.

Các điểm di tích trên đường 16

Thứ Năm, 06/11/2014, 09:53 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngay từ khi đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại trên toàn miền Bắc, cùng với việc sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường cũ, Bộ GTVT đã chủ trương mở thêm các tuyến đường mới trên đất Quảng Bình, trong đó chú trọng các tuyến đường ngang, đường tránh, tạo thành mạng lưới giao thông liên hoàn nhằm đẩy nhanh tiến độ vận chuyển, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của cách mạng miền Nam. Trong các tuyến đường ngang trên đất Quảng Bình thì đường 16 là tuyến đường xuất hiện khá sớm và mang ý nghĩa đặc biệt: là tuyến đường ngắn nhất đến vĩ tuyến 17 và là con đường kết nghĩa của 3 tỉnh Bình-Trị-Thiên.

Đường 16 xuất phát từ ngã tư Thạch Bàn (Phú Thủy, Lệ Thủy). Năm 1959, sau đợt tiếp tế cho đồng bào Trị- Thiên và miền Nam bị chính quyền Mỹ- Diệm khủng bố, Bộ GTVT nhận thấy đây là con đường ngắn và bí mật, có thể sử dụng để phục vụ lâu dài cho cuộc kháng chiến nên đã chủ trương cho mở  rộng và nâng cấp dần vào các năm 1960, 1965, 1969.

Đường 16 còn có tên gọi là đường Thống Nhất, con đường mang  nguyện vọng, ý chí  và quyết tâm của tất cả các lực lượng đã tham gia chiến đấu và lao động trên tuyến đường.Trong thời gian đầu cho đến những năm 1965, đường 16 chủ yếu chỉ dùng cho gùi thồ, do thời gian này ta vừa mở đường, nâng cấp đường vừa phải giữ bí mật cho tuyến đường nằm sát giới tuyến. Sau này, khi được đầu tư mở rộng dần, đường 16 đã được sử dụng cho các loại xe cơ giới.

Trên suốt chiều dài hàng chục km len lõi giữa rừng Trường Sơn vượt qua bao đèo cao, vực thẳm, có thể nói không nơi nào trên tuyến đường 16 là không ghi dấu sự cày xới của bom đạn giặc Mỹ. Mùa khô 1970- 1971, địch đánh đường 12 là 617 lần, đường 20 là 926 lần, đường 10 là 579 lần và đường 16 là 1.114 lần.

Tuy nhiên, bom đạn giặc Mỹ đã không uy hiếp nổi tinh thần của quân và dân ta, trái lại càng làm tăng thêm lòng căm thù và quyết tâm chiến đấu chống lại những hành động phá hoại của đế quốc Mỹ. Địch càng bắn phá ác liệt thì hàng vào miền Nam ngày càng tăng. Chỉ tính riêng năm 1971, khối lượng vận tải trên hướng đường 16 và đường 18 tăng trong tháng 2 gấp 1,7 lần, tháng 3 gấp 2,1 lần, tháng 4 gấp 3,3 lần so với tháng giêng.

Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất, đường 16 cũng đã vinh dự đón nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta, đó là đồng chí Trần Nam Trung (Trần Lương)- Bí thư Liên khu ủy V; đồng chí Trần Văn Trà- Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội NDVN; đồng chí Võ Nguyên Giáp- Ủy viên Bộ Chính trị- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng  cùng nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã vào kiểm tra việc mở đường cũng như thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng chiến đấu, lao động trên tuyến đường. Năm 1973, đường 16 còn được vinh dự đón ngài Quốc trưởng Căm-pu-chia Nô-rô-đôm Xi-ha-núc và Hoàng hậu Mô-vích trở về thăm đất nước sau nhiều năm sống ở nước ngoài.

Điểm di tích lịch sử nước khoáng Bang.  Ảnh: Văn Báu
Điểm di tích lịch sử nước khoáng Bang. Ảnh: Văn Báu

Qua đường 16, Quốc trưởng Căm-pu-chia đã tỏ thái độ thán phục trước tinh thần dũng cảm quyết chiến quyết thắng của quân và dân Việt Nam và ngài cũng đã vô cùng xúc động trước sự giúp đỡ của quân đội ta. Nhân dịp này, ngài cũng đã tặng Bộ tư lệnh Trường Sơn bài thơ “Biết ơn đường Hồ Chí Minh” với những câu thơ chứa chan tình cảm thắm thiết giữa hai nước.

Đường 16 được đánh dấu bằng 3 điểm di tích quan trọng: đó là điểm di tích Ngã tư Thạch Bàn, điểm di tích suối nước khoáng Bang và điểm di tích Làng Ho.

Điểm di tích ngã tư Thạch Bàn

Ngã tư Thạch Bàn là điểm đầu xuất phát của đường 16. Ngã tư Thạch Bàn cũng là điểm xuất phát của tuyến đường Thạch Bàn- Khe Hó (Vĩnh Linh), là một trong những tuyến đường đầu tiên của Đoàn 559, có vị trí vô cùng quan trọng nối hậu phương với tiền tuyến mà Quảng Bình là cầu nối.

Trong những năm từ 1968-1973 là nơi đóng quân của Ban B- là cơ sở đón tiếp cán bộ, nhân dân 2 tỉnh Trị- Thiên ra học tập, công tác, nghỉ ngơi an dưỡng... Việc thành lập Ban B tại ngã tư Thạch Bàn thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa nhân dân Quảng Bình với nhân dân Trị- Thiên trong những tháng năm chiến tranh ác liệt nhất. Ngã tư Thạch Bàn là trọng điểm đánh phá vô cùng ác liệt của đế quốc Mỹ, nhất là những năm từ 1968-1971.

Điểm di tích lịch sử suối nước khoáng Bang

Cách ngã tư Thạch Bàn khoảng 10km theo hướng Tây trên đường 16 là điểm di tích lịch sử- danh thắng suối nước khoáng Bang. Khu vực này có địa thế rộng rãi nhưng khá kín đáo, có suối nước khoáng nóng tự nhiên. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, khu vực này là chiến khu của huyện Lệ Thủy.

Trong những năm chống Mỹ, Đoàn 559 đã chọn nơi này làm nơi đóng quân của Ban Quân y. Bệnh xá của Ban có đến 50 giường bệnh do bác sĩ Phạm Văn Phối (bác sĩ vào tuyến sớm nhất) phụ trách. Cùng với 2 bệnh xá của Trung đoàn 70, Trung đoàn 71 đã phối hợp hình thành bậc thang điều trị, nâng cao hiệu quả cứu chữa cho thương bệnh binh trên toàn tuyến.

Năm 1973, tiếp tục phát huy lợi thế của khu vực này, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên- Tư lệnh Đoàn 559 đã cho xây dựng trạm điều dưỡng cùng với việc ngăn suối, xây bể tắm phục vụ bộ đội Trường Sơn và thương, bệnh binh được chuyển về từ các chiến trường.

Điểm di tích Làng Ho

Điểm di tích làng Ho nằm trên tuyến đường 16, thuộc xã Kim Thủy. Cuối năm 1959, Làng Ho được Đoàn 559 chọn đặt Sở chỉ huy tiền phương. Làng Ho là điểm đầu của tuyến gùi thồ “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, tuyến chi viện đắc lực cho chiến trường Trị- Thiên và Khu V từ những năm 1959-1962.

Trong những năm 1966-1967, các lực lượng bộ đội, TNXP đã tập trung cho chiến dịch đồng loạt ra quân mở đường và nâng cấp đường từ Thạch Bàn đến Làng Ho, Làng Ho- Khe Sanh, Làng Ho- Bản Đông. Nhờ có sự chuẩn bị chu đáo, ta đã tổng tấn công và kết thúc thắng lợi chiến dịch Mậu Thân 1968 và chiến dịch Đường 9 Nam Lào năm 1971.

Trong thời gian đầu mới đến đóng quân, Đoàn 559 đã phải đương đầu với không ít khó khăn, thiếu thốn. Tuy nhiên, nhờ có sự giúp đỡ tận tình của bà con dân tộc nơi đây, Đoàn 559 đã từng bước xây dựng khu hậu cứ từ Sở chỉ huy, kho tàng, bệnh xá, trại sản xuất, trạm đón khách... Hàng hóa từ miền Bắc chuyển vào được tập kết nơi đây để rồi theo đường 16 chuyển vào các chiến trường miền Nam và Trị Thiên. Với địa thế nhiều núi đồi, khe suối, hang hốc, Làng Ho đã trở thành địa điểm tập kết hàng hóa an toàn nhất.

Như vậy, từ khi ra đời cho đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, đường 16 đã có nhiều đóng góp to lớn trong công tác vận tải chiến lược phục vụ chiến trường miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.  Đường 16 là biểu tượng của sức mạnh đoàn kết, trí thông minh, lòng dũng cảm của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, bộ đội, TNXP, dân công hỏa tuyến trên khắp mọi miền Tổ quốc đã hội tụ về đây cùng chung sức, chung lòng làm tròn nhiệm vụ của hậu phương với tiền tuyến lớn.

Hải Yến