.

Vũng Chùa bình yên

Thứ Sáu, 20/06/2014, 10:45 [GMT+7]

(QBĐT) - Từ ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp về với Vũng Chùa-Đảo Yến, vùng biển đảo vốn hẻo lánh này trở nên nhộn nhịp. Mỗi ngày, nơi đây đón hàng ngàn lượt người về viếng mộ Đại tướng. Từ núi Rồng nhìn ra, biển Vũng Chùa trong xanh hiền hòa, những bãi cát mềm mại rồi bãi vảy rồng kéo dài tít tắp trên biển, lô xô theo sóng tạo cho người đến hành hương cảm giác thanh bình kỳ lạ.

 

Vảy rồng lô xô kéo dài ngút tầm mắt.
Vảy rồng lô xô kéo dài ngút tầm mắt.

Biển hiền như cổ tích

Mùa hè, nhiều khách hành hương đến viếng mộ Đại tướng và đã tự khám phá bãi biển hoang sơ giản dị Vũng Chùa. Chị Trịnh Thị Yến từ miền Bắc vào đã ngỡ ngàng trước bãi biển thanh bình này: “Như cổ tích, mặt biển lặng như mặt gương, xuống đây sau khi khói hương trước linh mộ Đại tướng, tâm hồn thư thái ra, bao muộn phiền, bao ồn ào náo nhiệt của cuộc sống như biến mất”.

Quả đúng vậy, biển hiền như cổ tích và cũng là kỳ lạ thay, những ngày mưa to gió lớn, xung quanh Hòn La sóng gầm gào thét, ở biển Vũng Chùa vẫn thanh lặng bình yên. Bao cồn cào đâu đó réo rắt thì biển trước mộ Đại tướng vẫn lặng lẽ vỗ về bờ cát mịn màng ru giấc ngủ ngàn năm. Đứng trước biển, nhìn xa ra, bao quát cả một vùng đất rộng lớn như thấy được hình thể một góc nước non của xứ sở Quảng Bình. Phía ngoài kia là đảo Yến với từng đàn chim Yến líu ríu gọi nhau tìm về tổ ngày mỗi đông đúc hơn...

Biển Vũng Chùa mỗi sáng bình minh có tiếng gà gáy bên kia sườn núi, có tiếng người gọi nhau í ới làm đồng, lên núi, có tiếng ngư dân xỏa lưới đánh mạn thuyền giục cá. Phía trên lưng chừng núi Rồng, tháp chuông ngân lên mỗi ngày càng làm không gian trở nên lắng sâu kỳ lạ. Chếch lên cao hơn tháp chuông, từng làn khói hương bay lên, quấn quýt từng sợi vào hàng cây trước mộ vị tướng nhân dân, mùi hương vướng víu rồi hòa vào mây nước bao la gợi cho bao liên tưởng như Người đi mây về gió thăm thú nhân gian.    

Khi ánh hoàng hôn buông xuống, trăng tà lại mọc giữa thanh vắng mùa hè. Biển bàng bạc sáng lòng nhẹ tênh, vơi cạn bao phiền muộn cho những ai muốn tìm để để trải lòng và tận tâm nhìn ngắm.

Kỳ quan bãi vảy rồng

Có một kỳ quan ở biển Vũng Chùa dưới mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ít người biết đến. Bởi bờ biển này không chỉ có cát, mà còn có hàng cây số bãi đá xếp lớp vào nhau, uốn lượn vào nhau, đan xen vào nhau, chồng thít lên nhau, nhấp nhô vào nhau như bất tận đến phía chút mút mũi Rồng.

Người dân phơi rong biển trên bãi cát mịn, phía xa kia là linh mộ Đại tướng.
Người dân phơi rong biển trên bãi cát mịn, phía xa kia là linh mộ Đại tướng.

Tôi may mắn bước từng bước chân trên những rặng đá kỳ lạ đó. Cũng từng đi bao nhiêu bãi biển của đất nước, nhưng chưa thấy ở đâu có từng rặng đá kỳ lạ như những chiếc vảy khổng lồ úp mặt vào cát ở Vũng Chùa. Người dân ở đây nói đó là bãi vảy rồng. Cụ Lê Thanh Khành kể rằng, núi phía trên có ngọn gọi là núi rồng, ở ngoài biển có mũi của rồng, có đầu rồng, còn những lớp đá xếp vào nhau gọi là vảy rồng, nên đó gọi là bãi vảy rồng.

Không ai biết bãi đá dài tít tắp chừng năm cây số này có từ buổi nào, nhưng chắc chắn nó hình thành từ những vận động địa chất xa xưa của vỏ trái đất để tạo nên danh trấn khu vực Hoành Sơn như ngày nay từ núi non trùng điệp ở phía tây rồi kéo dài thoai thoải, chặt khúc ra đến biển Đông, tạo ra các vũng, vịnh phong phú ở bắc Quảng Bình và nam Hà Tĩnh. Những phiến đá to hơn thân người, có khi nhỏ như những mu rùa, chen nhau, hình nhọn như chiếc vảy giương lên trời, thân và đế xếp từng lớp đều tắp đến kỳ lạ.

Một người bạn cao niên làm công tác bảo tồn đi với tôi dám chắc rằng, đây như một kỳ quan của tự nhiên rất hiếm gặp. Ông khẳng định rằng, nếu ở Tuy An, Phú Yên có xã An Ninh Đông nổi bật với gành đá đĩa thì ở đây vượt trội về các lớp đá xếp vào nhau bị nước biển bào mòn như lớp vảy bảo vệ một con rồng tự nhiên là núi Mũi Rồng ở trong vùng.

Các lớp vảy rồng này khi triều lên sẽ bị thu hẹp lại, lúc triều xuống, nó lộ diện với nơi rộng nhất hàng trăm mét, có dịp nhìn bãi đá lúc triều xuống thấp nhất, người ta dễ choáng ngợp bởi cảnh quan khổng lồ, như cái kỳ lưng và thân của một con rồng đang nằm nghỉ ngơi còn bãi vảy rồng phô trần trước ánh

Người dân vớt rong biển từ Vũng Chùa.
Người dân vớt rong biển từ Vũng Chùa.

nắng, phơi khô như tắm nắng. Tôi có một cơ hội ngắm nhìn điều đó khi nước triều xuống thấp nhất ở lúc 11h trưa, toàn bộ bãi vảy rồng hiện ra như đúng một kỳ quan của tạo hóa và đất trời. Đến một lần, bạn sẽ khó cưỡng trước khung cảnh này.

Nguồn sống Vũng Chùa

Biển Vũng Chùa hiền hòa, bãi vảy rồng kỳ quan đều đã giúp bao ngư phu trong vùng từ hằng vạn đời nay khi con người có mặt dưới rặng núi Hoành Sơn. Biển bình lặng đã thu hút hàng trăm loài hải sản tụ họp theo dòng hải lưu ấm để cho con người các sản vật từ những loài cá đặc sản đến mực, cua, tôm hùm và sự phong phú của hải sâm.

Ông Nguyễn Văn Toại kể: “Cá mực ở đây ngon, ngọt đặm, chỉ đi bằng thuyền nhỏ thôi, đánh một buổi chiều, hoặc bữa sáng là có được cuộc sống trong ngày”. Trước đây ông Toại đi biển để đánh bắt cá, nay có tuổi, ông ra bãi vảy rồng khi triều xuống để bắt loài ốc đá bán cho các cơ sở thu mua trong vùng. Ông Toại kể: “Mấy năm trước ốc đá ít, nhưng năm nay ốc đá sinh sôi nhanh và nhiều lắm. Ốc này dân biển bọn tui trị chứng mất ngủ, chữa được thận, ai mất ngủ ăn vô là ngủ ngon”.

Trên bãi vảy rồng, không chỉ các ngư dân kiếm cá, họ còn có một nghề mưu sinh khác, thu lượm rong biển khi vào mùa. Mỗi năm chỉ khoảng hai tháng, từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 5, rong biển vào vụ, hằng trăm người trong các làng dưới dãy Hoành Sơn ùa ra với biển Vũng Chùa, lặn ngụp và vớt lên từng cụm rong tươi tắn. Ngư dân vớt rong chẳng vội đưa về nhà, họ tạo những sân phơi trên cát, như chính họ tạo ra câu chuyện bình dị ở dưới bến biển. Từ bãi vảy rồng nhìn lên khu mộ Đại tướng, thanh bình đến kỳ lạ.

Nơi đó, Đại tướng như dõi theo, như hòa vào với người dân, như đang chuyện trò với bà con ngư phủ. Với những phận người ở đây, họ tự tin như đang được sự bảo bọc, chở che của vị tướng già bên cây cỏ, đất trời quê hương.

Minh Phong