icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Nghiên cứu, bảo tồn đa dạng sinh học ở Phong Nha-Kẻ Bàng

  • 05:31 | Thứ Tư, 14/06/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (VQG PN-KB) không chỉ là khu vực có kiến tạo karst cổ nhất và lớn nhất châu Á mà còn là khu vực chứa đựng những giá trị nổi bật toàn cầu về hệ sinh thái và đa dạng sinh học (ĐDSH).
 
Để quản lý và bảo tồn bền vững các giá trị của di sản, những năm qua, Ban Quản lý (BQL) VQG PN-KB đã nỗ lực nghiên cứu, bảo tồn ĐDSH, bảo vệ hệ sinh thái nơi đây.
 
PN-KB có hệ sinh thái động, thực vật vô cùng phong phú, đa dạng, đặc biệt có những loài quý hiếm, giá trị vượt bậc. BQL VQG PN-KB đã tổ chức điều tra và công bố danh lục 2.953 loài thực vật thuộc 1.007 chi, 198 họ, 63 bộ, 12 lớp, 6 ngành, phát hiện thêm 5 loài thực vật mới cho khoa học; điều tra và công bố danh lục 1.394 loài động vật thuộc 835 giống, 289 họ, 68 bộ, 12 lớp, 4 ngành, phát hiện 38 loài động vật mới cho khoa học và công bố trên toàn thế giới.
 
Vì vậy, việc bảo tồn đa dạng hệ động thực vật nơi đây là nhiệm vụ thường xuyên cấp bách cho sự bền vững của di sản và bền vững về thiên nhiên.
 
Tích cực nghiên cứu khoa học
 
Nghiên cứu khoa học (NCKH) là trụ cột quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, bởi lẽ, các dữ liệu khoa học là bằng chứng trung thực, chính xác, hỗ trợ điều chỉnh các đối tượng quản lý. Nhận thức tầm quan trọng của NCKH và ứng dụng khoa học, ngay từ những ngày đầu thành lập, BQL VQG PN-KB luôn nỗ lực triển khai thực hiện các hoạt động nghiên cứu nhằm tìm kiếm các bằng chứng mới, đề xuất các giải pháp trong quản lý tài nguyên theo hướng tích cực. 
 
Theo đó, BQL VQG PN-KB đã chủ động đề xuất nghiên cứu theo các lĩnh vực, như: Đa dạng động vật, thực vật, con người và sinh kế, địa chất-hang động, các tác động lên tài nguyên. Trong 20 năm qua, BQL VQG PN-KB đã chủ trì và tham gia thực hiện 11 đề tài khoa học cấp tỉnh và cấp bộ,10 nghiên cứu cấp cơ sở.
Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng hiện có nhiều loại động, thực vật quý hiếm cần được bảo tồn và gìn giữ (Nguồn: Tư liệu Phong Nha-Kẻ Bàng).
Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng hiện có nhiều loại động, thực vật quý hiếm cần được bảo tồn và gìn giữ (Nguồn: Tư liệu Phong Nha-Kẻ Bàng).
Một trong những đề tài gần đây là “Nghiên cứu sinh thái và phân bố thể loài Bách xanh đá tại VQG PN-KB”. Đề tài đã nghiên cứu đặc điểm sinh thái và hiện trạng phân bố của loài Bách xanh đá trong VQG PN-KB. Kết quả nghiên cứu đã xây dựng được cơ sở dữ liệu của loài Bách xanh đá trong khu vực VQG PN-KB, làm cơ sở cho các nghiên cứu chuyên sâu hơn về loài Bách xanh đá sau này.
 
Đồng thời, với việc xác định được đặc điểm sinh thái và vùng phân bổ của loài Bách xanh đá, từ đó đưa ra giải pháp quản lý, bảo tồn nguồn gen quần thể Bách xanh đá trong tự nhiên tốt hơn, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn ĐDSH, phát huy các giá trị của di sản VQG PN-KB. Ngoài ra, đề tài nghiên cứu cũng đã áp dụng Hệ thống thông tin địa lý và viễn thám để xây dựng hệ thống quản lý bằng công nghệ nâng cao hiệu quả trong bảo tồn loài thực vật này.
 
Giám đốc BQL VQG PN-KB Phạm Hồng Thái cho biết: Từ khi thành lập đến nay, BQL vườn đã phối hợp thực hiện trên 20 kế hoạch, chương trình NCKH, gần 50 bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước và quốc tế; gần 20 bài đăng trên các kỷ yếu hội thảo khoa học toàn quốc và quốc tế. BQL VQG PN-KB đã xây dựng và hoàn thiện các lớp chuyên đề bản đồ số, như: Thảm, động, thực vật, thủy văn, văn hóa-xã hội, các loài nguy cấp, các loài xâm hại, nhiệt, mưa, địa chất, địa hình; xây dựng các công cụ tra cứu loài, giám sát tài nguyên. Kết quả nghiên cứu là cơ sở quan trọng để thực hiện các chương trình bảo tồn và là cơ sở khoa học cho việc chỉ đạo điều hành trong quản lý bảo vệ và phát triển VQG PN-KB.
 
BQL VQG PN-KB đang phấn đấu đến năm 2025, đưa khu cứu hộ động vật hoang dã PN-KB trở thành Khu cứu hộ động vật hoang dã có năng lực tiếp nhận, cứu hộ đa loài đáp ứng yêu cầu cứu hộ động vật hoang dã trên cạn cho cả khu vực miền Trung; đủ điều kiện cung ứng các dịch vụ công về bảo tồn ĐDSH và bảo đảm cung ứng tốt các dịch vụ về giống cây trồng lâm nghiệp bản địa.

Chú trọng công tác bảo tồn đa dạng sinh học

Ngay từ khi mới thành lập, BQL VQG PN-KB đã luôn chú trọng đến công tác bảo tồn ĐDSH ở vườn. Theo đó, BQL vườn đã xây dựng các khu cứu hộ, khu tái thả động vật hoang dã, vườn thực vật và vườn ươm cây giống bản địa để cứu hộ, bảo tồn các loài động, thực vật hoang dã quý hiếm của VQG PN-KB. Bên cạnh đó, BQL vườn thường xuyên ban hành các chương trình, kế hoạch hành động về bảo tồn ĐDSH để triển khai thực hiện, như: Kế hoạch hành động về bảo tồn ĐDSH của VQG PN-KB giai đoạn 2016-2020; chương trình hành động bảo vệ động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm khu vực VQG PN-KB; phương án bảo tồn một số loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm tại VQG PN-KB giai đoạn 2016-2020; phương án quản lý, bảo vệ quần thể Bách xanh đá tại VQG PN-KB…
 
Các chương trình, kế hoạch này là định hướng, đồng thời cũng là nhiệm vụ và giải pháp cụ thể theo lộ trình để thực hiện tốt công tác quản lý và bảo tồn ĐDSH của VQG PN-KB.
 
Với những hành động cụ thể, từ khi thành lập đến nay, BQL VQG PN-KB đã tiếp nhận, cứu hộ 1.439 cá thể động vật hoang dã; 1.575kg phong lan; thả về môi trường tự nhiên 1.335 cá thể; hiện đang nuôi cứu hộ 64 cá thể động vật hoang dã các loài, trong đó có 7 cá thể hổ Đông Dương, tỷ lệ cứu hộ thành công bình quân đạt 85%.
Loài Bách xanh đá ở Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. (Nguồn: Tư liệu Phong Nha-Kẻ Bàng).
Loài Bách xanh đá ở Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. (Nguồn: Tư liệu Phong Nha-Kẻ Bàng).
Về bảo tồn sinh vật, BQL VQG PN-KB đã sản xuất được trên 91.000 cây giống lâm nghiệp thuộc 124 loài; trồng bổ sung trên 11.175 cây rừng để bảo tồn nguồn gen và tạo cảnh quan tại VQG PN-KB. Nổi bật trong công tác bảo tồn ĐDSH là việc ghi nhận sự phân bố của quần thể loài Bách xanh đá (Calocedrus rupestris Aver) 500 tuổi. Diện tích loài này khoảng 4.000ha, mọc ưu thế trên núi đá vôi ở độ cao trên 600m được xem là sinh cảnh rừng độc đáo nhất. Bách xanh đá thuộc họ Hoàng đàn nằm trong nhóm IIA, Nghị định số 32/2006/NĐ-CP, được Sách đỏ IUCN xếp tình trạng bảo tồn nguy cấp.
 
Theo ông Phạm Hồng Thái, công tác NCKH và bảo tồn ĐDSH đã củng cố, bổ sung hồ sơ, tư liệu và đưa ra bằng chứng các giá trị toàn cầu về ĐDSH, đây là bằng chứng xác thực để UNESCO 2 lần công nhận VQG PN-KB là Di sản thiên nhiên thế giới. Với những giải pháp thiết thực, ĐDSH của rừng PN-KB được phục hồi, độ che phủ rừng, các quần thể động vật hoang dã được phục hồi và tăng số lượng, khả năng bắt gặp ngoài tự nhiên cao; số lượng cá thể các loài linh trưởng tăng, tần suất xuất hiện cao hơn và khu vực, phạm vi xuất hiện nhiều hơn.
 
Thời gian tới, BQL VQG PN-KB sẽ tiếp tục coi trọng công tác NCKH và tích cực ứng dụng khoa học-công nghệ mới làm cơ sở phục vụ cho công tác quản lý, bảo tồn và phát triển; tăng cường các hoạt động điều tra, giám sát ĐDSH, các loài động thực vật quý hiếm tại VQG VQG PN-KB để làm cơ sở cho công tác quản lý, bảo tồn…
 
 Thanh Hoa
 

tin liên quan

Quyết định về ban hành Bộ chỉ số đánh giá Chuyển đổi số tỉnh Quảng Bình

(QBĐT) - Ngày 14/4, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 814/QĐ-UBND về ban hành Bộ chỉ số đánh giá Chuyển đổi số tỉnh Quảng Bình.

Công nghệ giúp lọc sạch, tăng khả năng hấp thụ CO2 cho các đại dương

Nhóm nghiên cứu UCLA tập trung tìm cách tăng khả năng hấp thụ CO2 của các đại dương bằng cách sử dụng quy trình điện hóa học để loại bỏ lượng khí CO2 đã tích tụ trong nước biển từ trước.

Chính phủ ban hành Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân

Ngày 17/4, Chính phủ ban hành Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân; trong đó, nêu rõ biện pháp, điều kiện bảo đảm bảo vệ dữ liệu cá nhân.