Bánh chưng làng Hạ

Cập nhật lúc 12:42, Thứ Tư, 04/01/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Hàng năm, cứ độ tết đến, xuân về, 24 dòng họ của làng Cao Lao Hạ (xã Hạ Trạch) lại mở hội lễ tết cổ truyền. Sáng mồng một Tết, con cháu khắp nơi đều đổ về nhà thờ của họ tộc mình với những lễ vật dâng lên tiên tổ. Và tất nhiên, không thể thiếu chiếc bánh chưng, một món dân dã mang ý nghĩa nhân văn cao quý có từ xa xưa.

Vào những năm thập kỷ 70, 80 của thế kỷ trước, thời còn bao cấp, sản xuất theo HTX, công việc cuối năm nhà nông bận rộn vô cùng. Nào là cày bừa, gieo mạ, cấy hái,... xóm làng nhộn nhịp lắm. Khẩu hiệu mà HTX đề ra và bắt buộc phải hoàn thành vụ đông - xuân là “Cấy chưa xong chưa mong ăn tết, cấy chưa hết ăn tết chưa ngon”. Phong trào thi đua lao động sản xuất rất sôi nổi, đội này thi đua với đội khác, HTX này thi đua với HTX kia.

Cuối năm mưa phùn gió bấc, rét run người, đói ăn thiếu mặc nhưng mọi người lớn bé già trẻ ra đồng từ gà gáy tinh mơ. Nơi thì nhổ mạ, nơi cày bừa, người  gánh phân, kẻ đắp bờ nhổ cỏ,... nô nức như ngày hội. Đám học sinh chúng tôi sau giờ tan trường cũng phải theo người lớn ra đồng, tham gia lao động theo tinh thần “tuổi nhỏ làm việc nhỏ”. Nói là việc nhỏ nhưng công việc nhà nông chẳng có việc nào nhỏ cho lũ học trò cả, cũng làm mọi việc như người lớn.

Thời lao động theo chế độ HTX bình công chia điểm, mùa màng khi được khi mất, cây lúa chủ yếu nhờ trời. Năm thì lụt úng mạ cấy xuống sống được nửa phần, năm thì lúa chín chưa kịp gặt vịt trời kéo đàn kéo lũ về xơi trước, mùa thì lúa chín ngâm nước gặt không kịp mọc mầm hết... Ngày công lao động chỉ được một hai lạng thóc, thế mà ai cũng hăng hái. Nhưng, dù mùa màng có bận rộn vất vả đến mấy, thì đến cuối năm, nhất là tháng mười một, tháng chạp, nhà nào cũng tranh thủ đi chặt củi, “ăn” lá, “ăn” giang về chuẩn bị cho nồi bánh chưng tết.

Tranh thủ những buổi nông nhàn, mọi người rủ nhau vào rừng, trèo đèo lội khe 5 - 6 cây số mà tìm củi. Dù rừng rú bạt ngàn cây cối, nhưng dân làng chỉ tìm những cành cây khô, chặt ngay ngắn, dài bằng nhau, ngắn dài tùy vào độ cao của từng người để khi gánh dễ trèo đèo lội suối. Que nào to, thẳng thì chẻ đôi, chẻ ba xếp phía ngoài bó củi nhìn cho đẹp. Rồi bó, nêm, xóc thế nào cho chặt, dễ gánh cũng là cả một nghệ thuật. Đi hái củi tết cũng không ai chặt củi tươi, gánh vừa nặng vừa không kịp khô để đun mấy ngày tết. Bây giờ nghĩ lại, đó cũng chính là truyền thống bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Người có thâm niên rừng rú thì xuống khe, cắt thêm ít lá dong hay tìm một vài ống giang. Có người bỏ hẳn một ngày để đi “ăn” lá, chặt giang.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chiều tối, dọc đường làng nườm nượp người gánh củi, gánh lá về, già trẻ trai gái có cả. Ra khỏi cửa rừng, thường dừng chân ở mấy giếng nước ở đầu dốc, vừa nghỉ lấy sức vừa làm ngụm nước giải cơn khát, lấy tay vốc từng ngụm nước lã mà uống, mát lịm. Cứ vài ba ngày lại tranh thủ rủ nhau đi chặt củi một lần, nên cuối năm nhà ít thì một hai gánh, nhà nhiều thì năm bảy gánh. Củi gánh về nhà, chọn bó nào khô, chắc cất riêng để nấu bánh chưng.

 

Nguyên liệu để chuẩn bị cho nồi bánh chưng cũng là thịt lợn, gạo nếp, hành, đỗ xanh. Thịt thì có lợn HTX nuôi, cuối năm làm thịt chia cho xã viên. Chia theo khẩu phần nên nhà nhiều người được chia nhiều, nhà ít khẩu thì nhận ít. Có năm, cán bộ, công nhân, bộ đội về phép cũng được HTX tính suất chia thêm. Gạo nếp làm bánh chưng cũng được các mẹ chuẩn bị công phu. Hồi ấy, mọi công việc nhà nông đều làm thủ công. Lúa nếp gặt về, chọn những bó chín đều, dùng chân đạp rồi lấy phần hạt mẩy nhất, sàng sảy thật sạch, phơi khô cất riêng vào chum sành, gần đến ngày gói bánh mới đem ra xay, giã. Mẹ tôi bảo, gạo là hạt ngọc của trời, trong đó thấm bao mồ hôi của người nông dân, một nắng hai sương nên phải nâng niu. Hạt gạo nếp dùng cho gói bánh chưng, bánh họ thì càng phải nâng niu hơn nữa, chịu khó đừng để hạt gạo rơi vãi ra ngoài mà có tội với trời đất.

Quan trọng nhất là chiếc bánh họ, tức là chiếc  bánh dâng cúng ở nhà thờ họ tộc. Bánh họ phải to, đẹp hơn bánh thường. Có gia đình dùng khuôn để gói cho vuông thành sắc cạnh. Phải chọn những tấm lá dong to đẹp, nhân cũng nhiều hơn và khi xếp vào nồi cũng phải hết sức cẩn thận không thì méo bánh. Ông bà ta có câu “đói 3 ngày tết, hết khi giữa mùa”, có nghĩa là có nhà đói thật, tết đến cũng không có gì ăn, nhưng cũng có nghĩa khác, là cả năm có đói kém mấy, thì tết đến cũng phải lo cho tươm tất. Chả nhẽ lại bắt con cái nhịn đói mấy ngày tết. Thế là dù giàu dù nghèo, nhà nào cũng gắng làm được một nồi bánh. Nhà khéo tay, nhiều đàn ông con trai thì làm nhiều bánh chưng, nhà lại thích gói bánh tét cho mau, dễ bảo quản để ăn dần.

Đêm cuối năm, cả nhà quây quần cùng gói bánh. Mẹ làm nhân, bố chẻ lạt, con cắt lá, rồi người gói, người buộc. Từ đây, chuyện làm ăn, chuyện làng xóm, chuyện xưa, chuyện nay, chuyện nam, chuyện bắc... cứ râm ran mãi. Trong nồi bánh, thế nào cũng có thêm một chiếc thật nhỏ gọi là bánh thử, cũng là phần thưởng cho người chịu khó thức đêm canh củi. Những nhà không gói được bánh thì “đặt thửa” ông hàng xóm khéo tay sang gói giùm. Phải đặt thửa để ông còn sắp xếp thời gian, nếu tận tết không ai gói giùm là hỏng chuyện.

Sáng mồng một Tết, con cháu các họ tộc dâng bánh lên thờ tổ tại nhà thờ họ. Con đường trước làng tấp nập kẻ xuôi người ngược, nét mặt rạng rỡ vui tươi. Anh em bạn bè, trong làng ngoài nước, kẻ nam người bắc về quần tụ gặp nhau tay bắt mặt mừng, quên hết mọi lo toan vất vả của cuộc sống đời thường. Nhà thờ 24 dòng họ của làng Cao Lao Hạ trống dong cờ mở, thực sự là một ngày hội lớn. Vui nhất có lẽ là các cụ già trong làng, gặp con cháu làm ăn xa về quây quần bên ông bà, bố mẹ. Thoát ly gia đình, ăn cơm “nhà nước” nên đứa nào cũng lớn khôn hơn hẳn. Lễ họ được tổ chức hết sức trang trọng, mang đậm bản sắc văn hóa riêng của làng Cao Lao Hạ, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, chim có tổ người có tông. Sau phần lễ họ, bánh họ lại được các gia đình rước về nhà mình, đặt trang trọng trên bàn thờ gia tiên suốt 3 ngày tết.

Đến bữa cơm tiễn ông bà, cũng là lúc mọi người trong gia đình lưu luyến chuẩn bị chia tay, chiếc bánh họ được cắt nhỏ, mọi người ai cũng có phần gọi là hưởng lộc tổ tiên, hưởng lộc họ tộc, thật là ý nghĩa. Trong mấy ngày tết, bà con làng xóm thăm hỏi chúc mừng nhau, những người ở xa quê về tranh thủ thăm hỏi bà con, đi được càng nhiều càng tốt. Có người sau một năm mới gặp lại nhau, có người 2- 3 năm, có người lâu hơn nên rất nhiều chuyện để tâm sự. Trước đây thông tin liên lạc khó khăn, bạn bè anh em lâu ngày về quê ăn tết gặp nhau cảm động vô cùng. Rồi sau đó, dù muốn dù không, ai nấy lại trở lại guồng quay của cuộc sống đời thường. Món quà mang theo cũng không thể thiếu một chiếc bánh chưng, vài đòn bánh tét. Trong mấy lớp lá xanh là công cha, nghĩa mẹ, là tình chị duyên em, là hương của đất, là vị của trời, là những giọt mồ hôi của bao người cấy gặt. Quả là dù đi tới chân trời góc bể nào cũng không sao quên được. 

Ngày nay xã hội đang phát triển, cuộc sống đã có nhiều thay đổi. Nông dân Hạ Trạch bây giờ đa phần sản xuất theo cơ giới hóa, máy móc dần thay người, công việc đồng áng tuy vẫn còn vất vả nhưng cũng đã đỡ hơn trước. Đám học trò cũng ít phải gánh phân, nhổ mạ như ngày xưa. Người Cao Lao Hạ cũng không còn mấy ai vào rừng chặt củi tết, “ăn” lá, “ăn” giang. Mọi thứ đều đã có nhiều trên thị trường, kể cả bánh chưng, bánh tét gói sẵn. Tâm trạng háo hức của đám trẻ mong đến tết để được theo mẹ đi chợ phiên, được mặc áo đẹp, đi lễ họ, ăn bánh chưng bánh họ cũng có phần giảm vì đời sống bây giờ đã lên cao. Việc gói bánh chưng, thức khuya dậy sớm đun thêm củi, chêm thêm nước cho nồi bánh vì thế đã và đang mai một dần với nhiều gia đình. Rồi chiếc bánh chưng làm quà cũng dần thưa. Nhưng với người nông dân, những người trực tiếp làm ra hạt gạo củ khoai, hạt đậu, tự tay mình làm chiếc bánh chưng dâng lên dòng họ, dâng lên tổ tiên vào ngày mồng một tết, vẫn mang một giá trị nhân văn cao cả trong việc giáo dục con cháu hướng về cội nguồn.

Mong sao dân làng Hạ giữ mãi truyền thống văn hóa tốt đẹp này, để thế hệ trẻ biết cắt lá, chẻ lạt, biết gói chiếc bánh chưng, bánh họ, tự tay dâng lên tổ tiên chứ không phải chỉ còn nghe kể từ truyền thuyết.

Lưu Văn Lộc



,
.
.
.