.

Tháng 7, nghe dư âm tiếng bom Lộc Long

Thứ Ba, 15/07/2014, 07:45 [GMT+7]

(QBĐT) - Chúng tôi về thăm lại thôn Lộc Long (xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh) giữa tháng 7 chát nắng. Bên cội đa già cạnh tượng đài ghi dấu chiến công năm nào, người du kích tuổi ngoài tám mươi kể về một thời rào làng đánh Pháp, hưởng ứng lời kêu gọi "hạ sơn" đẩy mạnh cao trào "Quảng Bình quật khởi" bằng tiếng bom Lộc Long.

Ký ức hào hùng

Năm 1948, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân cả nước bước sang một giai đoạn mới. Tháng 5-1949, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ II diễn ra tại đình làng Kim Bảng (xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa) nêu nhiệm vụ tập trung chỉ đạo kháng chiến chống Pháp và quyết định phát động cao trào "Quảng Bình quật khởi" mà trọng tâm ở hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy với khẩu hiệu "Phía Nam mạnh là Quảng Bình mạnh", đưa cuộc kháng chiến kiến quốc tại Quảng Bình lên một bước mới.

Hưởng ứng phong trào quật khởi, ở Quảng Ninh, Chi bộ Trường Ninh (gồm hai xã Trường Xuân và Xuân Ninh hiện tại) chỉ đạo xây dựng làng Lộc Long trở thành làng chiến đấu chống Pháp như Cảnh Dương (Quảng Trạch), Cự Nẫm (Bố Trạch). Lúc bấy giờ, làng Lộc Long có 183 hộ với 615 nhân khẩu, đời sống nhân dân rất cực khổ nhưng giàu truyền thống cách mạng, một lòng theo Đảng, Bác Hồ quyết tâm chống Pháp bảo vệ quê hương, đất nước.

Cuối năm 1948 đầu năm 1949, Lộc Long có một tổ chức Đảng gồm 7 đảng viên do đồng chí Nguyễn Trường Tích làm tổ trưởng. Trong thôn cũng hình thành một trung đội du kích gồm hai tiểu đội nam và một tiểu đội nữ, giao cho ông Ấu (chưa rõ họ)- cán bộ thuộc Đại đội độc lập, Tiểu đoàn 274, Trung đoàn 18 chủ lực tỉnh làm Trung đội trưởng trực tiếp huấn luyện về kỹ thuật, chiến thuật chiến đấu.

Di tích lịch sử tiếng bom Lộc Long.
Di tích lịch sử tiếng bom Lộc Long.

Hưởng ứng phong trào "Quảng Bình quật khởi", nhằm gây một tiếng vang lớn ở địa bàn vùng giữa Quảng Ninh, Lệ Thủy, khích lệ tinh thần quần chúng nhân dân và các lực lượng vũ trang, từ đó tạo đà, hòa nhịp vào khí thế tiến công của quân dân phía nam tỉnh, Trung đội du kích Lộc Long thống nhất lên phương án tổ chức một trận đánh lính Pháp ở đồn Xuân Dục, nếu chúng càn quét về phía làng. Theo phương án đánh địch, dân quân Lộc Long đã chôn một quả bom có dây giật tại gốc đa bổ; hai quả bom tự động cũng được giấu ở khu vực Đa Râu và Giếng Sau. Tất cả được Trung đội chuẩn bị sẵn sàng.

Khoảng 9 giờ sáng 17-7-1949, địch từ đồn Xuân Dục bất ngờ tiến về bao vây làng chiến đấu Lộc Long, chúng tập trung ở cây đa bổ rồi hò la phá cổng. Trước sự hung hăng của kẻ thù trang bị hỏa lực mạnh, Trung đội du kích được lệnh giật quả bom chôn sẵn trước đó. Bom phát nổ, địch hoảng loạn, đội hình tan tác, cõng nhau chạy thục mạng về đồn...

Sau này, khi nhắc đến quyết định "Hạ sơn", tiến hành cao trào "Quảng Bình quật khởi", ông Cổ Kim Thành, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình khẳng định: "Tiếng bom Lộc Long cùng với chiến thắng của quân và dân Cảnh Dương, Cự Nẫm là một mũi khoan phá vỡ thế kìm kẹp của thực dân Pháp ở Quảng Bình, mở ra một thời kỳ mới của phong trào Quảng Bình chống Pháp".

Trở lại Lộc Long hôm nay, nhiều nhân chứng nguyên là dân quân, du kích chứng kiến sự kiện tiếng bom năm nào hầu như không còn. Ông Nguyễn Quang Hào, đảng viên đầu tiên của làng Lộc Long, bị địch bắt lần hai, chúng đem ra chém đầu tại đình làng. Ông Nguyễn Quang Long (còn có tên gọi khác là Khiếu), người trực tiếp giật bom nổ, mất vì già yếu. Nhiều người sau kháng chiến chống Pháp thắng lợi, tiếp tục lên đường tham gia kháng chiến chống Mỹ, họ anh dũng hy sinh trên khắp các chiến trường miền Nam...

Rất may, qua giới thiệu của Trưởng thôn Nguyễn Văn Thơm, chúng tôi đã gặp được cụ Nguyễn Trường Chùy, nguyên chi ủy viên thuộc Đảng bộ xã Trường Ninh năm 1949. Năm nay cụ Chùy ngoài 80 nhưng còn rất minh mẫn. Bên cây đa cổ thụ cạnh tượng đài, cụ kể: "Những ngày đầu chuẩn bị hưởng ứng cao trào "Quảng Bình quật khởi", khắp các thôn, bản, làng... sục sôi ngọn lửa cách mạng, mong muốn góp phần đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược. Các tổ chức, ban ngành đều chuyển sang thời chiến. Đại đội dân quân xã ngày đêm tập luyện. Ở các làng tiến hành đào hầm bí mật, đào giao thông hào liên thôn, liên xóm... sẵn sàng chiến đấu".

Cụ Nguyễn Trường Chùy, một nhân chứng hiếm hoi đang kể về sự kiện  tiếng bom Lộc Long.
Cụ Nguyễn Trường Chùy, một nhân chứng hiếm hoi đang kể về sự kiện tiếng bom Lộc Long.

Đang theo dòng hoài niệm, khuôn mặt cụ Chùy chợt chùng xuống, đôi mắt đỏ hoe, hai tay đan lấy nhau run run khi ký ức một thời hiện về. Cụ nhắc tên người đồng chí kiên trung, dũng cảm của mình-  Nguyễn Quang Long, trực tiếp giật bom gây nổ ngăn bọn địch vào làng càn quét. Cụ Chùy buồn vì công lao của người đồng đội, đồng chí góp phần không nhỏ vào cao trào "Quảng Bình quật khởi" nhưng cho đến khi nhắm mắt xuôi tay vẫn không có được bất cứ một chế độ gì...

Lộc Long hôm nay

Về Lộc Long hôm nay, chúng tôi chứng kiến tận mắt những đổi thay của một làng quê giàu truyền thống cách mạng. Đảng bộ và nhân dân Lộc Long đoàn kết, chung tay phát huy thế mạnh của mình phát triển kinh tế- xã hội, đẩy mạnh công cuộc giảm nghèo, xây dựng bộ mặt nông thôn mới với nhiều khởi sắc. Lộc Long hiện có 476 hộ, 1.900 nhân khẩu, phần lớn người dân gắn bó với nghề nông, chiếm đến 95% dân số. Người dân Lộc Long cần cù, chịu khó, ham học hỏi... nên chỉ với diện tích hơn 100ha đất nông nghiệp mà họ đã tạo lập cuộc sống ấm no.

Diện mạo làng thay đổi rõ rệt với các cốt vật chất: điện-đường-trường-trạm xây dựng khang trang, đồng bộ và toàn diện. Hệ thống đường làng ngõ xóm bê tông hóa 100% rộng rãi, thoáng đẹp. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, thôn Lộc Long đầu tư một công trình nước sạch phục vụ cho thôn với tổng kinh phí 6 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 2,4 tỷ đồng... Toàn thôn Lộc Long chỉ còn 6% hộ nghèo; Lộc Long quyết tâm phấn đấu đến năm 2015 giảm hộ nghèo dưới 4%.

Trưởng thôn Lộc Long Nguyễn Văn Thơm tâm sự: "Kinh tế-xã hội của thôn hiện không có gì để phàn nàn. Nhân dân có của ăn của để, con em được học hành trong những ngôi trường khang trang. Thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Lộc Long đang có kế hoạch bê tông hóa tuyến đường cuối cùng trong thôn.

Nhưng người dân Lộc Long vẫn đau đáu nỗi niềm, rằng cần có một công trình tương xứng hơn để ghi dấu sự kiện tiếng bom Lộc Long trong cao trào "Quảng Bình quật khởi". Nhiều lần thôn kiến nghị lên xã, lên huyện và cả tỉnh, nhưng chưa thấy hồi âm. Nếu kinh phí hạn hẹp, thì thôn cũng mong được hỗ trợ một phần, trước mắt xây dựng, sửa chữa hệ thống kè quanh tượng đài, để nơi đây trở thành điểm hẹn văn hóa, vui chơi của nhân dân thôn Lộc Long và các xã vùng Nam huyện Quảng Ninh.

Hơn thế nữa, Tượng đài ghi dấu tiếng bom Lộc Long sẽ trở thành một địa chỉ đỏ cho học sinh các trường vùng Nam Quảng Ninh đến tham gia các hoạt động ngoại khóa, nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, giúp các em hiểu thêm về thế hệ cha anh mình, nơi vùng đất anh hùng". 

Hương Trà