Xác định thời điểm ra đời tỉnh Quảng Bình nhìn từ cuộc hội thảo khoa học 10 năm trước

Cập nhật lúc 12:59, Thứ Tư, 28/03/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Quảng Bình - cũng như mọi miền quê khác của đất nước Việt Nam - là một vùng đất giàu truyền thống văn hoá - lịch sử. Trải bao biến thiên của lịch sử, trong diễn trình phát triển của mình, Quảng Bình đã qua nhiều lần thay đổi về không gian lãnh thổ, về thể thức hành chính và cả về danh tính, để trở thành một Quảng Bình ổn định và phát triển về lịch sử, văn hoá và kinh tế như ngày nay.

Sống trên mảnh đất quê hương, kế thừa những thành quả của biết bao thế hệ tiền nhân khai khẩn và xây đắp, mỗi người dân Quảng Bình với đạo lý uống nước nhớ nguồn đã không ít lần băn khoăn tự hỏi: Quảng Bình xuất hiện từ bao giờ?

Đó là những câu hỏi đầy tâm huyết, đầy trách nhiệm, là một đòi hỏi khoa học về lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất quê hương không mấy dễ trả lời. Để góp phần trả lời câu hỏi này, từ hơn 10 năm trước, ngày 13-12-2001, tại tỉnh Quảng Bình đã tổ chức cuộc hội thảo khoa học Xác định ngày thành lập tỉnh Quảng Bình với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, của đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và những người tâm huyết đến từ các cơ quan khoa học Trung ương, khu vực miền Trung, các tỉnh bạn và trong tỉnh.

Kết quả của cuộc hội thảo từ 10 năm trước, nhìn dưới góc độ thống kê, các tham luận đề xuất thời điểm thành lập tỉnh Quảng Bình với các mốc thời gian kéo dài  từ thời điểm vùng đất Quảng Bình được nhập về Đại Việt (1069), đến thời điểm vua Minh Mạng tiến hành cải cách, ổn định nền hành chính trong phạm vi toàn quốc (1831), đó là các năm: 1069, 1075, 1397, 1604, 1631, 1831.

Điều này có lý do của nó: cho đến nay, chưa có một tiêu chí chung nào cho việc tìm kiếm và xác định thời điểm ra đời của một địa phương, một đơn vị hành chính, nhất là đối với những địa phương có lịch sử hình thành và phát triển lâu dài. Do vậy, trên thực tế, tại nhiều địa phương, để xác định một ngày truyền thống thỏa mãn được các đòi hỏi của khoa học và cả của tình cảm nhân dân, đã phải dựa vào hệ thống các tiêu chí thích hợp, do chính mình xây dựng nên và được đông đảo cộng đồng thừa nhận.

Cổng đông thành Đồng Hới
Cổng Đông thành Đồng Hới

Tương tự như vậy, những người nghiên cứu trước khi  giải quyết vấn đề cũng đều đã có những thao tác khoa học ban đầu giống nhau và rất cần thiết là đặt ra các tiêu chí theo quan điểm tiếp cận của mình, để thông qua đó, xem xét và đề xuất ngày thành lập tỉnh Quảng Bình. Hệ thống các tiêu chí do các tác giả xây dựng nên trong quá trình giải quyết vấn đề tại hội thảo là rất phong phú, song tựu trung lại gồm các nội dung chính liên quan đến những vấn đề cơ bản sau đây:
- Về không gian lãnh thổ.
- Về hành chính.
- Về dân tộc, truyền thống lịch sử-văn hóa.
- Về danh xưng.

Do hiện thực lịch sử hình thành và phát triển lâu dài của tỉnh Quảng Bình, với điều kiện tư liệu hiện nay khó tìm thấy một thời điểm xác định nào thỏa mãn tuyệt đối các tiêu chí nêu trên, nên các tác giả đã hướng sự lựa chọn vào các tiêu chí ưu tiên theo quan điểm tiếp cận của mình. Chính vì vậy, mặc dù có khá nhiều thời điểm được các tác giả đề xuất lựa chọn, nhưng không thể tìm thấy một thời điểm nào trong số đó là bất hợp lý, bởi tính khoa học nội tại của mỗi tham luận. Điều này cho thấy vấn đề đang xem xét là rất khó khăn và mang tính tương đối, mặc dù đó nhất thiết phải là sự tương đối được thừa nhận trên cơ sở các tiêu chí cụ thể và khoa học.

Tuy nhiên, cũng trên cơ sở số liệu thống kê, chúng ta lại thấy một sự thật khác là, trong tổng số 25 tham luận trình bày và 2 ý kiến phát biểu tại hội thảo cũng có sự phân nhóm rất khách quan khi đưa ra thời điểm đề xuất lựa chọn:
- Năm 1069: 2 (tham luận)
- Năm 1075: 2 (tham luận)
- Năm 1397: 1 (tham luận)
- Năm 1604: 13 (12 tham luận và 1 ý kiến phát biểu)
- Năm 1631: 1 (tham luận)
- Năm 1831: 7 (6 tham luận và 1 ý kiến phát biểu)
- Không xác định rõ năm: 1 (tham luận)

Các số liệu này là trên cơ sở thống kê từ các tham luận và các ý kiến phát biểu  được chuẩn bị trước trình bày tại hội thảo. Song, có một sự biến động khá thú vị khác cũng cần phải nêu ra để tham khảo là đến phần thảo luận trực tiếp tại hội thảo, một số tác giả, có thể do được củng cố thêm về tư liệu, hoặc có sự điều chỉnh quan niệm ưu tiên đối với các hệ thống tiêu chí thông qua quá trình trao đổi, nên đã nới rộng, hoặc điều chỉnh thời điểm đề xuất lựa chọn:
- Có 3 tác giả trong tham luận lựa chọn thời điểm 1831, song khi thảo luận đã đề xuất thêm năm 1604 để xem xét.
- Có 1 tác giả trong tham luận lựa chọn thời điểm 1831, song khi thảo luận đã đề xuất thêm năm 1069 để xem xét.

Như vậy, có thể thấy rằng, tại hội thảo xác định ngày thành lập tỉnh Quảng Bình, năm 1604 là năm được nhiều người quan tâm nhất (13/27 tham luận và ý kiến) trong quá trình tìm kiếm khoa học khách quan, độc lập và đầy trách nhiệm. Mặc dù vấn đề rất khó khăn, song với một phương pháp luận khoa học, trên cơ sở sự hợp lý hợp tình, nhìn trên tổng quát, Hội thảo đã tìm kiếm được sự  đồng thuận (chữ dùng  của nhà sử học Dương Trung Quốc) quý giá trong quá trình giải quyết vấn đề. Có lẽ nhờ đó mà hội thảo được dư luận đồng tình và đánh giá thỏa đáng.

Có một thực tế là  trong khoa học, không phải lúc nào số đông cũng đúng. Tuy nhiên, trong trường hợp cụ thể này, đây không phải là sự đồng thuận của một số đông bất kỳ, mà là số đông của một tập hợp gần như thuần khiết, được lựa chọn, có chuẩn bị, từ nhiều nguồn nghiên cứu, và do đó sự đồng thuận của số đông này không thể không đem đến cho chúng ta một nhận thức hữu ích nào đó.

Đánh giá kết quả của hội thảo, Nhà sử học Dương Trung Quốc- Tổng thư ký Hội khoa học lịch sử Việt Nam, một trong những người chủ trì hội thảo, trong tham luận của mình đã phát biểu:

Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đánh giá cao cách đặt vấn đề, cách tổ chức và những kết quả nghiên cứu được phản ánh trong cuộc hội thảo này nhằm giúp lãnh đạo tỉnh những ý kiến tư vấn về khoa học để có thể  quyết định sự chọn lựa hội điểm có những ý nghĩa như sự hình thành truyền thống tỉnh Quảng Bình.
Chỉ theo dõi những tham luận được trình bày tại cuộc hội thảo của chúng ta cũng thấy phản ánh những quan điểm khác nhau xuất phát từ sự lựa chọn những tiêu chí khác nhau. Phải nói rằng, mặc dầu khác nhau nhưng mỗi luận chứng đều được phát biểu một cách có hệ thống với những lập luận chặt chẽ.

Do vậy, để có được một sự đồng thuận, phải đặt sự tồn tại và phát triển của Quảng Bình trong sự thống nhất và phát triển của dân tộc, đồng thời nó lại ăn sâu vào tâm thức, tạo nên niềm tự hào của địa phương.
Do vậy, sau khi được nghe tất cả những nhóm ý kiến  khác nhau, với những lập luận khác nhau , theo ý kiến cá nhân tôi, tôi cho rằng sự lựa chọn mốc năm 1604 là có nhiều điểm hợp lý, hợp tình hơn cả. Về lý thì nó là cái mốc vừa đánh dấu một quá trình hình thành vừa tạo ra một động lực cho sự phát triển  và hoàn chỉnh tiếp theo. Hơn thế, về tình nó lại gắn liền với tâm thức của nhân dân, những người đang sống trên địa bàn của tỉnh cũng như những người con Quảng Bình đang sống trên các vùng lãnh thổ khác, trong và ngoài nước cũng như cũng như ngay cả những đồng bào ở các địa phương khác luôn khắc sâu tên gọi Quảng Bình như một địa danh của một địa phương mang trong lòng những truyền thống tốt đẹp đáng tự hào. Là người tham gia chủ trì cuộc hội thảo này tôi mong mọi người  có thể tìm đến sự đồng thuận làm cơ sở cho lãnh đạo tỉnh vững tâm quyết định.

Chính vì vậy, đề xuất lựa chọn năm 1604 là thời điểm thành lập tỉnh Quảng Bình là thỏa đáng nhất, hàm chứa được nhiều tiêu chí và được nhiều tác giả lựa chọn nhất trong tất cả các thời điểm đã từng được đề xuất để bàn thảo.

                                                                            Trần Hùng

,
.
.
.