.

Về Thanh Lương nghe bài ca lao động

Thứ Sáu, 05/12/2014, 08:25 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm qua, phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ. Bằng chính sự cần mẫn, chịu khó, luôn trăn trở tìm tòi hướng làm ăn, cuộc sống của người dân đã có nhiều thay đổi. Chúng tôi đã về thôn Thanh Lương, xã Quảng Xuân (huyện Quảng Trạch) mục sở thị và ngưỡng mộ những con người, những việc làm nơi đây. Họ đang hát bài ca lao động xây dựng cuộc sống mới trên chính quê hương mình.

Theo con đường bê tông vừa mới được xây dựng, ra tận cuối làng, chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi tổng hợp của vợ chồng anh Bùi Đức Phương. Sau 3 năm thực hiện nghĩa vụ quân sự ở quần đảo Trường Sa, anh trở về địa phương. Ba năm trong quân ngũ cũng là khoảng thời gian anh gắn bó nhiều với biển cả. Anh quen với vị mặn mòi của biển, yêu tiếng sóng ngoài khơi nên đã rời quê vào miền Nam làm việc trên tàu đánh cá.

Gần 10 năm ly hương nhưng số tiền anh thu được cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống. Với suy nghĩ phải lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương mình, anh về quê, lập gia đình và ấp ủ những dự định cho tương lai. Năm 2005, khi xã có chủ trương đấu thầu kênh Khúc Nát, vợ chồng anh vay mượn tiền họ hàng, bạn bè và mạnh dạn đấu thầu hơn 2ha (gồm diện tích mặt nước và đất) để làm ăn.

Những ngày đầu mới mở mô hình chăn nuôi, gia đình anh Phương gặp muôn vàn khó khăn. Vừa không có vốn, lại thiếu kinh nghiệm nên anh chỉ nuôi cá trắm và gà. Không có tiền để mua thức ăn cho cá, hàng ngày, vợ chồng anh phải tìm kiếm cắt cho được 3-4 tạ cỏ để nuôi cá. Vất vả là thế nhưng chuẩn bị đến vụ thu hoạch thì cá của anh bị dịch bệnh, hơn 1.000 con cá trắm chết sạch. Thất bại không làm vợ chồng anh nhụt chí, anh vẫn trăn trở tìm hướng đi mới. Anh Phương chia sẻ: Sau khi nuôi cá trắm thất bại, tôi nhận thấy, nuôi cá trắm công sức bỏ ra nhiều mà lợi nhuận ít, khả năng rủi ro lại cao, khó kiểm soát.

Mô hình nuôi vịt kết hợp với nuôi cá của anh Bùi Đức Phương.
Mô hình nuôi vịt kết hợp với nuôi cá của anh Bùi Đức Phương.

Vì vậy, tôi chuyển sang nuôi vịt kết hợp với nuôi cá rôphi, cá trôi, cá mè, cá gáy... Vừa học, vừa làm và tìm hiểu kiến thức, thông tin về các mô hình kinh tế trang trại qua báo, tivi. Tôi còn lặn lội đi thăm những mô hình tiêu biểu trong và ngoài tỉnh để học hỏi kinh nghiệm làm ăn. Thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài” nên sản lượng cá tăng dần hàng năm từ 1 tấn lên 4 tấn, đàn vịt từ vài trăm con lên hơn 1.000 con...

Hiện mô hình kinh tế của anh Phương có gần 1.000 con vịt đẻ, mỗi ngày anh thu về 500 - 600 quả trứng, với giá hiện tại là 2.700 đồng/quả, tính ra anh thu được gần 2 triệu đồng/ngày. Diện tích mặt nước vừa là chỗ cho vịt bơi lội, vừa tận dụng để nuôi cá, tạo môi trường sạch sẽ. Mỗi năm, trừ các khoản chi phí, mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình anh Phương thu lãi khoảng 200 triệu đồng.

Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, anh còn chia sẻ kinh nghiệm về mô hình chăn nuôi của mình cho mọi người. Anh là người đầu tiên trong thôn đã mạnh dạn nuôi vịt kết hợp với cá và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện mô hình này đã được nhiều người làm theo như gia đình anh Phạm Văn Lương, anh Võ Văn Hiền, anh Võ Văn Lộc... và có hiệu quả.

Với những kết quả đã đạt được, anh Phương được tặng nhiều giấy khen của xã, huyện và được UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng giai đoạn năm 2007-2011.

Cũng ở thôn Thanh Lương, chúng tôi đã đến thăm trang trại của gia đình ông Mai Xuân Nga. Được biết, để có trang trại như hôm nay, ông đã phải nỗ lực gây dựng trong 10 năm. Trước kia, vùng đất này là rốn của bàu chứa nước thôn Lương Trình (nay là thôn Thanh Lương). Từ vùng đất ngập nước, nay thành trang trại, nhìn vào đâu cũng có nguồn thu. Để có được như ngày hôm nay, gia đình ông đã phải đổ biết bao mồ hôi, công sức và với số tiền đầu tư không nhỏ: trên 1 tỷ đồng.

Ông Nga chia sẻ: Để xây dựng trang trại, tôi đã phải trải qua không ít thăng trầm, thất bại. Khi đấu thầu được vùng đất này trong đầu tôi luôn đau đáu những câu hỏi phải làm gì? Trồng cây gì? Nuôi con gì? Tôi cũng đã thử nhiều phương thức như trồng lúa, nuôi lợn bản, lợn rừng, nuôi ếch, nuôi rắn mối, cá chẽm... nhưng tất cả đều không thành công bởi có nhiều nguyên nhân: Chưa áp dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật nên năng suất thấp, thiếu kinh nghiệm, không phù hợp với điều kiện khí hậu, chưa có đầu ra... Sau nhiều lần thất bại đã giúp tôi đúc rút kinh nghiệm. Hiện nay, trang trại tôi tập trung nuôi bò, gà, nuôi vịt kết hợp cá mè, cá gáy, cá rô phi...

Ngoài ra, ông Nga còn mở dịch vụ quán ăn nhằm sử dụng nguồn thực phẩm có trong trang trại. Hàng năm, trừ các khoản chi phí, gia đình ông lãi hơn 100 triệu.

Về thôn Thanh Lương sẽ thấy được sự đa dạng trong cách thức làm ăn của người dân nơi đây. Bên cạnh một số gương điển hình trong đầu tư vào chăn nuôi mà chúng tôi đã đề cập ở trên, nhiều hộ gia đình khác lại chọn cho mình mỗi hướng đi riêng. Trong thôn, ngoài xã ai cũng biết đến anh Mai Xuân Xới (39 tuổi) là chủ xưởng mộc mỹ nghệ có tiếng trong vùng. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề nên nghề mộc vận vào anh từ lúc 14, 15 tuổi.

Trước đây, anh làm trong xưởng của gia đình nhưng đến năm 2010 anh mạnh dạn đứng ra mở xưởng sản xuất riêng. Anh đầu tư hàng trăm triệu đồng mua máy móc nhằm giảm bớt các khâu đục đẽo thủ công để tạo ra các sản phẩm có độ chính xác cao, chất lượng tốt. Các mặt hàng do cơ sở của anh làm ra như: bàn, ghế, giường, tủ, đồ nội thất... được tiêu thụ rộng khắp trong và ngoài tỉnh.

Xưởng mộc mỹ nghệ của anh Mai Xuân Xới
Xưởng mộc mỹ nghệ của anh Mai Xuân Xới

Các sản phẩm luôn bảo đảm đẹp về mẫu mã, tốt về chất lượng và được làm theo yêu cầu của khách hàng nên số lượng khách đến với xưởng của anh ngày càng đông. Xưởng mộc của anh đã tạo việc làm ổn định cho 10 lao động (7 lao động địa phương, 3 lao động người miền Bắc) với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người. Hàng năm, xưởng sản xuất của anh lãi vài trăm triệu đồng.

Ở Thanh Lương bây giờ có nhiều mô hình làm ăn hiệu quả. Có được kết quả đó, ngoài sự nỗ lực của các hộ gia đình còn có vai trò quan trọng của một người cán bộ Hội Nông dân. Không chỉ là một chi hội trưởng nhiệt tình, năng nổ trong phong trào xây dựng Hội Nông dân ở địa phương mà ông còn là gương điển hình sản xuất giỏi của xã. Đó là ông Lê Tiểu Hồng-Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Thanh Lương.

Ông Hồng luôn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện tốt các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước có liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đặc biệt, ông đã vận động hội viên đóng góp trên 100 triệu đồng, công sức, hiến đất để xây dựng nông thôn mới. Năm 2012 đến nay, chi hội đã bê tông hóa 2,8km đường giao thông, sửa chữa đường cấp phối 700m.

Vừa làm tốt vai trò, trách nhiệm chi hội trưởng nông dân, ông Hồng vừa là tấm gương trong phát triển kinh tế gia đình. Không giống như ông Nga, anh Phương, ông Hồng lại tập trung đầu tư mô hình chăn nuôi gà vườn. Mỗi năm, ông nuôi 3 lứa, mỗi lứa 300-400 trăm con gà.

Ngoài ra, ông nuôi thêm 3 con bò, làm 5 sào lúa, 2 sào khoai. Mỗi năm, gia đình ông Hồng thu lãi khoảng gần 100 triệu đồng. Với những thành tích đã đạt được, ông là một trong 60 hội viên nông dân tiêu biểu đại diện cho trên 58 nghìn hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp được UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất, kinh doanh và công tác hội năm 2014.

Ở Thanh Lương còn nhiều điển hình sản xuất kinh doanh giỏi khác như anh Bùi Duy Trĩ, chủ xưởng mộc mỹ nghệ; bà Võ Thị Xuyến, kinh doanh phân lân phục vụ sản xuất; chị Võ Thị Nhu với mô hình chăn nuôi lợn... Tất cả họ đều nỗ lực để làm giàu chính đáng ngay chính trên quê hương mình.

Nhìn những mô hình, trang trại, cơ sở sản xuất... trù phú, quy mô của người dân thôn Thanh Lương, tôi bỗng nhớ đến câu thơ: Bàn tay ta làm nên tất cả/Có sức người sỏi đá cũng thành cơm. Quả thực, bằng sự chịu thương, chịu khó, người dân nơi đây đã làm được điều đó.

Nguyễn Lê Minh