.

Làm hồ sơ hưởng chính sách thương binh: Không nên tin vào đối tượng "cò mồi"!

Thứ Ba, 26/03/2013, 10:57 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian gần đây, Báo Quảng Bình nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc phản ánh về việc một số đối tượng nhận tiền của người dân với lời hứa hẹn sẽ đứng ra lo việc hoàn chỉnh đầy đủ hồ sơ, giấy tờ và nộp cho cơ quan chức năng để được xét duyệt hưởng chính sách thương binh. Tuy nhiên, hết tháng này, qua năm khác người dân vẫn không nhận được kết quả giải quyết việc xét duyệt hồ sơ từ cơ quan chức năng.

Qua tìm hiểu và phản ánh của bạn đọc được biết có đối tượng tên N.V.M hiện trú tại huyện Quảng Trạch và V.S.H ở huyện Tuyên Hóa đã đứng ra nhận tiền của rất nhiều người từng nhập ngũ tham gia lực lượng quân đội ở vùng 5 Hải quân sau năm 1974 để làm hồ sơ hưởng chế độ thương binh với giá từ 1,6 đến 3 triệu đồng/hồ sơ.

Thông qua đồng đội cũ của những người tham gia lực lượng quân đội ở vùng 5 Hải quân, chúng tôi đã trao đổi được với một số người từng đưa tiền cho đối tượng N.V.M và V.S.H nhờ giúp làm chế độ thương binh. Họ đều có chung tâm trạng rất bức xúc trước việc đối tượng N.V.M và V.S.H nhận tiền đã lâu, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được như lời cam kết. Họ cho biết đã nhiều lần tìm đến nhà đòi lại tiền, song đối tượng này cứ khất lần và tiếp tục hứa hẹn sẽ làm được chế độ thương binh trong thời gian tới. Do đa phần vẫn nuôi hy vọng đối tượng này sẽ giúp họ được hưởng chế độ thương binh nên tiếp tục chờ đợi. Chính điều này đã tiếp tay cho 2 đối tượng trên tiếp tục nhận tiền từ nhiều người khác nhờ làm chế độ thương binh. Và danh sách số người nhờ vả N.V.M và V.S.H ngày mỗi kéo dài.

Một bản sao Sổ đăng ký danh sách bị thương của quân nhân tại Bệnh viện C23-Vùng 5 Hải quân có dấu hiệu làm giả được chứng thực.
Một bản sao Sổ đăng ký danh sách bị thương của quân nhân tại Bệnh viện C23-Vùng 5 Hải quân có dấu hiệu làm giả được chứng thực.

Theo một nguồn tin của chúng tôi, thì hiện tại có khoảng trên 100 người từ các huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa, Quảng Trạch, Bố Trạch đã đưa tiền để nhờ đối tượng này làm hồ sơ để xét duyệt hưởng chế độ thương binh.

Trong vụ việc này, có một đồng đội cũ của những người tham gia lực lượng quân đội ở vùng 5 Hải quân khi biết chuyện với trách nhiệm là đồng đội và am hiểu các quy định của Nhà nước về việc được hưởng chế độ thương binh đã gọi điện, rồi gặp gỡ nói rõ với đồng đội mình rằng đối tượng N.V.M và V.S.H không thể  giúp họ làm được chế độ thương binh... Tuy nhiên, điều lạ là hầu như những người này vẫn tin tưởng vào việc đối tượng N.V.M và V.S.H sẽ làm được chế độ thương binh cho họ, nên đã từ chối viết đơn tố cáo.

Để có căn cứ làm rõ vụ việc này, chúng tôi đã thu thập được một số giấy tờ trong hồ sơ mà 2 đối tượng đã làm cho những người từng nhập ngũ tham gia lực lượng quân đội ở vùng 5 Hải quân sau năm 1974. Trong hồ sơ này thì giấy tờ cốt lõi nhất là bản sao Sổ đăng ký danh sách bị thương của quân nhân tại Bệnh viện C23-Vùng 5 Hải quân. Điều bất thường là các bản sao Sổ đăng ký danh sách bị thương của quân nhân tại Bệnh viện C23-Vùng 5 Hải quân được chứng thực có nhiều chỗ bị tẩy, sửa, có dấu hiệu làm giả, nhưng vẫn được UBND thị trấn Hoàn Lão (Bố Trạch) chứng thực vào giữa năm 2012. Khi xem các bản chứng thực này, một số cán bộ làm công tác chính sách lâu năm đều khẳng định: Không cần qua xác minh, giám định cũng biết đó là bản danh sách đã bị làm giả.

Về vấn đề nói trên, trung tá Đỗ Như Tất, Trưởng ban Chính sách-Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết: Theo quy định hiện hành thì bản sao Sổ đăng ký danh sách bị thương của quân nhân tại Bệnh viện C23-Vùng 5 Hải quân  có chứng thực trong trường hợp là thật thì cũng không có cơ sở và giá trị pháp lý trong việc xét duyệt hồ sơ để hưởng chế độ thương binh và hiện không có chủ trương giải quyết theo bản danh sách này.

Theo quy định hiện hành đang có hiệu lực thi hành là Thông tư số 25/2007/TT-BLĐTBXH, ngày 15-11-2007 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về hướng dẫn bổ sung việc thực hiện ưu đãi đối với người có công với cách mạng và Hướng dẫn số 118/HDCS của Cục chính sách-Tổng cục Chính trị-Bộ Quốc phòng thì đối tượng là quân nhân, công nhân viên quốc phòng để được xét hưởng chính sách thương binh thì trong hồ sơ phải có giấy chứng nhận bị thương (chứ không phải bản sao Sổ đăng ký danh sách bị thương của quân nhân-PV). Và để được cấp giấy chứng nhận bị thương thì người bị thương có vết thương được ghi nhận trong các giấy tờ gốc như: Lý lịch cán bộ, lý lịch đảng viên, lý lịch quân nhân được lập trước ngày 1-1-1995; phiếu chuyển thương, chuyển viện lúc bị thương; bệnh án điều trị khi bị thương; giấy chứng nhận ra viện khi bị thương.

Trung tá Tất khuyến cáo đối với những người là quân nhân, công nhân viên quốc phòng thuộc trường hợp bị thương trong khi làm nhiệm vụ được giao của quân đội nay đã xuất ngũ về địa phương muốn làm hồ sơ để được xem xét hưởng chế độ thương binh theo quy định thì cần đến Ban Chỉ huy quân sự (thông qua Hội đồng chính sách) cấp xã, phường, thị trấn để được hướng dẫn làm thủ tục và nộp hồ sơ tại đây. Không nên thông qua các đối tượng trung gian, cò mồi để tránh gặp phải những vấn đề lợi bất cập hại.

Qua vấn đề nói trên, đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, điều tra, làm rõ.

                                                              Nhóm P. V Bạn đọc