Rồng trong đời sống văn hóa Việt Nam

Cập nhật lúc 13:30, Thứ Năm, 19/01/2012 (GMT+7)

Trong 12 con giáp, rồng là con vật huyền thoại duy nhất nhưng lại có quan hệ gần gũi, ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài, phong phú nhất với đời sống và văn hóa Việt Nam.

Rồng là biểu tượng của sự kỳ diệu, toàn diện, tốt đẹp và tích cực. Rồng hội tụ đủ các yếu tố cơ bản của các lớp động vật: đầu của thú, thân của bò sát, chân của chim, vây của cá... Rồng ở cả trên trời lẫn dưới nước, bay lượn, ẩn hiện trong không gian. Rồng có thể phun mưa, khạc lửa, gây gió bão, tạo sấm chớp cùng nhiều khả năng màu nhiệm khác. Rồng biểu trưng đồng thời cho cả vũ trụ lẫn nhân thế, cả âm lẫn dương, dung hòa và tổng hợp những thái cực đối lập. Rồng đứng đầu tứ linh của 4 con vật thiêng cao quý nhất: long (rồng), ly (kỳ lân), quy (rùa), phụng (phượng hoàng).

Các bậc vĩ nhân, thần thánh, anh hùng thường được ví sánh với rồng. Vua- người đứng đầu xã hội thời xưa cũng được coi là rồng với tất cả các yếu tố liên quan: thân hình vua gọi là long thể (mình rồng), bước vua đi gọi là long bộ (bước rồng), cửa ngang cung điện nơi vua ngự gọi là long (cửa rồng). Rồng được thành kính thờ cúng ở khắp nơi, từ đình, chùa, miếu đến các bàn thờ tại gia.

Lưỡng long chầu nguyệt được đắp trang trí ở đình Hòa Ninh. Ảnh: H.T
Lưỡng long chầu nguyệt được đắp trang trí ở đình Hòa Ninh. Ảnh: H.T

Trong ngôn ngữ Việt Nam, hình tượng rồng xuất hiện vừa phổ biến, đa dạng lại vừa hấp dẫn, sáng tạo. Chúng ta gặp "rồng" (long) ở đủ mọi lĩnh vực ngôn ngữ: tự nhiên và xã hội, lý thuyết sách vở và giao tiếp thực tiễn. Khí thế vươn lên, phát đạt gọi là "thế rồng", bộ phận quan trọng nhất gọi là "đồng rồng", dải mây đen gây mưa gọi là "vòi rồng", chỗ đất cực phúc gọi là "hàm rồng"... Sinh vật học có con rồng đất (kỳ nhông), cây xương rồng, nhựa long não, lá lưỡi rồng... Dược học thì có: cao ban long (sừng hươu nấu), long nhãn (cùi quả nhãn khô), ô long vĩ (thuốc đem cầm máu)...

Rồng hiện diện nhiều trong mọi loại địa danh: núi đồi, sông hồ, bến đảo, ga chợ... dọc từ bắc vào nam, ta bắt gặp hàng loạt địa danh nổi tiếng như vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), chợ Rồng (Nam Định), ga Long Biên (Hà Nội), cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa), bến Nhà Rồng (thành phố Hồ Chí Minh), tỉnh Long An, sông Cửu Long (Nam Bộ). Thủ đô Hà Nội tự hào với cái tên rất đẹp do vua Lý Công Uẩn đặt năm 1010: Thăng Long (rồng bay lên).

Rồng được lấy làm đối tượng cho hàng trăm câu tục ngữ, thành ngữ tiếng Việt và đặc biệt, dù với nhiều sắc thái khác nhau, tất cả những từ ngữ gắn với rồng đều mang tính tốt đẹp, tích cực (chưa thấy từ ngữ nào gắn với rồng mà mang tính tiêu cực, xấu xa), Chúng thể hiện sự cao quý tôn nghiêm (mai rồng, đầu rồng, long nan, long bào), quy luật di truyền (trứng rồng lại nở ra rồng), hình thức sang trọng (chạm rồng trổ phượng, thêu rồng, vẽ phượng, nem rồng, chả phượng), trạng thái vận động đẹp và khỏe (ăn như rồng cuốn, uống như rồng leo, rồng bay, phượng múa...) chuyện may mắn (như rồng gặp mây, đẹp duyên cưỡi rồng), sự so sánh sang, hèn, tốt, xấu (rồng đến nhà tôm, đầu rồng đuôi rắn, vẽ rồng nên giun)...

Rồng nhập hệ lịch can chi 12 con vật, là biểu tượng chi thìn- một chi quan trọng với những ý nghĩa triết lý và nhân văn sâu sắc. Giờ thìn kéo dài từ 7 giờ đến  9 giờ sáng- khoảng thời gian được coi là đẹp nhất trong ngày. Tháng con rồng là tháng ba, cuối xuân, cây cối tốt tươi, con người cũng dồi dào sinh lực và tương quan trời đất đạt đến độ hài hòa tối đa. Quan niệm tín ngưỡng còn cho rằng người tuổi Thìn thường tài giỏi, thành đạt và gặp nhiều may mắn, hạnh phúc trong đời.

Hình tượng rồng trở nên sống động, gần gũi hơn qua những trò chơi và lễ hội truyền thống. Trẻ em thuở xưa đến tận bây giờ còn thích thú chơi trò "rồng rắn lên mây" vui nhộn. Thanh niên thì tổ chức trình diễn múa rồng như một hình thức sinh hoạt văn hóa, thể thao khỏe khoắn, đồng thời cũng tạo nhịp cầu giao lưu, kết bạn, kết duyên. Các lễ hội dân gian trên khắp mọi miền đất nước thường rất tưng bừng, náo nhiệt bởi những cuộc đua thuyền rồng, múa trống rồng, rước rồng...

Ở một phương diện khác, tĩnh lặng nhưng phong phú nhất, bền vững nhất là hình tượng rồng trong kiến trúc, tạo hình, trang trí. Rồng được thể hiện đa dạng trên tranh, bia, miếu, đình, đền, chùa, cung điện... với đủ loại chất liệu: đất, đá, đồng, gỗ, mực bằng nhiều kỹ thuật: tạc, đắp, nặn, chạm , khắc, đúc, nung, vẽ...

Có lẽ vì hình tượng con rồng thể hiện phong phú, sâu rộng, gắn bó với đời sống và văn hóa Việt Nam như vậy nên ngày xưa người nước ngoài gọi nước ta là Long quốc (nước Rồng). Thời nay, hình tượng con rồng vẫn tiếp tục hiện diện - gần gũi và đầy tự hào trong sinh hoạt thường ngày, trong tâm thức văn hóa của cả dân tộc và của mỗi chúng ta.

                                                                                Hành Tiến (st)

,
.
.
.