.

Trồng rau ở phố - Kỳ 1: Khi thực phẩm bẩn đe dọa người tiêu dùng

Thứ Hai, 15/08/2016, 16:39 [GMT+7]

(QBĐT) - Thực phẩm không an toàn đang là mối lo ngại của phần đa người dân hiện nay. Sạch, an toàn, có lợi cho sức khỏe luôn là điều nhiều người dân tìm đến. Người xưa có câu: “muốn ăn thì lăn vào bếp”, nhiều người dân đã lựa chọn phương thức tự mình sản xuất rau, củ sạch tại nhà để hạn chế đến mức thấp nhất ô nhiễm hóa chất từ các thực phẩm tươi sống ngoài thị trường...

Nỗi khổ thực phẩm bẩn

“Hằng ngày trong mỗi bữa ăn gia đình mà thiếu đi rau, củ... thì mâm cơm nhạt nhẽo lắm, nhưng mỗi khi đi ra chợ có lúc đứng tần ngần mấy phút vì không biết phải mua gì ăn bảo đảm an toàn cho gia đình... càng ngày việc mua bán hàng “sạch” càng khó ”- chị Cao Thị Hằng ở Bắc Nghĩa, thành phố Đồng Hới cho hay.

Không ít hộ dân đã chủ động chọn mô hình “tự cung tự cấp” để bảo đảm an toàn sức khỏe cho gia đình.
Không ít hộ dân đã chủ động chọn mô hình “tự cung tự cấp” để bảo đảm an toàn sức khỏe cho gia đình.

Có thể nói, rau quả thuộc loại thực phẩm không thể thiếu được trong bữa ăn hàng ngày của mỗi người dân. Tuy nhiên, tình trạng rau quả có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật với nồng độ quá cao và việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích sinh trưởng trong rau quả... không đúng quy định làm cho nhiều người dân lo ngại khi đi mua thực phẩm tươi sống ở chợ.

Ngoài ra, việc sử dụng phân hóa học, phân bắc hoặc phân chuồng chưa ủ hoai mục, nguồn nước tưới ô nhiễm chất thải từ các nhà máy hóa chất, cơ sở chế biến thực phẩm, lò giết mổ động vật, chất thải bệnh viện, rác thải sinh hoạt... dẫn đến tình trạng rau bị nhiễm khuẩn... hoặc virus gây bệnh đang là thực trạng rất đáng lo ngại.

Quyết định số 106/2007/QĐ-BNN của Bộ Nông nghiệp-PTNT về việc ban hành quy định quản lý sản xuất và kinh doanh rau an toàn đã ghi rõ: “Tổ chức, cá nhân, cửa hàng, đại lý kinh doanh rau an toàn chịu sự kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất của cơ quan quản lý và Cục trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nếu phát hiện rau không đạt tiêu chuẩn thì phải tạm dừng thu hoạch, sơ chế để khắc phục hoặc phải tiêu hủy.

Tùy theo mức độ vi phạm mà tổ chức, cá nhân, cửa hàng đại lý kinh doanh rau an toàn còn bị xử phạt hành chính, có thể bị thu hồi giấy chứng nhận, trường hợp nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Mặc dù quyết định của Bộ Nông nghiệp-PTNT đưa ra rất rõ ràng nhưng do hệ thống thanh tra, giám sát trong thời gian qua còn chưa đủ mạnh, chưa xử phạt nghiêm minh để răn đe một số cơ sở vi phạm nên thương hiệu “rau an toàn” chưa có được tính cạnh tranh lành mạnh và tín nhiệm của người tiêu dùng.

Chị Nguyễn Lê Na, nhà ở phường Đồng Phú, thành phố Đồng Hới cho biết: “Bữa nay đi chợ cho gia đình không biết phải mua gì là an toàn. Rất nhiều thực phẩm tươi sống, tẩm ướp, tưới... mắt thường mình không kiểm nghiệm được. Gia đình đang có hướng sẽ tự cung, tự cấp một số sản phẩm có thể để bảo đảm sức khỏe cho cả nhà và trước mắt là trồng rau sạch”.

Nhiều loại rau bán ra thị trường không tạo được sự yên tâm cho người sử dụng.
Nhiều loại rau bán ra thị trường không tạo được sự yên tâm cho người sử dụng.

Tự mua, tự trồng để... bớt lo

Từ những thông tin về hóa chất tăng trưởng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau vượt ngưỡng cho phép... khiến nhiều gia đình ở thành phố, thị trấn dù diện tích đất hạn chế, nhưng vẫn có xu hướng trồng rau sạch tại nhà để bảo đảm an toàn.

Ông Nguyễn Văn Thiện ở đường Lý Thánh Tông (TP.Đồng Hới) cho biết, vì không tin tưởng các sản phẩm rau mua tại chợ, nên vợ chồng ông tự trồng rau tại nhà. Ông mua đất hữu cơ trộn chung với đất thường cho tăng độ tơi xốp, và dùng phân trùn quế chứ không bón phân hóa học để rau làm ra đạt chất lượng an toàn thực phẩm ở mức cao nhất.

Cũng với mong muốn bảo đảm an toàn thực phẩm cho gia đình, chị Trần Thị Hoa ở phường Hải Đình, TP. Đồng Hới phải mất gần 2 tháng trời mới quen dần với quy trình chăm sóc vườn rau mới được “thiết kế” của gia đình mình. Chị Hoa chia sẻ: Ban đầu mình cứ sợ không trồng được, phải tìm hiểu, học hỏi người này, người kia rồi ra cửa hàng mua dụng cụ về làm.  Cứ ngày 2 lần sáng, chiều, tôi đều đặn chăm tưới tắm cho cây, với hình thức “tự cung, tự cấp” cảm giác an toàn hơn hẳn, chứ không mỗi lần ra chợ nghĩ nát óc: ăn gì, uống gì, mua thứ gì... thì quá khổ.

Hiền Phương

Kỳ 2: Dịch vụ tại nhà