mình ra để lo việc thôn, việc xóm, việc HTX vậy thôi chứ chế độ đãi ngộ chỉ được năm, mười cân thóc, nhưng vẫn vui, vẫn thấy lòng thanh thản”.

Tổ dân phố 3, thị trấn Kiến Giang thành lập năm 2010, có 280 hộ. Mang dáng dấp chút thị thành nhưng bà con ở đây đa số sống nhờ vào nông nghiệp, cây lúa, hạt lúa vẫn là nguồn thu nhập chính. Cũng từ năm 2010, ông Vũ Xuân Định về làm Bí thư chi bộ tiểu khu kiêm luôn chức Trưởng ban Mặt trận. Qua năm 2011, Đại hội Hội đông y huyện Lệ Thủy tín nhiệm bầu ông làm Chủ tịch Hội đông y huyện.

Ông nói rằng: “Mình hơn bà con là có đồng lương hưu trí đủ nuôi thân, không lo toan cơm áo gạo tiền... Còn sức khỏe, nếu dân cần, Đảng cử thì luôn luôn sẵn sàng”. “Đảm nhận nhiều vị trí vậy, bác có lo kham không nổi, rồi mọi người bảo bác ham chức vị?”- Tôi hỏi chân thành. “Không, vị trí nào mình cũng làm tốt. Cái đầu tiên là chữ tín, phải giữ chữ tín. Nói đi đôi với làm. Nói được, làm được. Từ đó bà con tin tưởng vào mình, Đảng tin mình... công việc ngày càng thêm thuận lợi”.

Một cụ già tôi gặp tại tổ dân phố 3 cho biết: “Khi làng mới lên phố, đường sá bề bộn, mất vệ sinh lắm. Thêm một điều, tình hình an ninh tại địa bàn rất kém. Ông Định ngày ngày đến gõ cửa từng nhà động viên, tuyên truyền cách thức giữ gìn vệ sinh chung; động viên con cái chăm chỉ học hành, lao động, tránh sa vào các loại tệ nạn xã hội. Mưa dầm thấm lâu, tổ dân phố 3 dù mới thành lập nhưng luôn đạt danh hiệu tổ dân phố điển hình tiên tiến của thị trấn Kiến Giang. Công đầu thuộc về từng người dân, nhưng tiên phong vẫn là ông Định đó!”.

Tổ dân phố 3, thị trấn Kiến Giang ngày càng khang trang.
Tổ dân phố 3, thị trấn Kiến Giang ngày càng khang trang.

Về với tổ dân phố 3, thị trấn Kiến Giang hôm nay, đi trên những con đường trải thảm bê tông rộng thoáng, cảm nhận được một sự đổi thay của một vùng đất anh hùng. Ông Định bảo: “Năm 2011, tổ dân phố có 11% hộ nghèo, đến thời điểm này giảm xuống còn 7%. Chúng tôi xác định cần phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh theo hướng giảm dần sản xuất nông nghiệp, tăng tỷ trọng các loại hình thương mại, dịch vụ. Muốn thực hiện thắng lợi mục tiêu này thì các thành viên của mặt trận như: CCB, Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân cùng toàn dân... tất cả đều vào cuộc. Muốn vậy thì cá nhân mình phải đi, dùng tuyên truyền miệng làm chính”.

Ông khoe: “Tuyên truyền miệng, nếu biết cách... lợi hại lắm đó nghe vì dễ đi vào lòng dân”. “Những kỷ niệm nào đáng nhớ trên cương vị trưởng ban Mặt trận?”- Tôi hỏi. Ông Định chiêu một ngụm trà: “Nhiều lắm! nhớ sao đặng, vui có, lớn nhỏ đều có. À! Trường hợp anh Định trong tổ dân phố, vốn hay rượu trà quấy phá, ai nói cũng chẳng thèm nghe. Mình tiếp cận động viên: ráng tu chí chăm lo làm ăn sau này còn chăm lo cho gia đình vợ con chứ cứ mãi lông bông rứa. Kiên trì động viên, cuối cùng Định hiểu ra, bỏ những thói hư tật xấu, nay có công ăn việc làm ổn định tại miền Nam. Mỗi lần về quê lúc nào cũng đến thăm nhà mình”...

Vợ ông, bà Trần Thị Lộc, sinh năm 1954. Hai ông bà có 4 người con nay đều đã trưởng thành, con trai đầu là sỹ quan quân đội, con gái thứ hai làm giáo viên, con trai thứ ba làm kỹ sư giao thông và cậu trai út nay đang theo học đại học. Bà Trần Thị Lộc một đời hết lòng vì chồng, vì con và bây giờ cũng vậy. Nhà còn lại vợ chồng già, ông đi miết... bà thương ông, nhiều đêm ngồi bên mâm cơm chờ, sợ ông ham công tiếc việc xã hội mà quên ăn uống. Nhiều lần, mâm cơm nguội lạnh vì ông không về. Tôi hỏi bà có trách ông không, bà cười: “Tính ông ấy vẫn vậy từ xưa rồi. Trách chi! Được cái lòng dạ yên tâm vì ông rành về nghề y”.

Nhắc chuyện gia đình, ông Định cười: “Bà ấy nói thế chứ luôn động viên mình cố gắng hoàn thành mọi nhiệm vụ dân cử, Đảng giao. Lúc nào chân yếu, tay mềm, không còn đi được nữa thì về nhà, bà ấy chăm”.

                                                               Ngô Thanh Long


                                                               Bài 2: Cơm nhà... việc bản




 

,
.
.
.