Động lực phát triển của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

  • 10:17 | Thứ Sáu, 23/02/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sau hai năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS và MN), diện mạo và đời sống người dân các xã vùng ĐBDTTS và MN Quảng Bình đã có nhiều đổi thay tích cực. Nguồn lực của chương trình đã góp phần mở ra những cơ hội mới đối với những vùng đất này, tạo động lực quan trọng trên hành trình phát triển.
 
Với 10 dự án, trong đó có nhiều tiểu dự án, chương trình đã “phủ sóng” đến tất cả các lĩnh vực, đối tượng. Một số dự án trong quá trình triển khai còn có những vướng mắc, đến thời điểm này đang được tích cực tháo gỡ và từng bước đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Các dự án đã bắt tay giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền trong sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị…
Công tác giáo dục, nâng cao đời sống của trẻ em vùng ĐBDTTS và MN tiếp tục được quan tâm chăm lo.
Công tác giáo dục, nâng cao đời sống của trẻ em vùng ĐBDTTS và MN tiếp tục được quan tâm chăm lo.
Một số dự án bước đầu đã đạt nhiều kết quả cụ thể, như: Dự án 4 đầu tư xây dựng, nâng cấp 27 công trình hạ tầng thiết yếu, phục vụ đời sống, sản xuất trong vùng  ĐBDTTS, gồm 17 công trình đường giao thông, 5 nhà văn hóa, 4 trường học, 1 chợ... Sự đầu tư “đúng và trúng” này đã mang lại diện mạo mới cho các xã vùng ĐBDTTS và MN còn nhiều khó khăn, đóng góp tích cực vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng ĐBDTTS và MN của năm 2023.
 
Dự án 5 “Phát triển giáo dục-đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” đã tiến hành xây dựng, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo 6 trường phổ thông dân tộc nội trú; đồng thời đầu tư cơ sở vật chất chuyển đổi số giáo dục nhằm phục vụ hiệu quả việc giảng dạy và học tập trực tuyến cho học sinh ĐBDTTS. Các tiểu dự án đã tập trung bồi dưỡng kiến thức dân tộc, dạy tiếng Bru-Vân Kiều, tập huấn nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ tham gia chương trình… Những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở đã được trao đổi, chia sẻ để cùng tháo gỡ.
 
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch là nội dung dự án 6. Những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể tại các xã: Trường Sơn (Quảng Ninh), Ngân Thủy (Lệ Thủy), Thượng Trạch (Bố Trạch), Thượng Hóa, Dân Hóa (Minh Hóa)… được bảo tồn thông qua hoạt động tập huấn, giới thiệu về lễ hội tiêu biểu. 
 
"Từ những kết quả đạt được sau 2 năm triển khai, bước đầu Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và MN đã có những tác động tích cực đến mọi lĩnh vực đời sống KT-XH vùng ĐBDTTS và MN. Với nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước lớn, đây là cơ hội để giải quyết hiệu quả các hạng mục cần vốn lớn, tạo động lực phát triển. Các cơ quan, địa phương đã nỗ lực khắc phục những khó khăn và vướng mắc, bất cập để từng bước tháo gỡ, nâng cao hiệu quả chương trình", Trưởng ban Dân tộc tỉnh Võ Ngọc Thanh cho biết.
Các nghệ nhân hướng dẫn học viên sử dụng nhạc cụ truyền thống, kỹ năng múa, hát những làn điệu truyền thống; trao đổi về các chủ trương, chính sách bảo tồn giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể… Trên cơ sở đó từng bước gắn giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trong phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương. Dự án 6 cũng hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao; hỗ trợ nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, các đội văn nghệ truyền thống ĐBDTTS trong quá trình lưu truyền, đào tạo bồi dưỡng những người kế cận, luyện tập, biểu diễn…
 
Thông qua dự án 7 “Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em”, công tác thông tin, truyền thông và vận động thay đổi hành vi về chăm sóc, dinh dưỡng cho trẻ em ĐBDTTS được đẩy mạnh. Cùng với thực hiện chăm sóc sức khỏe và bảo đảm dinh dưỡng hợp lý cho bà mẹ trước, trong và sau sinh, dự án đã tập huấn cập nhật kiến thức cho cán bộ y tế tuyến cơ sở, đội ngũ y tế thôn bản; truyền thông về tầm quan trọng của sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục đối với vị thành niên, thanh niên. Đây cũng là dự án nằm trong nhóm có tỷ lệ giải ngân cao của năm 2023.
 
Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” đã có nhiều hoạt động, mô hình được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam lựa chọn làm điểm, đã góp phần quan trọng thay đổi nếp nghĩ, cách làm của chị em hội viên phụ nữ trong ĐBDTTS và MN. Hiểu biết và chủ động trong sản xuất, làm ăn kinh tế, vị thế của chị em trong gia đình và ngoài xã hội từng bước được nâng cao. 
 
Cùng với các lớp tập huấn về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, dự án 8 đã tạo dựng các “Địa chỉ tin cậy” để phụ nữ và trẻ em tạm lánh, tránh rủi ro về sức khỏe, tính mạng, giảm thiểu các hậu quả. Hoạt động của các mô hình tổ truyền thông cộng đồng, câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”… đã tác động mạnh mẽ, nâng cao nhận thức, hiểu biết cho phụ nữ và trẻ em, từng bước hướng tới mục tiêu bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết trong đời sống phụ nữ, trẻ em vùng ĐBDTTS và MN.
Các dự án thuộc Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và MN đã góp phần nâng cao vai trò, vị thế của chị em phụ nữ (Hội viên phụ nữ ĐBDTTS và MN giao lưu điển hình phụ nữ tiêu biểu tháng 10/2023)
Các dự án thuộc Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và MN đã góp phần nâng cao vai trò, vị thế của chị em phụ nữ (Hội viên phụ nữ ĐBDTTS và MN giao lưu điển hình phụ nữ tiêu biểu tháng 10/2023)
Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là một trong những vấn đề bức thiết trong đời sống ĐBDTTS và MN cần được đẩy lùi, xóa bỏ. Đây là nội dung tiểu dự án 2 thuộc dự án 9 “Đầu tư phát triển nhóm DTTS rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn”. Không chỉ đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền về hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, tiểu dự án đã tổ chức các hội thi tuyên truyền về nội dung này, thu hút đông đảo sự tham gia của đồng bào, từng bước nâng cao nhận thức cho bà con vùng ĐBDTTS và MN.
 
Năm 2023, dự án 10 “Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng ĐBDTTS và MN; kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện chương trình” đã được triển khai tích cực. Trong đó, tiểu dự án 2 đã xây dựng 16 điểm ứng dụng công nghệ thông tin tại các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy. 
 
Thực hiện tiểu dự án 3, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành triển khai giám sát, đánh giá tại cơ sở. Qua kiểm tra, giám sát, đánh giá đã chỉ ra những mặt tồn tại, hạn chế cho các địa phương khắc phục và triển khai thực hiện; đồng thời kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và tỉnh những khó khăn, vướng mắc mà địa phương gặp phải nhằm tạo sự tự chủ và căn cứ thuận lợi cho các địa phương trong triển khai chương trình, góp phần từng bước thay đổi diện mạo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân vùng ĐBDTTS và MN.
Ngọc Mai

tin liên quan

Khai giảng lớp trung cấp lý luận chính trị hệ không tập trung, khóa 29

(QBĐT) - Sáng 23/2, Trường Chính trị tỉnh phối hợp với Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh tổ chức khai giảng lớp trung cấp lý luận chính trị hệ không tập trung, khóa 29.

Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh nghiên cứu, triển khai đầu tư nâng cấp các tuyến cao tốc

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 16/CĐ-TTg ngày 21/2/2024 đẩy nhanh nghiên cứu, triển khai đầu tư nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc đang khai thác, đang đầu tư theo quy mô phân kỳ.

Khai mạc phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Sáng 22/2, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 30 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.