Nhà văn Hoàng Ngọc Hiến: Dòng chảy đam mê Minh triết Việt

Cập nhật lúc 15:16, Thứ Hai, 09/01/2012 (GMT+7)

Cho đến hôm nay, sau khi nhà văn Hoàng Ngọc Hiến đã ra đi về cõi vĩnh hằng được hơn 6 tháng ở tuổi 82, các đồng nghiệp, môn đệ, học trò cũ của ông vẫn ngồi chật kín hội trường Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam ở 53 phố Nguyễn Du, Hà Nội, say sưa bàn thảo những tư tưởng mới lạ của ông về Minh triết và Minh triết Việt với những ý nghĩ táo bạo và một dòng chảy đam mê đến vô tận mà ông đã truyền lại cho các thế hệ sau trong một cuốn sách thật sự khiêm nhường như chính cốt cách của con người ông: “Luận bàn minh triết và minh triết Việt” (1)
1. Văn hay không lọ...

Cuốn sách chỉ vỏn vẹn có 150 trang, khổ 13x19 cm mới được NXB Tri thức ấn hành quí III- 2011, nhưng trong đấy chứa đựng những tư tưởng lớn lao của Tiến sĩ- Nhà văn Hoàng Ngọc Hiến với 3 phần: 1/ Luận bàn về những vấn đề minh triết (góp phần định nghĩa minh triết); 2/ Tìm hiểu minh triết tam giáo trong văn hóa Việt Nam; 3/ Sức mạnh văn hóa và sự phát triển của văn minh (điểm duyệt những nguồn và giá trị minh triết Việt Nam).

Cố nhà văn Hoàng Ngọc Hiến
Cố nhà văn Hoàng Ngọc Hiến

Bằng lối viết vừa khúc chiết lại vừa rất giản dị dễ hiểu, nhà văn Hoàng Ngọc Hiến trình bày quan điểm của mình về minh triết. Theo ông, minh triết được hình dung có nhiều điểm giống với “đạo lý đời thường” hay ít ra minh triết và “đạo lý đời thường” cùng cộng sinh, trong đó “đạo lý đời thường” như là sinh môi khả dụng để bày tỏ những vấn đề minh triết. “Đạo lý đời thường” là cách sống và cách ứng xử giữa con người với con người. Còn “đạo lý thánh hiền” là cách sống và cách ứng xử giữa cấp trên và cấp dưới, giữa những người giữ các trọng trách xã hội từ nhỏ đến lớn.

Tiến sĩ- Nhà văn Hoàng Ngọc Hiến tỏ ra rất thích thú với quan niệm của hai người là Ngô Thì Sĩ (1740-1786) và Kim Định (1914- 1997) khi bàn về “đạo lý thành hiền” và “đạo lý đời thường”: “Đem đạo thành hiền để quở trách thói đời không bằng đem đạo đời thường ra cảm hóa lòng người” (2) . Tất nhiên, minh triết là một phạm trù triết học- văn hóa nên nó có nội hàm rộng lớn hơn so với “đạo lý đời thường”. Nhưng các sắc thái biểu hiện của “đạo lý đời thường” lại rất phong phú, đa dạng, có thể nói là vô cùng tận. Mỗi người có hàng trăm ngàn cách ứng xử khác nhau với những người xung quanh, trong những cảnh huống khác nhau.

Từ gợi ý trên của Ngô Thì Sĩ, ông Hoàng Ngọc Hiến là người lần đầu tiên ở Việt Nam đã mạnh dạn đưa ra một định nghĩa về minh triết của riêng mình: “Minh triết là tính sáng khôn, thiên về diễn ngôn thoáng gọn, chủ yếu được sống và sống ở bình diện đạo lý đời thường, tuy vậy không xa lạ với đạo lý thành hiền thiên về cảm hóa lòng người hơn là quở trách thói đời” (3). “Tính sáng” theo ông như là một thuộc tính của “minh tâm” (cái tâm trong sáng). Trong bài “Cư trần lạc đạo phú” của vua Trần Nhân Tông (1258- 1308), người đã đặt nền móng cho trường phái Trúc lân Yên Tử, một trong những cái nôi của Phật giáo Việt Nam, đã nhiều lần nhắc đến tính Phật và phân biệt khá rõ “tính sáng” là “đạo” và “khôn” là “đời”. Minh triết vừa là “đạo” vừa là “đời”, nó chính là “tính sáng khôn”.

Và theo ông cảm hứng chủ đạo của minh triết là “xây dựng” bằng “sự cảm hóa lòng người”. Minh triết là một kho báu những kinh nghiệm đối nhân xử thế, thuật “đắc nhân tâm”...Tuy nhiên, nghiên cứu minh triết không thể chỉ dừng lại ở sự tổng kiểm kê những kinh nghiệm ấy, mà cần phân tích, nghiền ngẫm nó để đề ra những ý niệm, khái niệm của minh triết. Cuối cùng ông đúc kết: Minh triết là biết sống khôn ngoan và hẳn hoi (4). Lưu ý rằng ở trong đúc kết này có hai vế “khôn ngoan” và “hẳn hoi”. Nếu một người chỉ “khôn ngoan” không thôi dễ trở thành láu cá, vụ lợi, nếu chỉ “hẳn hoi” thôi dễ trờ thành đờ đẫn, u ơ. Người sống đạt đến minh triết là phải biết kết hợp cả hai phẩm chất “khôn ngoan” và “hẳn hoi” một cách hài hòa, không quá thiên về cái nào cả.

2. Minh triết Việt nhìn từ bản sắc văn hóa dân tộc

Nhà văn Hoàng Ngọc Hiến cho rằng minh triết chỉ là một lát cắt, một lối đi, một phương cách ứng xử của văn hóa dân tộc. Để có thể hình dung vấn đề rõ hơn cần thiết phải phân biệt được hai phạm trù “văn hóa” và “văn minh”. Ông đã đưa ra một cách phân biệt rất cụ thể, dễ hiểu như sau: Nếu “văn minh” là những thiết chế và cơ chế kinh tế, pháp lý, xã hội,... được cộng đồng mà đứng đầu là cơ quan có thẩm quyền đặt ra để đảm bảo trật tự, ổn định đời sống cộng đồng xã hội, thì “văn hóa” là tổng thể những tư tưởng triết học, đạo đức, tôn giáo, mỹ học,...được thăng hoa và siêu thoát từ đời sống tinh thần của xã hội.

Văn hóa do gốc rễ lịch sử sâu bền nên bao giờ cũng có tiềm lực trường tồn lớn hơn những thiết chế văn minh, cái thường thiên về mặt hành dụng và do đó tính bất định, khả biến và nhất thời của nó cũng nhiều hơn. Văn hóa có sự tích lũy những hằng số lịch sử, bao giờ cũng có tầm nhìn khoáng đạt, xuyên suốt cả ba chiều thời gian hiện tại, quá khứ, tương lai, nên nó hoàn toàn có thể thể trụ lại được trong các cuộc khủng hoảng nếu trở về những nguồn cội minh triết của nó (4).

Thực tế cho hay người ta chỉ có thể nói đến khủng hoảng chính trị, kinh tế, xã hội, nhân đạo,... đối với một quốc gia, dân tộc hay vùng lãnh thổ chứ tuyệt nhiên chẳng ai nói đến khủng văn hóa cả. Văn hóa bao giờ cũng có độ “lì”, đà “trễ” và tính bảo thủ nhất định. Chính những thuộc tính ấy mà từ cổ chí kim, từ đông sang tây chưa bao giờ xảy ra khủng hoảng văn hóa. Bởi một quốc gia dân tộc nào đấy nếu bị khủng hoảng văn hóa, hay nói một cách khác là đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc thì quốc gia, dân tộc ấy khó có thể tránh được nguy cơ bị diệt vong.

Bìa cuốn Luận bàn minh triết và minh triết Việt
Bìa cuốn Luận bàn minh triết và minh triết Việt

Theo nhà văn Hoàng Ngọc Hiến, văn hóa dân tộc cao hơn mọi thành kiến giai cấp hẹp hòi, mọi xung đột lợi ích nhóm cục bộ, cũng như những bất ổn xã hội tạm thời,... Văn hóa sẵn sàng tiếp nhận mọi giá trị để làm giàu cho bản thân. Do vậy văn hóa của dân tộc nào càng khoan hòa bao nhiêu càng lớn bấy nhiêu. Minh chứng là những năm gần đây văn hóa của ta đã  khoan hòa tiếp nhận Thơ mới, Tự lực văn đoàn và cả những điều trước đây bị coi là cấm kỵ, cũng như nhiều tác phẩm văn chương có giá trị của thế giới. Trong quá trình phát triển đất nước sẽ khó tránh khỏi những mâu thuẫn, xung đột về lợi ích kinh tế và xã hội, nhưng văn hóa với tinh thần khoan hòa của nó đã đem lại một sức mạnh to lớn góp phần vào sự củng
cố, thống nhất quốc gia và đoàn kết dân tộc.

Với sự lý giải trên, từ góc nhìn minh triết có thể thấy bản chất của văn hóa của dân tộc Việt là sự bao dung, khoan hòa tạo nên tinh thần hòa hợp và hòa giải dân tộc. Thực chất quá trình phát triển của dân tộc ta về văn hóa từ góc nhìn minh triết là quá trình tích hợp những lý tưởng nhân đạo, cảm hứng nhân ái và kinh nghiệm tu thân của mỗi thành viên trong cộng đồng. “Tướng sĩ một lòng phụ tử/ Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” (Nguyễn Trãi) đấy là tinh thần khoan hòa, hợp dung văn hóa mang đậm bản sắc minh triết Việt. Nếu thoát ly bản sắc văn hóa dân tộc với tư cách là sự hợp dung các nguồn mạch minh triết, thì sự tiếp biến văn hóa sẽ diễn ra một cách máy móc, méo mó, thậm chí là thô lậu và do đó sự tiếp biến trong quá trình hội nhập sẽ không thể nào có được những thành tựu bền vững.

Truyền thống “tình làng nghiã xóm” bao đời nay có gốc rễ bền sâu trong lịch sử văn minh Việt. Ở đó đã kết tinh giá trị độc đáo của bản sắc văn hóa dân tộc: tình nghĩa. Chủ tịch Hồ Chí Minh, hiện thân của đỉnh cao về sự kết tinh giữa bản sắc văn hóa dân tộc và minh triết Việt đã từng nói: “Hiểu chủ nghĩa Mác- Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống với nhau không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác- Lênin được” (6). Rõ ràng là trong đời sống tinh thần của dân tộc ta, những truyền thống tốt đẹp như “tình sâu nghĩa nặng”, “trọn nghĩa vẹn tình” đã trở thành những giá trị nhân văn cao cả, sâu sắc và mang đậm sắc thái của minh triết Việt.

Với vốn kiến thức uyên thâm, sự am hiểu tường tận những vấn đề văn hóa dân tộc Việt từ góc nhìn minh triết Việt, nhà văn Hoàng Ngọc Hiến đã đưa ra những kiến giải thỏa đáng và rất sâu sắc về những vấn đề căn cơ, cốt lõi của văn hóa mà không phải bất cứ ai cũng có thể làm được như ông./. 

                                                             Theo VNQĐ

,
.
.
.