.

Nghe phố... kể chuyện đời - Bài 1: Phố trắng đen

Chủ Nhật, 13/08/2017, 11:03 [GMT+7]

(QBĐT) - Đồng Hới - phố nhỏ bên dòng Nhật Lệ - giấu trong lòng mình bao mảng màu ký ức. Có những ký ức dẫu đã phủ bụi thời gian nhưng vẫn luôn hiện hữu, cũng có những ký ức chỉ hiển diện trong sâu thẳm tiềm thức của những ai đã đi qua quá khứ. Chuyện xưa đời phố như thể là nốt lặng níu chân những hồn người đang tất tả trong cái ồn ào phố thị hôm nay để trở về với bình yên và hoài niệm.

Có một Đồng Hới cổ xưa qua những bức ảnh đen trắng đã cũ mèm. Những bức ảnh ấy dẫu đã có tuổi đời hơn nửa thế kỷ vẫn đủ sức níu lại một phần hồn vía phố tưởng chỉ còn trong hoài niệm của những “người muôn năm cũ”.

Một góc đường Chợ trước năm 1954.
Một góc đường Chợ trước năm 1954.

Những tiệm ảnh cũ

Người Đồng Hới hôm nay kể lại rằng những năm 50 của thế kỷ trước, khi Đồng Hới chỉ quẩn quanh vẻn vẹn ở những dãy phố nhỏ dọc sông Nhật Lệ thì nơi này đã tồn tại gần chục tiệm chụp ảnh. Và lạ kỳ, khi vẫn luẩn quẩn trong cực nhọc của cuộc sống vùng tạm chiếm thì người Đồng Hới vẫn mê mẩn những tiệm ảnh ấy như thể nơi chốn để níu giữ dùm họ những khoảnh khắc có thể trôi tuột theo năm tháng.

Một trong những tiệm ảnh lớn nhất Đồng Hới thời ấy là Thịnh Phát của cụ Lương Mai, người Đồng Hải. Tiệm ảnh hiện diện ở ngay con đường lớn nhất phố thị Đồng Hới thời điểm ấy - đường Rue Marché (còn gọi là đường Chợ, sau năm 1954 đổi tên thành đường Lâm Úy - PV).

Trong ký ức của ông Lương Chí Thịnh - con trai của cụ Lương Mai - đầu những năm 50 thế kỷ trước, hiệu ảnh Thịnh Phát là nơi lui tới của nhiều gia đình người Đồng Hới và có cả lính Pháp. Nhiều người đến để chụp ảnh gia đình, cũng có người đến để chụp ảnh chân dung. Nhất là mỗi dịp tết đến xuân về, hiệu ảnh càng thêm đông đúc. Vài ngày sau khi chụp, người ta có thể lấy được ảnh. Đó là những bức ảnh đen trắng, chủ yếu là khổ nhỏ nhưng sắc nét. Thanh, thiếu nữ lại thích chụp ảnh chân dung trong studio với những phông màn màu xám.

“Lúc đó, tôi còn nhỏ lắm, nhưng hình ảnh mà đến giờ vẫn không thể quên được đó là có những ngày tiệm ảnh đông khách, những dịp lễ, tết, khách đến chụp ảnh phải xếp hàng dài, lấy số thứ tự để đợi chụp. Tiệm ảnh Thịnh Phát khi đó ngoài ông cụ ra còn có nhiều thợ ảnh, nhiều người học nghề, trong số họ, đến nay, con cái họ vẫn còn giữ nghề”, ông Thịnh nhớ lại.

Những năm trước 1954, Đồng Hới tồn tại gần chục hiệu ảnh lớn nhỏ, phục vụ cho nhu cầu tinh thần của người dân phố thị. Những hiệu ảnh vẫn sống mãi trong ký ức của lớp người Đồng Hới cũ xưa như hiệu ảnh Phi Văn Lưu, Hòa Lợi, Văn Mùi... Đến những năm chống Mỹ ác liệt, khi phong trào hợp tác hóa được phát động, những hiệu ảnh cũ quy tụ lại thành Hợp tác xã chụp ảnh Hồng Việt đóng chủ yếu tại khu vực Bắc và Nam Trạng (Đồng Sơn) phục vụ cho bà con sơ tán và bộ đội.

Cuốn album gần một thế kỷ của gia đình ông Hồ Quý Lân.
Cuốn album gần một thế kỷ của gia đình ông Hồ Quý Lân.

Thời điểm ấy, hiệu ảnh Phi Văn Lưu của cụ Phí Văn Lưu ở số 119, đường Võ Nguyên Giáp được khá nhiều người ưa chuộng. Cụ Lưu vốn là một tay máy có tiếng và đầy kinh nghiệm của Đồng Hới. Đến năm 1957, khi Bác Hồ về thăm Quảng Bình, cụ được vinh dự mời đến sân vận động Đồng Hới để chụp ảnh Người. Đến giờ, những bức ảnh của cụ thời điểm ấy đã trở thành tư liệu lịch sử quý giá của tỉnh nhà.

Dẫu qua bao thăng trầm của gia đình, kể cả khi chiến tranh, loạn lạc, con trai cụ - ông Phí Văn Cường - vẫn giữ mãi bên mình chiếc ống kính Zeissjkon của chiếc máy ảnh chụp ra những bức ảnh lịch sử ấy. Với ông, di sản của ông cha ta để lại không chỉ là những khoảnh khắc, thói quen đã gắn bó sâu đậm đến mức trở thành một phần của tiềm thức, không bao giờ đổi thay mà còn là niềm tự hào suốt đời ông lưu giữ.

Ảnh xưa, ký ức nay

Trong những cuộc hành trình đi tìm ký ức, người ta bỗng nhận ra rằng nếu một mai, khi những bức ảnh nhuốm màu xưa cũ không còn nữa, thì biết bấu víu vào đâu để nhớ về chuyện xưa và hoài niệm phố? May thay, người Đồng Hới vẫn còn vẹn nguyên ký ức về những mảng màu quá khứ khi đâu đó trong những nếp nhà, vẫn còn lưu giữ được những bức ảnh xưa quý giá. Đó là tấm hình đen trắng, được xếp nhỏ gọn trong những cuốn album đã cũ mèm, được cất giữ cẩn thận như một vật gia bảo.

Dường như với mỗi người, qua những bức ảnh cũ nhuốm màu thời gian ấy, họ tìm thấy được những gì đã qua, những điều đã mất và cả những ký ức tưởng chừng đã ngủ yên. Và những bức ảnh không hẳn là ký ức của riêng một gia đình mà phản ánh cả một giai đoạn thăng trầm của phố.

Ông Hồ Quý Lân (76 tuổi, ở Bắc Nghĩa, Đồng Hới) cho chúng tôi xem cuốn album đã cũ mà như ông nói, tuổi đời có lẽ còn dài hơn cả tuổi đời chủ nhân của nó. Phía bên ngoài cuốn album đã sờn gáy là dòng chữ Les Amis de L’art (những người bạn của nghệ thuật – PV) vẫn còn khá đậm nét. Ông Lân bảo, từ nhỏ, đây đã là nơi cất giữ những bức ảnh của nhiều thế hệ trong gia đình ông. Chúng quý giá nên dù vào Nam, ra Bắc, ông vẫn cất giữ bên mình, cẩn thận và đầy nâng niu.

Có lẽ thế nên mấy chục năm trôi qua, những bức ảnh đen trắng ấy vẫn đẹp và sắc nét đến lạ kỳ. “Ảnh chụp thời nay, nếu không ép plastic thì vài ba năm sẽ hỏng hết nhưng những bức ảnh này, tôi không hiểu ngày xưa in trên loại giấy gì đặc biệt mà nó không hề bị phai màu, mối mọt”, ông Lân gật gù.

Hiệu chụp ảnh Phi Văn Lưu trước năm 1954.
Hiệu chụp ảnh Phi Văn Lưu trước năm 1954.

Anh Phan Thanh Xuân - người có nhiều năm say mê sưu tầm ảnh và tư liệu về Đồng Hới - hiện đang lưu giữ hàng trăm bức ảnh về phố nhỏ bên sông Nhật Lệ qua nhiều thời kỳ. Đó là một góc phố Chợ nhộn nhịp người, là con phố ngập nước trong trận lũ lịch sử năm 1950 hay tháp nước trơ trọi giữa hoang tàn bình địa sau những trận ném bom của giặc Mỹ. Anh Xuân cung cấp cho chúng tôi một bức ảnh quý anh tìm được trên một trang web nước ngoài. Bức ảnh được chụp trước năm 1954, ghi lại hình ảnh khu phố Chợ với những ngôi nhà 2 tầng mọc lên san sát, với đủ loại hình kinh doanh, mua bán.

Theo cuốn Địa chí Đồng Hới của cụ Nguyễn Tú, Đồng Hới thời điểm ấy có bốn con đường mang tính chất đô hội thì chỉ có con đường phố Chợ là đô hội nhất. Nó cắt qua hai con đường, tạo thành hai ngã tư được xem là trung tâm thương mại của toàn thị xã. Ngoài các cửa hiệu tạp hóa, hiệu ảnh, hàng ăn, những con phố ấy còn tập trung một vài tiệm thuốc bắc và một tiệm thuốc tây. Chỉ một bức ảnh đen trắng nhỏ bé vậy thôi nhưng đủ cho những ai đã từng sống, từng đi qua dãy phố ven sông Nhật Lệ ấy chợt thấy lòng mình nao nao nỗi nhớ...

Hóa ra, phố dẫu chỉ đơn sơ trong những bức hình đen trắng nhưng lại rực rỡ sắc màu trong từng thước phim quay chậm của ký ức nhiều người. Dù vật đổi sao dời, ai đã từng đi qua những năm tháng Đồng Hới nhiều kỷ niệm vẫn mong muốn những “cổ tích” xưa được lưu tâm gìn giữ, bởi đó là những nét riêng có làm nên hồn vía phố, là nguồn mạch nuôi dưỡng tâm hồn người Đồng Hới. Và bởi, nếu không có một phố Đồng Hới trong những bức hình đen trắng kia thì có lẽ thành phố hôm nay sẽ trở nên lạc lõng và cô đơn trong ký ức nhiều người.

Diệu Hương

Bài 2: Sân bay Bờ Hơ và những đại lý vé máy bay đầu tiên