Ngân lên giai điệu quê hương-Bài 2: Bao giờ trở lại ngày xưa?

  • 06:54 | Thứ Năm, 25/04/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Quảng Bình là mạch nguồn cảm hứng chưa bao giờ vơi cạn trong sáng tác nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng. Thế nhưng, những năm gần đây, hàng loạt ca khúc mới ra đời vẫn chưa tìm được “chỗ đứng” trong lòng khán giả… Điều đó đặt ra thách thức không nhỏ đối với những nhạc sĩ (NS) trẻ khi sáng tác ca khúc mới.
 
 
NS Lê Đức Trí, Chi hội trưởng Chi hội NS Việt Nam tỉnh cho hay: Chưa thể thống kê chính xác được số tác phẩm âm nhạc do các NS, tác giả là hội viên Chi hội NS Việt Nam tỉnh, Phân hội Âm nhạc (Hội Văn học-Nghệ thuật) sáng tác về Quảng Bình qua các giai đoạn. Ngoài số tác phẩm được công bố, lực lượng sáng tác chuyên và không chuyên còn có hàng trăm tác phẩm chưa công bố, chủ yếu là đề tài quê hương, con người, du lịch Quảng Bình và những ca khúc tạm gọi là “xã ca”, “ngành ca”…
 
Ngày càng có nhiều người không chuyên nhưng đã “bén duyên” với âm nhạc qua các tác phẩm có chất lượng rất tốt, điển hình là Ngọc Tân (Chi hội NS Việt Nam Quảng Bình, chuyên ngành biểu diễn) với ca khúc “Về Quảng Bình đi anh” (thơ Hoàng Hữu Thái).
 
Nhiều các khúc hay, được giới thiệu trên sóng Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Bình, Báo Quảng Bình và được chọn biểu diễn ở các sự kiện văn hóa quan trọng của tỉnh, địa phương, như: “Không can chi mô”, “Tìm về lời ru” (Quốc Nam, thơ Đặng Thái Sơn), “Lèn Hà, bản hùng ca bất tử” (Lê Đức Trí, ca khúc được Hội NS Việt Nam trao tặng giải B giải thưởng âm nhạc 2022)…
 
Điều dễ nhận thấy, các ca khúc này ngoài nội dung tốt, còn có sự đầu tư khá bài bản từ hòa âm, phối khí, lựa chọn ca sĩ có thương hiệu, chất giọng phù hợp thể hiện. Tuy nhiên, không phải NS nào cũng làm được điều đó. Muốn có tác phẩm hay “đến” và “ở lại” được với công chúng là điều không dễ trong giai đoạn hiện nay, khi mà âm nhạc truyền thống không được nhiều người đón nhận như trước, nhất là thế hệ trẻ.
Ngày càng có nhiều tác phẩm âm nhạc về Quảng Bình được các nhạc sĩ thể hiện theo phong cách mới, phù hợp với nhịp sống hiện đại.
Ngày càng có nhiều tác phẩm âm nhạc về Quảng Bình được các nhạc sĩ thể hiện theo phong cách mới, phù hợp với nhịp sống hiện đại.
Đáng mừng là giữa thị trường âm nhạc “xô bồ” như hiện nay, các NS Quảng Bình vẫn chuyên tâm với dòng nhạc truyền thống, sáng tác đều tay. Điều đó thể hiện tinh thần lao động nghệ thuật miệt mài, nghiêm túc. Song họ cũng gặp không ít khó khăn trong khâu quảng bá, lan tỏa tác phẩm mà nguyên nhân chung là thiếu kinh phí.
 
NS Lê Đức Trí chia sẻ: Bản thân anh xem việc sáng tác là nhu cầu tự thân. Để có một MV ca nhạc ra đời, anh phải bỏ tiền ra lo trọn các khoản, như: Hòa âm, phối khí, quay video, dàn dựng... (chưa kể đến việc thuê ca sĩ có chất giọng, kỹ thuật tốt thể hiện). Hầu hết, tác phẩm của anh đều được các ca sĩ là con em Quảng Bình hát không lấy tiền thù lao, như: Hoàng Viết Danh, Nghệ sĩ Nhân dân Thùy Linh… Nếu phải bỏ chi phí thuê ca sĩ “ngôi sao” hát thì khoản đầu tư cho một ca khúc khá lớn và quá sức đối với hầu hết NS Quảng Bình.
 
NS chỉ có tiền nếu ca khúc được giải thưởng tại các cuộc thi, còn lại chủ yếu là “bỏ tiền mua vui” thỏa chí đam mê. Khó khăn là vậy nhưng chỉ cần ca khúc của mình được dàn dựng, biểu diễn trong các chương trình nghệ thuật, được nhiều người biết đến là NS nào cũng thấy hạnh phúc. “Anh em NS rất trăn trở khi những ca khúc dành nhiều thời gian xâm nhập thực tế và viết nhưng không có kinh phí để đầu tư cho “tới””, NS Lê Đức Trí trải lòng.
 
Công chúng ngày nay không chỉ nghe nhạc đơn thuần mà họ còn chú trọng cả phần nhìn và yêu cầu cao về tính nghệ thuật. Vì lẽ đó, nhiều NS sáng tác xong đành “bỏ túi”, cất giữ cho riêng mình. Không ít ca khúc đoạt giải qua các cuộc thi nhưng sau đó không được phổ biến rộng rãi nên vẫn “xa lạ” với công chúng. Một số NS có ca khúc tâm huyết đã tự bỏ tiền làm MV đơn giản, sau đó đăng tải lên mạng xã hội để bạn bè biết tới...
 
NS Nguyễn Minh Tám, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thể thao-Truyền thông huyện Tuyên Hóa bày tỏ: “Tôi sáng tác chủ yếu về đề tài quê hương Quảng Bình, trong đó nhiều nhất là Tuyên Hóa quê tôi. Có thể kể ra hàng loạt ca khúc, như: “Đồng Lê yêu thương, “Tuyên Hóa một tình yêu”, “Một nửa huyện Tuyên” (thơ Lý Hoài Xuân)… và mới nhất là “Quảng Bình khúc hát tự hào”, “Lời ru khúc khải hoàn”, “Tuyên Hóa quê mẹ ta về”, “Thuận Hóa vọng lời yêu thương” cùng nhiều ca khúc ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương đất nước. Viết thì nhiều nhưng công bố, lan tỏa tác phẩm lại khá “khiêm tốn” bởi không có kinh phí. Một ca khúc ra đời hoàn chỉnh phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong đó có cả sự chỉnh chu từ hòa âm, phối khí, ca sĩ thể hiện. Nếu tiết kiệm lắm, NS cũng phải “chi” ra vài triệu đồng, mạnh tay thì vài chục triệu đồng, thậm chí có những ca khúc chi phí lên đến hàng trăm triệu đồng”.
 
Vì không có kinh phí nên tác phẩm của anh chủ yếu “tự biên, tự diễn” hoặc nhờ bạn bè, đồng nghiệp hát rồi đăng facebook. Đặc biệt, phần lớn tác phẩm anh sáng tác là để phục vụ các sự kiện chính trị của các địa phương, đơn vị trên địa bàn huyện.
 
Không chỉ khó trong công bố tác phẩm, hầu hết NS đều gặp khó trong xây dựng các tuyển tập âm nhạc cho riêng mình bởi không đủ nguồn lực tài chính… 
 
Trước sự phát triển của thị trường âm nhạc trong đời sống hiện đại nhưng những tác phẩm về quê hương vẫn có sức sống riêng. Đó là một Quảng Bình khá trọn vẹn trong “Về Quảng Bình đi anh” (Ngọc Tân, thơ Hoàng Hữu Thái), “Phong Nha đệ nhất kỳ quan” (Lê Đức Trí, thơ Thanh Trắc Nguyễn Văn)… Nếu được đầu tư bài bản, chắc chắn người yêu nhạc Quảng Bình sẽ được đón nhận nhiều ca khúc mới, nhất là những ca khúc phù hợp với sự đổi mới của quê hương.
 
“Để ca khúc về Quảng Bình được lan tỏa, chúng tôi mong muốn được sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh trong việc đầu tư cho ca khúc mới, ca khúc hay về Quảng Bình (ca khúc được tuyển chọn) nhằm đem lại một diện mạo mới cho những ca khúc về quê hương; đồng thời tạo điều kiện cho Chi hội NS Việt Nam tỉnh, Phân hội Âm nhạc Quảng Bình tổ chức những hoạt động nhằm đưa ca khúc đến gần hơn với công chúng. Có như vậy, mới tạo động lực để các NS tiếp tục sáng tác những ca khúc hay, xây dựng tác phẩm chất lượng, phục vụ nhu cầu thưởng thức âm nhạc ngày càng cao của công chúng”, NS Lê Đức Trí bày tỏ.
Nhật Văn

tin liên quan

Tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam

(QBĐT) - Thiết thực hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh vừa tổ chức buổi tuyên truyền, giới thiệu sách và tham quan gian trưng bày các đầu sách tiêu biểu.

Ngân lên giai điệu quê hương-Bài 1: Những giai điệu đẹp

(QBĐT) - Với tình yêu quê hương, các thế hệ nhạc sĩ, trong đó có nhiều NS Quảng Bình đã tạo nên một "Quảng Bình trong câu hát".

Bế mạc Hội rằm tháng ba Minh Hóa năm 2024

(QBĐT) - Ngày 23/4, Ban Tổ chức Tuần lễ Văn hóa-Thể thao-Du lịch và Hội rằm tháng ba huyện Minh Hóa năm 2024 tổ chức bế mạc và trao thưởng bộ môn thi đấu bóng chuyền nam, nữ.