.

Nở rộ phong trào "Phụ nữ thi đua phát triển kinh tế"

Thứ Năm, 11/06/2015, 13:49 [GMT+7]

(QBĐT) - Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Thi đua là yêu nước” gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người, những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã có nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo trong phát triển kinh tế và các phong trào thi đua của Hội. Qua đó, đã phát huy vai trò, sự năng động của các tầng lớp phụ nữ ở mọi lĩnh vực, đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của tỉnh và đất nước.

>> Những bông hoa trong vườn Bác

Những “bông hoa đẹp” trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh.
Những “bông hoa đẹp” trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước của Hội LHPN tỉnh.

Xác định công tác thi đua, khen thưởng là đòn bẩy để thúc đẩy sự phát triển vững chắc của tổ chức Hội, hàng năm, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tổ chức phát động và ký kết giao ước thi đua giữa các huyện, thành phố, các đơn vị trực thuộc nhằm đẩy mạnh các phong trào thi đua, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Tiêu biểu là các phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Phụ nữ Quảng Bình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” và cuộc vận động “5 không 3 sạch”... Thực hiện Chỉ thị 39/CT-TW của Bộ Chính trị “Về việc tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến”, công tác thi đua, khen thưởng đã được các cấp Hội thực hiện nghiêm túc theo đúng quy trình. Công tác khen thưởng không ngừng được đổi mới.

Đối tượng khen thưởng ngày càng mở rộng, hướng đến người lao động trực tiếp ở cơ sở. Hình thức khen thưởng đa dạng phong phú và linh hoạt như khen thường xuyên, khen chuyên đề, khen đột xuất. Quy trình bình xét khen thưởng bảo đảm dân chủ, khách quan, chính xác. Đặc biệt, hàng năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp với Ban Thi đua Khen thưởng tỉnh tổ chức tôn vinh 20 phụ nữ tiêu biểu đã động viên khích lệ được các phong trào thi đua phát triển, lan tỏa,

Từ thực tiễn sinh động của phong trào thi đua yêu nước, trong các tầng lớp phụ nữ xuất hiện ngày càng nhiều gương điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng. Đó là những chiến sĩ thi đua, những tập thể, cá nhân đã nỗ lực vươn lên trong lao động, công tác, học tập, trở thành những tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, phòng chống tệ nạn xã hội, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc...

Mỗi điển hình là mỗi bông hoa tươi thắm trong vườn hoa yêu nước của tỉnh nhà, góp phần tô đẹp thêm truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam thời kỳ đổi mới - năng động, sáng tạo, trung hậu, đảm đang, như Bác Hồ đã từng khẳng định: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cùng già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.

Để việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đạt hiệu quả thiết thực và đi vào chiều sâu, các cấp Hội trong toàn tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến cán bộ, hội viên, phụ nữ về tấm gương của Bác với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Qua đó đã tạo sự chuyển biến rõ nét về ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, hội viên, phụ nữ trong học tập, lao động sản xuất và công tác.

Từ thay đổi về nhận thức, các cấp Hội trong toàn tỉnh đã đăng ký làm theo Bác bằng những việc làm, mô hình cụ thể thông qua các phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo”, “Phụ nữ sản xuất, kinh doanh giỏi” và nhiều phong trào khác. Việc đẩy mạnh các phong trào thi đua phát triển kinh tế đã tạo ra nhiều dấu ấn rõ nét của các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh trên các lĩnh vực sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, ngư nghiệp...

Chị em đã không ngừng học tập rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực quản lý điều hành sản xuất, mở mang các ngành nghề dịch vụ, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và giải quyết công ăn việc làm cho lao động ở các địa phương. Một trong những điển hình tiêu biểu trên lĩnh vực phát triển kinh tế từ công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp là chị Nguyễn Thị Bích Dung, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty CP vật liệu xây dựng 1 - 5.

Chị được biết đến là cánh chim đầu đàn trong mọi phong trào hoạt động của đơn vị. Dưới sự năng động, sáng tạo trong cách quản lý, điều hành của chị, Công ty CP vật liệu xây dựng 1 - 5 ngày càng phát triển, bảo đảm việc làm và thu nhập bình quân cho lao động từ 5 - 8 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, Công ty còn thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối với nhà nước và tham gia hưởng ứng các phong trào nhân đạo, từ thiện.

Trong sản xuất nông nghiệp, chị em đã tiếp thu và ứng dụng những kiến thức khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, cho nguồn thu nhập cao. Từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh đã phát triển 1.188 mô hình phụ nữ sản xuất kinh doanh giỏi. Nhiều mô hình chăn nuôi, kinh tế trang trại đem lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình chăn nuôi lợn nái của chị Trần Thị Huyền (Vạn Ninh, Quảng Ninh) cho thu nhập 300 - 400 triệu đồng/năm; mô hình kinh tế trang trại tổng hợp của chị Hồ Thị Huệ (Kim Thủy, Lệ Thủy), thu lãi từ 350-450 triệu đồng/năm...

Ở lĩnh vực sản xuất ngư nghiệp, chị em đã mạnh dạn đầu tư vốn để nuôi trồng, thu mua, chế biến hải sản phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nữ ở các địa phương. Với mô hình này, nhiều hộ gia đình thu lãi từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động, tiêu biểu như các chị Phan Thị Quyên ở xã Thanh Trạch, Nguyễn Thị Nguyệt ở xã Hạ Trạch (Bố Trạch), Trần Thị Quyết xã Ngư Thủy Nam (Lệ Thủy)...

Trong thành tựu xóa đói giảm nghèo của tỉnh có sự đóng góp tích cực, bền bỉ của các cấp Hội và phụ nữ toàn tỉnh. Từ phong trào “Phụ nữ giúp nhau xóa đói giảm nghèo”, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, “Làm theo Bác, thực hành tiết kiệm giúp nhau giảm nghèo bền vững”... đã mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ. Với quyết tâm không cam chịu đói nghèo, lạc hậu, chị em đã nỗ lực lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế. Nhờ vậy ngày càng có nhiều phụ nữ được giúp đỡ thoát nghèo, vươn lên xây dựng cuộc sống mới. Các cấp Hội phụ nữ đã giúp đỡ cho 12.726 phụ nữ nghèo, trong đó có 5034 phụ nữ nghèo làm chủ hộ thoát nghèo.

Chị Võ Thị Doan ở khu phố 4 thị xã Ba Đồn là một trong những hộ nghèo đã vươn lên làm giàu từ sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các cấp Hội và sự nỗ lực vươn lên của chính bản thân chị. Là một thương binh, sức khỏe yếu, cuộc sống hết sức khó khăn, gia đình chị Doan được Hội Phụ nữ hỗ trợ nguồn vốn vay để xây dựng mô hình sản xuất bánh đa nem, bánh tráng cuốn rau. 

Và mô hình này đã cho gia đình chị nguồn thu nhập khá ổn định với mức lãi ròng chừng 130-150 triệu đồng/năm và thu hút thêm 11 lao động nữ ở địa phương. Chị Hồ Thị Thanh xã Dân Hóa (Minh Hóa) và rất nhiều hộ gia đình khác cũng từng là hộ nghèo nhưng đã vươn lên làm giàu từ mô hình kinh tế trang trại và các mô hình khác bằng nguồn vốn hỗ trợ của Hội phụ nữ. Có của ăn của để, các chị lại tích cực giúp những chị em khác thoát nghèo bằng cách hỗ trợ ngày công lao động, hỗ trợ cây giống, con giống...

Thi đua phát triển kinh tế, thực hành tiết kiệm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã tác động tích cực và mang lại hiệu quả rõ nét trong thực hiện chương trình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của tỉnh. Kết quả này chính là nền tảng quan trọng để các cấp Hội Phụ nữ toàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương và xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.

Minh Ngọc