.

Phụ nữ với Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

Thứ Ba, 29/03/2016, 10:12 [GMT+7]

(QBĐT) - Tham gia vào chương trình mục tiêu Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS-VSMTNT) giai đoạn 2010-2015, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đóng vai trò hết sức quan trọng, là thành viên tích cực tổ chức triển khai hiệu quả các hoạt động, từng bước cải thiện môi trường sống của người dân khu vực nông thôn, góp phần cùng các địa phương thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Khi công tác tuyên truyền được chú trọng

Chị Nguyễn Thị Kim Lan, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, từ nhận thức môi truờng có vai trò đặc biệt tới đời sống sức khoẻ của người dân, nhất là đối với nhân dân vùng khó khăn, các cấp Hội Phụ nữ đã coi trọng công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cho phụ nữ nói riêng và cộng đồng nói chung.

Cụ thể, công tác tuyên truyền đã được tăng cường, đổi mới, mở rộng địa bàn và phạm vi đối tượng. Nội dung tuyên truyền tập trung vào việc cung cấp thông tin về thực trạng, các nguy cơ tác động tiêu cực đến sức khoẻ, đời sống sinh hoạt, sản xuất khi môi trường bị ô nhiễm bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng.

Nhân Tuần lễ NS-VSMT, Ngày Nước thế giới, Ngày Môi trường thế giới hàng năm, các cấp hội phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức lễ phát động, tuyên truyền và ra quân làm sạch môi trường; tổ chức truyền thông, hội thi tìm hiểu kiến thức về NS-VSMT, hội thi tuyên truyền viên giỏi về bảo vệ môi trường và các cuộc tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm...

Từ đó, nhận thức của cán bộ, hội viên phụ nữ về bảo vệ môi trường đã thay đổi, người dân hướng đến việc sử dụng nước sạch, giữ gìn vệ sinh, bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và hình thành hành vi ứng xử thân thiện với môi trường.

Các cấp Hội Phụ nữ đã tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, phương pháp và kỹ năng tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước hợp vệ sinh, thực hiện mục tiêu chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh, xây dựng nhà tiêu hộ gia đình hợp vệ sinh, các nội dung liên quan về cải thiện vệ sinh tại cộng đồng, kiến thức về duy tu bảo dưỡng đường giao thông nông thôn nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên của hội.

Công trình nước hợp vệ sinh phục vụ cuộc sống ở thị xã Ba Đồn thông qua mô hình hỗ trợ của Hội phụ nữ.
Công trình nước hợp vệ sinh phục vụ cuộc sống ở thị xã Ba Đồn thông qua mô hình hỗ trợ của Hội phụ nữ.

Kết quả, 100% chi hội phụ nữ tổ chức truyền thông cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” và cấp phát tờ rơi, sổ tay tuyên truyền phong trào xây dựng nông thôn mới và các kiến thức về NS-VSMTNT.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền Chương trình NS-VSMT giai đoạn 2012-2015 đã có nhiều khởi sắc, các mục tiêu cơ bản đều đạt và vượt kế hoạch, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng hợp vệ sinh đạt 84,3%; tỷ lệ hộ dân ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 67,1%; nhiều chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm được người dân đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải với tỷ lệ chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh đạt 48,2%; có 82,1% trường học có nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh; 94,1% trạm y tế xã có nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh.

Lan tỏa các mô hình hiệu quả

Bên cạnh công tác tuyên truyền, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã chủ động khai thác các chương trình, dự án có liên quan để xây dựng các mô hình NS- VSMT phù hợp thực tiễn của từng địa phương. Hầu hết các mô hình thực hiện qua thời gian hoạt động đã mang lại hiệu quả thiết thực và đã được cán bộ, hội viên phụ nữ các cấp nhiệt tình hưởng ứng, duy trì và tiếp tục nhân rộng gắn với thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” và phong trào “Phụ nữ chung tay xây dựng nông thôn mới”.

Nổi bật là mô hình vay vốn nước sạch, vệ sinh môi trường qua chương trình ủy thác tín chấp vốn vay NS-VSMT của Ngân hàng CSXH với dư nợ trên 7 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay, đã có hàng nghìn hộ gia đình đầu tư xây dựng được các công trình đồng bộ, khép kín như nhà vệ sinh, bể lọc nước, giếng khoan phục vụ sinh hoạt cuộc sống. Chị Nguyễn Thị Phương, ở xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) chia sẻ, gia đình chị kinh tế khó khăn, được Hội Phụ nữ địa phương tạo điều kiện, chị vay vốn đầu tư nhà vệ sinh và hệ thống nước sinh hoạt bảo đảm sức khỏe cho cả gia đình.

Với mục tiêu tương tự, mô hình Quỹ quay vòng vốn cải thiện điều kiện vệ sinh hộ gia đình tại TP. Đồng Hới nhằm hỗ trợ tín dụng cho các hộ gia đình hội viên phụ nữ thu nhập thấp có nhu cầu xây mới, cải tạo nhà vệ sinh. Qua hơn 4 năm hoạt động, quỹ đã giải ngân nguồn vốn gốc trên 4 tỷ đồng, số vốn quay vòng là 11 tỷ đồng để xây dựng gần 3.000 công trình vệ sinh.

Mô hình về hỗ trợ khuyến khích người dân xây nhà tiêu hợp vệ sinh của  dự án “Cải thiện vệ sinh cộng đồng dựa trên kết quả đầu ra” được triển khai tại 59 xã thuộc 5 huyện từ giữa năm 2012 do Tổ chức Đông Tây hội Ngộ tài trợ. Đến nay, mô hình đã hỗ trợ cấp phát bồn rửa tay cho 130 hộ dân, hỗ trợ xây dựng 30 nhà tiêu giá rẻ cho các hộ nghèo nhất và có 11.386 hộ gia đình phụ nữ nghèo, cận nghèo, khó khăn xây dựng nhà vệ sinh đúng tiêu chuẩn và được nhận thưởng từ dự án.

Đặc biệt, các mô hình thu gom và xử lý rác thải hộ gia đình phát huy hiệu quả tỏa rộng vào từng khu dân cư, từng ngõ xóm, từng hộ gia đình và thực sự góp phần hoàn thành tiêu chí môi trường, thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới ở các xã, nâng cao chất lượng cuộc sống ở từng khu vực dân cư.

Minh chứng rõ nét là toàn tỉnh đã có gần 120.000 gia đình hội viên Hội Phụ nữ đạt 3 tiêu chí nhà sạch, bếp sạch, ngõ sạch; 157 câu lạc bộ liên quan đến lĩnh vực NS-VSMT đã thu hút gần 4.000 thành viên hội viên Hội Phụ nữ tham gia sinh hoạt thường xuyên; xây dựng được 197 tổ thu gom rác thải ở khắp các địa phương; hình thành 13 mô hình “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni lông và tái sử dụng tối đa rác thải tại cộng đồng”; nhân rộng được 1.463 mô hình “Đoạn đường phụ nữ tự quản”...

Theo chị Nguyễn Thị Kim Lan, các mô hình, chương trình dự án về NS-VSMT ngoài hiệu quả xã hội thiết thực còn góp phần nâng cao năng lực quản lý, tổ chức thực hiện và rèn luyện các kỹ năng (kỹ năng lập kế hoạch và tổ chức thực hiện, kỹ năng kiểm tra, giám sát, kiến thức và kỹ năng chương trình tín dụng-tiết kiệm, kỹ năng tuyên truyền vận động tại cộng đồng) cho cán bộ hội các cấp.

Thời gian tới, các cấp Hội Phụ nữ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao hiệu quả của các mô hình một cách toàn diện, gắn với chương trình và nhiệm vị trọng tâm của công tác hội và các tiêu chí cụ thể trong thực hiện nông thôn mới, sử dụng NS-VSMTNT.

N.L