.

Cựu chiến binh Bố Trạch giúp nhau phát triển kinh tế

Thứ Tư, 17/08/2016, 14:52 [GMT+7]

(QBĐT) - Phát huy phẩm chất, truyền thống bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận kinh tế, 5 năm qua, phong trào Cựu chiến binh (CCB) giúp nhau giảm nghèo làm kinh tế giỏi của Hội CCB huyện Bố Trạch đã được triển khai sâu rộng với nhiều hình thức phong phú, thiết thực và đã mang lại những kết quả nổi bật.

Xác định phát triển kinh tế, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng là một trong những nhiệm vụ quan trọng, Ban chấp hành Hội CCB đã tập trung chỉ đạo và có nhiều giải pháp tích cực, hữu hiệu; đồng thời đề ra chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm xuống 2-3%, tăng hộ khá giàu đạt trên 60% và xem đây là những tiêu chí mang tính đột phá để giảm nghèo, nâng cao đời sống cho hội viên.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ và chỉ tiêu đã đề ra, các cấp Hội từ huyện đến cơ sở đã tranh thủ các chính sách ưu tiên hỗ trợ của Nhà nước, địa phương đối với CCB, huy động mọi nguồn lực để tiếp tục đẩy mạnh giúp nhau làm kinh tế, giảm nghèo nhanh và bền vững.

Hội CCB các cấp đã sâu sát nắm hoàn cảnh, nguyên nhân từng hộ nghèo để có biện pháp giúp đỡ như: tạo điều kiện cho vay vốn ngân hàng CSXH, cho vay quỹ Hội, quỹ ban liên lạc; đồng thời hỗ trợ con giống, phối hợp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, vận động sự giúp đỡ từ các nhà hảo tâm...

Đặc biệt, các cấp Hội đã nhận ủy thác vay vốn với Ngân hàng CSXH huyện. Năm 2011 dư nợ 38,310 tỷ đồng, đến cuối tháng 5 năm 2016 dư nợ lên đến 52,389 tỷ đồng. Từ nguồn dư nợ này cộng với nguồn quỹ trên 60 tỷ đồng của Hội đã giải quyết cho hội viên vay sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho 1.263 hội viên để tăng thu nhập.

Nhiều doanh nghiệp, tổ hợp tác do CCB làm chủ đã phát huy hiệu quả, góp phần tạo việc làm cho con em địa phương.
Nhiều doanh nghiệp, tổ hợp tác do CCB làm chủ đã phát huy hiệu quả, góp phần tạo việc làm cho con em địa phương.

Cùng với đó, Thường trực Hội CCB huyện đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện mở các lớp tập huấn chuyển giao KHKT cho hội viên. Trong 5 năm qua đã mở được 17 lớp với 5.216 hội viên tham gia các lớp học nuôi trồng thủy hải sản, nuôi ong lấy mật, nâng cao năng suất lúa, lạc, kỹ thuật phòng trừ dịch bệnh...

Từ nguồn vốn vay, nhiều CCB đầu tư vào sản xuất kinh doanh, đúc rút được nhiều kinh nghiệm để, nâng cao năng lực làm kinh tế. Nhiều CCB mở doanh nghiệp, lập trang trại, gia trại, tổ hợp tác nhằm tham gia đánh bắt và chế biến nuôi trồng thủy, hải sản hoặc kinh doanh dịch vụ, đầu tư vào trang trại, gia trại như nuôi lợn siêu nạc, lợn rừng, nuôi cá, dê, trâu bò, vịt trời, gà... Tận dụng lợi thế của từng địa phương, CCB đã biết khai thác ao hồ, đầm lầy, gò đồi để sản xuất...

Nhờ đó, nhiều hộ nghèo đã thoát nghèo, vươn lên khá, giàu. Từ năm 2011 đến nay các trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã do CCB làm chủ tiếp tục phát triển cả số lượng, chất lượng, quy mô cho lợi nhuận cao. Tính đến cuối năm 2015, toàn huyện có 33 doanh nghiệp do CCB làm chủ, thu hút 583 lao động; có 69 trang trại, gia trại, tổ hợp tác và 1 hợp tác xã, tạo việc làm cho 175 lao động.

Cũng chính nhờ có chủ trương đúng đắn, biện pháp thiết thực, huy động được mọi nguồn lực để làm kinh tế phục vụ mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, 5 năm qua tỷ lệ hộ nghèo trong Hội CCB toàn huyện đã giảm được 361 hộ (chiếm 3,76%); tỷ lệ  hộ khá và giàu đạt trên 60%.

Không chỉ giúp nhau phát triển kinh tế, phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo làm kinh tế giỏi còn góp phần tăng cường đoàn kết, gắn bó tình đồng đội, đồng chí, bạn chiến đấu, chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ, hỗ trợ giúp đỡ nhau ngày càng có hiệu quả. Phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” được phát huy ngày càng sâu rộng đã gắn kết hội viên với tổ chức Hội, thể hiện sâu đậm lời thề người lính “hết lòng thương yêu đồng chí, đồng đội lúc đời thường cũng như khi ra trận”. Nhờ đó 5 năm qua Hội CCB huyện Bố Trạch đã xóa được 11 nhà tạm cho hội viên; phối hợp với các ban, ngành đoàn thể xóa được 29 nhà tạm.

Bên cạnh đó, phong trào “Ngày vì người nghèo” cũng được CCB hưởng ứng rộng rãi ở các cấp Hội, thu hút đông đảo sự quan tâm, giúp đỡ của các cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức xã hội. Nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả được nhân rộng.

Thực tế cho thấy, nơi nào phong trào giúp nhau phát triển kinh tế được thực hiện tốt thì nơi đó tổ chức Hội đoàn kết, thống nhất cao, hội viên giảm bớt khó khăn, có kinh phí để hoạt động, chất lượng hội viên được nâng cao, số lượng hội viên ngày càng phát triển. Từ năm 2011 đến năm 2016, Hội CCB huyện Bố Trạch phát triển được 895 hội viên, đưa tổng số hội viên Hội CCB đến nay lên đến 12.304 hội viên.

Có thể khẳng định, phong trào thi đua giúp nhau phát triển sản xuất, giảm nghèo, làm giàu hợp pháp đã khơi dậy được tình cảm đồng chí, đồng đội, ý thức tự lực, tự cường, đoàn kết, tương thân, tương ái trong hội viên CCB huyện Bố Trạch. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu biết vượt lên hoàn cảnh để vươn lên làm giàu chính đáng, cải thiện cuộc sống, trở thành tấm gương cho nhiều người noi theo. Điển hình như CCB Dương Văn Thế (xã Hòa Trạch).

Sau cơn bão số 10 năm 2013, diện tích 14 ha cao su đã bị bão gãy đổ hết nhưng ông không chịu bó tay, mạnh dạn chuyển đổi sang làm kinh tế vườn, ao, chuồng; mua giống vịt trời về nuôi. Hiện mô hình kinh tế của ông có 300 con vịt đẻ, gần 1.000 con vịt thương phẩm. Ngoài ra ông còn đầu tư làm lò ấp trứng vịt trời với công suất 11 ngàn quả/lần; nuôi bò, lợn, ao thả cá diện tích 3ha mặt nước. Hay như CCB Nguyễn Văn Bồn (xã Trung Trạch) đã nhận thầu 6,4ha đất hoang hoá với thời hạn 50 năm, đầu tư 5 tỷ đồng để san mặt bằng làm chuồng trại, ao hồ, nuôi lợn, bò, gà cho thu nhập hàng năm trên 1 tỷ  đồng...   

Phát huy những thành quả đã đạt được, thời gian tới, Hội CCB huyện Bố Trạch tiếp tục triển khai nhiệm vụ giúp nhau phát triển kinh tế, nâng cao đời sống; đồng thời động viên hội viên tích cực tham gia các dự án phát triển kinh tế theo khả năng của mình nhằm góp phần làm giàu cho gia đình và quê hương.

Thanh Hải