.

Giếng Đại tướng trong lòng người A Rem

Thứ Sáu, 08/09/2017, 09:07 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngược dòng lịch sử, từ ngày 13 đến 15-3-1973, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có chuyến đi khảo sát đường Trường Sơn. Khởi đầu từ đường 9 theo đường 24 ra đường 20 - Quyết Thắng dọc theo các trọng điểm: dốc Chà Là, đèo Phu La Nhích, ngầm Ta Lê, cua chữ A, dốc 68... Nói chuyện với bộ đội và TNXP cùng đồng bào, Đại tướng khẳng định: “Đường 20 - Quyết Thắng là một kỳ công, kỳ tích, kỳ quan do ý chí vì độc lập, tự do của chiến sĩ và TNXP làm nên”. Với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống dọc theo đường 20, tình cảm Đại tướng dành cho họ luôn canh cánh trong lòng.

Bản Km39, xã Tân Trạch (Bố Trạch) là địa bàn sinh sống của gần 100 hộ gia đình đồng bào dân tộc A Rem. Trong kháng chiến chống Mỹ, tuyến đường 20-Quyết Thắng nối liền Đông và Tây Trường Sơn vượt khẩu sang đất bạn Lào là một trong những tuyến đường huyết mạch chi viện cho chiến trường miền Nam. Đường 20- Quyết Thắng đi qua bản làng đồng bào dân tộc A Rem.

Người A Rem một lòng trung trinh với Đảng, Bác Hồ, những năm chiến tranh chống Mỹ ác liệt, đồng bào xem tuyến đường như mạch máu của mình, hết lòng chở che, bảo vệ. Sinh thời Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn ghi nhận những hy sinh, đóng góp của đồng bào đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đặc biệt đối với trường tồn của “mạch máu” đường 20.

Giếng Đại tướng tặng đồng bào A Rem đã thành hình hài.
Giếng Đại tướng tặng đồng bào A Rem đã thành hình hài.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp về an nghỉ ngàn thu tại Quảng Bình, tình nghĩa với đồng bào của Người truyền lại cho các thành viên trong gia đình Đại tướng. Biết vùng đất nơi người A Rem định cư tại bản Km39 luôn “khát” nước sạch, các thành viên trong gia đình Đại tướng quyết định tặng cho đồng bào một giếng nước sạch.

Câu chuyện giếng nước của Đại tướng Võ Nguyên Giáp giữa lòng Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng, giữa lòng người A Rem, nơi vùng đất khô khát, trùng trùng đá vôi khởi đầu từ tháng 5. Lực lượng đảm nhận thi công công trình giếng nước là cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Cồn Roàng đứng chân tại xã biên giới Thượng Trạch.

Chúng tôi trở lại xã Tân Trạch vào dịp cuối tháng 8, người A Rem tiếp khách dưới xuôi lên bằng những tin vui mà theo họ là “to nhất” từ trước đến nay. Chủ tịch xã Đinh Lầu khoe: “Thứ nhất, công trình điện mặt trời dành cho bản đã hoàn thành, chỉ chờ đóng điện. Thứ hai, giếng Đại tướng sắp đưa vào sử dụng, bà con giải tỏa cái khát từ bao đời. Thứ ba, năm học ni, con em trong bản đến trường được ăn, ở trong những ngôi nhà vừa mới xây xong”. Nhắc đến giếng nước Đại tướng, Đinh Lầu nói: “Nếu không có Bộ đội Biên phòng thì chẳng ai làm nổi mô. Đá toàn đá... đá xanh xếp liền nhau thành khối, càng đào sâu xuống, đá càng trồi lên”.

Vị trí giếng Đại tướng nằm phía sau trụ sở UBND xã Tân Trạch, chính ngay vùng trung tâm bản Km39. Thời điểm chúng tôi đến “mục kích sở thị”, thời gian thi công hơn ba tháng trời, giếng nước đã thành hình hài.

Đại úy Nguyễn Văn Sáu, cán bộ Biên phòng Đồn Cồn Roàng tăng cường cho xã Tân Trạch, người trực tiếp đêm ngày cùng với 10 cán bộ, chiến sỹ quân hàm xanh trằn mình nơi công trình giếng nước cho biết: “Thời gian ba tháng đào giếng, riêng công việc xử lý khối đá xanh nằm ngay chính giữa lòng giếng mất hết một tháng rưỡi. Khối đá quá khổng lồ, nên anh em chúng tôi quyết định đào sâu xung quanh tìm nguồn nước.

Về cơ bản các hạng mục đã hoàn thành, giếng có đường kính 3 mét, sâu 7 mét, các hạng mục khác như bể, hệ thống lọc, xử lý nước cũng đã được gấp rút hoàn thành.

Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch Nguyễn Chí Sỹ chia sẻ: “Thời kỳ mở đường 20, nhiều con em đồng bào A Rem trở thành người đưa đường giúp đỡ bộ đội, thanh niên xung phong hoàn thành nhiệm vụ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất đi nhưng tấm lòng của Đại tướng vẫn còn mãi với đồng bào.

Và giếng nước do gia đình Đại tướng tặng đồng bào A Rem là một minh chứng về tình cảm thiêng liêng đó. Sau khi tiếp nhận, đưa vào sử dụng, chúng tôi sẽ động viên đồng bào cố gắng giữ gìn cho tốt, để nguồn nước từ giếng Đại tướng luôn mạch nguồn, chảy mãi với người A Rem”.

Thanh Long