.

Tiếp cận và phát huy giá trị của các "kho báu" trong dân gian - Kỳ 1: Đằng sau những lớp trầm tích thời gian

Thứ Tư, 18/06/2014, 07:51 [GMT+7]

(QBĐT) - Từ xa xưa đến nay, đời sống dân gian luôn được xem như một “bảo tàng” khổng lồ. Đó không chỉ là nơi phát tiết, thành hình những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể mang đậm bản sắc, mà còn là nơi nuôi dưỡng, phát huy để chúng tồn tại vĩnh cửu với thời gian, vượt qua nhiều thăng trầm của thời cuộc. Bên cạnh các giá trị đã được lưu truyền, quảng bá rộng rãi, vẫn còn đó những “kho báu” chưa được “khai quật”, âm thầm, lặng lẽ và phó mặc sự tồn tại của mình cho ý thức, hành động của một cá nhân hay tập thể. Có thể liệt kê ra đây rất nhiều vật báu như thế, từ hữu hình như: sắc phong, gia phả, hương ước, văn bia..., cho đến vô hình như: điệu hò, điệu lý, câu hát, cách thức biểu diễn... Và đằng sau những lớp trầm tích thời gian của lịch sử, luôn là một câu hỏi đau đáu, nhức nhối để làm sao chúng ta có thể tiếp cận và phát huy hết giá trị của “kho báu” này.

 

Tấm bia “Động Đình Thủy tộc Long Quân Thượng Đẳng Thần” nằm khiêm tốn trong khuôn viên của miếu Thành hoàng (Đồng Phú, TP.Đồng Hới).
Tấm bia “Động Đình Thủy tộc Long Quân Thượng Đẳng Thần” nằm khiêm tốn trong khuôn viên của miếu Thành hoàng (Đồng Phú, TP.Đồng Hới).

Ông Đoàn Như Kiệt (70 tuổi, Quảng Tiên, TX.Ba Đồn), hậu duệ của dòng họ Đoàn ở làng Tiên Lệ hiện đang lưu giữ hai sắc phong của nhà Nguyễn. Đây là hai sắc phong được vua Tự Đức và vua Khải Định ban cho Thành hoàng làng Tiên Lệ Đoàn Đức Mậu do những công lao to lớn của ông dưới thời vua Lê.

Cả hai sắc phong này đều có niên đại hơn một trăm năm, là nguồn tư liệu rất quý giá để bổ sung thêm lịch sử và để nghiên cứu các tín ngưỡng dân gian. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ sở để dòng tộc, làng xóm nhận thức rõ công lao của bậc cha ông, tiền bối, góp phần khơi gợi tinh thần yêu nước, đoàn kết và thúc đẩy sự nỗ lực, quyết tâm xây dựng quê hương của thế hệ đi sau.

Tuy nhiên, mặc dù đã có nhiều cố gắng, nỗ lực gìn giữ của hậu thế, nhưng với cách lưu giữ rất thủ công, thô sơ, việc hai sắc phong có thể tồn tại lâu dài sẽ không hề đơn giản. Sắc phong của vua Tự Đức được lồng khung kính để lên bàn thờ, vô hình chung, dưới tác động của hương khói, nhiệt độ và độ ẩm cao rất dễ ảnh hưởng đến độ bền của giấy, chữ viết, màu sắc, con dấu của sắc phong. Sắc phong của vua Khải Định được lưu trữ trong một ống nhựa dài và để trong tủ thờ của gia đình ông Đoàn Như Kiệt, làm dấy lên nỗi lo ngại về nhiều nguy cơ tiềm ẩn như mối mọt, cháy nổ, lũ lụt...

Thêm vào đó, điểm lo lắng nhất là ở trên cả hai sắc phong này đều lộ rõ những chữ viết phiên âm bằng bút bi. Theo bà Trần Thị Diệu Hồng, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Bảo tàng tổng hợp tỉnh, điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến giá trị lịch sử, văn hóa của từng bản sắc phong, phá vỡ tính nguyên vẹn của cổ vật.

Tại xã Quảng Hoà (TX.Ba Đồn), 11 sắc phong xưa từ thời nhà Nguyễn của làng Hòa Ninh, biểu tượng cho truyền thống hiếu học với nhiều nhân tài đỗ đạt khoa bảng của vùng quê ven bờ sông Gianh lịch sử, được chuyển dời từ đình Hòa Ninh sang bảo quản tại phòng Văn hóa-Xã hội của UBND xã từ hơn chục năm nay. Mặc dù, các sắc phong được lưu giữ trong ống tre, cất giữ kỹ lưỡng trong tủ kín, nhưng vẫn còn đó những nỗi lo về mối mọt, ẩm mốc và nhiều nguyên nhân khách quan khác làm tác động đến tính nguyên vẹn của vật báu này. Đó là chưa kể đến những lần có khách muốn chiêm ngưỡng, sắc phong được mở ra nhiều lần cũng dễ bị hư hại.

Theo quan sát bằng mắt thường, bên cạnh một vài sắc phong còn khá nguyên lành, không ít sắc phong đã bị rách mục, màu mực và giấy đã ngả màu thời gian. Bà Trần Thị Diệu Hồng chia sẻ, đối với những tài liệu bằng giấy có giá trị lâu đời như thế này phải được bảo quản trong nhiệt độ, độ ẩm thích hợp, đó là chưa kể đến phải thường xuyên được bảo dưỡng theo cách thức khoa học. Như vậy, rõ ràng, dù được lưu giữ theo hình thức cá nhân hay tập thể, các sắc phong vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dễ bị hư hại theo thời gian, bất chấp sự nỗ lực của người gìn giữ. Bởi, bảo quản một vật báu như vậy không hề đơn giản, đòi hỏi không chỉ sự tâm huyết, đam mê, mà còn phải có cả những kiến thức, kỹ năng chuyên sâu, khoa học.

Gần đây, nhà nghiên cứu Hán-Nôm Trương Quang Phúc (Đồng Phú, TP.Đồng Hới) chia sẻ những băn khoăn của mình về một tấm bia đá đặt khiêm tốn trong khuôn viên miếu Thành hoàng của phường Đồng Phú. Theo kiến thức của ông, đây được xem là tấm bia trước đây được đặt ở miếu thờ Long Vương (ở khu vực di chỉ Bàu Tró). Sau những di dời, biến động của lịch sử, tấm bia được đưa về đây và nhiều chữ trên mặt bia vẫn còn rõ nét “Động Đình Thủy tộc Long Quân Thượng Đẳng Thần” cùng tên ngũ vị Long Vương.

Những cách thức lưu giữ truyền thống tác động không nhỏ đến độ bền của sắc phong.
Những cách thức lưu giữ truyền thống tác động không nhỏ đến độ bền của sắc phong.

Theo cuốn Dư địa chí Đồng Hới của nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Tú, Bàu Tró thuộc về phần đất của Trấn Ninh xã ngày xưa (nay là phường Đồng Phú). Tại Bàu Tró có miếu thờ Long Vương, tức thờ thần nước, gọi là Động Đình Thủy tộc Long Vương, rất linh thiêng và là nơi cầu đảo mỗi khi hạn hán, đồng ruộng khô cháy. Điều đặc biệt là mặc dù miếu thờ thần thủy tộc, nhưng người dân không dâng cúng hải vật, mà lại dâng sản phẩm nông nghiệp (đĩa lúa). Như vậy, phải chăng, tấm bia nằm im lìm, bị lãng quên ngay dưới gốc cây trong miếu Thành hoàng này chính là tấm bia từ miếu Long Vương linh thiêng? Đây là nghi vấn rất cần sự vào cuộc của các nhà nghiên cứu lịch sử-văn hóa.

Những minh chứng trên đây cho thấy rõ ràng, “kho báu” trong dân gian của tỉnh ta rất phong phú, đa dạng, nhưng nhiều trong số đó đã và đang ở trong tình trạng chưa biết cách thức bảo quản, khai thác, phát huy giá trị hoặc còn mơ hồ, chưa hiểu hết tầm quan trọng và từ đó rất dễ bị mai một, lãng quên. Chỉ tính riêng về gia phả, sắc phong, hương ước..., nhà nghiên cứu văn hóa Văn Tăng cho biết, chúng ta có một số lượng khá lớn, đồ sộ và đặc sắc trải dài qua thăng trầm của lịch sử.

Mong muốn của những nhà làm văn hóa là xây dựng một chương trình, dự án nhằm phát động, tôn vinh các cá nhân, dòng họ lưu giữ, bảo quản và biết cách phát huy thế mạnh của từng bản sắc phong, gia phả... hoặc các hoạt động triển khai nhằm số hóa kho tư liệu quý đang nằm rải rác trong dân gian này. Nhưng, đối với một địa phương còn nhiều khó khăn như tỉnh ta, có lẽ sẽ vẫn còn chờ đợi nguồn vốn trong một thời gian lâu dài.

Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng tổng hợp tỉnh chia sẻ thêm, công tác điều tra, kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Thông tư 04 của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã được triển khai từ năm 2010, nhưng tỉnh ta vẫn chưa thực hiện một cách hiệu quả do khó khăn về nguồn kinh phí. Chính vì vậy, hệ thống số liệu cụ thể, chi tiết về nhiều giá trị văn hóa phi vật thể, như: các sắc phong, gia phả, lễ hội, nghệ thuật trình diễn, tri thức văn hóa..., đương bỏ ngỏ.

Mặt khác, khó khăn của chúng ta còn nằm ở chất lượng đội ngũ nhân lực, bởi họ phải có trình độ chuyên môn cao, kiến thức, kỹ năng chuyên sâu, đặc biệt là về văn tự cổ, chữ Hán-Nôm. Nhiều thiết bị, phương tiện cần thiết cho công tác bảo tồn, như: máy scan, máy ghi âm, máy quay phim..., còn rất thiếu thốn.

Ngoài ra, thực tế cho thấy chúng ta vẫn chưa tổ chức được các lớp bồi dưỡng, đào tạo kỹ năng, kiến thức nào cho những cá nhân, tập thể hiện đang bảo quản các tài sản văn hóa quý giá, trong khi bản thân họ lại luôn mong muốn được trực tiếp lưu giữ hiện vật để truyền tụng cho hậu thế, và từ chối kênh lưu giữ qua bảo tàng.

Mai Nhân

Kỳ 2: Cần những góc nhìn mới về xu hướng xã hội hoá