.

Nghe phố... kể chuyện đời - Bài 3: Phố xanh trong hoài niệm

Thứ Năm, 17/08/2017, 10:34 [GMT+7]

(QBĐT) - Tôi đã đọc đâu đó những dòng viết đầy xúc cảm của một người con Đồng Hới về cây đa chùa Ông: “Dù có vươn vai đứng dậy, có to đẹp đàng hoàng đến đâu đi nữa thì Đồng Hới cũng chẳng khác nào một người con gái dậy thì mà không có mái tóc mượt mà thơm mùi hương bồ kết, khi không có bóng cây đa”. Có lẽ, những thân cây trăm tuổi in bóng trên những dáng phố xưa và gắn bó nặng sâu với bao thế hệ người dân Đồng Hới sẽ mãi vẹn nguyên trong ký ức như thế dẫu chúng còn hay đã mất từ xưa.

>> Bài 2: Sân bay Bờ Hơ và những đại lý vé máy bay đầu tiên

>> Bài 1: Phố trắng đen

Ở mỗi đô thị, những bóng cây làm nên dáng hình và linh hồn của phố. Trên những thân cây xù xì, trầm mặc với thời gian, dưới những tán xanh phủ bóng xuống hình hài của phố, bao kỷ niệm thủy chung bám víu vào. Và một lẽ thường tình, phố trong hoài niệm sẽ tan biến dần cùng với sự ra đi của những dáng cây đã hằn sâu ký ức.

Cây cổ thụ trong khuôn viên khách sạn Đồng Hới.
Cây cổ thụ trong khuôn viên khách sạn Đồng Hới.

Tôi đã nhận ra ánh mắt đau đáu của họa sỹ Văn Đắc khi ông nhắc nhiều đến những thân cây cổ thụ nay đã chẳng còn hiện diện trên phố Đồng Hới hôm nay. Cái đau đáu suốt một đời gắn bó với phố thị ấy đi cả vào trong từng sáng tác của ông. Đó là những bức tranh bằng bẹ chuối - thứ chất liệu làm nên thương hiệu cho tranh của Văn Đắc - tái hiện lại hình ảnh cây đa chùa Ông và cây xà cừ mọc ngay trên Quảng Bình Quan thuở trước.

Những dáng cây ấy vốn một thời gắn bó với người Đồng Hới, đi cả vào văn thơ, nhạc họa nhưng nay chỉ còn trong ký ức. Ông bảo, có những ngày mà quá khứ như thước phim quay chậm cứ hiển hiện rờ rợ trước mắt ông. Ký ức về phố thị bên sông có những ngày tuổi thơ đẹp đẽ, những năm đi qua khói lửa chiến tranh đau thương và mất mát.

Nhưng dẫu khi khổ đau hay hạnh phúc, thì bóng dáng những thân cây ấy vẫn hằn trong hoài niệm của nhiều người. Và Văn Đắc không phải là ngoại lệ! Vậy nên khi hiện thực không còn, ông chỉ biết gửi nỗi nhớ thương và tiếc nuối ấy vào tranh của mình như một sự vỗ về, an ủi.

Trong bút ký “Đồng Hới”, nhà thơ Lê Thị Mây cũng gửi gắm bao tiếc nuối như thế khi chiến tranh đi qua, hàng dừa Trị Thiên dọc bờ sông Nhật Lệ “thân bị băm kín miểng bom. Tàn lá xơ xáp, đỏ cháy”, một cây đa chùa Ông trăm tuổi “bom giật cụt ngọn”, một cây sung “lùn như chú tiểu bị suy dinh dưỡng vì háp hơi na pan”.

Điều đó đủ hiểu, đã từng có những ngày người Đồng Hới gắn bó thiết thân với những thân cây mộc mạc ấy và một khi chúng hoang tàn sau bom đạn chiến tranh, người Đồng Hới xót xa, “nhớ nôn nao bóng ngô đồng lối nhỏ”.

Rồi vườn dương bên bờ sông Nhật Lệ, cây me cổ thụ ngay vị trí của Bảo tàng tổng hợp tỉnh hôm nay hay cây phượng cổ ở nhà thờ Tam Tòa dạo trước... dẫu một thời chạm khắc nhiều kỷ niệm nhưng tất cả chỉ còn trong ký ức.

Ai là người Đồng Hới hay đã trót duyên nợ với mảnh đất này đều không quên hình bóng cây đa ở ngã tư chùa Ông. Không rõ cây đa ấy bao nhiêu tuổi, đã sống qua mấy thế kỷ mà thân hình xù xì, tán rộng xòe ra bốn phía che bóng mát cho cả ngã tư và cả ngôi chùa cổ kính ấy.

“Rễ phụ từ trên cao cái thì lơ lửng đu đưa trong gió, cái thì cắm sâu xuống lòng đất tạo một thế vững chắc giúp cho thân hình hộ pháp ấy trụ lại để không gió bão nào lay chuyển được. Cái thân hình xù xì, lồi lõm ấy lại là nơi che nắng, che mưa cho khách bộ hành trong những lúc mưa, nắng thất thường, nhất là đám con nít đi học ở trường cấp 1 Đồng Hải.

Ngày đó, chúng tôi trèo lên cây đùa giỡn, có những hốc hai, ba đứa chui vào nằm vẫn còn rộng”, ông Nguyễn Doãn Mạnh, người gốc Đồng Hới, hiện đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh bồi hồi nhớ lại. Nhưng rồi, chiến tranh, sự khắc nghiệt của thời gian khiến cho cây đa chùa Ông không thể trụ vững. Ngay trên nền cây thuở trước, một cây đa mới được trồng lên, cũng trầm mặc, cũng tạo cái cảm giác bình yên cho nơi chốn ấy nhưng với người Đồng Hới, cái cảm giác thân thuộc của cây xưa, chốn cũ đã vơi đi ít nhiều.

Thời gian dẫu có như “bóng câu qua cửa sổ” thì với những người đã đi qua quá nửa đời mình, ký ức đẹp đẽ là thứ không dễ gì lãng quên. Dạo bước trên con phố cũ, cảnh xưa đã khác khi những mái nhà cao tầng mọc lên san sát ngay trên bình địa cũ, nhưng nhiều người vẫn chợt nao lòng mỗi khi nhìn thấy những thân cây trăm tuổi vẫn trầm mặc cùng phố.

Cây đa chùa Ông trong tranh bẹ chuối của họa sỹ Văn Đắc.
Cây đa chùa Ông trong tranh bẹ chuối của họa sỹ Văn Đắc.

Một cây sung thân gồ ghề, thô ráp đứng ưỡn mình đón gió bên dòng Nhật Lệ, một cây bàng tán rộng phủ bóng xuống khuôn viên Đài Truyền thanh - Truyền hình Đồng Hới, một cây cổ thụ rợp bóng mát trước sân khách sạn Đồng Hới - đó là những dấu tích xanh mướt ít ỏi còn sót lại sau những ngày phố biển gồng mình hứng chịu bom đạn kẻ thù. Chỉ có sự tàn phá của chiến tranh, của thiên tai là điều con người không thể cưỡng lại được, còn người Đồng Hới qua bao cuộc đổi dời của lịch sử, vẫn thủy chung bảo vệ những thân cây mộc mạc ấy đến cùng.

Ông Nguyễn Đức Danh (Đồng Sơn, Đồng Hới) kể lại rằng đã có không ít cuộc chỉnh trang đô thị, mở rộng phố nhưng những người Đồng Hới vẫn một lòng quyết giữ cây sung trăm tuổi. Đến giờ, bên dòng Nhật Lệ, cạnh tượng đài Mẹ Suốt, cây sung ấy vẫn trầm mặc giữa cái hanh hao của gió, của lồng lộng biển trời. “Đó là ký ức tuổi thơ của bao thế hệ Đồng Hới, đó còn là chứng tích chiến tranh của một thời Đồng Hới oằn mình trong bom đạn kẻ thù, mãi mãi không thể chối bỏ”, ông Danh khẳng định chắc nịch.
Phố sẽ chỉ là những khối bê tông lạnh lẽo nếu không có cây xanh.

Bởi cây làm nên linh hồn của phố. Bởi lẽ thế nên nhà thơ Xuân Hoàng đã từng rất lạc quan khi viết: “Ta sẽ về xây Đồng Hới quê ta/ Sẽ trồng lại hoa hồng trên lối cũ/ Hoa thược dược đến mùa xuân lại nở/ Vàng huân chương trong mỗi một sân nhà” dẫu khi ấy “phố nhỏ tan rồi sau bao trận đánh”. Và hôm nay, người Đồng Hới cũng đang làm đẹp phố, trồng cây xanh trên mỗi lối đi, ngõ nhỏ để Đồng Hới sẽ lại “xinh như đường ngân nốt nhạc” tựa như trong thơ của Xuân Hoàng thuở ấy.

Vĩ thanh: Tiến sỹ Nguyễn Khắc Thái có giới thiệu một bản tấu của Lại bộ gửi Triều đình nhà Nguyễn vào năm 1940 về việc xin thành lập Nha Bang tá ở Đồng Hới. Bản tấu ghi rõ: “Nguyên ngày 26 tháng 6 năm Bảo Đại thứ 12 (2-8-1937) đã phụng dụ chuẩn đem 7 làng ở thành phố Đồng Hới lập làm một thành phố gọi là “Thành phố Đồng Hới”…

Nay tỉnh Quảng Bình xét rằng địa diện thành phố Đồng Hới rộng tới 300 mẫu, hiện dân cư và ghe thuyền đi lại đông đúc, tương lai sẽ là một nơi thịnh vượng, cần phải đặt một Nha Bang tá chuyên trách việc mở mang thành phố và các việc cầm - phòng, tạp - tụng trong thành phố”.

Đến nay, mặc dù chưa có nhiều luận cứ khẳng định Đồng Hới đã được nâng tầm lên thành phố cách đây gần 100 năm nhưng có một thực tế rằng ngay từ những ngày đó, Triều đình nhà Nguyễn đã nhận thấy ở Đồng Hới nhiều yếu tố thuận lợi để có thể phát triển thành một đô thị sầm uất ven sông.

Diệu Hương