.

Giáo sư, tiến sĩ khoa học Nguyễn Ngọc Thành: Một người thầy đáng kính

.
10:31, Thứ Sáu, 16/11/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - GS-TSKH Nguyễn Ngọc Thành là người con của huyện Quảng Trạch. Ông là người Việt Nam đầu tiên được Thủ tướng Ba Lan trao danh hiệu giáo sư cấp Nhà nước vào ngày 17-6-2009, là người thứ hai được Nhà nước ta trao tặng danh hiệu giáo sư thông qua hình thức xét đặc cách vào ngày 24-10-2011. Hiện nay, GS-TSKH Nguyễn Ngọc Thành là Trưởng phòng “Các hệ thống quản lý tri thức”, Viện Tin học, Đại học Bách khoa Wroclaw, Ba Lan.

Tôi có may mắn được gặp thầy Nguyễn Ngọc Thành tại hội nghị tin học quốc tế ACIIDS lần thứ nhất- “Các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu thông minh” được tổ chức tại Trường đại học Quảng Bình từ ngày 1-3-7-2009. Ấn tượng về người đàn ông nhỏ bé, có khuôn mặt điềm đạm ngồi chủ trì các buổi hội thảo về công nghệ thông tin khiến tôi tò mò. Sự sắc sảo khi phát biểu, luôn lắng nghe, tác phong đặc biệt giản dị của thầy đã thuyết phục tất cả mọi người theo dõi. Dần dà, tìm hiểu thêm, tôi được biết thầy không chỉ là một nhà khoa học sáng giá trên đất nước Ba Lan mà còn trên diễn đàn quốc tế.

Và một cơ may nữa lại đến, thầy chính là người hướng dẫn luận án tiến sĩ của tôi tại Trường đại học Bách khoa Wroclaw, Ba Lan. Vì lẽ đó, tôi có cơ hội để hiểu thêm rằng, với những người chuyên nghiên cứu về công nghệ thông tin và tiếp xúc nhiều mới cảm thấy chính ông là một "mỏ quặng" trữ lượng tiềm tàng về chuyên môn và đức độ. Ở trường học, thầy luôn là người ẩn mình, tuy không phải là yếm thế. Càng trưởng thành về tuổi tác, tôi càng thấm thía cái tính khiêm nhường đó ở những người tài cao, đức trọng.

Phải nói rằng, từ các cấp học phổ thông đến sau khi ra khỏi trường đại học, tôi đã theo học với rất nhiều thầy, cô, nhưng buổi học đầu tiên do thầy Thành lên lớp vẫn còn đọng lại mãi trong tôi như một chất men say. Thầy ăn mặc giản dị nhưng nghiêm chỉnh. Thầy mở đầu rất ngắn gọn và đi ngay vào bài giảng. Ngay lập tức bài giảng đã cuốn hút tôi vì nhiều lẽ: cách đặt vấn đề rõ ràng và mang tính gợi mở, cách giải quyết vấn đề rất mạch lạc, cách diễn đạt sinh động dễ hiểu..., Các bạn quốc tế tham dự hôm đó rất thán phục về nội dung và tính sư phạm cao trong bài giảng của thầy. Nhiều sinh viên người Ba Lan đã kể với tôi rằng: “Giáo sư Nguyễn (tức thầy Nguyễn Ngọc Thành) dạy sinh viên hiểu được xuất xứ, bản chất và các mối liên quan của vấn đề. Cách dạy của giáo sư độc đáo và cuốn hút, không sa vào các công thức và kỹ thuật, tránh cho học trò thấy cây mà không thấy rừng”.

GS-TSKH Nguyễn Ngọc Thành khai mạc hội nghị Quốc tế ACIIDS 2012 tại Cao Hùng (Đài Loan)
GS-TSKH Nguyễn Ngọc Thành khai mạc hội nghị Quốc tế ACIIDS 2012 tại Cao Hùng (Đài Loan)

Qua tìm hiểu, nhiều đồng nghiệp của thầy cũng đã cho rằng thầy là một trong những nhà chuyên môn và nhà sư phạm xuất sắc, thể hiện qua nghiên cứu khoa học, giảng dạy, diễn thuyết, viết sách và trong các đề xuất. Và điều này được khẳng định qua những danh hiệu cao quý đã trao cho thầy: Giảng viên xuất sắc (Distinguished Speaker) do các Hiệp hội Tin học Thế giới ACM va IEEE trao tặng; một trong những nhà khoa học hàng đầu thế giới về ngành Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence) nói chung và ngành Trí tuệ nhóm (Collective Intellgence) nói riêng.

Sau một thời gian học tập tại Ba Lan, gần thầy, tôi nhận ra nhiều nét đáng kính trong con người của ông. Mỗi nghiên cứu sinh đều được thầy bố trí mỗi tuần một lần để báo cáo kết quả nghiên cứu, học tập. Mặc dù thời gian chỉ trong 30 phút, nhưng đã được thầy giải đáp một cách thỏa đáng về chuyên môn. Bên cạnh đó, chúng tôi còn học thêm ở thầy về phương pháp tư duy khoa học và tính nghiêm túc trong nghiên cứu. Đặc biệt là tôi thực sự cảm thấy rất thoải mái với cách làm việc bình đẳng, dân chủ giữa thầy và trò. Thầy đã tạo ra môi trường làm việc kích thích sự sáng tạo, tự phản biện bản thân và năng lực đặc thù của người trò.

Có một lần tôi âm thầm giận thầy suốt gần một tháng. Đó là buổi đầu tiên tôi trình bày báo cáo chuyên đề về toán logic bằng tất cả sự nhiệt tình và sự háo hức của mình. Suốt hơn hai tuần ròng làm việc, đến ngày trình bày báo cáo đều bị thầy gạt đi. Tôi ấm ức và cho rằng thầy đã đánh giá mình quá thấp. Mãi sau này, bình tâm đọc lại và suy ngẫm, tôi mới thấy hết được sự nghiêm khắc của thầy đối với khoa học. Tiến sĩ Dương Trọng Hải, một trong những học trò đã có sáu năm học tập và nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của thầy, tâm sự: “Lần đầu tiên trong đợt tham dự hội nghị quốc tế WI-IAT '08 tại Australia, tôi được thầy thu xếp ở cùng phòng để tiện cho việc trao đổi chuyên môn và tiết kiệm kinh phí cho học trò (những lần sau này cũng vậy). Trước khi đi họp Ban tổ chức hội nghị, thầy để lại cho tôi mẩu giấy nhỏ “Em hãy lấy gói mì (Ba Lan) thầy để trong hộc bàn, bên cạnh có ấm nấu nước, và cái chén đủ pha nửa gói, em ăn tạm đợi thầy về”.

Điều khiến tôi bất ngờ không phải là sự lo lắng của thầy đối với học trò của mình và cũng không phải là tính tiết kiệm hay tính cẩn trọng của thầy. Đó là một bài học dễ hiểu về tính chịu khó của một Nhà khoa học mà thầy đã dành cho tôi. Thầy rất nghiêm khắc trong công việc, nhưng rất tình cảm và giản dị trong đời thường”. Tiến sĩ Hải tâm sự tiếp: “Thời gian của tôi làm việc với thầy chủ yếu ở trên mạng máy tính, bởi tôi học ở Hàn Quốc. Mỗi năm thầy có chuyến công tác ở Hàn Quốc hơn nửa tuần, nhưng tôi chỉ có thể trao đổi được với thầy trên đường đón thầy về khách sạn hoặc vào buổi tối khi thầy làm việc về, bởi lịch làm việc của thầy quá kín. Tôi được biết lịch công tác của thầy hầu như đã lên trước đó một năm hoặc lâu hơn nữa”.     

Thật đáng khâm phục khi thầy hiện giữ nhiều vị trí trong khoa học và đều khẳng định được khả năng của mình. Từ năm 2008 đến nay, với cương vị là trưởng phòng “Các hệ thống quản lý tri thức” của Viện Tin học thuộc Trường đại học Bách khoa Wroclaw và cùng với 8 nhà khoa học trong định biên của phòng,  thầy đã chứng tỏ khả năng quản lý của nhà tin học, tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng: nghiên cứu, giảng dạy; tổ chức các hội nghị, hội thảo; xuất bản các tạp chí, sách, kỷ yếu khoa học,... Những kết quả hoạt động của phòng đã được nhà trường, các tổ chức trong nước và quốc tế đáng ghi nhận. Thầy đã để lại trong tập thể cán bộ và sinh viên Trường đại học Bách khoa Wroclaw ấn tượng cao đẹp về một người công minh, chính trực, chí công vô tư, yêu người yêu nghề, có tầm nhìn xa trông rộng, biết lắng nghe và biết quyết đoán...

Bên cạnh đó, thầy là Phó chủ tịch Hiệp hội "KES international" (Knowledge Based and Intelligent information and Engineering Systems), Phó chủ tịch Hiệp hội ISAI (International Society of Applied Intelligence); Tổng biên tập Tạp chí khoa học "International Journal of Intelligent Information and Database Systems" và Tổng biên tập 2 serie sách cho nhà xuất bản “IGI Global” (Mỹ), Phó Tổng biên tập Tạp chí khoa học IEEE Transactions on Systems, Man and Cybernetics,... Chính thầy là người sáng lập 02 hội thảo quốc tế hàng năm mang tên “Asian Conference on Intelligent Information and Database Systems” và “International conference on Computational Collective Intelligence”. Thầy còn giảng dạy tại Trường đại học Bách khoa Wroclaw và các trường đại học danh tiếng trên thế giới; hướng dẫn 11 nghiên cứu sinh trong nước và quốc tế; thành viên Hội đồng khoa học Trường đại học Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh và còn giữ nhiều trọng trách khác.

Điều khiến tôi giữ lại hình ảnh của thầy rất lâu, ấy là sự nhiệt tình, có trách nhiệm xuất phát từ tình thương của thầy đối với học trò. Khi tôi bắt đầu vào nhập học tại Trường đại học Bách khoa Wroclaw, may mắn thay, từ việc tìm nhà ở, nộp hồ sơ, đăng ký các môn học, tìm các tài liệu liên quan đều được thầy tận tình giúp đỡ. Tôi thầm nghĩ, chắc là mình cùng quê với thầy nên được ưu tiên. Nhưng, qua tìm hiểu tôi được biết không chỉ có mình tôi mà những người nhập học trước đó cũng được thầy tận tâm như vậy. Tiến sĩ Hải tâm sự: “Thầy tiết kiệm thời gian cho công việc, nhưng luôn dành cho tôi thời gian vào những lúc tâm trạng không tốt, những khi bị áp lực bởi công việc hay chuyện không vui từ gia đình”. Thật đáng quý với những lời thăm hỏi về quê hương, gia đình và sự động viên kịp thời của thầy đối với những học trò như chúng tôi khi sống xa quê hương hơn nửa vòng trái đất. 

Những sinh viên Việt Nam học tại các trường đại học ở Ba Lan mỗi khi có dịp ngồi lại với nhau, nói chuyện nhiều thứ, nhưng cuối cùng bao giờ vẫn quay lại kể về thầy Nguyễn Ngọc Thành bằng một sự kính trọng đặc biệt.

                                                                          Quách Xuân Hưng

,