Kỷ niệm 40 năm ngày mất của các liệt sỹ tại hang Tám TNXP (14- 11- 1972 - 14- 11- 2012) và Lễ truy niệm các anh hùng liệt sỹ Đường 20- Quyết Thắng

Đêm trắng trên đường 20 - Kỳ 3: Con gái của liệt sỹ đường 20, 40 năm mới biết

Cập nhật lúc 07:59, Thứ Sáu, 16/11/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Tham gia xây dựng, sống, chiến đấu rồi thanh thản nằm lại trên đường 20  Quyết Thắng là các lực lượng: bộ đội, TNXP, dân công hỏa tuyến… Các anh chị hy sinh khi tuổi đời chỉ mới mười tám đôi mươi. Với riêng tám TNXP hy sinh tại hang Tám Cô, trong tâm thức tôi vẫn cứ đinh ninh họ chưa có ai lập gia đình trước khi lên đường nhập ngũ. Nhưng 40 năm sau ngày các anh chị mất (14- 11- 1972- 14- 11- 2012), trong những đêm trắng với đường 20, tôi tiếp nhận được một nguồn tin rất quý giá: trong số họ, một người kịp để lại hậu phương cô con gái nhỏ chỉ mới 5 tháng tuổi, trước khi vào chiến trường.

Xóm Vạn, thôn Trù Ninh, xã Hoằng Đạt, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa một ngày đầu tháng 11, cả thôn, cả xã đang chạy đua cùng thời gian ra đồng để làm đất, chăm sóc cây vụ đông sau khi cơn bão Sơn Tinh tràn qua Thanh Hóa hồi tháng 10. Đang giữa trưa, điện thoại nhà ông Nguyễn Mậu Mật đổ chuông gấp gáp. Đầu dây bên kia, tiếng Quảng Bình nằng nặng hỏi: “Có phải nhà của bác Mật?”. “Phải!”. “Bác Mật em trai của liệt sỹ Nguyễn Mậu Kỷ, hy sinh trên đường 20 ở tỉnh Quảng Bình?”. “Đúng rồi!”- ông Mật khẳng định.

Tôi đã liên hệ được với thân nhân liệt sỹ Nguyễn Mậu Kỷ qua sóng điện thoại như thế. Trước khi bấm máy gọi đi, tôi lại vào hang Tám Cô thắp hương khấn nguyện: “Các anh, các chị có linh thiêng, liệt sỹ Kỷ ơi! mong anh phù hộ cho em liên lạc được với gia đình, thân nhân của anh để biết hiện tại ai còn, ai mất, con gái anh bây giờ ra sao”. Cho đến khi đường dây liên lạc thông, không thể nào tả hết được hết cảm giác vui mừng.

Viếng các anh hùng liệt sỹ tại Đền tưởng niệm  các Anh hùng liệt sỹ đường 20 Quyết Thắng.
Viếng các anh hùng liệt sỹ tại Đền tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ đường 20 Quyết Thắng.

Ông Nguyễn Mậu Mật là em trai út của liệt sỹ Nguyễn Mậu Kỷ. Ông kể: “Gia đình tôi hồi đó có 5 anh chị em, gồm 2 trai, 3 gái, bác Mật là con thứ hai và là trai đầu. Trước khi vào Nam, bố mẹ tôi kiên quyết bắt bác ấy phải lấy vợ. Mặc dù trong thâm tâm không muốn vướng bận chuyện gia đình nhưng bác Kỷ cũng gật đầu cho bố mẹ yên lòng. Ngày ấy, lớp lớp thanh niên, thanh nữ trong làng ra đi, có mấy ai trở về. Bác Mật sợ vào chiến trường, bom đạn ác liệt thế, biết sống chết thế nào, chỉ tội cho người thân nơi quê. Vợ bác Mật tên Nguyễn Thị Chờ, cô thôn nữ trong làng. Hai người về sống với nhau sau đám cưới đơn sơ. Rồi hạnh phúc như được nhân đôi khi cháu gái đầu lòng của anh chị ra đời. Họ đặt tên cho cháu là Nguyễn Thị Thanh”.

Năm 1970, khi cháu Thanh tròn 5 tháng tuổi, Nguyễn Mậu Kỷ khoác ba lô, từ biệt người thân, gia đình, đứa con gái bé bỏng đang còn ẵm ngữa trực chỉ vào Nam tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên đường 20. Hai năm sau, anh ngã xuống nơi hang Tám Cô cùng với bảy liệt sỹ đồng hương của mình.

Ông Mật qua mấy chục năm biết nơi anh trai mình hy sinh cũng đã có 5 chuyến ngược vào Quảng Bình, đến hang Tám Cô trên đường 20. Tôi băn khoăn là vì sao 40 năm trôi qua mà câu chuyện liệt sỹ Nguyễn Mậu Kỷ có một người con gái lại ít người biết đến thì ông Mật nghẹn ngào: “Có kịp nói cho ai ở Quảng Bình biết đâu chú. Một phần cũng do lỗi của chính tôi, mỗi lần vào thăm anh trai và đồng đội của anh do thời gian quá ít, kinh phí đi lại hạn chế nên có kịp nói cho ai. Vừa rồi, nhân chuẩn bị cho 40 năm ngày giỗ chung các liệt sỹ hang Tám TNXP và đại lễ truy niệm các Anh hùng liệt sỹ đường 20 Quyết Thắng, Đài truyền hình Việt Nam thực hiện bộ phim tài liệu “Huyền thoại một con đường” do nhà văn quân đội Chu Lai viết kịch bản và có mời thân nhân các liệt sỹ cùng vào Quảng Bình. Lúc này đoàn làm phim, các anh tại Ban quản lý Đền tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ đường 20 Quyết Thắng và chúng tôi mới có dịp ngồi lại với nhau, tâm tư, trao đổi với nhau... khi đó tôi mới có cơ hội giải bày”.

Viên đá có hình ngôi sao được đồng đội đưa từ Thanh Hóa  vào đặt trước cửa hang Tám TNXP
Viên đá có hình ngôi sao được đồng đội đưa từ Thanh Hóa vào đặt trước cửa hang Tám TNXP

Ba năm sau ngày liệt sỹ Nguyễn Mậu Kỷ mất, bà Nguyễn Thị Chờ tái giá. Còn con gái Nguyễn Thị Thanh lớn lên nơi miền quê nghèo thôn Trù Ninh, xã Hoằng Đạt, huyện Hoằng Hóa, không một lần thấy được người cha của mình.

Người con gái của bố Kỷ khi xưa năm nay bước qua tuổi 42. Chị Nguyễn Thị Thanh thú nhận với tôi rằng: “Chị không thể nào hình dung được về bố. Thì chị mới 5 tháng tuổi, bố đi chiến trường rồi. Chỉ nghe mẹ, các các bác, các chú kể, bố dáng người thấp, gầy và đen”. Gia đình chị Thanh ở cách nhà chú Mật chừng 15 phút đi bộ, chị kể: “Nhà nghèo lắm! Kinh tế thuần nông với 6 sào đất vừa trồng lúa, vừa trồng hoa màu, chỉ đủ đắp đổi qua ngày”. Chị khoe, nhờ phúc của ông ngoại mà các con của chị ngoan hiền, học giỏi. Chị với chồng là anh Lê Quang Châu kết hôn năm 1990, con gái đầu Lê Thị Tâm đang theo học năm thứ ba, Trường đại học Luật Hà Nội, cháu trai năm nay học lớp 9.

Tôi thắc mắc: “Sao chị biết nơi bố mình hy sinh, bây giờ trở thành một địa danh nổi tiếng trên đường 20 cả nước đều biết mà không một lần vào thăm?”. Tiếng chị Thanh nghèn nghẹn: “Muốn lắm chứ em! Nhưng gia cảnh khó khăn quá, lo cho con cái ăn học đã đầu tắt mặt tối rồi, lấy đâu ra kinh phí mà vào Quảng Bình thăm cha. Mấy chục năm chị cứ đề xuất lên xã, lên huyện, lên tỉnh Thanh Hóa xin cho một lần đến hang Tám Cô, đến đường 20... rốt cuộc chỉ nhận được sự im lặng”.

Nghe chị Thanh nói tôi thấy xót xa dâng trào. Xa cách về mặt địa lý... hay sự lãng quên của thời gian, hay tại lòng người nguội lạnh nên chi 40 năm ngày anh Kỷ mất, con gái của anh để lại nơi hậu phương ngày nào nay mới có cơ hội lên tiếng.

Đêm trên đường 20 không tài nào ngủ được. Tiếng gà rừng te te gáy sang canh. Giường bên Lê Thanh Lương đã ngáy pho pho ngon lành. Trong ánh đèn dầu mờ mờ, tôi với tay cầm tờ báo cũ lên đọc. Trời ạ! Đập vào mắt tôi là bài thơ “Đợi anh về” của nhà thơ Xô- viết K. Ximônốp, bên góc trái là hình người phụ nữ bồng con ngóng về phía xa xăm đợi người trở lại: “Đợi anh, anh sẽ về/ Hãy đợi chờ anh nhé/ Hãy đợi, mặc dầm dề/ Mưa dăng buồn tái tê/ Hãy đợi, mặc tuyết giá/ Hãy đợi, dù nắng nôi/ Dù mọi người hết đợi/ Hôm qua quên lãng rồi/ Hãy đợi, dù xa ngái/ Chẳng tới một dòng thư/ Hãy đợi, dầu tất cả/ Đã chán chê đợi chờ... Đợi anh, anh sẽ về/ Chẳng sá gì chết chóc/ Mặc ai đó không ngờ/ Thốt lời: may được thoát...”.

                                                                     Ngô Thanh Long

                                           Kỳ cuối: Một nén tâm hương nơi ba nằm lại

,
.
.
.