.

Sự thật đằng sau những hoàn cảnh "đáng thương" của trẻ ăn xin, đánh giày

Thứ Năm, 31/03/2016, 10:21 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian qua, hình ảnh những đứa trẻ ăn xin, đánh giày tầm 9 đến 17 tuổi trong vai những số phận có hoàn cảnh đáng thương, éo le lang thang khắp mọi nơi ở thành phố Đồng Hới để tranh thủ lòng thương của mọi người đã trở nên khá quen thuộc. Vậy nhưng ít ai biết rằng, phía sau hình ảnh "đáng thương" của những đứa trẻ ấy là sự giúp sức của những người cha, người mẹ ích kỷ và thiếu trách nhiệm.

Xuất hiện khắp nơi

Nếu có mặt tại các khu chợ nơi tập trung đông người đến mua sắm như chợ Nam Lý (chợ Ga), chợ Đồng Hới, không khó để có thể bắt gặp những đứa trẻ trong bộ dạng nhếch nhác, lang thang từ góc này đến góc khác hễ thấy ai là chúng lại chìa mũ để xin tiền.

Khi được hỏi về lý do đi ăn xin, những đứa trẻ này đều trình bày hoàn cảnh nghèo khó của mình. Chúng chia sẻ, hầu hết gia đình của mình đều đặc biệt khó khăn như: cha mẹ đã chết hay đang ốm đau nặng. Khi được cho tiền, một em cho biết là đang ở Thọ Đơn, phường Quảng Thọ (TX. Ba Đồn) hiện vẫn đang đi học nhưng tranh thủ hôm nay cô giáo cho nghỉ học nên đi ăn xin để có tiền về phụ giúp gia đình. Với những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn nhưng biết vượt khó như vậy, ít ai lại nỡ lòng từ chối giúp đỡ.

Nhiều người sau khi cho tiền còn dành cho chúng những ánh mắt đầy thương cảm. Chị Hằng ở phường Đồng Phú kể lại: hôm trước đi chợ Ga, vừa chạy xe máy vào khu vực giữ xe, đang loay hoay chưa kịp cất mũ bảo hiểm thì chị đã thấy một cánh tay cầm mũ chìa ngay trước mặt. Nhìn lại thì thấy một thằng bé cũng tầm tuổi con mình ở nhà, thấy tội nên chị rút trong ví cho nó 5.000 đồng. 

Không chỉ hành nghề đi ăn xin, nhiều đứa còn kiêm thêm đánh giày để tăng thêm thu nhập. Bởi vậy mà mức “phủ sóng” của những đứa trẻ này dường như là ở mọi nơi và mọi lúc. Một chủ quán ăn ở đường Nguyễn Hữu Cảnh cho biết: Hầu như tuần nào cũng có mấy đứa trẻ ăn xin, đánh giày thừa lúc mình không để ý là lẻn vào quán xin khách tiền hay kỳ nèo để khách đồng ý đánh giày. Nhiều người thấy thương thì cho tiền, nhưng cũng có người tỏ ra rất khó chịu.

Cha mẹ tiếp tay

Vừa rút 2.000 đồng bỏ vào mũ của một đứa trẻ ăn xin, chị giữ xe ở khu vực chợ Ga liền chạy đến nói với chúng tôi: “Cho gì mấy đứa đó, sáng mô mà ba mẹ chúng không đưa vô bến xe để đi ăn xin”. Ngạc nhiên trước lời chia sẻ của chị, phóng viên đã tìm về Thọ Đơn, phường Quảng Thọ, nơi mà một số đứa trẻ ăn xin đã giới thiệu để xác định thực hư sự việc. Và sự thật quả đúng như lời chị giữ xe đã cho biết.

Một đứa trẻ ăn xin ở Đồng Hới mang áo đồng phục có logo của một trường học ở phường Quảng Thọ (TX. Ba Đồn).
Một đứa trẻ ăn xin ở Đồng Hới mang áo đồng phục có logo của một trường học ở phường Quảng Thọ (TX. Ba Đồn).

Trao đổi với phóng viên, ông Đoàn Xuân Vương, Tổ trưởng tổ dân phố Thọ Đơn khẳng định: “Đúng là có sự việc nhiều gia đình ở tổ dân phố Thọ Đơn đã ủng hộ, tạo điều kiện, thậm chí là dẫn con em mình vào tận TP. Đồng Hới để hành nghề ăn xin, đánh giày”. Điều đáng nói là không chỉ riêng những gia đình có hoàn cảnh khó khăn mà ngay cả những hộ gia đình có điều kiện kinh tế tương đối khá giả cũng ủng hộ con em mình đi ăn xin.

Ông Vương cũng cho biết thêm, nhiều đứa sáng xách cặp đi học nhưng đến giờ ra chơi là rủ nhau nhảy xe bus vào Đồng Hới ăn xin, nhiều trường hợp còn được ba hoặc mẹ đích thân chở lên ngã tư đón xe vào Đồng Hới.

Chúng tôi tìm đến gia đình ông L. và bà B. có con nằm trong danh sách đi ăn xin, đánh giày. Tuy nhiên, khi được hỏi thì cả hai vợ chồng đều một mực khẳng định: Thằng N. nhà tôi nó ngoan lắm và phủ nhận không có chuyện nó đi ăn xin hay đánh giày ở trong Đồng Hới.

Sau những lời chê bai những đứa trẻ khác trong thôn, khi cán bộ tổ dân phố mở ảnh có khuôn mặt em N. bị bắt gặp ăn xin ở Đồng Hới thì vợ chồng này chống chế: Chắc nó bị bạn bè rủ rê. Chúng tôi thực sự ngạc nhiên trước thái độ bình thản như không của vợ chồng ông L. bà B. cũng như rất nhiều hộ gia đình ở Thọ Đơn có con đi ăn xin, đánh giày.

Với họ, chỉ thấy cái lợi trước mắt là việc con cái hàng ngày kiếm được bao nhiêu tiền mà không màng đến hậu quả. Ông Vương cho biết, có không ít em ở Thọ Đơn khi vào Đồng Hới đã bị công an bắt giữ vì tội trộm cắp tài sản.

Nỗ lực của chính quyền địa phương là chưa đủ

Trước vấn nạn trẻ em ở Thọ Đơn, phường Quảng Thọ bỏ học để đi ăn xin, đánh giày, chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp để ngăn chặn. Bên cạnh đó Phòng bảo vệ và chăm sóc trẻ em của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền, vận động người dân ở Thọ Đơn không cho con em mình đi ăn xin, đánh giày.

Thế nhưng, kết quả đâu lại vào đó. Ông Vương cho biết: Tổ dân phố đã thành lập ban vận động để tuyên truyền, vận động những đứa trẻ ăn xin, đánh giày không được vào thành phố hành nghề. Với những trường hợp vẫn trốn học để đi, ban vận động đã tổ chức theo dõi, lên tận xe bus bắt chúng trở về.

Đặc biệt, các anh em trong ban đã vào tận thành phố, mỗi lần đi có 6 người, nếu thấy con em địa phương mình thì áp giải chúng lên xe bus về nhà. Sau khi trở về, tổ dân phố đã bắt chúng viết bản tường trình và mở loa phát thanh đọc tên tuổi, con của hộ gia đình nào lên cho tất cả mọi người cùng nghe.

Thế nhưng, nhiều hộ gia đình vẫn không cảm thấy xấu hổ và tiếp tục để con em mình đi. Ông Vương cũng cho biết, đối với những trường hợp tái diễn nhiều lần mà gia đình không can thiệp, chính quyền đã mời trưởng họ đến để làm việc. Trong bản tường trình của em N, con ông L. và bà B., em viết: “em hứa từ nay em không tái phạm nữa, và cũng mong cha mẹ em thấy được trách nhiệm với con cái”.

Với những biện pháp trên đã cho thấy sự nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn vấn nạn trẻ bỏ học đi ăn xin, đánh giày. Tuy nhiên, sự nỗ lực của chính quyền địa phương thôi là chưa đủ, một khi ý thức và trách nhiệm với con cái của những bậc làm cha, làm mẹ không còn thì mọi giải pháp chỉ như muối bỏ bể.

Có lẽ, giải pháp nên làm để hạn chế tình trạng này là, thay vì giáo dục các em, người đầu tiên cần phải được giáo dục là những bậc làm cha, làm mẹ, để họ thấy được vai trò, trách nhiệm của mình với con cái.

Đ.Nguyệt