.

Tiếp cận và phát huy giá trị của các "kho báu" trong dân gian - Kỳ 2: Cần những góc nhìn mới về xu hướng xã hội hóa

Thứ Năm, 19/06/2014, 09:57 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong giai đoạn hiện nay, dù đã có nhiều cố gắng, việc quảng bá, phát huy giá trị của nhiều di sản văn hóa phi vật thể vẫn chưa thực sự xứng tầm với tiềm năng, thế mạnh và còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tính hệ thống. Xu hướng xã hội hóa công tác này đang được xem là một trong những nhóm giải pháp hữu hiệu nhất, vừa góp phần huy động được nguồn lực từ nhiều phía để bảo tồn, nâng cao giá trị “kho báu”, vừa tạo được điểm nhấn, sự gắn kết, tương hỗ, chung tay trong cộng đồng.

>> Kỳ 1: Đằng sau những lớp trầm tích thời gian

Ngay sau sự kiện vinh danh các nghệ nhân dân gian tiêu biểu của Quảng Bình lần thứ nhất do Hội Di sản Văn

Sắc phong được sao chép, in màu-một phương thức lưu giữ hiện đại, phát huy hiệu quả.
Sắc phong được sao chép, in màu-một phương thức lưu giữ hiện đại, phát huy hiệu quả.

hóa Việt Nam tỉnh tổ chức, gia đình hai cố nghệ nhân ca trù Nguyễn Thị Hưng và Nguyễn Thị Hội (Kinh Châu, Châu Hóa, Tuyên Hóa) đã long trọng tổ chức buổi lễ vinh danh hai cụ ngay tại địa phương.

Lúc sinh thời, hai cụ bà là những nghệ nhân dân gian tiêu biểu và có nhiều đóng góp trong việc trao truyền vốn quý ca trù cổ cho thế hệ sau. 45 bài hát theo lời cổ, lời mới cùng nhiều làn điệu đặc trưng của ca trù Châu Hóa, như: hát phú, hát nam, hát kim tiền, múa quạt... đã được hai cụ tích cực truyền dạy, tránh nguy cơ mai một, thất truyền. Chương trình giao lưu nghệ thuật không chỉ là sự tri ân dành cho các nghệ nhân đã khuất, mà còn là cơ hội để khơi gợi, phát huy tình yêu của người dân địa phương đối với ca nhạc cổ dân tộc, đồng thời, đây cũng là dịp để nhiều bậc nghệ nhân qua các thế hệ được trao đổi, chia sẻ, học hỏi kỹ năng, kinh nghiệm.

Có thể nói, sự kiện này không chỉ gói gọn trong phạm vi gia đình, mà có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Mạnh dạn đầu tư nguồn kinh phí hơn 300 triệu đồng cho chương trình này, ông Đặng Xuân Huề, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phẩn xuất nhập khẩu Quảng Bình khẳng định, xã hội hóa công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể đang là một xu hướng rất cần được chú trọng trong giai đoạn hiện nay.

Dù ít hay nhiều, “góp gió thành bão” chính là phương thức hiệu quả nhất để nâng tầm giá trị của nhiều vật báu dân gian. Bản thân rất tâm huyết với công tác bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể, do đó, ông thường xuyên có sự hỗ trợ cho những hoạt động văn hóa văn nghệ của địa phương.

Dòng họ Trần Viết (Đức Ninh, TP.Đồng Hới) vẫn còn lưu giữ nguyên bản gia phả và hai sắc phong có từ thời nhà Nguyễn. Theo cuốn Địa chí làng Đức Phổ của nhà nghiên cứu Đặng Thị Kim Liên, dòng họ Trần Viết vốn có gốc từ làng Đức Phổ (Vĩnh Xuyên, Thanh Hóa) sau di cư vào và đến nay đã trải qua 16 đời, 300 năm sinh sống tại đây. Hai sắc phong của vua Khải Định được ban cho 3 vị thủy tổ của họ Trần vào các năm 1917 và 1925. Riêng gia phả của dòng họ tương truyền được viết từ đời vua Gia Long, cách đây mấy trăm năm.

Ngoài ra, dòng họ Trần Viết còn giữ được một tư liệu quý về núi Thần Đinh (Quảng Ninh) và nhiều bản phả hệ chép tay từ những năm 70 của thế kỷ trước. Toàn bộ tư liệu quý này được cất giữ cẩn thận, an toàn trong tráp đựng bằng gỗ (một vật dụng hiếm hoi được lưu giữ đến tận bây giờ) và được đặt trang nghiêm trong nhà thờ họ. Nhà thờ họ Trần Viết được xây dựng vững chãi, bề thế và rất khang trang, là nơi để con cháu hàng năm tập trung thờ cúng tổ tiên ông bà, cầu phúc cho dòng họ hưng thịnh. Công trình này có được là nhờ nguồn đóng góp tích cực của con cháu gần xa, bà con họ hàng.

Đáng chú ý, ông Trần Văn Trực, Trưởng tộc dòng họ Trần Viết, cho biết, hai sắc phong được chủ động sao chép, in màu theo đúng nguyên trạng và treo trang trọng tại nhà thờ họ để con cháu có thể chiêm ngưỡng, học tập noi theo công đức của cha ông. Và chỉ khi nào thật cần thiết, các sắc phong mới được mở ra để hạn chế hư hỏng, mối mọt. Đây là điều hiếm thấy, bởi hầu hết các sắc phong ở nhiều nơi thường được cất giữ hoặc nếu trưng bày cũng chỉ có phần chữ, ít có bản sao chép hình ảnh sống động, chân thật.

Sắp tới, ông Trần Văn Trực chia sẻ sẽ nỗ lực tiếp tục số hóa, sao chép các tư liệu quý còn lại để phòng tránh nguy cơ thất lạc, hư hỏng, mất mát. Xã hội hóa công tác bảo tồn, phát huy giá trị “tài sản” quý của dòng họ ngay từ chính dòng họ, thân tộc của mình luôn là cách làm hiệu quả nhất, người góp công, người góp của, , bởi hơn ai hết, chính họ mới hiểu được sự trường tồn, sức sống của các giá trị đó đối với đời sống văn hóa tinh thần, tâm linh.

Nỗ lực xã hội hóa công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các vật báu trong dân gian được xem là một trong những nhóm giải pháp mang lại hiệu quả thiết thực nhất, dù đó là xã hội hóa theo quy mô lớn hay nhỏ, tính chất địa phương hay vùng miền, đối tượng hướng đến là ai...

Thế nhưng, bên cạnh đó, vẫn rất cần những cách thức nhìn nhận mới mẻ, toàn diện hơn đối với công tác này, nhất là đối với các di sản văn hóa phi vật thể. Theo ông Văn Lợi, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tỉnh, bất cứ một nỗ lực xã hội hóa nào cũng rất đáng được hoan nghênh và trân trọng, đặc biệt trong bối cảnh nhiều giá trị văn hóa văn nghệ dân gian truyền thống đang dần mai một và mất đi chỗ đứng của mình.

Tuy nhiên, xã hội hóa chỉ một phía thôi chưa đủ, đòi hỏi phải có vai trò tác động từ phía các cơ quan chủ quản Nhà nước, chính quyền địa phương cấp cơ sở. Vai trò này cần được nhấn mạnh từ khâu tư vấn, hướng dẫn, trợ giúp, hỗ trợ các mặt... cho đến quá trình giám sát, kiểm tra chặt chẽ. Bên cạnh đó, sự phối kết hợp giữa các ban ngành chức năng đa lĩnh vực để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xã hội hóa cũng đóng một vai trò quan trọng. Không nên có tư tưởng xem đây là việc của riêng ngành văn hóa hay của một địa phương cố định nào.

Nhà nghiên cứu văn hóa Văn Tăng khẳng định, để đánh thức những vật báu còn “mai danh ẩn tích” trong dân gian vẫn rất cần một nỗ lực dài hơi và có tính hệ thống hơn nữa, nhằm tạo cú hích, sức bật thực sự cho những hoạt động này. Bên cạnh việc cần thiết phải có các chương trình, dự án hiệu quả để kiểm kê, bảo tồn, phát huy, việc xác định mục tiêu cụ thể cho từng hoạt động cũng rất cần được quan tâm.

Chẳng hạn, nếu chúng ta nỗ lực đưa số hóa vào bảo tồn các sắc phong, gia phả, thì phải chú trọng những việc cần làm tiếp theo để phát huy giá trị của chúng, như: tập huấn cách thức bảo quản, phương pháp tổ chức các buổi giới thiệu... Hoặc đối với việc sưu tầm làn điệu dân ca, việc đưa từng câu hò câu hát vào chính phong trào ca hát của địa phương, đánh thức tình yêu với nghệ thuật dân gian luôn cần được ưu tiên hàng đầu.

Mai Nhân