Ngôi đình làng thờ chữ

Cập nhật lúc 13:10, Thứ Tư, 25/01/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Nằm bên dòng sông Gianh, đình làng Lũ Phong (Quảng Phong, Quảng Trạch) đang được gọi là đình làng lạ nhất nước Nam. Đình không thờ thành hoàng bổn thổ mà thờ chữ từ ngày đình được khai thiết để con cháu tu dưỡng đạo đức, yêu nước thương nòi. Sách của nhà Quảng Bình học Nguyễn Tú viết thế và thôi thúc tôi một lần về ngôi đình làng này.

Thần chữ trong đình

Nghe kể về đình làng Lũ Phong đẹp nhất vùng bắc Quảng Bình, hơn hai trăm năm trước từng một thời kẻ sĩ khắp nơi ở tận Nghệ An cũng vào chiêm bái. Bởi một lẽ, đình không thờ thành hoàng, mà người làng gọi là thờ năm vị thần vô danh, không tên tuổi nhưng vẫn được người dân phong "thần".  Người Lũ Phong lấy việc "thờ thần, thờ dân, thờ văn, thờ võ, thờ lễ" là nguyên tắc trọng đại cho con cháu truyền đời. Nhưng điều quan trọng nhất là những thứ tưởng chừng như bình thường ấy được người làng nâng tầm lên thành "thần".

Người già của làng, cụ Nguyễn Văn Ưu 89 tuổi nói: "Từ thuở lập đình cách đây 469 năm, đình được dựng lên năm gian. Bậc khai canh các họ họp lại nhất trí dừng chữ để thờ, không thờ thành hoàng làng". Nói đoạn cụ Ưu cho người tìm vị coi sóc đình làng đến dẫn vào đình.

Từ cánh đồng làng nhìn về đình Lũ Phong. Ảnh: M.P
Từ cánh đồng làng nhìn về đình Lũ Phong. Ảnh: M.P

Ông Nguyễn Vinh (68 tuổi) sống ở thôn 4, Quảng Phong đang bận việc nhà nhưng cũng rảo bước đến theo lời cụ Ưu, bởi cụ là người cả làng ai cũng trọng vì sự hiểu biết và nhớ nhiều sự xưa của ngôi đình làng mình. Vừa đi về cửa đình, ông Vinh vừa lý giải việc thờ chữ và phong chữ thành thần là cách của dân gian làng nước dưới thời phong kiến. Các chữ Thần, Dân, Văn, Võ, Lễ được cúng bái trọng vọng. Người làng ngang qua đình đều phải cất nón, áo mão chỉnh tề cúi đầu rảo bước một cách cung kính. Ông Vinh mở cửa, nói dày dép phải bỏ ở bậc tam cấp, vào diện kiến thần chữ cần hương khói, đó là lệ làng đặt ra mấy trăm năm nay.

Nén hương cung kính thần chữ thắp lên, không gian đình làng Lũ Phong vương vái thâm nghiêm. Những long ngai thờ thần chữ đặt giữa đình và hai vài hai bên được bố trí đơn giản nhưng trịnh trọng, bởi người bên sông nước sông Gianh luôn có cuộc sống giản dị. Đầu tiên là long ngai chữ Thần, sau đó long ngai chữ Dân, rồi Văn, Võ, Lễ. Thứ tự sắp đặt đã từng tồn tại từ năm 1542 đến nay. Thần chữ trong đình lần đầu được thấy, uy nghi vô cùng và cũng sang trọng vô cùng.

Niềm tôn kính gốc dân

Các tài liệu của các cụ đồ nho để lại giải thích từ thuở khai sinh lập làng, những vị khai canh nhấn mạnh rằng thờ thần là tôn kính thiên nhiên, trời đất; thờ dân là tôn kính Tổ quốc, vì dân là gốc của nước nhà. "Quốc dĩ dân vi bản"; thờ văn để trọng văn, lấy văn để phát triển làng xóm vì có văn mới có văn hoá, có phong tục tốt đẹp, gia phong lề lối, có tri thức để làm nghề mưu sinh; thờ võ chuộng võ, trọng võ để có đủ sức mạnh bảo vệ dân làng, bảo vệ nước non; thờ lễ để làm nền móng cho người Lũ Phong có truyền thống khí cốt lâu bền.

Long ngai thờ chữ ở gian chính gồm Thần, Dân, Văn, hai gian hai bên thờ Võ, Lễ. Ảnh: M.P
Long ngai thờ chữ ở gian chính gồm Thần, Dân, Văn, hai gian hai bên thờ Võ, Lễ. Ảnh: M.P

Sách của Nho học xưa có câu: "Quân tử bác học ư văn, ước chi dĩ lễ"; được phiên nghĩa rằng người quân tử lấy việc học rộng văn để tập trung vào việc làm lễ nghĩa. Và người làng Lũ Phong, lại rộng hơn trong nghĩa tử Nho học, không dừng lại ở "bác học ư văn" mà còn phải là "bác học ư thần, ư dân, ư võ" mới thu tóm vào "ư lễ" một cách đủ đầy. Nhà Quảng Bình học Nguyễn Tú trong di cảo của mình viết: "Tuy trong cách thờ, chữ lễ đứng sau, nhưng sự thực là lễ đứng trước, được tôn kính trước, vì lễ có nghĩa là yêu nước, là thương dân, là kính thần, là trọng văn, là trọng võ. Có biết lễ nghĩa, có thấu hết tinh hoa của lễ nghĩa mới yêu nước thương dân được".

Cụ Ưu thuyết thêm: "Lễ lồng lộng trong tâm hồn làng từ xưa đến nay, hiểu được lễ mới trọng dân, lấy dân làm gốc của làng của nước. Hiểu được lễ mới làm được việc làng có tôn ti trật tự, hiểu được lễ là đến được với dân, dân trọng, trọng dân thì làng hô hào việc gì cũng được hưởng ứng, gốc làng là vậy".

Vóc đình và thành hoàng

Cụ Ưu kể, thường thành hoàng làng là người khai khẩn, lập làng, nhưng thành hoàng làng là đại khoa Phạm Xuân Quế dưới thời vua Thiệu Trị. Tuy là quan văn nhưng cụ Phạm Xuân Quế là người sức vóc vững vàng, giỏi võ, vốn gốc gác làng Lũ Phong ai cũng hiểu biết nhiều thế võ để bảo vệ làng nước. Chính vì vậy, vào thời vua Tự Đức, lúc Pháp xâm lược, ông được cử vào đất Biên Hoà làm nhiệm vụ quân sự. Tại đây, ông tử trận trong giao chiến, được vua cho thi hài về táng ở quê nhà và được phong tước Thành hoàng bổn thổ. Được người dân lập miếu thờ ngoài đình, miếu của ông ngang hàng với các vị thần linh khác của làng. Đấy là điều lạ hiếm gặp ở các làng Việt.

Đình làng Lũ Phong mùa cuối năm, gió cuốn bời bời. Ngôi đình năm gian xưa với các vì kèo, rui mèn, đòn tay hiện còn ở cuối vườn với lối chạm khắc tinh xảo còn đó. Nhưng hiện mái đình gỗ này đang thay thế ngôi đình mới do con dân làng khắp nơi đóng góp. Có đình mới, các long ngai thờ tự của đình cũ được rước lên, đặt vào các bức tường xây mới. Không gian đình cũ nhuốm màu xa xưa, vắng lặng. Cõi nghiêm tôn còn lại hai cây đại đao bằng gỗ mấy trăm năm không đưa lên đình mới mà để lại đình cũ thờ tự những người chức sắc nhỏ hơn.

Chuyện về ngôi đình phong chữ lên thần có nhiều ý nghĩa, và sâu xa là nhân bản làng nước, thương dân yêu nòi. Và chính điều đó, mà đình làng Lũ Phong vận chữ suốt mấy trăm năm thờ tự.

Minh Phong

 

,
.
.
.