.

Điểm tựa của bản làng

Thứ Sáu, 18/08/2017, 15:08 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm qua, đội ngũ các già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) tỉnh ta đã không ngừng phát huy vai trò cầu nối giữa ý Đảng-lòng dân, trở thành lực lượng nòng cốt trong các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động tại địa phương là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của bản, làng.

Nhiều năm liền đảm nhiệm chức vụ bí thư chi bộ bản Xà Khía, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Lâm Thủy (Lệ Thủy), ông Hoàng Biên (dân tộc Bru Vân Kiều) với những đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của địa phương, luôn là tấm gương sáng, là điểm tựa của bà con nơi đây.

Ông đã tích cực vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy, hương ước của địa phương, vận động các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm đóng góp 50 triệu đồng xây dựng được 3 dòng họ hiếu học. Đặc biệt, ông Biên là điển hình trong việc làm giàu từ hai bàn tay trắng.

Trước đây, gia đình ông thuộc diện khó khăn, lao động quần quật vẫn “thiếu trước hụt sau”. Không cam chịu đói nghèo, ông Hoàng Biên quyết chí tìm đường làm giàu.Từ hai bàn tay trắng, nhờ cần cù, chịu khó và sự táo bạo, dám nghĩ dám làm, ông đã vay vốn đầu tư phát triển trồng trọt, chăn nuôi và hiệu quả mô hình đã chứng minh được hướng đi của ông là đúng.

Hiện tại với đàn trâu, bò, lợn, gà lên đến vài trăm con và các loại cây hoa màu ngắn ngày, trang trại của ông Biên cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, chẳng những thoát được nghèo mà còn trở nên khá giả. Từ kinh nghiệm của bản thân, ông Biên tích cực vận động nhân dân bản Xà Khía tăng gia sản xuất, xóa đói giảm nghèo, được dân bản tin yêu, mến phục.

Người uy tín trong ĐBDTTS chính là cầu nối giữa ý Đảng với lòng dân.
Người uy tín trong ĐBDTTS chính là cầu nối giữa ý Đảng với lòng dân.

Ông Hoàng Biên chỉ là một trong nhiều tấm gương người có uy tín trong ĐBDTTS của tỉnh. Hiện nay, tỉnh ta có 106 già làng, trưởng bản được UBND tỉnh công nhận là người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc thiểu số.  Họ là người gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương; có nhiều công lao, đóng góp xây dựng và bảo vệ thôn, bản, địa phương nơi cư trú; luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, gần gũi với bà con, thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con đoàn kết, không nghe theo kẻ xấu, bảo vệ rừng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển kinh tế gia đình.

Đó là cách vận động hiệu quả, thiết thực và cụ thể để nhân dân noi gương làm theo để thoát nghèo, xây dựng cuộc sống, thực hiện nếp sống văn minh, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, góp phần gìn giữ an ninh trật tự trong các bản làng. Có thể thấy, lời nói, việc làm của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng người dân tộc thiểu số đã có tác động tích cực đến các tầng lớp nhân dân, trở thành chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh và Uỷ ban MTTQVN tỉnh,  tuy những người có uy tín đã được bầu chọn thuộc nhiều thành phần, dân tộc khác nhau, nhưng bằng chính trách nhiệm, lòng nhiệt tình, sự am hiểu phong tục tập quán bản địa và sự tín nhiệm của cộng đồng dân cư, họ đã trở thành chỗ dựa tinh thần khá vững chắc đối với đồng bào.

Bằng uy tín của mình, họ đã tích cực vận động nhân dân các dân tộc xây dựng khối đại đoàn kết, phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương; thuyết phục những người lầm đường lạc lối trở về với cuộc sống cộng đồng; giáo dục các thế hệ con, cháu giữ gìn thuần phong mỹ tục, nền nếp gia phong trong mỗi gia đình, cộng đồng và xã hội. Họ tích cực vận động đồng bào trong thôn, bản phát huy truyền thống yêu nước, tích cực tham gia vào cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các thôn, bản.

Không chỉ là những tuyên truyền viên đắc lực trong việc chuyển tải hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cộng đồng dân cư, họ còn tích cực tham gia cùng chính quyền địa phương giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp tại địa phương, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị cơ sở.

Hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, thời gian qua, người có uy tín đã tích cực phối hợp với cấp ủy, ban tự quản vận động nhân dân thực hiện, chấp hành những quy ước, hương ước của bản, làng. Nhờ đó, nhiều hủ tục lạc hậu dần được xóa bỏ, bà con đã thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, giữ gìn vệ sinh môi trường, áp dụng các biện pháp trong việc kế hoạch hóa gia đình.

Ngoài ra, người có uy tín cũng đã cung cấp cho cơ quan chức năng nhiều nguồn tin liên quan đến tình hình an ninh trật tự tại khu dân cư và tham gia có hiệu quả trong công tác bảo vệ, giữ vững ổn định tình hình.

Ông Hoàng Văn Minh, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN tỉnh cho biết: Việc làm cụ thể, thiết thực của đội ngũ già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ và người có uy tín ở từng bản, khu dân cư đã giúp cho cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể tại địa phương hiểu rõ hơn tâm tư nguyện vọng và những kiến nghị chính đáng của bà con nhân dân.Từ đó, giúp chính quyền giải quyết nhanh và thấu đáo những vụ, sự việc phát sinh từ cơ sở, xây dựng địa bàn trong sạch vững mạnh.

Để phát huy vai trò tích cực của đội ngũ già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín, cấp ủy, Mặt trận các cấp trong tỉnh đã và đang triển khai thực hiện giải pháp nâng cao trình độ cho đội ngũ này về kiến thức pháp luật, khoa học kỹ thuật về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình. Bên cạnh đó là khuyến khích già làng, trưởng bản, người có uy tín tích cực tham gia công tác xã hội, góp phần xây dựng bản làng, khu dân cư ngày càng phát triển, văn minh.

Đ.V