Những dòng chiêm cảm

Cập nhật lúc 10:46, Thứ Ba, 10/01/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Từ lâu tôi đã chú ý đến Đỗ Quý Dũng qua tập thơ Lỡ Đò (2003) và những bài in lẻ trên các báo, tạp chí. Đến tập thứ hai này, tập Người hát rong anh vừa tặng, tôi đã bị thuyết phục bởi cái mạch chảy thông suốt trong thơ anh, đó là một dòng suối trong trẻo, có chiều sâu và lắng đọng tận nguồn cội của một tâm hồn đã cố gắng tải đựng chất thơ trong thời buổi lẫn lộn quá nhiều chân và giả không biết đâu mà lần này...

Theo dấu vết thời gian, ta thấy Đỗ Quý Dũng quy tụ vào tập thơ này những bài thơ làm gần chục năm nay, điều đó cho thấy anh rất chú tâm vào chất lượng chữ nghĩa chứ không chạy theo số lượng. Tập thơ không dày, đặc biệt hầu hết đều là bài ngắn, điều đó không là vô tình mà chính là giải bày của một nội tâm chất chứa suy nghĩ được mã hoá bằng câu chữ, vần điệu cô đọng.

Người hát rong được viết với vài giọng thơ, chủ đề, chủ thể có mặt trong mấy vai vế, là người ngắm cảnh, là đứa con thương nhớ cha mẹ, là ông già thương cháu... nhưng cái bao trùm trở đi trở lại như một nét chủ đạo trong thơ anh, là người chiêm cảm, là tính triết luận, tính khái quát nâng vấn đề lên tầm cao hơn cái nghe thấy, nhìn thấy, cảm thấy. Thế mạnh của tập thơ chính là chỗ đó, nó lấp lánh trong từng câu chữ, có hơn một nửa số bài anh lùi lại đằng sau sự kiện để gửi gắm một suy ngẫm chứ không chịu dừng lại với hiện thực cuộc sống rồi để đó cho người đọc.

Đèn và lửa nói về ba thế hệ, ông tôi, cha tôi và tôi truyền nhau ngọn lửa bao đời cũng chính là các thế hệ người truyền giữ sự sống từ thời hồng hoang cho đến hôm nay. Người chết đi, song lửa vẫn cháy sáng "Truyền qua tim nhau còn mãi với con người". Suy nghĩ về đời người, anh kết luận:

Không gian vô hạn
Thời gian vô hồi
Mỏng manh tờ giấy
Khoảnh khắc đời người.

                                                                                                          (Nghĩ về đời người)

Bài Gió, kể ra cũng không mới về tứ, đó là đối cảnh giữa làng quê khoáng mát và thành phố ngột ngạt, tuy thế Đỗ Quý Dũng có một khổ thơ khá hay:

Đô thị như một ốc đảo
Máy điều hoà kiệt sức
Luân chuyển luồng khí nóng
thị trường cho nhau.

Từ khí nóng thiên nhiên anh liên tưởng sang khí nóng thị trường là rất mới và hay. Đọc câu thơ, tôi giật mình nghĩ mình cũng đang bị cuốn đi trong vòng xoáy của đời sống thị trường đến chóng mặt. Bài thơ ngắn nhưng ý thơ rộng, khái quát cao về hiện trạng cuộc sống đối cảnh giữa phố và làng, giữa chật và rộng, giữa yên ả và hối hả tất tưởi, nóng bức. Đỗ Quý Dũng không rời suy tư khi nhìn vào bất kì nơi đâu. Thấy một người hát rong, anh mô tả, rồi cảm khái:

Ngả nghiêng trên chính
chân mình
Mấp mô ngày tháng nổi chìm
nắng mưa
Sông đời một chuyến đò đưa
Mười hai bến nước vẫn chưa
cập bờ!

                                                                                                      (Người hát rong)

Đến đây ta hiểu ra anh không chỉ nói riêng một người hành khất, mà trong đó có bóng dáng hết thảy người đời, và hoá ra ai chẳng phải là hành khất trên cõi nhân gian. "Ngả nghiêng trên chính chân mình", câu thơ thần tình đầy chiêm nghiệm: giàu, nghèo, sang, hèn... đều ngả nghiêng trên từng số phận chẳng hơn chi nhau đâu. Tính khái quát của vấn đề rất cao là thế; và nếu bài thơ không có được những câu thơ như thế thì không có gì hết. Đó là cái mạnh của tác giả khuôn thành nét riêng cho một cây bút mà ta quen gọi là cá tính sáng tạo.

Cái tạng triết lí của anh bộc lộ ngay cả một bài tả cảnh. Lên Tam Đảo, anh làm thơ về cảnh đẹp Tam Đảo, nhưng vẫn đồi thấp, núi cao thành ra cái cao thấp sự đời, nhà thấp nhà cao, mây núi chồng nhau hoá ra là cuộc chen lấn ăn ở:

Mà chờ
ngắm cảnh bình minh
Mà nhìn
cao thấp
đời mình đời ta
Phố chồng phố
nhà chồng nhà
Mây trườn lên núi
núi nhoà trong mây.

                                                                                                                (Thân phận)

Nhìn những sợi tơ hồng, một loài dây leo sặc sỡ bám lên cây cối, sống nhờ thiên hạ, nó đẹp đấy, nên thơ đấy, cơ mà nó tàn độc lắm như lũ ăn bám xã hội, làm ruỗng nát cây đời rất cần lên án:

Những dây tơ hồng
Sinh sôi nảy nở
Khô héo cúc tần, tầm vông.

                                                                                                                       (Tơ hồng)

Đỗ Quý Dũng ít nhiều đã có con mắt tinh đời khi lột ra được cái người khác bỏ qua không thấy. Có tới mấy bài thơ anh viết về đồng đội xưa lúc chiến tranh cùng nhau cầm súng bây giờ kẻ sống lên lão, kẻ chết vẫn trẻ mãi với tháng năm. Ngã ba Đồng Lộc ai còn lạ gì, ai cũng đã từng đến đó đặt một nén tâm hương cho những cô gái hi sinh vì sự sống con đường; nhưng anh nhìn thấy một góc khuất rất nên thơ, rất cảm động không ai nhìn thấy:

Các em ra  mặt đường cả rồi
Chỗ tôi ngồi
Những chiếc gương tròn 
nghiêng mặt
Những chiếc lược ngà
không vương một sợi tóc!

                                                                                                    (Khóc với rừng xanh)

Nếu được chọn những câu thơ hay, tôi xin chọn những câu như thế, bởi nó làm ta xúc động, bâng khuâng như hình dung thấy những gương mặt thanh xuân đã ngã xuống qua những gì họ còn để lại. Xem phim có cảnh thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh, vì muốn có chân kinh, họ đã phải lấy bát tộ vàng làm quà lót tay, khiến không chỉ Ngộ Không kinh ngạc, Bát Giới phì cười mà ngay cả với chú ngựa đồng hành cũng tức tối:

Con ngựa bạch
Giẫm chân xuống đất
Ngửa mặt nhìn trời...

                                                                                                                (Tây Trúc)
Dĩ nhiên điều tác giả muốn nói là chuyện ngàn năm trước vẫn là câu chuyện hôm nay trong cuộc sống phức tạp tham nhũng, hối lộ tràn lan.

Tác giả có lúc như một nghệ sĩ thực thụ làm thơ suy nghĩ về cái nghiệp của dân làm văn nghệ. Trong bài Cái đẹp, anh vẽ ra mấy chàng hoạ sĩ, thi sĩ bàn cãi về nghệ thuật là gì với nào trường phái ấn tượng, siêu hình... nhưng nói gì thì nói, cuối cùng anh phải thừa nhận hiện thực. Họ bàn bạc, tranh luận, mặc sức, trong lúc bà cụ vẫn ngồi nhai trầu, một cô gái đẹp ngang qua, thế là cả bọn reo lên cùng một con mắt nhìn hiện thực "Người đâu mà đẹp như tiên".

Thơ Đỗ Quý Dũng quả là đã có nét riêng, tập trung nhất là tính triết lí từ những vần thơ vừa sâu vừa hóm với lối viết của người viết cách ngôn không quen nói dài dòng dây nhợ. Đó là lối thơ chữ ít tình nhiều, cô đúc. Chưa có bài hay nhưng tác giả này đã có những câu thơ hay.

Trong biển thơ hôm nay mênh mông vô bờ và rối rắm với hay và dở với chân và giả với các trào lưu vay mượn thiên hạ đã bỏ lại trên con đường thơ... có được những vần thơ như thơ Đỗ Quý Dũng trong Người hát rong là rất đáng trân trọng; và bởi vậy, tôi xin trân trọng giới thiệu tập thơ với bạn đọc.

Hoàng Thái Sơn

(Nhân đọc Người hát rong, Thơ Đỗ Quý Dũng, Nxb Thuận Hoá, 2011).

,
.
.
.