Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của Tòa án nhân dân

  • 07:14 | Thứ Năm, 07/07/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thẩm quyền của TAND trong giải quyết tranh chấp đất đai về quyền sử dụng đất (QSDĐ) là việc xác định ai trong số các đương sự có quyền sử dụng với đất đang tranh chấp. Tuy nhiên, thực tế việc xác định quyền này vẫn chưa thống nhất.
 
Điều 22, Luật Đất đai năm 1987 quy định: “Khi giải quyết tranh chấp về nhà ở, vật kiến trúc khác hoặc cây lâu năm thì TAND giải quyết cả QSDĐ có nhà ở, vật kiến trúc khác hoặc cây lâu năm đó”. Quy định này thực chất là việc giao cho TAND thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai khi trên đất đó có nhà ở, vật kiến trúc khác hoặc cây lâu năm và các đương sự ngoài việc tranh chấp về QSDĐ này còn tranh chấp với nhau các tài sản nói trên.
 
Sau hơn 5 năm thi hành, nhiều nội dung Luật Đất đai năm 1987 không còn phù hợp với tình hình phát triển đất nước nên ngày 14/7/1993, Luật Đất đai mới được Quốc hội thông qua. Về thẩm quyền TAND trong giải quyết tranh chấp đất đai, khoản 3, Điều 38, Luật Đất đai năm 1993 quy định: “Các tranh chấp về QSDĐ mà người SDĐ đã có giấy chứng nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và tranh chấp về tài sản gắn liền với việc sử dụng đất đó thì do Tòa án giải quyết”.
 
Sau hơn 10 năm thi hành, Luật Đất đai năm 1993 tiếp tục được thay thế bởi Luật Đất đai năm 2003. Về thẩm quyền TAND trong giải quyết các tranh chấp đất đai, khoản 1 Điều 136, Luật Đất đai năm 2003 quy định như sau: “Tranh chấp về QSDĐ mà đương sự có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do TAND giải quyết”.
 
Như vậy, Luật Đất đai năm 2003 tiếp tục giữ nguyên quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của TAND theo Luật Đất đai năm 1993, đồng bổ sung thêm cho TAND thẩm quyền giải quyết các tranh chấp đất đai mà đương sự có một trong số các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1,2 và 5 Điều 50, Luật Đất đai năm 2003.
Tranh chấp QSDĐ hiện tại đang là vấn đề nóng tại các phiên tòa dân sự.
Tranh chấp QSDĐ hiện tại đang là vấn đề nóng tại các phiên tòa dân sự.
Ngày 29/11/2013, Quốc hội thông qua Luật Đất đai mới, thay thế Luật Đất đai năm 2003. Về thẩm quyền TAND trong việc giải quyết tranh chấp đất đai, các khoản 1,2,3 Điều 203, Luật Đất đai năm 2013 quy định: 
 
“1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do TAND giải quyết.
 
2. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây: a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;b) Khởi kiện tại TAND có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
 
3. Trường hợp đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp tại UBND cấp có thẩm quyền thì việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện như sau: a) Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại TAND theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính; b) Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại TAND theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính”.
 
Như vậy về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của TAND, Luật Đất đai năm 2013 ngoài việc giữ nguyên quy định về thẩm quyền TAND trong giải quyết tranh chấp đất đai theo Luật Đất đai năm 2003 còn bổ sung thêm cho TAND thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai. Nội dung được bổ sung gồm:
 
1. Mở rộng không chỉ giải quyết đối với tranh chấp về QSDĐ mà là giải quyết tranh chấp đất đai nói chung.
 
2. Giải quyết tranh chấp đất đai mà các đương sự không có GCNQSDĐ cũng như không có các loại giấy tờ quy định tại Điều 100, Luật Đất đai năm 2013 và đương sự lựa chọn khởi kiện ra TAND theo thủ tục tố tụng dân sự.
 
3. Tranh chấp đất đai nói trên, đương sự không lựa chọn khởi kiện ra TAND mà yêu cầu UBND cấp có thẩm quyền giải quyết. Sau khi có quyết định giải quyết của UBND, đương sự không chấp nhận thì được quyền khởi kiện ra TAND về các quyết định giải quyết của UBND theo thủ tục tố tụng hành chính.
 
Thẩm quyền TAND trong việc giải quyết tranh chấp đất đai về QSDĐ là việc xác định ai trong số các đương sự có quyền sử dụng đối với đất đang tranh chấp. Căn cứ vào bản án của Tòa án, cơ quan hành chính Nhà nước có thẩm quyền sẽ có trách nhiệm cấp GCNQSDĐ đối với các trường hợp chưa cấp GCNQSDĐ, nhưng được Tòa án xác định là có QSDĐ.
 
Thực tế đối với một số bản án, những người ban hành bản án không nắm vững điều này, cho rằng nếu Tòa án giải quyết như vậy là “lấn sân” sang cơ quan hành chính Nhà nước trong hoạt động quản lý đất đai. Mặt khác, có thể là do không biết nếu phải giải quyết ai có QSDĐ thì phán quyết như thế nào, từ đó không làm hết trách nhiệm của mình theo quy định pháp luật. Đây không phải là hiện tượng cá biệt và điều này đang góp phần làm cho các tranh chấp đất đai trong xã hội, trên thực tế càng phức tạp thêm.
Hoàng Quảng Lực
Phó Chánh án TAND tỉnh

 

tin liên quan

Quảng Ninh: Tập trung xác minh vụ phá rừng phòng hộ tại xã Trường Sơn

(QBĐT) - Ngày 30/6, ông Nguyễn Thế Sơn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Quảng Ninh cho biết: Thời gian qua, tại rừng phòng hộ thuộc khu vực thượng nguồn suối Chà Rào, địa phận tiểu khu 554 xã Trường Sơn do Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh quản lý có xảy ra vụ phá rừng. 

Bộ Công an bác bỏ tin cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tự tử

Lãnh đạo Cục C03 khẳng định: Thông tin ông Nguyễn Thanh Long và ông Nguyễn Quang Tuấn đã tử vong trong trại giam là hoàn toàn không chính xác, không có việc bị can tự tử.
 

Minh Hoá: Phát hiện 62 trường hợp sai phạm trong công tác tuyển dụng

(QBĐT) - Vừa qua, huyện Minh Hoá đã tổ chức rà soát, xử lý đối với các trường hợp có sai phạm trong công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức và phát hiện nhiều trường hợp chưa có quyết định tuyển dụng.