Thăm nhà bác Giáp

Cập nhật lúc 11:10, Thứ Năm, 10/05/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Dù ngôi nhà thân thương ấy đã trở nên quen thuộc với tôi qua nhiều bận trở về, nhưng khi cô bạn đồng nghiệp ngỏ lời, rằng em chưa một lần được về thăm nhà bác Giáp, tôi lại muốn bắt đầu một hành trình mới...

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trò chuyện với bà con quê hương trong một chuyến về thăm quê. Ảnh: T.L
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trò chuyện với bà con quê hương trong một chuyến về thăm quê. Ảnh: T.L

Có lẽ với người Quảng Bình, dù quê ở Minh Hóa xa xôi hay thành phố Đồng Hới Hoa Hồng thơ mộng, ngôi nhà của bác Giáp (như cách gọi đã trở nên quen thuộc của người dân quê tôi) vẫn luôn là một nơi chốn gần gũi cho những chuyến trở về...

Với bạn, những du khách đường xa trong hành trình về thăm ngôi nhà lịch sử, khi đến ngã ba Cam Liên, hãy dừng xe và hỏi đường về nhà bác Giáp, bạn sẽ nhận được những nụ cười thân thiết của người dân Lệ Thủy và những câu trả lời theo kiểu... Lệ Thủy. Rằng, cứ đi thẳng theo đường ni, bỏ qua trôổng thứ nhất (trôổng theo ngôn ngữ của người Lệ Thuỷ là ngõ), trôổng thứ hai, trôổng thứ ba..., rồi rẽ vô cái trôổng...  là nhà bác Giáp.

Và từ bao giờ chẳng biết, con đường uốn lượn giữa đôi bờ ruộng lúa đang thì trổ đòng giữa ngày tháng năm được người dân nơi đây gọi là đường về nhà bác Giáp. Nếu thích chạy xe men theo dòng Kiến Giang thơ mộng để ngắm nhìn những cây đa, bến nước của làng An Xá (xã Lộc Thủy), nơi đã sinh ra vị tướng lừng danh, bạn hãy chọn con đường liên xã chạy song song với đường về nhà bác Giáp...

Nhiều năm trước, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp hãy còn khỏe mạnh, mỗi dịp về thăm quê của ông đã khiến cho người dân Quảng Bình và đặc biệt là bao thế hệ người dân Lệ Thủy, nôn nao chờ đón. Và vị tướng tài ba mà tên tuổi vang lừng khắp năm châu bốn bể ấy, khi đặt chân đến đầu trôổng, chạm tay vào hàng chè mạn hảo thẳng tắp và xanh mướt, khóe mắt ông lại rưng rưng...

Tôi và cô bạn đồng nghiệp kết thúc hành trình của mình vào lúc xế trưa. Bước qua đôi cánh cổng gỗ cũ kỹ, chúng tôi vào nhà. Ngôi nhà khá im ắng, chỉ nghe tiếng đài vọng ra. Một người đàn ông dong dỏng cao bước ra. Dường như đã quá quen với những cuộc viếng thăm này, ông cười xởi lởi và giới thiệu "Tui là Võ Đại Hàm, cháu gọi Đại tướng bằng ông, tui chịu trách nhiệm trông coi ngôi nhà này. Mấy o vô nhà đi...".

Ngôi nhà bác Giáp bình yên trong nắng chiều.
Ngôi nhà bác Giáp bình yên trong nắng chiều.

Ông Hàm nhanh nhẹn chống hết mấy chiếc chái tranh trước hiên nhà, nắng tràn ngập những gian nhà nhỏ. Câu chuyện về ngôi nhà và quãng thời gian bác Giáp sống ở làng, tôi gần như đã thuộc nhưng vẫn muốn được nghe ông Hàm kể thêm lần nữa. Ông cho biết, đây là kiểu nhà truyền thống của người Lệ Thuỷ, được gọi là nhà "ba gian hai chái năm lòng". Nền nhà được đắp bằng đất giản dị, nhưng hệ thống cột kèo, xà nhà vững chãi, toát lên vẻ uy nghiêm của một dòng họ được xem là đại gia tộc ở làng An Xá.

Gian giữa của ngôi nhà dùng làm nơi thờ tự. Ở bậc cao nhất trên bàn thờ là hình ảnh hai vị thân sinh của Đại tướng: cụ Võ Quang Nghiêm và bà Trần Thị Kiên. Ông Hàm kể, năm 1947, cụ Võ Quang Nghiêm, vốn là một nhà nho yêu nước, đồng thời là một thầy thuốc giỏi, bị giặc Pháp bắt và tra tấn dã man, sau đó hy sinh tại lao Thừa Phủ. Mãi đến năm 1979, gia đình mới tìm và di dời mộ cụ về nghĩa trang liệt sĩ huyện Lệ Thuỷ. Hàng tiếp theo là ảnh người vợ đầu của Đại tướng, liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái, người có đôi mắt sáng với ánh nhìn cương nghị và gương mặt đẹp mặn mà. Cùng hàng là ảnh hai vợ chồng cụ Võ Thuần Nho và Phan Thị Miên, em trai và em dâu của Đại tướng.

Ngoài hai gian bên làm phòng ngủ, trong nhà còn có chiếc án thư đã ngả màu thời gian cùng bộ tràng kỷ và chiếc sập gụ. Ông Hàm cho biết, sau khi bị giặc Pháp đốt căn nhà vào năm 1947, những vật dụng trong nhà cũng bị thiêu huỷ. Sau này, khi ngôi nhà được phục dựng nguyên trạng vào năm 1978, người dân Lệ Thuỷ đã sưu tầm gần như đầy đủ những vật dụng cũ để bổ sung cho ngôi nhà. Trong nhà còn treo một số bức ảnh của Đại tướng chụp chung với Bác Hồ và các đồng bào, đồng chí của mình.

Một trong những chứng tích còn lại trong vườn nhà hơn 100 năm trước là gốc khế cổ thụ. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, sự tàn phá của chiến tranh, cây khế vẫn vững chãi toả bóng xuống một góc vườn. Chính nhờ cây khế này mà những người thợ có thể xác định được vị trí ngôi nhà một cách chính xác trong quá trình phục dựng, để trong một dịp về thăm nhà vào năm 2002, Đại tướng đã vô cùng cảm động khi ngắm ngôi nhà bởi những hình ảnh của thời ấu thơ như hiện về...

Trưa nắng, tôi ngồi trong hiên nhà ngó ra sân, hình dung lại tuổi thơ của Đại tướng trong khu vườn rợp bóng vú sữa, khế, mít, lựu, mai và hai hàng chè mạn hảo, râm bụt đan xen nhau kéo dài từ cửa ngõ vào nhà, một khu vườn bình dị như bao khu vườn khác ở vùng chiêm trũng Lệ Thuỷ. Mái hiên trước nhà mát rượi bởi chái tranh, có phải là nơi thuở xưa cậu Giáp đợi mẹ đi chợ về, mang theo món bún chợ Tréo chấm ruốc, để sau bao thăng trầm của thời cuộc, trong lòng ông vẫn mang theo dư vị đậm đà của quê hương? Và trong một dịp Đại tướng về thăm quê, người Lệ Thủy rưng rưng thảng thốt khi bất ngờ nghe ông hỏi "Bún chợ Tréo chấm ruốc... chừ còn ngon không?".

Và đôi hàng cau cao vút đứng cạnh bể nước có chiếc chõng tre trên nền gạch đỏ au có thể là nơi cụ đồ Nghiêm ngồi thư giãn những chiều hè. Là nơi cậu Giáp được cha mình dạy những bài học đầu tiên về tình yêu quê hương, đất nước để từ đó bắt đầu những suy tư về vận mệnh nước nhà, cội nguồn của bao chiến công lừng lẫy trong suốt cuộc đời binh nghiệp sau này của Đại tướng. Gian nhà nhỏ vừa được dùng làm bếp vừa là chỗ ngủ cho các chị em gái của Đại tướng như vẫn ấm hơi người bởi bàn tay chăm sóc của ông Võ Đại Hàm. Bố ông Hàm là bộ đội địa phương huyện Lệ Thuỷ, hy sinh cùng năm 1947 với cụ Võ Quang Nghiêm. Năm 1955, ông Hàm được Đại tướng đưa ra Hà Nội đi học. Ông học Đại học bách khoa Hà Nội, sau này học thêm ở Trung Quốc. Năm 1978, khi ngôi nhà được nhân dân huyện Lệ Thuỷ phục dựng, Đại tướng đã động viên ông Hàm trở về trông coi ngôi nhà.

Đôi cánh cổng gỗ cũ kỹ và hàng rào chè mạn hảo.
Đôi cánh cổng gỗ cũ kỹ và hàng rào chè mạn hảo.

Tôi giở cuốn sổ lưu bút được ông Hàm trân trọng giữ gìn đã đầy ắp những dòng chữ của du khách đến thăm. Đó là nét chữ nắn nót của các cô cậu sinh viên hay những lời lẽ chân thành mộc mạc của một người dân lặn lội từ miền Nam xa xôi chỉ để mong tận mắt ngắm nhìn ngôi nhà của Đại tướng, là sự ngưỡng mộ của những du khách nước ngoài trước vẻ đẹp bình dị của ngôi nhà... Mỗi người mang một tâm trạng khác nhau khi đến nơi đây, nhưng cuối mỗi dòng lưu bút đều là những ước nguyện tha thiết và chân thành nhất, rằng mong Đại tướng sẽ luôn khoẻ mạnh, sống lâu cùng con cháu...

Ông Hàm cũng cho chúng tôi xem luận văn tốt nghiệp của một cô sinh viên khoa Sử thuộc Trường đại học khoa học Huế. Sau hơn một tháng tìm tòi tư liệu, cô đã hoàn thành đề tài nghiên cứu về ngôi nhà của Đại tướng, được thầy cô giáo và bạn bè đánh giá cao. Cô sinh viên đã trân trọng gửi cuốn luận văn tốt nghiệp đóng bìa cứng mạ vàng cho ông Hàm như một lời tri ân với ngôi nhà, nơi đã sinh ra và gắn bó với Đại tướng suốt một thời thơ ấu...

Thân thương và bình dị, ngôi nhà nhỏ bên dòng Kiến Giang trong xanh từ lâu đã trở thành chốn trở về bình yên của hàng triệu tấm lòng mến yêu bác Giáp, vị Đại tướng của lòng dân.

                                                                                       Ngọc Mai




 

,
.
.
.