.

Những người thầy dạy vua

Thứ Sáu, 21/11/2014, 15:53 [GMT+7]

(QBĐT) - Vùng đất Quảng Bình là nơi sản sinh nhiều người con ưu tú, đóng góp công sức, tài đức xây dựng quê hương, đất nước và luôn khẳng định vai trò, vị thế của mình trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc.

Không ít danh nhân Quảng Bình trực tiếp tham gia vào công tác giáo dục, thi cử, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, như: tham gia tổ chức, coi thi, chấm thi tại các kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình của khoa thi tiến sĩ bên văn hay khoa thi võ. Và đặc biệt hơn, theo TS.Nguyễn Khắc Thái, Quảng Bình có không ít nhân tài được vinh dự là thầy dạy các vua nhà Nguyễn, đó là: Nguyễn Đăng Tuân (dạy vua Thiệu Trị), Nguyễn Hàm Ninh (dạy vua Thiệu Trị), Nguyễn Văn Nhuận (dạy vua Hàm Nghi)...

Các danh nhân là thầy dạy của vua đều nổi tiếng với học vấn uyên thâm, trí tuệ hơn người, tài năng đức độ, khoa cử giỏi giang. Theo cuốn “Quảng Bình-Nhân vật chí” của tác giả Nguyễn Tú (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh), Nguyễn Đăng Tuân (người làng Phù Chánh, Lệ Thủy xưa) ngay từ thuở nhỏ đã nổi tiếng hay chữ, thông nghĩa lý, sau này, khi làm quan trải qua ba đời vua (Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị), ông đều được tin tưởng giao phó nhiều chức trách quan trọng trong nền giáo dục nước nhà, như: Tư Giảng ở Công Phủ, Thị Giảng ở cung Chấn Hanh, Thiêm Sự ở Bộ Lễ...

Ông là thầy dạy của vua Thiệu Trị, Tùng Thiện vương Miên Thẩm, Tuy Lý vương Miên Trinh. Vì nước, vì dân, ông dâng sớ dưỡng sức dân, đề nghị xin đình các việc nhọc nhằn, hao phí sức khỏe nhân dân. Sau khi cáo lão về quê, nhiều lần vua Thiệu Trị sai quan mang sắc thư đến nhà hỏi thăm, ban thưởng thực thụ hàm, bổng lộc, nhưng ông đều từ chối. Sau khi mất, ông được triều đình truy tặng danh hiệu là Thiếu Sư.

Danh nhân Nguyễn Hàm Ninh (1808-1867) (Quảng Lưu, Quảng Trạch) có một cuộc đời nhiều thăng trầm, từng kinh qua không ít chức quan quan trọng trong triều đình nhà Nguyễn trong 15 năm với 4 lần bãi chức, nhưng tài năng văn chương, cốt cách thanh cao của ông được lưu danh sử sách. Các tác phẩm của ông nổi bật có tập thơ “Tĩnh trai thi tập”, “Tĩnh trai văn tập”, “Phản Thúc ước”...

Đáng chú ý, năm 1836, ông được triều đình mời ra làm Quốc học độc thư dạy học cho Thái tử con vua Minh Mạng (tức vua Thiệu Trị sau này). Vương sư Nguyễn Văn Nhuận (Quảng Xá, Tân Ninh, Quảng Ninh) nổi tiếng là một nhà Nho uyên thâm, có đạo đức cao đẹp được nhân dân trong vùng mến phục, vua Tự Đức đã vời ông vào cung dạy cho hoàng tử Ưng Lịch (sau này là vua Hàm Nghi).

Khi vua Hàm Nghi lên ngôi muốn phong cho ông một chức vụ xứng đáng, ông đã xin vua nhậm chức tri huyện Tuyên Hóa bởi người dân nơi đây hiếu học, nhưng đói nghèo và ông muốn một tay giúp dân mở trường học, khai quang dân trí. Ông làm quan nhân từ, thanh liêm, huyện Tuyên Hóa một thời không có cường hào, ác bá, côn đồ, trộm cắp.

Theo nhiều sử sách, công trình nghiên cứu, những danh nhân Quảng Bình dạy các thái tử không chỉ chuyên tâm với kiến thức sách vở, đạo lý đơn thuần, mà còn chú trọng tu dưỡng, trau dồi, nêu cao đạo đức, tấm lòng yêu nước, thương dân cho những người đứng đầu vương triều sau này.

Trong Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 6 (NXB Giáo dục, 2004), có nêu một nhận xét đáng chú ý của vua Thiệu Trị về người thầy của mình-Sư bảo Nguyễn Đăng Tuân với sự kính trọng, nể phục: “Đại thần Nguyễn Đăng Tuân, trong năm Minh Mạng, đức Hoàng khảo, Thái tổ Nhân hoàng đế, thận trọng trong việc kén chọn người chủ tế tự, nối dùng dõi, cần được sư phó xứng đáng nên đặc cách sai Đăng Tuân do chức hàm Tham tri bộ Lễ, sung bồi vào ghế ngồi giảng học. Trẫm khi chưa lên ngôi, mỗi lúc rỗi, ngoài giờ Hoàng khảo dạy chính sự liền cùng (Đăng Tuân) giảng luyện văn tịch, bàn bạc cổ kim, phần nhiều có thành hiệu rõ rệt. Các hoàng đệ bấy lâu nhờ sự khuyên nhủ giúp đỡ, đức cũng theo tuổi tiến lên...”

Một câu chuyện cảm động về vua Hàm Nghi và người thầy của mình-Vương sư Nguyễn Văn Nhuận-cũng cho thấy truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc ta và tài đức của người thầy xứ Quảng. Tương truyền, khi vua Hàm Nghi bị bắt, ông nhất quyết không nhận mình là Hàm Nghi khiến giặc Pháp vô cùng bối rối. Bọn chúng đã thâm độc tìm cách bố trí cho nhà vua “vô tình” gặp lại người thầy học Nguyễn Văn Nhuận của mình, vua Hàm Nghi đã đứng dậy, vòng tay chào thầy và để lộ thân phận.

Những người thầy xứ Quảng dạy các vị vua đều gặp nhau ở tài năng, đức độ, kiến thức uyên thâm và một tấm lòng trung kiên vì nước, vì dân. Và họ còn gặp nhau ở một điểm chung là không màng danh lợi, bổng lộc, sau khi rời chốn quan trường đều về quê, sống trong lòng nhân dân.

Mai Nhân