.
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh:

Quảng Phú làm theo gương Bác Hồ

Thứ Ba, 03/09/2013, 08:07 [GMT+7]

(QBĐT) - Hai năm qua cùng với việc thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ, đồng thời triển khai thực hiện Chỉ thị số 03-TC/TW của Bộ Chính trị, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở Đảng bộ xã Quảng Phú, Quảng Trạch đã có sự chuyển biến về mọi mặt. Thể hiện việc làm theo Bác Hồ rõ nét nhất ở Quảng Phú là khơi dậy phong trào thi đua phát triển kinh tế-xã hội, vươn lên thoát nghèo.

Đảng bộ xã Quảng Phú có quy mô khá lớn với 390 đảng viên, sinh hoạt ở 17 chi bộ cơ sở. Để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 03-TC/TW của Bộ Chính trị, Đảng uỷ xã đã chỉ đạo các chi bộ đưa việc học tập chuyên đề vào nội dung sinh hoạt định kỳ hàng tháng và xây dựng kế hoạch, quy chế làm việc để mỗi cán bộ, đảng viên tự giác đăng ký rèn luyện, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bắt đầu từ những việc làm cụ thể.

Xác định việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là việc làm thường xuyên, nên hai năm qua Đảng uỷ xã đã tích cực chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng, cơ quan, đơn vị triển khai nghiêm túc, có hiệu quả nội dung của Chỉ thị, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng-an ninh, công tác xây dựng Đảng và hoạt động chính trị ở trên địa bàn.  Đặc biệt thông qua việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, cán bộ đảng viên trong đảng bộ đã nâng cao trình độ nhận thức, có sự chuyển biến về hành động làm theo Bác Hồ.

Trong hai năm thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, Đảng bộ xã Quảng Phú đã làm được nhiều việc. Qua tâm sự với đồng chí Võ Thanh Xuân, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã được biết, nhờ sự đoàn kết và nhất là sự nhiệt tình năng động của đội ngũ cán bộ, đảng viên nên Quảng Phú đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Nhân dân tự nguyện giao mặt bằng xây dựng Khu neo đậu tàu thuyền.
Nhân dân tự nguyện giao mặt bằng xây dựng Khu neo đậu tàu thuyền.

Kết quả nổi bật làm theo Bác Hồ ở Quảng Phú là, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trên mặt trận sản xuất nông nghiệp. Quảng Phú có 9 thôn trong đó có 5 thôn chủ yếu sản xuất nông nghiệp, 3 thôn ngư nghiệp và 1 thôn tiểu thủ công nghiệp. Đảng uỷ xã chỉ đạo các chi bộ làm theo Bác bằng những việc cụ thể, mang lại hiệu quả thiết thực. Kết quả rõ nét nhất là các thôn đã chú trọng đa dạng hóa sản xuất và khai thác lợi thế điều kiện tự nhiên nên kinh tế của xã không ngừng phát triển, đời sống người dân được cải thiện và đến nay không còn hộ đói.

Nhìn lại bức tranh kinh tế của xã Quảng Phú những năm về trước, do khó khăn về nguồn lực và nhất là trình độ dân trí thấp nên bà con chưa mấy chú trọng đến việc chuyên sâu khai thác hết các tiềm năng ở địa phương. Tại các thôn miền biển, bà con ngư dân nơi đây hầu như chỉ khai thác, đánh bắt gần bờ, ít có sự đầu tư cho việc đánh bắt như mua sắm ngư lưới cụ, đóng tàu lớn...

Sản phẩm thu được từ biển hầu hết mới đủ phục vụ trang trải đời sống hàng ngày, ít có dư thừa. Đối với các thôn nông nghiệp, tình hình cũng chẳng mấy khá hơn. Kỹ thuật canh tác của bà con vẫn còn lạc hậu, các yếu tố về cây, con giống chưa được chú trọng, sản xuất chủ yếu theo hướng độc canh. Nhìn chung cách thức làm ăn của bà con còn mang tính nhỏ lẻ, thiếu quy mô và chiều sâu...

Để phát huy tối đa hiệu quả các nguồn tiềm năng đa dạng phong phú ở địa phương, Đảng uỷ, UBND xã đã chọn hướng đa dạng hóa ngành nghề trong phát triển kinh tế. Xã Quảng Phú có tổng diện tích 1.875 ha, dân số 2.250 hộ với gần 10.000 nhân khẩu. Toàn xã có 5 thôn chủ yếu sản xuất nông nghiệp, 3 thôn ngư nghiệp và 1 thôn tiểu thủ công nghiệp. Bây giờ, đối với các thôn ngư nghiệp, nhiều bà con ngư dân đã có chuyển biến về nhận thức trong đầu tư làm ăn, đã chú trọng đầu tư đóng mới tàu thuyền có công suất trọng tải khá lớn.

Hiện tại, toàn xã có 119 tàu có công suất lớn (chiếm trên 1/3 tổng số tàu thuyền toàn xã) chuyên đánh bắt xa bờ. Điển hình có anh Nguyễn Xuân Tiến (thôn Xuân Hải) và anh Đinh Hanh (thôn Hải Đông), nhờ mạnh dạn vay vốn ngân hàng và đầu tư đóng tàu mới có công suất lớn, mua sắm trang thiết bị ngư lưới cụ...phục vụ đánh bắt, hai anh đã tạo được việc làm cho 20 lao động, với mức thu nhập bình quân 30 triệu đồng/ người/năm. Từ khi ngư dân chú trọng đầu tư vào việc khai thác đánh bắt xa bờ, hiệu quả kinh tế được nâng lên rõ rệt, thu hút trên 500 lao động địa phương tham gia vào lĩnh vực này.

Đầu tư hạ tầng phát triển ruộng muối.
Đầu tư hạ tầng phát triển ruộng muối.

Việc làm theo Bác Hồ được Hội Nông dân xã duy trì bằng các việc làm cụ thể thiết thực. Tại các thôn nông nghiệp, Hội Nông dân vận động bà con chuyển đổi từ thế độc canh sang hướng đa canh. Chẳng hạn người dân trước đây chỉ chú trọng trồng lúa nay mở rộng trồng thêm cây màu, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, trồng rừng kinh tế. Nói đến nông nghiệp Quảng Phú, mọi người nhớ đến cây dưa lê ở đây đã trở thành thương hiệu. Nông dân Quảng Phú đã chuyển đổi những vùng đất khô cằn, trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dưa lê, đã mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 3-5 lần trồng lúa.    

Điển hình làm theo Bác Hồ trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hộ gia đình anh Lê Minh, Nguyễn Minh và chị Nguyễn Thị Linh (thôn Phú Lộc) đã phát triển trồng cây hoa màu, mỗi năm thu nhập khoảng 30 triệu đồng. Hoặc hộ gia đình chị Nguyễn Thị Hà ở thôn Hải Đông, trước đây thuộc diện hộ nghèo của xã. Nhưng nhờ sự nỗ lực thoát nghèo và được sự hỗ trợ nguồn vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội, chị Hà có gần 50 triệu đồng để đầu tư phát triển kinh tế. Gia đình chị đã trồng thành công được nấm các loại, trong đó có nấm linh chi và cho thu lãi trên 50 triệu đồng/năm. Ngoài ra, chị đã đầu tư phát triển chăn nuôi, chế biến thủy sản, đạt mức thu nhập bình quân trên 140 triệu đồng/năm.

Xã Quảng Phú cũng đã tận dụng được 94 ha đất nhiễm mặn để dùng vào sản xuất muối. Trước đây nghề muối ở đây hoàn toàn làm bằng thủ công nên phải mất rất nhiều thời gian và sức lao động. Từ khi được công nhận là làng nghề sản xuất muối truyền thống, năm 2012, tất cả 400 hộ sản xuất muối được hỗ trợ 116 triệu đồng (chia đều cho 94ha), các diêm dân đã xây dựng hệ thống ô kết tinh, muối được giang thành 5 cấp hoặc 7 cấp theo mô hình ruộng bậc thang, nghề làm muối nơi đây cũng vì thế mà đỡ vất vả.

Một trong những việc làm theo Bác Hồ ở Quảng Phú đã mang lại hiệu quả là công tác vận động quần chúng trong việc giải phóng mặt bằng, giao đất cho Khu kinh tế Hòn La để xây dựng nhà máy, xí nghiệp và khu neo đậu tàu thuyền tránh bão. Theo quy hoạch Khu công nghiệp Hòn La II tại xã Quảng Phú, quy mô khoảng 485ha, là khu công nghiệp tổng hợp đa ngành. Để có mặt bằng xây dựng nhà máy, đã có trên 150 hộ dân trong xã phải bàn giao đất sản xuất hoặc di dời nhà cửa cho Khu kinh tế. Nhờ công tác dân vận khéo nên phần lớn bà con tự nguyện bàn giao đất đai, giải toả nhà cửa công trình, không để  xảy ra điểm nóng, khiếu kiện kéo dài. 

Kết quả từ phong trào làm theo Bác Hồ, đến nay Quảng Phú không còn hộ đói, hộ nghèo giảm dần theo hàng năm (hiện còn 392 hộ, chiếm 16,9%), hộ cận nghèo 144 hộ (chiếm 5%); nhiều hộ đã có cơ hội thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

H.Quân