.

Xây dựng nông thôn mới ở Phúc Trạch (Bố Trạch): Quá nhiều "cửa ải"

Thứ Hai, 15/08/2016, 10:28 [GMT+7]

(QBĐT) - Là địa bàn thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Bố Trạch, thời gian qua, được sự hỗ trợ đầu tư từ các chương trình, dự án..., bộ mặt nông thôn xã Phúc Trạch đang từng ngày khởi sắc. Tuy nhiên, với đặc thù của một địa phương miền núi, cuộc sống người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông - lâm nghiệp... nên lộ trình nông thôn mới (NTM) của xã vẫn xa vời đích đến...

Xác định rõ xây dựng NTM là nhiệm vụ chính trị trọng tâm làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân, ngay từ khi bắt tay thực hiện chương trình, Ban Thường vụ Đảng uỷ, Ban chỉ đạo xây dựng NTM xã Phúc Trạch đã chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền.

Thông qua các hội nghị phổ biến, các buổi sinh hoạt tại khu dân cư, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, giải thích để người dân nhận thức rõ vai trò chủ thể của mình trong thực hiện chương trình. Việc làm này vừa phát huy được tính dân chủ, vừa khơi dậy tinh thần đoàn kết, nội lực trong nhân dân.

Thực tế triển khai xây dựng NTM trên địa bàn cho thấy, do địa hình đồi núi rộng lớn, dân cư phân bố thưa thớt nên việc hoàn thiện tiêu chí giao thông không hề đơn giản đối với đảng bộ và nhân dân xã Phúc Trạch.

Trong quá trình giải phóng mặt bằng hệ thống đường giao thông nông thôn, đã có trên hàng trăm hộ gia đình tự nguyện hiến đất, tường rào xây, các công trình phụ, chuồng trại chăn nuôi, cây vườn nhà...; đồng thời đóng góp hàng ngàn ngày công lao động để tu sửa đường giao thông nông thôn. Đường được mở từ sức dân đã có, nhưng việc đầu tư bê tông hoá hay nhựa hoá vẫn là thách thức không hề nhỏ đối với địa phương bởi phải cần một lượng vốn đầu tư lớn.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quang Tiến, Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch chia sẻ: Với xã Phúc Trạch, việc đạt 19 tiêu chí và hoàn thành lộ trình xây dựng NTM là một việc làm không hề đơn giản. Thời gian qua, trên cơ sở sử dụng linh hoạt các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, huyện như vốn đầu tư cho xã đặc biệt khó khăn 135, vốn phát triển bền vững vì người nghèo... xã Phúc Trạch đã tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

Nhờ đó, kết cấu hạ tầng, giao thông, thuỷ lợi, y tế, giáo dục đã có sự thay đổi rõ rệt; toàn xã đã có 58 km đường giao thông liên thôn và nội thôn đã được cứng hoá; hệ thống trường lớp từng bước được kiên cố hoá. Có thể nói, với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực của chính những người dân, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân xã Phúc Trạch ngày càng được cải thiện, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng NTM trên địa bàn.

Bên cạnh đó, nhiều năm qua, Phúc Trạch là điểm sáng về bảo đảm an ninh trật tự. Từ những mô hình như “Xứ, họ đạo bình yên, gia đình hoà thuận”, “Tiếng kẻng an ninh”... đã giúp đồng bào công giáo trong toàn xã nâng cao nhận thức, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, “sống phúc âm giữa lòng dân tộc”, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng khu dân cư an toàn, lành mạnh; không có tội phạm, tệ nạn xã hội.

Và trên hết là đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân; góp phần xây dựng khu dân cư văn hoá, họ đạo văn hoá; thực hiện hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới.

Ngoài tiêu chí giao thông, khó khăn lớn nhất hiện nay của địa phương đó chính là tiêu chí thu nhập và hộ nghèo. Xã Phúc Trạch có diện tích đất tự nhiên rộng 6.020 ha; dân số 12.000 người, trong đó có 95% đồng bào theo đạo Thiên chúa. Từ các chương trình hỗ trợ sản xuất, những năm qua người dân địa phương đã mạnh dạn đầu tư trồng rừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm để phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, với địa hình đồi núi, sống gần rừng nhưng hiện tại chỉ có 25% hộ dân địa phương có rừng bởi diện tích đồi núi có rừng trên địa bàn chủ yếu do Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng quản lý. Trong số 12 thôn của xã, hiện chỉ có vùng trung tâm, tức 4 thôn Phúc Đồng là có khả năng phát triển dịch vụ du lịch; các thôn còn lại chủ yếu phụ thuộc hoàn toàn vào sản xuất nông nghiệp.

Nhưng do là địa phương miền núi thường xuyên bị cô lập vào mùa mưa lũ, địa hình khó canh tác kèm theo trình độ canh tác của người dân chưa cao nên sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương chỉ được một vụ ăn chắc với tổng diện tích khoảng 70 ha. Riêng vụ hè-thu gần như không thể triển khai được do phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước từ hồ Khe Ngang. Vì vậy, hiện tỷ lệ hộ nghèo toàn xã vẫn còn gần 40%.

Nhằm từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, những năm gần đây, hướng phát triển sản xuất của địa phương chủ yếu vẫn là nông nghiệp trên cơ sở đa dạng hoá cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả kết hợp với phát triển chăn nuôi bò, gia cầm... Bên cạnh việc đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, việc nhân rộng nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế và năng suất cao như lạc lai, ngô lai được chú trọng, qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Mặc dù đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận trong thực hiện Chương trình xây dựng NTM, tuy nhiên phải khẳng định rằng chặng đường để xã Phúc Trạch về đích NTM là vô cùng gian nan, bởi đến nay xã mới chỉ đạt được 7/19 tiêu chí. Để hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM là một nhiệm vụ vô cùng nặng nề, nhưng tin rằng, với quyết tâm, nỗ lực và sự đồng sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, xã Phúc Trạch sẽ vượt qua khó khăn, cán đích NTM theo đúng lộ trình đã đề ra vào năm 2020.

P.V