.
Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập QĐNDVN (22-12-1944 - 22-12-2014) và 25 năm Ngày Quốc phòng toàn dân (22-12-1989 - 22-12-2014):

Trung tướng Lê Văn Tri-Tư lệnh "mặt trận trên cao"

Thứ Sáu, 05/12/2014, 14:00 [GMT+7]

(QBĐT) - Lê Văn Tri (tên khai sinh là Lê Chiêu Nghi) sinh ngày 13-9-1921 tại làng Cao Lao Hạ-Kẻ Hạ (nay là xã Hạ Trạch huyện Bố Trạch) - một vùng quê “có nhiều kẻ sĩ vững vàng khí tiết - muôn đời nối nghiệp văn nho” .

Sinh ra trong một gia đình đông con, cha mất sớm, tuổi thơ phải nhọc nhằn vất cả mưu sinh. Năm 16 tuổi chàng trai làng Kẻ Hạ phải bôn ba vào tận đất Sài Gòn làm thuê kiếm sống. Vừa làm vừa học, nuôi chí lớn lập thân anh thi đậu vào trường Arenal (Ba Son) để học nghề nhưng không may phải quay lại cố hương vì người chủ sa thải. Về đến quê nhà cuộc sống vất vả nhưng không ngăn nổi ý chí của người trai trẻ.

Có ít kiến thức anh vào Đồng Hới vừa đi làm,  dạy thêm để kiếm sống vừa học thi đậu bằng primaire (tiểu học) rồi sau đó thi đỗ vào Trường Kỹ nghệ thực hành Huế khóa 1939-1941. Tốt nghiệp anh về Quảng Bình làm việc nhưng chẳng được bao lâu lại phải vào Biên Hòa, Đồng Nai lập nghiệp. Trong phong trào chuẩn bị khởi nghĩa ở Nam Bộ anh gia nhập vào đội Thanh niên Tiền phong của anh Huỳnh Văn Nghệ và tham gia cướp chính quyền ở Sài Gòn ngày 25-8-1945.

Cũng như nhiều thế hệ thanh niên vào phương Nam lập nghiệp, Lê Văn Tri vẫn một lòng đau đáu quê hương. Cách mạng Tháng Tám thành công anh trở lại quê nhà, tình nguyện gia nhập bộ đội Giải phóng quân thuộc Chi đội Lê Trực tại huyện Bố Trạch. Cuộc đời binh nghiệp của vị Tư lệnh sau này bắt đầu từ đó.

Ra trận lần đầu tiên tại Mặt trận Đường 9, chiến sĩ súng máy Lê Văn Tri bắn được một loạt đạn thì bị hóc, ném lựu đạn thì quên rút chốt nhưng chỉ sau một thời gian ngắn anh đã trưởng thành cùng đồng đội đánh thắng nhiều trận trên mặt trận Bình Trị Thiên ác liệt. Từ Mặt trận Đường 9 về Mặt trận Đường 12, người chiến sĩ mới của Chi đội Lê Trực năm trước đã trở thành người chỉ huy, từ tiểu đội trưởng, lên trung đội trưởng, rồi đại đội trưởng Đại đội 12, Đại đội 6 Phú Quý.

Tư lệnh Quân chủng phòng không- không quân Lê Văn Tri trình bày kế hoạch đánh B52  bảo vệ Hà Nội-Hải Phòng với Tổng Bí thư Lê Duẩn (11-1972). Ảnh: T.L
Tư lệnh Quân chủng phòng không- không quân Lê Văn Tri trình bày kế hoạch đánh B52 bảo vệ Hà Nội-Hải Phòng với Tổng Bí thư Lê Duẩn (11-1972). Ảnh: T.L

Tháng 12 năm 1947 anh được điều về làm Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Quảng Bình. Với cương vị mới anh đã chỉ huy các đơn vị bộ đội, dân quân du kích trong tỉnh thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy “về đồng bằng bám dân, khôi phục lại cơ sở thực hiện cho được nhiệm vụ hết sức quan trọng và cấp bách là miền Nam (Quảng Bình) mạnh thì Quảng Bình mạnh”.

Do yêu cầu phát triển của các đơn vị bộ đội chủ lực, sau chiến dịch Lê Lai, tháng 4 năm 1950 anh được đề bạt Trung đoàn phó Trung đoàn 18 kiêm chỉ huy Mặt trận Đường 9 rồi Trung đoàn trưởng Trung đoàn 95. Các đơn vị do anh chỉ huy đã chiến đấu khắp các mặt trận trên đất Bình Trị Thiên lập nên những chiến công vang dội ở Thanh Hương-Ưu Điềm, Phúc Tự-Hoàn Lão, Nam Đôm-Đường 74, Sen Bàng, Ba Đồn - Mỹ Hòa, Quảng Thái - Hạ Lang...

Do yêu cầu phát triển của cuộc kháng chiến, tháng 7 năm 1953 anh được  Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn pháo cao xạ 367. Đây là đơn vị pháo phòng không đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam chuẩn bị cho “mặt trận trên cao”. Sau một thời gian học tập ở nước ngoài, Trung đoàn 367 về nước tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ra quân trong chiến dịch lịch sử, Trung đoàn 367 đã lập nên những chiến công xuất sắc bắn rơi 52 máy bay, bắn bị thương 117 chiếc khác, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Trung đoàn 367 được Bộ chỉ huy chiến dịch biểu dương “Bộ đội pháo cao xạ trẻ tuổi, anh dũng tuyệt vời. Lần đầu tiên ra trận đã chiến thắng vẻ vang”.

Sau chiến thắng Điện Biên, Trung đoàn 367 phát triển thành đại đoàn thuộc Bộ Tư lệnh binh chủng pháo binh, ông được giao giữ chức Đại đoàn phó. Theo yêu cầu phát triển của quân đội, năm 1956 ông được cử sang đào tạo tại Học viện Pháo binh Lêningrat (Liên Xô). Sau khi về nước ông từng giữ chức Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh pháo binh, Phó Tư lệnh rồi Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân.

Trong những năm chiến tranh phá hoại ông đã cùng với cán bộ trong Bộ Tư lệnh chỉ huy các đơn vị pháo phòng không, tên lửa, không quân đánh bại nhiều trận tập kích của máy bay của đế quốc Mỹ bảo vệ các mục tiêu ở miền Bắc và con đường chiến lược chi viện cho chiến trường miền Nam.

Tháng 12 năm 1972, đế quốc Mỹ tiến hành cuộc tập kích bằng máy bay chiến lược B52 vào Thủ đô Hà Nội và Hải Phòng. Tư lệnh Lê Văn Tri  cùng Chính ủy Hoàng Phương và cán bộ Bộ tư lệnh Phòng Không - Không quân trực tiếp chỉ huy các lực lượng phòng không đánh trả quyết liệt lập chiến công xuất sắc, bắn rơi 81 máy bay Mỹ trong đó có 31 chiếc B52 và 5 chiếc F111. Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” đã ghi một mốc son chói lọi trong lịch sử oai hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam, góp phần tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Mùa xuân năm 1975, cùng với bước chân thần tốc của các quân đoàn chủ lực, bộ đội phòng không - không quân tiếp tục viết nên trang sử hào hùng của quân chủng. Tháng 4 năm 1975, Tư lệnh Lê Văn Tri trực tiếp nhận chỉ thị từ Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp vào Phan Rang tổ chức chỉ huy Phi đội Quyết thắng gồm 5 máy bay A 37 thu được của địch do phi công Nguyễn Thành Trung số 1 dẫn đầu ném bom vào sân bay Tân Sơn Nhất phá hủy 50 máy bay địch trong đó có 24 chiếc A37, góp phần thắng lợi trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Sau ngày đất nước hòa bình, Trung tướng Lê Văn Tri được giao trọng trách Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật Bộ Quốc phòng. Trên cương vị mới ông đã cùng với tập thể chăm lo công tác bảo đảm kỹ thuật cho toàn quân, sản xuất vũ khí cho lực lượng vũ trang và nghiên cứu khoa học kỹ thuật quân sự góp phần xây dựng quân đội hùng mạnh.

Trong Hồi ký “Mặt đất và bầu trời" của mình, Trung tướng Lê Văn Tri viết: “Cùng sự lớn mạnh không ngừng của lực lượng vũ trang, từ một chiến sĩ giải phóng quân của bộ đội địa phương, trở thành cán bộ chỉ huy của bộ đội chủ lực; từ người lính chiến đấu bộ binh trở thành Tư lệnh của một quân chủng hiện đại - Quân chủng Phòng không - Không quân, tôi có cảm giác như mình được bay lên từ mặt đất đến bầu trời”.

Cuộc đời và sự nghiệp của Trung tướng Lê Văn Tri, vị Tư lệnh của "mặt trận trên cao" đã góp phần làm rạng rỡ trang sử vàng chói lọi của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, niềm tự hào của quê hương Quảng Bình.

Phan Viết Dũng