Những mảnh ký ức ấm áp tình dân, nghĩa Đảng

  • 08:17 | Thứ Tư, 23/02/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cuốn sách “Những mảnh ký ức sót lại” của tác giả Thanh Sơn, NXB Nghệ An, phần nào tái hiện cuộc đời tác giả, nơi mảnh đất đói nghèo tác giả sinh ra và lớn lên và sự trưởng thành của chính tác giả qua cuộc chiến tranh khốc liệt. Cuốn sách dày 255 trang với 42 mẩu ký ức chân thật về cuộc đời tác giả, về gia đình, quê hương trong những năm tháng gian khó. Mỗi ký ức mang nặng tình cha, tình mẹ, tình quê hương tha thiết, ấm áp tình dân, nghĩa Đảng.
 
Đồng thời mỗi mảnh ký ức là bài học sâu sắc giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, bài học cho đội ngũ cán bộ về tinh thần “vì dân, vì Đảng”, phấn đấu suốt đời bằng những suy nghĩ, việc làm thiết thực.
 
Phần mở đầu, tác giả viết: “Đây không phải là một cuốn hồi ký. Đây cũng không phải là tập truyện. Đây là những mảnh ký ức sâu sắc và chân thực của một đời người, bị công việc xô bồ và thời gian phủ bụi. Khiến nó lắng lại, chìm khuất. Nhưng nó vẫn ở đâu đó cùng mình, nguyên vẹn, tươi rói, và ám ảnh không lúc nào quên…”,  “Nay hồi hưu, thân xác nghỉ ngơi, đầu óc thanh thản, những mảnh ký ức chìm khuất ấy, trở nên phát sáng, lấp lánh tâm hồn con người. Tựa như những viên cuội trắng chìm lấp, sau mưa bão cuộn chảy, dòng sông lắng lại xanh trong. Và những viên cuội trắng trở nên ngời sáng, lấp lánh…”.
 
Cách đây 4 năm, mùa xuân năm 2018, tác giả đã hoàn thành cuốn sách này lúc 85 tuổi. “Những mảnh ký ức sót lại” đã “kể lại chuyện đời mình trải qua, chiêm nghiệm. Nhằm ghi lại cho con cháu, bạn bè hiểu thêm thăng trầm một đời người, trong dòng chảy lịch sử, trong dòng chảy thời cuộc, của quê hương, đất nước, những năm mình vinh dự làm người. Cũng mong có chút kinh nghiệm sống nào đó cho con, cháu…”.
Bìa sách
 Bìa sách "Những mảnh ký ức sót lại"                               Ảnh: T.H

Mảnh ký ức đầu tiên, ông cho dòng họ, con cháu mình biết gốc tích và truyền thống tổ tiên để con cháu tự hào và phát huy. Trong ký ức: “Gian nan từ trong trứng nước”, ông kể: “… Lúc đó, tôi mới được 7 tháng, nằm trọng bụng mẹ. Cơn bão vào, làm nhà sập giằng chống, cả hai mẹ con bị úp trong đó. Được làng xóm đến cứu, đem mẹ con tôi ra. Cả nhà hú vía vì thoát chết… Đã thế gia đình lâm vào nạn đói khủng khiếp. Sau này, nghe mẹ kể lại, ngày sinh tôi ra, trong nhà không có một lon gạo, hay củ khoai. Nên mẹ không có sữa cho con bú. Đêm khóc, ngày khóc. Khóc ngằn ngặt vì đói...”.

Tác giả nhớ về những ngày còn thơ, bị bệnh khóc “dạ đề” khó nuôi, phải đặt tên Nguyễn Xuân Nuôi: “Nhưng cái tên đầu tiên, tuổi trứng nước, là Nuôi, khiến tôi cảm thấy có ý nghĩa với cuộc đời mình. Cha mẹ nuôi, trời nuôi, hàng xóm nuôi, thầy dạy bảo mà nên người. Đúng là: Công cha, áo mẹ, nghĩa thầy…”.
 
Ký ức về sưu cao, thuế nặng, về lệ làng, là những hình ảnh mà tác giả chứng kiến đã hằn sâu trong tâm trí, nên những ngày lớn khôn, trở thành người chiến sĩ quân báo, ông bao giờ cũng tận tuỵ với công việc, không sợ gian khổ hy sinh, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, cùng bà con trong làng đánh giặc giải phóng quê hương.
 
Trước năm 1945, hoàn cảnh gia đình tác giả đi vào bế tắc, hai đứa em một gái 5 tuổi,  một trai tám tháng, bị ốm nặng qua đời... “ Còn tôi cũng ốm yếu, cha mẹ lâm vào cảnh nợ nần. Cuộc sống đi vào ngõ cụt. Bỗng nhiên có một tín hiệu vui đem đến. Trong làng không khí nhộn nhịp công việc cướp chính quyền, cách mạng tháng Tám âm thầm diễn ra…”. Cách mạng tháng Tám thành công, gia đình tác giả sung sướng hạnh phúc, làng quê đổi mới yên vui. Có Đảng, cách mạng thành công. “… Kể từ đây tôi đã có cơm ăn áo mặc…”. Công ơn Đảng, công ơn cách mạng, công ơn Bác Hồ kính yêu được tác giả Thanh Sơn bày tỏ ngắn gọn qua từng trang viết.
 
Cách mạng thành công, giặc Pháp quay lại xâm lược nước ta một lần nữa. Cậu bé 13 tuổi “Sớm bước chân vào hoạt động du kích…” trở thành một chiến sĩ quân báo, cùng toàn dân bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, để “9 năm làm một Điện Biên, nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng…”. 9 năm tham gia kháng chiến với tác giả biết bao ký ức không thể nào phai nhạt. Với những mảnh ký ức ngắn gọn, súc tích chan chứa “tình dân, nghĩa Đảng”, như: “Học hành dang dở", "Bám sát những trận càn", "Hai lần thoát chết", "Chuyện người du kích bị bắt và ông Phó Thái", "Mật tin cứu sống chúng tôi", "Gặp lại người xưa", "Nhận thức về cán bộ”...
 
Có Đảng dẫn đường chỉ lối, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thành công, quê hương Quảng Bình được giải phóng. Những ký ức về cải cách ruộng đất, công việc sửa sai, đến ký ức ông được bầu Chủ tịch xã, nhưng ông sợ không đảm đương được nên cố tình vắng mặt. Mặc dù vậy, ông vẫn được Đảng yêu cầu, dân tín nhiệm.
 
Tác giả Thanh Sơn tên thật là Nguyễn Đình Song, quê quán xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch. Ông theo cách mạng từ lúc 13 tuổi, làm người chiến sĩ quân báo, suốt cuộc đời ông mang ơn cách mạng, mang ơn Đảng và Bác Hồ. Suốt cuộc đời, ông phấn đấu hy sinh, cống hiến sức lực và tài năng của mình cho dân, cho Đảng.
 
Về hưu, ông không phải nhà thơ, nhà văn, không phải hội viên Hội Văn học-Nghệ thuật, nhưng ông đã cần mẫn, miệt mài cho ra đời 3 tập thơ: "Trái tim bên phải", NXB Thuận Hóa năm 2011; "Nỗi quê", NXB Thuận Hóa năm 2013; "Miền nhớ thương", NXB Thuận Hóa năm 2014; tuyển tập thơ "Gặt hái muộn mùa", NXB Thuận Hóa năm 2016.
 
Sau đó, ông trăn trở ra mắt bạn đọc cuốn “Những mảnh ký ức sót lại”, NXB Nghệ An năm 2018; sưu tầm biên soạn cuốn "Lược chí làng Tô Xá", NXB Nghệ An tháng 9/2019.                                                                                                           Cảnh Giang

tin liên quan

Chấn chỉnh tình trạng lạm dụng ngôn ngữ trên mạng

Sự xuất hiện của Internet đã tạo ra một bước ngoặt lớn trong lịch sử phát triển của văn minh nhân loại. Và từ đây, internet kéo theo một số thay đổi trong cuộc sống của nhiều cộng đồng dân cư, trong phong cách, thói quen, sở thích,... của nhiều người. Riêng về ngôn ngữ, bên cạnh những yếu tố tích cực, tiếp cận kịp thời sự phát triển của khoa học-công nghệ, đã xuất hiện thói quen sử dụng "ngôn ngữ mạng" lệch chuẩn ở một bộ phận người dùng với nhiều hạn chế có thể tác động tiêu cực đến giới trẻ, nên sớm cần được quan tâm chấn chỉnh cho phù hợp.

Ra Giêng

 (QBĐT) - Ra Giêng anh lại đi tìm

Đặc sắc lễ cầu an của đồng bào Rục

(QBĐT) - Khoảng chục năm trở lại đây, cứ đúng vào ngày 15/1 âm lịch (tức rằm tháng giêng), đồng bào Rục ở các bản Mò O Ồ Ồ, Yên Hợp, Ón (xã Thượng Hóa, Minh Hóa) lần lượt luân phiên tổ chức lễ cầu an, nhằm xua đuổi những điều rủi ro, xui xẻo, dịch bệnh và cầu mong may mắn, tốt lành. Năm nay, bản Ón là nơi diễn ra lễ cầu an...