.

Rừng bần ở Tân Ninh (Quảng Ninh) bị xâm hại nghiêm trọng

.
17:12, Thứ Ba, 15/08/2017 (GMT+7)
(QBĐT) - Người dân ở xã Tân Ninh (Quảng Ninh) bảo rằng, họ không biết rừng bần dọc sông Kiến Giang có từ lúc nào, nhưng kể từ khi sinh ra, lớn lên ở đây, rừng bần chính là "lá chắn"  che chở, bảo vệ cho họ suốt hàng trăm năm nay, kể cả lúc chiến tranh, lẫn lúc thiên tai. Thế nhưng, giờ đây rừng bần đang bị đào bới và xâm hại nghiêm trọng.
 
“Báu vật” bị xâm hại
 
Nhìn từ xa, rừng bần Tân Ninh như vành đai xanh “vòng tay” ôm ấp cả một vùng dân cư đông đúc nơi đây. Nhờ rừng bần này mà bao đời nay, cả một vùng cư dân sinh sống ven sông Kiến Giang không phải chịu cảnh bão lũ.
 
Làng Quảng Xá ở ngay bên dòng Kiến Giang coi rừng bần như là báu vật. Nhà cụ Nguyễn Văn Dược ở thôn Quảng Xá (xã Tân Ninh) chỉ cách cách cánh rừng này một vài bước chân. Cụ Dược, năm nay đã 85 tuổi, giờ đây buồn xo, bắc ghế hất mặt về phía rừng bần đã bị người ta đào đắp đất, khoanh ô khoanh vùng, kể như hoài niệm, không biết ai trồng và có từ lúc nào, nhưng từ khi ông còn là một đứa trẻ, cánh rừng bần này rậm rạp nên mát mẻ và đẹp lắm. Chim muông cũng theo đó mà về đây từng đàn, hót râm ran cả một vùng. Lũ trẻ làng như ông vẫn thường vào đây chơi các trò chơi dân gian.    
Khi UBND xã Tân Ninh vào cuộc kiểm tra, thì rừng bần đã trở thành hồ nuôi trồng thủy sản với quy mô lớn.
Khi UBND xã Tân Ninh vào cuộc kiểm tra, thì rừng bần đã trở thành hồ nuôi trồng thủy sản với quy mô lớn.
Cụ Dược vẫn còn nhớ rất rõ trận lũ to vào những năm 50 của thế kỷ trước, nhưng nhà cụ cũng chỉ thiệt hại mấy bao thóc vì bị ướt. Nếu không có rừng bần lúc đó, như cái đập chắn nước tự nhiên, thì ngôi nhà tranh vách đất của ông đã bị nước lùa ra biển rồi. Kể cả cơn bão lịch sử năm 2010 quét qua làng, cũng nhờ cánh rừng này mà người dân Quảng Xá không bị thiệt hại gì.
 
Hàng năm, vào tháng 10, 11, 12, rừng bần như “bức tường thành” che chắn cho dân làng trước những trận gió bấc thổi ràn rạt từ phía sông lên. “Cây rừng ở đây mới bị người ta quật gốc lên, đào ao, khoanh ô, vùng, làm cho tan hoang cách đây vài tháng chứ mấy, chứ trước đó gần như còn nguyên”, cụ Dược bức xúc.
 
Ông Dương Viết Trung (gần 80 tuổi), một nhà giáo về hưu, kể lại rằng, rừng bần này chẳng những là nơi che chắn, bảo vệ cho dân làng mà còn là nơi ghi dấu ấn của một thời kỳ lịch sử đấu tranh chống giặc của cái nôi cách mạng Quảng Xá anh hùng.
 
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, rừng bần đã cùng với nhân dân Quảng Xá ngăn cản bước tiến của địch tiến lên đánh chiếm các vùng tự do ở xã Tân Ninh, An Ninh, Vạn Ninh. Không đi được bằng đường bộ, địch phải dùng tàu thuyền ngược dòng Kiến Giang, từ Quán Hàu chạy lên Mỹ Trung.
 
Trên đường đi, nhờ rừng cây này mà địch không dám đặt chân lên mảnh đất Quảng Xá, chỉ nhả đạn, bắn phá từ ngoài sông vào làng. Trong kháng chiến chống Mỹ, khi tuyến đường huyết mạch 1A bị địch dội bom đánh phá, rừng bần trở thành địa điểm bộ đội tập kết qua sông. Rừng bần cũng là nơi che giấu cho thuyền của bộ đội vận chuyển lương thực từ miền Bắc vào cất giữ ở xã Hiền Ninh. 
Những cây bần đang đứng chờ... chết
Những cây bần đang đứng chờ... chết.
Vậy nhưng, giờ đây nó đang bị xâm phạm nghiêm trọng. Càng đi vào phía trong cánh rừng, cả một công trường đào ao, đắp đập diễn ra quy mô lớn nhất từ trước tới nay khiến cho cả khu rừng bị biến dạng. Nhiều cây bần, thân to hơn vòng tay một người ôm bị quật ngã. Không những vậy, việc đào ao tạo mặt nước nuôi trồng thủy sản khiến cho nhiều cây bần bị đào bới tận gốc, đang đứng... chờ chết. 
 
Buông lỏng quản lý
 
Qua tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các hộ dân này đã được huyện Quảng Ninh giao đất để nuôi trồng thủy sản từ năm 1994, 1995 với thời hạn giao đất 20 năm. Theo nhiều người dân, việc một số hộ dân được giao đất nuôi trồng thủy sản họ đã biết từ lâu.
 
Tuy nhiên, suốt hơn 20 năm nay, chỉ có một số hộ tiến hành hành nuôi trồng thủy sản nhưng theo hình thức quãng canh, nên tác động không lớn đến rừng bần. Chỉ mấy tháng gần đây, nhiều hộ dân mới ồ ạt đưa máy móc vào đào ao hồ, đắp đập ngay giữa rừng. Lo lắng rừng bần sẽ không còn tồn tại, họ đã phản ánh lên chính quyền địa phương. 
Những gốc bần cổ thụ hàng trăm năm tuổi bị xâm hại
Những gốc bần cổ thụ hàng trăm năm tuổi bị xâm hại.
Có mục sở thị những gì đang xảy ra trong khu rừng bần này mới thấy được những bức xúc của người dân nơi đây. Vậy nhưng, theo nhiều người dân, ngay khi một số hộ dân đưa máy móc vào rừng để đào ao nuôi trồng thủy sản, nhiều người dân Tân Ninh đã có ý kiến phản ánh với chính quyền địa phương, tuy nhiên chính quyền vẫn làm ngơ.
 
Khi rừng bần đã trở thành những ao hồ quy mô lớn và bị xâm hại nghiêm trọng, ngày 7-8, chính quyền địa phương mới tiến hành tổ chức đoàn kiểm tra và đình chỉ các hoạt động đào đắp, cải tạo ao hồ. 
Một “công trường” đào ao nuôi trồng thủy sản ngay giữa rừng đang thực hiện dang dỡ.
Một “công trường” đào ao nuôi trồng thủy sản ngay giữa rừng bần.
Làm việc với chúng tôi, ông Trần Đại Thọ, Chủ tịch UBND xã Tân Ninh cho biết, các hộ dân đào ao hồ ở rừng bần đều đã được UBND huyện giao đất để nuôi trồng thủy sản. Qua kiểm tra, có trường hợp lấn đất để đào đắp hồ, ảnh hưởng đến rừng bần.
 
Tuy nhiên, người dân cải tạo, đào đắp ao hồ, dọn dẹp cây lùng lác, khoanh vùng nuôi trồng thủy sản mà thôi”. Khi được hỏi diện tích bị phá hại bao nhiêu, ông Thọ cho rằng, chưa thống kê được, bởi đất đã giao cho người dân thì người dân họ muốn làm gì thì làm (?!).
  
Còn ông Nguyễn Quang Tuyển, Bí thư Đảng ủy xã cho rằng, lúc giao đất cho người dân, không có kiểm kê số lượng cây nên không có căn cứ nào để xác định thiệt hại. Tuy nhiên, ông Chủ tịch UBND xã thừa nhận, chính quyền địa phương và với vai trò là Chủ tịch UBND xã của ông đã thiếu trách nhiệm và buông lỏng quản lý nên đã để xảy ra việc người dân xâm hại rừng bần trong thời gian vừa qua. 
 
Dương Công Hợp
 
 
 
,