Hình ảnh Quảng Bình trên Cửu Đỉnh

Cập nhật lúc 21:16, Thứ Bảy, 21/01/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Cửu Đỉnh ở Đại nội Huế - là báu vật bằng đồng vô giá của nước ta, "một bộ "Đại Nam nhất thống chí" bằng hình ảnh vô cùng độc đáo và hoành tráng, được đúc khắc trên chín đỉnh đồng đồ sộ đầu tiên của Việt Nam. Đây là một tượng đài văn hóa Việt trường tồn vĩnh viễn.

Nghiên cứu các cảnh được chọn, ta thấy vua Minh Mạng thấu hiểu  giang sơn  gấm vóc Việt Nam vô cùng thâm hậu. 9 đỉnh là: Cao đỉnh, Nhân đỉnh, Chương đỉnh, Anh đỉnh, Nghị đỉnh, Thuần đỉnh, Tuyên đỉnh, Dụ đỉnh, Huyền đỉnh. Mỗi đỉnh có  khắc 17 cảnh sông, núi, mây, gió, hoa cỏ, cây trái... đặc trưng từng tỉnh ở 3 miền Việt Nam, tổng cộng có 153 hình ảnh.

Trong sách "Đất nước Việt Nam qua Cửu đỉnh Huế" (NXB Thi Thức, 1-2011), nhà văn Dương Phước Thu đã có một phát hiện thú vị: Tất cả các loại cảnh vật khắc trên đỉnh đều được chọn lọc và sắp xếp theo con số 9:  9 ngọn núi lớn, 9 con sông lớn, 9 loài chim, 9 loài cây lương thực... Đất nước Việt Nam ta núi thì nhiều, sông cũng lắm, chọn 9 ngọn núi, 9 con sông thôi là sự lựa chọn rất khó khăn. Và Minh Mạng, vị vua anh minh nhất triều Nguyễn đã chọn khắc những ngọn núi, con sông có vị trí quan trọng trong lịch sử dân tộc. Trong 153 hình ảnh, Quảng Bình được chọn 3 hình ảnh. Trong 9 con sông Quảng Bình được chọn 1.

Quảng Bình Quan.
Quảng Bình Quan.

Trên tượng đài Cửu Đỉnh ấy, các hình ảnh Quảng Bình in dấu ấn rất đậm. Ngoài các sản vật nông nghiệp như cây lúa tẻ, lúa nếp, cây hành, đậu ván, cây tỏi, hoa ngọc lan, hoa hồng (Đồng Hới được gọi là thành phố hoa hồng), hoa sen... ở đâu cũng có, thì  hình ảnh ấn tượng nhất, là biểu  trưng  của đất Quảng Bình được chọn khắc là đèo Ngang, Quảng Bình Quan và sông Gianh.

Theo  Dương Phước Thu trong sách đã dẫn trên, Quảng Bình Quan, tức Cửa thành Quảng Bình, nằm về phía đông, trong hệ thống Định Bắc Trường thành. Thời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, để chống lại quân Trịnh, quân sư Đào Duy Từ (1572-1634) hiến kế đắp lũy ở Nhật Lệ. Cửa đắp bằng đất, cùng với  hai cửa khác là Võ Thắng Quan và Thủ Ngự. Tức chỉ có  cửa hậu, cửa tả, cửa hữu, mà không có cửa tiền. Đó là điều  lạ trong xây dựng thành của Lũy Thầy. Hệ thống Định Bắc Trường thành, dài 3000 trượng, từ Đầu Mâu đến cửa Nhật Lệ tạo nên một tuyến phòng thủ vững chắc. Nhờ thành lũy quân sự này mà các chúa Nguyễn vững tâm hơn khi  tiến về phía nam mở cõi. Người dân Đồng Hới gọi là Lũy Thầy để nhớ công lao của thầy Đào Duy Từ.

Thời trước, đường bộ từ  Bắc vào Phú Xuân nhất thiết phải qua cổng thành Quảng Bình. Sách Đại Nam nhất thống chí chép: "Cửa quan dày 2 trượng 1 thước, ngang 2 trượng 5 thước; thành ngoài che chắn hộ vệ, cửa quan dài 14 trượng 6 thước, cao 3 thước. Năm Minh Mạng thứ 6 xây bằng đá. Năm 1926 vua đặt tên là Quảng Bình Quan. Năm Minh Mạng thứ 17, Quảng Bình Quan được khắc vào Nghị đỉnh. Năm Thiệu Trị thứ 2, xa giá Bắc tuần, qua Quảng Bình Quan, nhà vua có thơ ngự chế chạm vào đá, sai dựng nhà bia ở bên ngoài cửa thành để lưu niệm. Quảng Bình Quan là niềm tự hào của Vương triều Nguyễn, gắn liền với sự nghiệp "Khai quốc công thần" của Đào Duy Từ. Quảng Bình Quan là biểu tượng văn hóa, lịch sử nổi bật nhất của vùng đất địa linh nhân kiệt Quảng Bình.

Linh Giang.
Linh Giang.

Năm 1954, khi quân Pháp rút khỏi Quảng Bình, chúng đã dùng mìn phá hủy Quảng Bình Quan, chỉ còn sót lại tấm bia đá Định Bắc Trường Thành. Sau năm 1954, nhân dân Quảng Bình đã xây dựng và phục chế lại cổng thành như xưa, đưa bia đá vào dựng trong lòng cửa thành, mở đường đi hai bên, biến nơi đây thành công viên văn hóa. Thời chống Mỹ, Quảng Bình Quan lại bị máy bay Mỹ san phẳng. Mười mấy năm nhìn đống gạch vụn cổng thành, lòng người Quảng Bình  xa xót ngậm ngùi. Bảy năm sau khi lập lại tỉnh, năm 1996, Quảng Bình phục chế lại hình tượng duy nhất về cổng thành trong cả nước được chọn khắc trên Cửu Đỉnh.

Sông Gianh (Linh Giang) cách thị trấn Ba Đồn vài cây số về phía Nam, là ranh giới giữa hai huyện Quảng Trạch và Bố Trạch. Nước sông  quanh năm trong xanh, nên còn có tên là Thanh Hà. Sông rộng trung bình 680 mét, chỗ rộng nhất 1000 mét. Từ nguồn đổ về biển dài 160 cây số. Sông Gianh phát nguyên từ 3 nguồn: từ núi Thanh Lang (Hương Khê, Hà Tĩnh) chạy qua Tuyên Hóa đến sông La Hà; nguồn từ núi Kim Linh  chảy xuống núi Cao Mại, đến xã Yên Lễ thì hợp với sông La Hà; một nguồn từ Son An Náu chảy qua huyện  Minh Hóa rồi nhập vào sông La Hà, chảy ra Cửa Gianh. Dọc hai bên bờ sông Gianh từ đầu nguồn về xuôi toàn là núi đá vôi.

Thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh hơn 200 năm, sông Gianh biến thành  dòng sông chia cắt hai miền, từ đó  có tên "Nam Hà-Đằng Trong", "Bắc Hà- Đằng Ngoài". Ngày trước, quân Trịnh vào Hoành Sơn, nhìn sông Gianh  sóng gió dữ dội, nhìn phía Nhật Lệ lại lũy cao, nên có câu ca rằng: "Mạnh khôn vượt được Thanh Hà / Dẫu rằng có cánh khó qua lũy dài.".

Năm Minh Mạng thứ 17 (1827), hình tượng sông Gianh được khắc vào Chương đỉnh. Năm Thiệu Trị thứ 4, vua cho dựng bia đá ở bờ Nam. Đầu triều Tự Đức, sông Gianh được chép vào điển thờ, hàng năm sai quan sắm lễ vật đến tế thần sông. Con sông Gianh linh thiêng, kỳ vĩ từng ghi bao chiến tích anh hùng của  một thời đánh Mỹ. Bến cảng Gianh là nơi xuất phát của con tàu không số đầu tiên mở đường Hồ Chí Minh trên biển.

Hoành Sơn.
Hoành Sơn.

Đèo Ngang (Hoành Sơn) là ranh giới giữa 2 tỉnh Quảng Bình-Hà Tĩnh. Đèo cao 256 mét, dài 6 cây số. Đây là "nhánh" của dãy Trường Sơn phía tây chạy ngang ra biển, trông như bức trường thành. Thời  Trịnh -Nguyễn phân tranh, đèo Ngang thuộc Đằng Ngoài. Vào đầu niên hiệu Gia Long mới đặt dinh Quảng Bình, lấy núi này làm giới hạn. Từ giữa đèo trở ra bắc thuộc Nghệ An (hồi đó chưa lập tỉnh Hà Tĩnh). Phía nam thuộc Quảng Bình.

Năm Minh Mạng thứ 14, triều đình cho đặt cửa quan trên đèo. Đèo  Ngang liên quan đến câu sấm mà Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cho Nguyễn Hoàng: "Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân". Từ đó Nguyễn Hoàng xây dựng nên Vương triều Nguyễn  9 chúa 13 vua, Nam tiến mở  cõi  nước Việt đến tận Cà Mau hiện nay. Đèo Ngang nổi tiếng với bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan  mà bao đời nay các văn nhân vẫn chưa cắt nghĩa được chữ "rợ" là gì:

Bước đến đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen lá đá chen hoa
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông rợ mấy nhà

Năm Minh Mạng thứ 17, hình ảnh đèo Ngang được vua khắc vào Huyền đỉnh.

Qua những hình ảnh Quảng Bình trên Cửu Đỉnh ta mới nhận ra vị trí Quảng Bình là đất phên dậu phía bắc của Đằng Trong, đồng thời là mảnh đất tâm linh, văn hóa của đất nước.

                                                                                    Ngô Minh
(Nguồn: Sách "Đất nước Việt Nam qua Cửu Đỉnh Huế" của Dương Phước Thu, (NXB Tri Thức,1-2011).

,
.
.
.