“Trùng tu nhân lực” để bảo tồn di tích

Cập nhật lúc 14:35, Thứ Năm, 12/01/2012 (GMT+7)

Luật Di sản hiện hành quy định, tổ chức, cá nhân lập quy hoạch, dự án hoặc chủ trì tổ chức thi công, giám sát thi công dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích phải có chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, trình độ nhân lực trong lĩnh vực này hiện nay vẫn vừa thiếu, vừa yếu...

Hôm 10-1, tại Viện Bảo tồn Di tích (Bộ VH,TT&DL) đã diễn ra hội thảo khoa học Xây dựng nguồn nhân lực trong hoạt động bảo tồn di tích ở Việt Nam.

Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 - Khóa XII (6/2009) đã quy định về việc cấp chứng chỉ hành nghề cho các cá nhân chủ trì lập quy hoạch, dự án hoặc chủ trì tổ chức thi công, giám sát thi công dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích. Như vậy, văn bản pháp luật quan trọng này cũng đã xác định sự cần thiết phải có đội ngũ chuyên nghiệp và khẳng định chỉ có thể giao phó trọng trách can thiệp vào di sản cho những người thực sự có nghề. Tuy nhiên, hoạt động bảo tồn di tích trong những năm qua, dù có được những bước đi lớn nhưng theo ông Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích, hoạt động này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Dự án trùng tu đình Chu Quyến giành giải thưởng Dự án trùng tu đình Chu Quyến giành giải thưởng lớn về bảo tồn di sản tại Hội nghị của Hiệp hội KTS Quốc tế (UIA) khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2010
Dự án trùng tu đình Chu Quyến giành giải thưởng Dự án trùng tu đình Chu Quyến giành giải thưởng lớn về bảo tồn di sản tại Hội nghị của Hiệp hội KTS Quốc tế (UIA) khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2010

“Bên cạnh những thành tựu đã đạt được thì việc bảo tồn, tu bổ di tích hiện vẫn còn nhiều bất cập” - ông Vinh nói “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự bất cập, trong đó có một nguyên nhân cơ bản là năng lực quản lý và thực thi công tác bảo tồn di tích còn nhiều hạn chế, không chuyên nghiệp. Sự thiếu hụt đội ngũ chuyên nghiệp và những thao tác thiếu chuyên nghiệp của những người có trách nhiệm cả trong lĩnh vực quản lý, giám sát và thực thi công tác bảo tồn di tích đã dẫn đến chất lượng trùng tu di tích không bảo đảm, gây nhiều bức xúc trong xã hội”.

Đồng quan điểm này, TS Đặng Văn Bài cho rằng: “Nguồn nhân lực trong ngành di sản văn hóa chưa đáp ứng nhu cầu đặt ra trong chiến lược phát triển văn hóa. Quyết định 581 của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ: Đội ngũ những người làm công tác bảo tồn trong cả nước còn ít về số lượng, tính chuyên nghiệp chưa cao, lúng túng trong việc xử lý những vấn đề phức tạp do thực tiễn đặt ra, làm ảnh hưởng đến chất lượng bảo tồn, tôn tạo di tích, thậm chí sai lệch, biến dạng yếu tố nguyên gốc của di tích”.

Tại cuộc hội thảo, giải pháp được đưa ra là đào tạo bổ sung nguồn nhân lực cho ngành bảo tồn di tích hoặc thống nhất được nhận thức, bảo tồn di tích là hoạt động khoa học mà đối tượng nghiên cứu chính là di sản văn hóa như chia sẻ của GS.TSKH Lưu Trần Tiêu. Thậm chí, GS Tiêu còn nhấn mạnh, đã đến lúc cần kiến nghị với nhà nước nâng cấp Cục Di sản Văn hóa thành Tổng cục Di sản Văn hóa thuộc Bộ VH,TT&DL. Ngoài ra, PGS.TS Trương Quốc Bình còn cho rằng, cần từng bước xây dựng Viện Bảo tồn di tích thành một trung tâm đào tạo chuyên ngành về bảo tồn di tích sau đại học ở VN, tạo điều kiện thuận lợi cho những người trẻ có cơ hội ra nước ngoài học tập, tu nghiệp về lĩnh vực bảo tồn di tích.

                                                                     Theo TT&VH

,
.
.
.