.

Làm giàu từ mô hình kinh tế tổng hợp

Thứ Năm, 11/08/2016, 13:44 [GMT+7]

(QBĐT) - Sinh ra và lớn lên trên vùng quê nghèo, song anh Cao Tiến Nhung, ở thôn 2 Kim Bảng, xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa đã khắc phục khó khăn để vươn lên làm giàu bằng mô hình kinh tế tổng hợp. Hiện anh đang có vườn cây nguyên liệu với diện tích trên 3 ha; 2ha đất trồng ngô, lạc, lúa và một mô hình chăn nuôi lợn, bò, gà cùng nhiều loại máy móc phục vụ cho nông nghiệp. Mô hình kinh tế tổng hợp này giúp gia đình anh Nhung thu lãi ròng khoảng 200 triệu đồng/năm.

Khoảng 10 năm trước, cuộc sống gia đình anh Nhung cũng gặp rất nhiều khó khăn như bao hộ dân khác ở xã Minh Hóa. Ngày đó, vợ chồng anh chỉ bám vào 3 sào ruộng công, vụ nào thời tiết thuận lợi thì đủ ăn, còn khi lũ lụt, hạn hán anh phải bỏ làng đi làm thuê để kiếm tiền đong gạo nuôi 6 miệng ăn trong nhà. Không chịu khuất phục khó khăn, anh Nhung đã mạnh dạn bắt tay vào làm kinh tế bằng mô hình tổng hợp.

Lúc đó, được sự hỗ trợ của Hội Nông dân các cấp, anh đã mạnh dạn nhận đất, vay vốn, tham gia các lớp tập huấn về nghiệp vụ chăn nuôi, trồng trọt. Với nguồn lao động sẵn có trong gia đình, anh đã mạnh dạn nhận 3 ha đất trống, đồi trọc ở vùng Rí Rị để trồng keo lai. Đồng thời, anh thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài” bằng việc mở rộng diện tích đất nông nghiệp gần nhà để trồng ngô, lúa, lạc. Trong vườn nhà, anh đầu tư nuôi bò, lợn, gà thả vườn.

Chỉ riêng chiếc máy cày và máy bung đất đã giúp cho anh Cao Tiến Nhung có thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm.
Chỉ riêng chiếc máy cày và máy bung đất đã giúp cho anh Cao Tiến Nhung có thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm.

Với đức tính siêng năng, cần cù cộng với sự “mát tay”, những cây trồng vật nuôi của gia đình anh nhanh chóng phát triển và mang lại nguồn thu ban đầu. Khoảng 3 năm sau, gia đình anh cơ bản đã đủ ăn rồi bắt đầu có của ăn của để.

Trung bình mỗi năm, tiền bán lợn, gà, bò, anh thu được khoảng 30 triệu đồng. Từ số tiền đó, đã đầu tư mua được chiếc máy xay xát phục vụ cho gia đình và bà con trong thôn. Từ khi có máy xay xát, kinh tế gia đình anh ngày càng khấm khá thêm. Tiếp tục tích cóp, có vốn anh xin cấp phép mở xưởng cưa gỗ. Năm 2013, vườn keo nhà anh đã cho thu hoạch với số tiền 80 triệu đồng.

Từ số tiền đó, anh đã mạnh dạn vay thêm vốn và được sự hỗ trợ một phần của Nhà nước mua thêm máy cày, máy bung đất với giá 200 triệu đồng để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, giảm chi phí cũng như sức lao động của gia đình và bà con nông dân trong huyện.

Anh Cao Tiến Nhung tâm sự: “Từ khi có máy cày, máy bung đất, việc sản xuất nông nghiệp của tôi và bà con trở nên nhanh hơn, lịch thời vụ luôn bảo đảm. Trung bình mỗi ngày, máy có thể cày, bung được khoảng 3ha đất ruộng nước và ruộng khô. Mỗi năm, sau khi trừ mọi chi phí, chiếc máy cày này giúp cho gia đình tôi có nguồn thu nhập gần 50 triệu đồng”. Không những phục vụ cho bà con trong thôn, trong xã mà máy của anh còn đi phục vụ cho nhiều bà con nông dân trong huyện với giá rẻ hơn so với việc thuê trâu bò và các máy thô sơ khác.

Nhờ chăm chỉ lao động và sự mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình kinh tế, đến nay, anh Cao Tiến Nhung đã có 3ha keo sắp cho thu hoạch, 2 ha đất trồng ngô, lạc, lúa mỗi năm cho thu hoạch trên 50 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi năm anh còn thu về khoảng 50 triệu đồng từ việc bán gà, lợn, bò.

Hiện anh vẫn còn 5 con bò, trong đó có 3 con bò sinh sản. Riêng xưởng xẻ gỗ, máy xay xát và xe tải tự chế từ máy cày cũng đã góp thêm thu nhập cho gia đình anh hàng chục triệu đồng mỗi năm. Mô hình sản xuất của anh còn tạo công ăn việc làm thời vụ cho 3 đến 4 lao động trong thôn. Đến nay, thu nhập mỗi năm của anh sau khi trừ mọi chi phí lãi 200 triệu đồng.

Ông Cao Viết Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Hóa cho hay: Hội viên Cao Tiến Nhung không những làm kinh tế giỏi, anh còn tích cực giúp đỡ nhiều hội viên khác trong xã vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bằng cách cho vay vốn, hỗ trợ ngày công. Ngoài ra, anh còn tích cực tham gia nhiệt tình các phong trào của Hội cũng như các hoạt động trong thôn...

P.V