Điểm lại văn học Việt Nam năm 2011

Cập nhật lúc 09:13, Thứ Hai, 16/01/2012 (GMT+7)

Năm 2011 đã qua đi, đã có nhiều sự kiện tác động đến đời sống văn chương. Nhìn lại năm sôi động của văn học chúng tôi xin điểm lại một số sự kiện đáng chú ý.

Năm sôi nổi của văn học trẻ…

Năm 2011 diễn ra ba Hội nghị viết văn trẻ từ Nam tới Bắc. Nếu cộng gộp tất cả số đại biểu được tham dự ba Hội nghị của năm 2011 thì thấy con số không hề nhỏ. Chứng tỏ văn chương vẫn còn là đam mê, còn khiến các cây bút trẻ theo đuổi.

Hội nghị viết văn trẻ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ ba, Hội nghị viết văn trẻ toàn quân lần thứ nhất và Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 8 đều có những nét riêng. Việc bình luận các cây bút trẻ có trở thành đại biểu tham dự Hội nghị, diễn biến của Hội nghị đã trở thành đề tài khá dài cho những ai quan tâm. Nhiều vấn đề văn học thiết thực được các cây bút trẻ đặt ra trong Hội nghị. Sau mỗi kỳ Hội nghị, khó mà vội vàng kết luận xem các cây bút trẻ viết hay hơn hay không, mà phải có một thời gian. Thời gian dài hay ngắn tuỳ thuộc vào tài năng của mỗi người cầm bút.

Nhà thơ Hữu Thỉnh có nhận xét, Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII không có những thần đồng văn chương như chúng ta đã từng có ở những kỳ Hội nghị trước. Tuy nhiên, trong danh sách đại biểu tham dự Hội nghị có tên một cây bút trẻ mà từ mấy năm trước báo chí đã từng gọi là “thần đồng” thơ. Và sau Hội nghị, cũng đã xuất hiện một cây bút nhỏ tuổi (10 tuổi) viết tiểu thuyết mà nhiều người ca ngợi “thần đồng”, “tiểu thuyết gia” với dự kiến 8 tập sách thuộc thể loại kỳ ảo. Cuộc vận động sáng tác văn học dành cho thiếu nhi năm 2010 - 2011 của Nhà xuất bản Kim Đồng cũng trao giải cao nhất ở thể loại truyện ngắn cho một tác giả 13 tuổi.

Giải thưởng Nhà văn trẻ của Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh đã trao cho tác giả Trần Minh Hợp. Như vậy là sau khi đề xuất giải thưởng Nhà văn trẻ thì đây là lần đầu tiên, năm đầu tiên Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh đã tìm được chủ.

Năm của phản biện, tranh cãi…

Ngay từ đầu năm 2011 một vài cuốn sách đã được thổi bùng lên, làm khuấy động đời sống văn chương. Đáng kể nhất là hai tác phẩm vừa được vinh danh trong cuộc thi tiếu thuyết lần thứ 3 và giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam, đó là Hội thề của Nguyễn Quang Thân và Dị hương của Sương Nguyệt Minh. Điểm đáng nói là khi những tác phẩm này chưa được giải thưởng và vào đến chung khảo thì mọi chuyện khá im ắng. Điều này cho thấy tác phẩm được giải đã và đang trở thành một kênh chọn sách của một bộ phận độc giả. Tuy nhiên, thay vì đọc để thưởng thức nghệ thuật thì đa phần là để phản biện lại sự thẩm định. Có thể coi đây là một tất yếu của công chúng khi có những đòi hỏi khắt khe về tác phẩm đã được giải. Tiếng nói của lý luận phê bình như sự thử thách đầu tiên của tác phẩm ngay sau khi đăng quang. Một động thái có vẻ hơi muộn (so với thời điểm dư luận đang sục sôi), nhưng cần thiết, đó là Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức toạ đàm các tác phẩm đoạt giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 3. Bên cạnh đó dư luận cũng đánh giá cao cuốn sách Những ngã tư và những cột đèn của Trần Dần từ khi mới ra mắt.

Năm 2011, cũng là năm giới văn chương bàn nhiều về giải thưởng. Trong hệ thống giải thưởng Nhà nước và giải thưởng Hồ Chí Minh thì lĩnh vực văn học có số đề cử tác giả tác phẩm cao nhất so với các lĩnh vực nghệ thuật khác. Một số nhà văn đã xin rút khỏi danh sách đề cử giải thưởng. Vấn đề xã hội hoá giải thưởng đã tiến thêm một bước mới, khi xuất hiện giải thưởng tư nhân, giải thưởng văn chương mạng. Làm thế nào để giải thưởng tư nhân trở thành một địa chỉ văn học uy tín, chứ không phải là “cuộc chơi” nhỏ bé của một nhóm người vẫn là câu hỏi khó mà những tố chức, cá nhân ngoài đòi hỏi tiền - tài - tâm còn cần thời gian và cả sự lắng nghe dư luận mới may chăng có được.

Sát thủ đầu mưng mủ là cuốn sách bị ngưng phát hành và thu hồi. Điều đáng chú ý là, từ “sự cố” của cuốn sách này, đã phơi bày nhiều vấn đề trái chiều. Có người đồng tình với quyết định thu hồi, nhưng cũng không ít người bênh vực. Cuốn sách tập hợp những câu thành ngữ của giới trẻ đã gây ngạc nhiên cho nhiều tầng lớp độc giả - trừ giới trẻ bởi kiểu nói này đã và đang được giới trẻ sử dụng trong cuộc sống hàng ngày từ nhiều năm nay. Cuộc tranh luận về cuốn sách xem chừng đã ngã ngũ, chỉ có điều nó vẫn là những cuốn sách ở diện thu hồi, đình chỉ, và muốn đọc thì thị trường sách lậu hoặc các phiên bản trên mạng Internet sẽ đáp ứng. 

Lần đầu tiên trong kỳ họp Quốc hội, một đại biểu đã đề xuất luật Nhà văn. Ban đầu luật này là luật Nhà thơ, sau được đổi là luật Nhà văn và thực chất là Luật phát triển văn học. Khi mới nghe tin này, nhiều nhà văn cứ nghĩ đó là câu chuyện đùa mà ai đó khơi ra để giải toả stress. Chưa bao giờ diễn đàn của các nhà văn lại được dịp bàn nhiều đến bộ luật này với tất cả các cung bậc cảm xúc bi lẫn hài.

Truyện cổ tích Tấm Cám trong sách giáo khoa bị sửa phần kết cũng là chủ đề đáng quan tâm. Vài năm gần đây, một số học sinh và các nhà văn lên tiếng vì cái kết của truyện cổ tích Tấm Cám tuy có hậu, lên tiếng cái ác bị trừng trị thích đáng nhưng lại biến nhân vật thiện là Tấm tàn nhẫn trả thù. Sở dĩ cái theo kiểu có hậu này khá phổ biến ở trong các truyện cổ tích, nhưng đối tượng bị trừng trị đa phần là do siêu nhiên (sét đánh, lũ cuốn, sóng nhấn chìm…) hoặc các yếu tố khách quan chứ người thiện không trực tiếp ra tay. Xem xét và cắt nghĩa một vấn đề văn học nghệ thuật liên quan đến lịch sử, đến thời gian thì cũng phải đặt nó trong bối cảnh tác phẩm ra đời. Bởi nếu không thận trọng chúng ta sẽ khó nhìn thấy tính hợp lý ở nhiều tác phẩm văn học dân gian, văn học cổ tích xa xưa trong bối cảnh hiện nay.

Năm 2011 bắt đầu đánh dấu mốc thời gian khởi kiện của Hội Nhà văn Việt Nam trong hành trình đi đòi lại đất trụ sở bị chiếm dụng. Thực ra thì vấn đề kiện cáo này nằm ngoài chuyên môn và khó ảnh hưởng đến công việc sáng tác của từng Hội viên. Nhưng đã có biết bao thế hệ nhà văn coi trụ sở tại số 9 Nguyễn Đình Chiểu là ngôi nhà văn chương của mình. Việc đòi lại đất trụ sở bị chiếm dụng không phải là đòi lại quyền lợi liên quan đến một cá nhân nhà văn hay chỉ riêng những người đang công tác tại trụ sở mà còn là quyền lợi liên quan đến tất cả Hội viên Hội Nhà văn cũng như trách nhiệm bảo vệ tài sản công mà Hội Nhà văn đã được Nhà nước giao cho.

Năm xuất hiện những cái mới

Nhà văn Sơn Tùng đã được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động sau nhiều năm cống hiến cho văn chương và sự nghiệp giải phóng dân tộc. Với bản lĩnh và nhân cách cao đẹp của người chiến sĩ, của nhà văn, ông đã trở thành tấm gương sáng cùng với số lượng tác phẩm không hề nhỏ viết về người cha già kính yêu của dân tộc. Việc trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho nhà văn Sơn Tùng là hoàn toàn xứng đáng, thể hiện sự ghi nhận và quan tâm của Đảng và Nhà nước. Sau nhà văn Sơn Tùng, Đảng và Nhà nước đã truy tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho nhà văn Lê Anh Xuân và Nguyễn Thi.

Xuất hiện e-books - sách điện tử trên thị trường sách Việt Nam. Các ấn phẩm của e-books thực chất là sách in đã có giấy phép và được xuất bản, chứ không tương đương với một nhà xuất bản độc lập, tồn tại trên mạng. Nói cách khác là trên thị trường sách Việt Nam nếu không có sách giấy thì không có e-books. Việc đưa tác phẩm văn học lên mạng Iinternet không còn xa lạ với nhà văn, nhưng chủ yếu là đọc miễn phí. Còn độc giả muốn đọc sách điện tử thì phải trả tiền. Những nhà văn đồng ý cho khai thác e-books ngay từ ban đầu đa phần là những nhà văn khá am hiểu công nghệ thông tin và thị trường sách điện tử đã, đang tồn tại trên thế giới. Còn một bộ phận người cầm bút vẫn tỏ ra e dè, nhất là những vấn đề liên quan đến bản quyền.

Văn học đề tài biển đảo đã được văn nghệ sĩ hưởng ứng. Chúng ta đã có những tác phẩm viết về quần đảo Trường Sa. Xuất hiện những áng thơ làm lay động lòng người trong tác phẩm “Tổ quốc nhìn từ biển” của Nguyễn Việt Chiến. Tác phẩm này nhanh chóng được phổ biến rộng rãi hơn sau khi được phổ nhạc. Nhà xuất bản Trẻ đã thành lập Tủ sách biển đảo với những cuốn: Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam của nhiều tác giả; Hoàng Sa - Trường Sa: Hỏi và đáp, tác giả Trần Nam Tiến… Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Hội nhạc sĩ Việt Nam, báo Vietnamnet tổ chức cuộc thi thơ nhạc Đây biển Việt Nam một lần nữa khẳng định biển đảo là nguồn cảm hứng thiêng liêng cũng như trách nhiệm của người cầm bút. Bên cạnh đó cũng xuất hiện nhiều tác phẩm viết về con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển: Có một con đường mòn trên Biển Đông - Nguyên Ngọc, Huyền thoại tàu không số - Đình Kính, bộ sách của nhà xuất bản Quân đội Nhân dân…

Theo VNQĐ

,
.
.
.