.

Người đẽo đá "vá" lại cuộc đời

.
11:03, Thứ Ba, 19/03/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Có một phạm nhân được đánh giá là người có ý thức cải tạo tốt và có đôi tay tài hoa đã làm nên bao công trình có giá trị cao về mỹ thuật và nghệ thuật. Ngày vào trại giam với án tù gần 9 năm, nhưng đã được 2 lần giảm án nhờ những thành tích nổi bật qua quá trình rèn luyện. Nhưng điều quan trọng hơn cả đó chính là sự trở lại của niềm tin hướng thiện ở con người này, qua sự quan tâm, giáo dục của cán bộ, chiến sỹ trại giam Đồng Sơn - Tổng cục VIII, Bộ Công an. Phạm nhân ấy là Trần Xuân Hoàng, sinh năm 1984 ở thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị.

Cầm trên tay cuốn sách “Sự hồi sinh từ trong tuyệt vọng”, do Nhà xuất bản CAND ấn hành năm 2011, tôi không khỏi tò mò để lật giở từng trang sách, tìm đọc. Có lẽ sự tóm tắt khái quát của nhà văn Đặng Vương Hưng cũng đủ cho chúng ta nhìn thấy sự hay, lạ và độc đáo để có tác phẩm như vậy đến với công chúng. Nhà văn viết: “...Nếu tôi không nhầm thì trên thế giới, người ta mới chỉ tổ chức cho các nhà văn, nhà báo, các chuyên gia nghiên cứu tội phạm... thi viết về cuộc đời phạm nhân. Lần đầu tiên có một quốc gia như Việt Nam tổ chức cho các phạm nhân đang thi hành án viết tự truyện về cuộc đời mình...”.

Một ngày đối với phạm nhân Trần Xuân Hoàng đang thụ án ở Trại giam Đồng Sơn cũng như mọi ngày. Hàng ngày, cùng với những công cụ lao động thủ công, Hoàng ngày đêm đẽo đá, gỗ để hoàn thiện nốt những chuỗi ngày hàn gắn lại quãng đời đã đánh rơi khi tuổi đời còn rất trẻ. Hoàng kể rằng, trước khi phạm tội, Hoàng cũng đã được sống trong một gia đình tử tế như bao gia đình khác, có cha, có mẹ và được dạy dỗ, kỳ vọng rất nhiều.

Hàng ngày Hoàng vẫn miệt mài học tập, cải tạo, lao động để sớm trở thành người có ích cho xã hội
Hàng ngày Hoàng vẫn miệt mài học tập, cải tạo, lao động để sớm trở thành người có ích cho xã hội.

Tuy nhiên, đấy không phải là động lực để Hoàng phấn đấu, lập thân, lập nghiệp, mà ngược lại, Hoàng thích ăn chơi, đua đòi theo chúng bạn. Và cái giá của sự trượt dốc ấy là lần bị bắt đưa vào trại cải tạo vì tội trộm cắp tài sản. Dẫu vậy cũng chưa đủ để răn đe tính “hiếu thắng” của Hoàng. Hoàng ra trại được một thời gian, cấu kết cùng với những mối quen biết, Hoàng tập tễnh đi gieo rắc cái chết trắng cho đồng loại. Và chưa đầy 2 tháng thì Hoàng đã bị bắt đưa vào trại cải tạo với mức án tù gần 9 năm về tội buôn bán trái phép chất ma tuý. Gặp Hoàng mới thấy được sự già dặn trong suy nghĩ. Nghiêm túc trong trò chuyện và đầy rẫy sự ăn năn hối cải khi đã gây ra tội mà không ai có thể tha thứ, đó là buôn bán ma túy.

Trại giam Đồng Sơn ngày đầu xuân 2013 như tươi mới hơn, sáng đẹp hơn. Bên trong những khuôn viên các phân trại, nhiều loại hoa được bàn tay chăm sóc của phạm nhân đã và đang đua hương, khoe sắc. Ấn tượng ban đầu khi chúng tôi đến trại giam đó là một không gian khuôn viên được tỉa tót tỷ mẩn, đẹp mê hồn. Qua trò chuyện cùng cán bộ, chiến sỹ trại giam, chúng tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Những chú ngựa, sư tử, tượng phật bằng đá, bằng bê tông được chạm khắc, tô vẽ cầu kỳ như những tác phẩm nghệ thuật thực sự, được đặt trang trọng trong những lối đi của từng phân trại. Hỏi ra mới hay, tất cả những công trình đó đều do một bàn tay khéo léo của phạm nhân Trần Xuân Hoàng làm nên.

Ngày vào trại với tội trạng gieo rắc cái chết trắng cho đồng loại, thụ án 8 năm 6 tháng. Trần Xuân Hoàng đếm từng ngày, từng giờ sao mà thấy mệt mỏi, nặng nhọc và dài đến lê thê. Chao ôi, biết vậy đừng có phạm tội thì giờ này đây, Hoàng đã và đang được đi đây, đi đó, ung dung tự tại của cuộc sống này. Một điều Hoàng nghĩ lúc này đó chính là người mẹ già. Hoàng thương mẹ vô cùng. Nhưng cũng thật oái ăm, khi Hoàng hiểu ra mọi chuyện, biết thương cha thương mẹ thì cũng là lúc Hoàng để mọi người phải lao tâm, khổ tứ về mình.

Khi cánh cửa nhà tù đã khép cuộc đời Hoàng lại, Hoàng chỉ mong rằng, sớm được ra tù để chuộc lại lỗi lầm. “Khi màn đêm buông xuống, nó lộ rõ sự yếu đuối của một kẻ tội đồ. Trong bóng đêm của tội lỗi nó nghĩ đến mẹ già, đến người thân phải vì nó thêm một lần tủi”. Hoàng đã viết ra như thế trong tác phẩm dự thi mang tên “Trượt dốc” và đã đoạt giải ba do Tổng cục Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp-Bộ Công an tổ chức mang chủ để “Sự hối hận và niềm tin hướng thiện”.

Lật dở đến trang có bài viết của Hoàng, tôi đọc liền một mạch hết thảy. Một thanh niên tốt nghiệp bổ túc trung học phổ thông mà đã viết được như thế này ư? Tôi tự đặt câu hỏi. Khi tâm sự với Hoàng thì em đã cho tôi câu trả lời thấu đáo. Những ngày đầu vào trại, Hoàng cũng lì lợm, ngoan cố như những phạm nhân khi mới đi tù. Máu "anh hùng rơm" của tuổi mới lớn như là một bức tường cao ngăn cách Hoàng với mọi người. Nhưng với tấm lòng bao dung và độ lượng của giám thị, cán bộ quản giáo Trại giam Đồng Sơn, Hoàng dần dần lấy lại thăng bằng trong cuộc sống. Hoàng hòa nhập với mọi người, cùng lao động, sinh hoạt với những phạm nhân khác và đặc biệt hơn cả đó là sự động viên khích lệ kịp thời của Ban giám thị trại giam và cán bộ quản giáo, dần dần Hoàng đã lấy lại niềm tin trong cuộc sống, niềm vui trong lao động cải tạo...

Ban giám thị trại giam Đồng Sơn đã có sáng kiến, những phạm nhân nào có tay nghề gì ở ngoài xã hội khi vào tù, thì trại sẽ tạo điều kiện cho phạm nhân phát huy nghề đó ở trong trại. Đó cũng chính là cách để đánh giá quá trình cải tạo của phạm nhân. Đối với Trần Xuân Hoàng, thì đây chính là cơ hội để sớm được sửa mình. Và từ đó, nghề mà Hoàng đã học được từ ngày chưa vào trại là nghề chạm, đắp tượng và kẻ vẽ, đó là sự dày công học hỏi cộng với chút năng khiếu Hoàng có được.

Khi làm việc với Ban giám thị trại giam, chúng tôi hiểu thêm một điều rằng phạm nhân hầu hết là những người đã có một thời gian lầm lỗi, ngang tàng ngoài xã hội, vào tù thụ án để tìm lại nhân cách. Cho nên việc để Hoàng tự tay đắp hai chú sư tử phủ phục được đặt ở nơi mà nhìn từ trong nhà giam, phạm nhân đều thấy ngày ngày. Với biểu tượng sư tử, mỗi cán bộ quản giáo lúc nào cũng mong muốn phạm nhân nhanh chóng cởi áo tù, rũ bỏ quá khứ tội lỗi để thành người lương thiện và phạm nhân cũng lấy đó làm điều răn mình. Và chính điều đó có một sự đóng góp lớn lao của Trần Xuân Hoàng. Hoàng tự định hình ra hình thù của nó, đêm đêm trăn trở, mày mò với những nét vẽ, ngày ngày đẽo đá, đắp đất để có được những tác phẩm như ý muốn.

Với bàn tay khéo léo, sự cần mẫn trong công việc, Hoàng đã dần dần lấy lại được niềm tin. Hoàng đang ngày đêm hối lỗi sau chấn song và cánh cửa sắt nặng trịch, mong sớm được hoàn lương. Chúng tôi hỏi Hoàng rằng có nhớ hết những công trình mình đã làm không? Hoàng trả lời rằng không nhớ nổi. "Để làm được điều đó, giờ chỉ còn một con đường ngắn nhất, đó là cải tạo thật tốt. Nó đã đánh mất mình nhiều quá, nhưng dù sao vẫn còn hy vọng vào một điều đáng qúy: Đó là niềm tin, một niềm tin hướng thiện" - Hoàng đã kết thúc bài viết dự thi của mình như thế.

Nắng xuân đang rọi tỏ từng nhành cây, ngọn cỏ. Ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm. Rồi những phạm nhân đang cải tạo nơi đây sẽ đi qua lỗi lầm của mình với một sự trả giá, nhưng sau đó, họ sẽ có những mùa xuân tươi mới hơn, yên bình hơn, tiếp tục sống tốt để trả ơn cuộc đời. Trong đó có phạm nhân Trần Xuân Hoàng - Người đang ngày đêm đẽo đá vá lại cuộc đời.

                                                                         Ngô Quang Văn


 

,