Mầm sống can trường di cư

Cập nhật lúc 09:46, Thứ Sáu, 06/01/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Cách mặt đất hơn 30m, không một chất dinh dưỡng nào từ đất đưa lên, không một thuận lợi nào có thể, không một cảm hứng nào xúc tác nhưng mầm sống của một số loài cây lại mọc lên từng nhịp thời gian từ một loài chim. Mầm sống di cư để chứng tỏ sự xanh đẹp và can trường trước khắc nghiệt vô biên.

Một đôi vợ chồng chim sáo đã chọn nóc của một giáo đường bị bào mòn bởi thời gian và bom đạn để làm nhà sinh sống. Chúng xây tổ, đẻ ra những đứa con kháu khỉnh của ánh bình minh mỗi sớm. Đội vợ chồng chim sáo chung thuỷ và mớm mồi cho con là nhiều thức hạt kiếm được khắp nơi chúng bay qua. Chim con dần lớn, vỗ đôi cánh chập chững bay, khám phá cái nóc nhà chúng ở. Nơi đó là vôi vữa và gạch cũ, bị nắng gió đun nóng mỗi mùa hè.

Những con chim non nhảy tưng với nhịp trò chơi của chúng, bố mẹ đưa về các loại quả của cây. Chúng tiêu thụ và bài tiết mỗi ngày, các loại hạt từ phân của chim sáo bắt đầu bám vào kẻ tường đổ nát, rồi mưa gió đưa đến xúc tác nảy mầm, những hạt mầm bắt đầu nẻ lên, nhú ra và hồi tưởng cuộc sống như cách cha ông của chúng từng làm, nhưng chúng phải khác là kiên gan hơn mới xanh dưới ánh nắng chói chang, khổ hạnh.

Trên nóc vòm ấy, những mầm đầu tiên của loài cừa bắt đầu cuộc trường chinh sống. Gió hú mùa đông, mầm sống nghiêng ngã, để sống được một cách chín chắn, chúng phải tư duy cho rễ mọc sâu vào từng kẽ hở của mái vòm. Rễ chúng cứ thế bò ra, dài mãi tìm đến những khe cắm hy vọng. Nhưng vôi vữa chắc nịch ít khe, buộc chúng phải bám chặt vào rêu tảo, tránh được cuồng phong bão tố.

Can trường của mầm sống
Can trường của mầm sống

Tháng ngày trôi đi, mầm sống sinh ra từ chim sáo mọc lên có cây lá, thương dáng hình của chúng vẫn khắc khổ vô cùng, bởi gió lật tứ bề, những hoa lá bị tuốt vào mùa bão dữ, cành nhánh xiêu méo khi gió giật tơi bời. Mầm sống phải cố vươn lên chững chạc, rễ thành dây dài vài mươi mét cho cuộc thích nghi ác nghiệt.

Bám được mái vòm, mầm sống phải kiếm tìm dinh dưỡng cho cành lá. Nó buộc phải tiến mình hợp với cách sống không đất. Mùa nắng lá héo, vòm như bị rang lên bởi nắng cháy cùng cực. Mầm sống phải úa mình để giữ thân khỏi thoát nước. Những đêm trăng, nó bung mình, căng lá, vớt từng giọt sương từ nước bốc hơi của biển và sông, chắt chiu từng phút thời gian. Mặt trời bình minh, lá bắt đầu úa xuống, tránh sự phô trương mất nước không cần thiết.

Mùa đông mưa tầm tã, mầm sống sần sùi, những kẻ nhỏ được tiếp tế nước, chúng tranh thủ cuộn những rễ mầm thành chuỗi, thành búi, giữ vào đó những ngần nước cần thiết nhằm tích trữ năng lượng để đương đầu với khốn khó mùa hạ năm sau.

Mười năm thấy mầm sống tự mình đứng vững, nay nó đã có những quả và gió đưa đi quanh đống đổ điêu tàn. Những em út của mầm sống ban đầu cũng nảy lên cách thích nghi từ nguồn ren của nó. Chúng tư duy như cách mầm sống từng trải, để vươn mình giữa khắc nghiệt vữa vôi.

Các mầm con làm theo cách của mầm sống, bám vào tường, vào vách cheo leo. Tưởng như không thể làm được gì của địa hình vô vị, nhưng mầm sống con, mầm sống em, mầm sống cháu vẫn chen lên trên gạch cũ. Có những mầm sau thẳng tưng, can đảm hứng gió, ngực mầm sống sau hứng lấy mọi vùi dập của tự nhiên thành cơ hội cho cảm hứng màu xanh.

Mùa năm nay khác với mùa năm xưa, mầm sống đã vững bền trên nóc mái, đủ một quần thể reo vui trước gió. Từ một mầm cô đơn cần mẫn, nay mầm sống có một gia đình trên kia của gió. Một gia đình sống can trường trước khắc nghiệt vô biên.

                                                                                 Minh Phong

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

,
.
.
.