Góp ý vào báo cáo tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992:

Chủ thể trả lời chất vấn của đại biểu dân cử - Kỳ cuối: Cần lấp đầy khoảng trống pháp lý

Cập nhật lúc 10:04, Thứ Tư, 21/12/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Chất vấn là một trong những hoạt động quan trọng để Quốc hội và Hội đồng nhân dân thực hiện quyền giám đối với hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước về việc thực hiện Hiến pháp, pháp luật, nghị quyết của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Bên cạnh việc nhận thức và thực hiện chưa đúng khi lựa chọn chủ thể trả lời chất vấn thì các quy định của Hiến pháp và pháp luật hiện hành vẫn còn những bất cập cần được khắc phục.

>> Kỳ 1: Nhận thức và thực hiện chưa đúng?

Tại điều 122 Hiến pháp năm 1992 (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25-12-2001 của Quốc hội) và điều 41 Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 thì: "Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền chất vấn Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch và các thành viên khác của Ủy ban nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp". Như vậy, theo nguyên tắc pháp chế (triệt để tuân thủ pháp luật) thì không phải bất kỳ cá nhân, cơ quan, tổ chức nào đại biểu HĐND cũng có quyền chất vấn mà chỉ có quyền chất vấn trong giới hạn phạm vi các chủ thể nêu trên.

Thực hiện các yêu cầu về tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và cấp huyện đó là phải: tinh gọn, hợp lý, hiệu lực, hiệu quả, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; không nhất thiết ở Trung ương có bộ, cơ quan ngang bộ thì ở cấp tỉnh phải có tổ chức tương ứng; không nhất thiết ở cấp tỉnh có sở, ban thì ở cấp huyện phải có phòng, ban tương ứng. Mặt khác, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, trong tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước ta không chỉ thực hiện việc phân quyền (giữa Trung ương và địa phương), ủy quyền (giữa các chức vụ lãnh đạo, quản lý) mà còn thực hiện việc tản quyền (giữa các cấp trong từng ngành).

Cụ thể đó là, ở một số ngành, lĩnh vực có tính đặc thù, đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ, kịp thời trong tổ chức quản lý, điều hành giữa cấp trên với cấp dưới nên được tổ chức theo mô hình ngành dọc từ Trung ương đến địa phương. Xuất phát từ các nguyên tắc và yêu cầu nêu trên mà theo quy định tại điều 8 và điều 9 Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 4-2-2008 của Chính phủ (quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) thì các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh được tổ chức thống nhất ở tất cả các địa phương gồm có 17 sở, cơ quan ngang sở và có 3 sở, ban được tổ chức theo đặc thù của từng địa phương.

Đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri.
Các đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri.

Theo quy định tại điều 7 và điều 8 Nghị định số 14/2008/NĐ-CP ngày 4-2-2008 của Chính phủ (quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện) và quy định tại điều 1 Nghị định số 12/2010/NĐ-CP ngày 26-02-2010 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung Nghị định số 14/2008/NĐ-CP) thì các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện được tổ chức thống nhất ở tất cả các địa phương gồm có 10 phòng, cơ quan ngang phòng và 3 phòng được tổ chức để phù hợp với từng loại hình đơn vị hành chính cấp huyện.

Như vậy, ngoài các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND cấp tỉnh và cấp huyện theo quy định của các nghị định nêu trên thì còn có nhiều cơ quan chuyên môn khác thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước trên một số lĩnh vực được tổ chức theo ngành dọc từ Trung ương đến địa phương mà không trực thuộc UBND. Cụ thể đó là các cơ quan trực thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ hoặc trực thuộc các tổng cục, các cục chuyên quản thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, như: công an, quân đội (quân sự, biên phòng), ngân hàng nhà nước, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, thi hành án...

Mặc dù các cơ quan này được tổ chức và hoạt động theo ngành dọc nhưng lại thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước về một số ngành, lĩnh vực tại địa phương; do đó chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan này có ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả chung trong công tác quản lý hành chính nhà nước tại địa phương. Do đó, cho dù không phải là cơ quan chuyên môn của mình nhưng UBND cấp tỉnh và cấp huyện vẫn phải thực hiện hiệp quản và có trách nhiệm và quyền hạn về tổ chức, điều hành ở một chừng mực nhất định đối với các cơ quan này.

Tuy nhiên, do không quản lý về mặt tổ chức con người lẫn chuyên môn nên hiệu lực tổ chức, điều hành của UBND hoàn toàn phụ thuộc vào tinh thần, trách nhiệm và thiện chí của lãnh đạo và đội ngũ công chức của các cơ quan đó. Vì vậy, nếu hoạt động quản lý nhà nước của các cơ quan này kém hiệu lực, hiệu quả thì không thể quy kết trách nhiệm hoàn toàn cho UBND cùng cấp. Nhưng, nếu thực hiện việc phản ánh, kiến nghị với các cơ quan chủ quản của các cơ quan này để chấn chỉnh, trả lời sẽ khó đạt được yêu cầu kịp thời và sát thực mà đòi hỏi đặt ra khi cần chất vấn trực tiếp thủ trưởng các cơ quan này.

Thực tiễn cho thấy, lâu nay tại kỳ họp của HĐND các địa phương vẫn thường xuyên yêu cầu thủ trưởng các cơ quan trực thuộc cấp trên (tổ chức theo ngành dọc) thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước trên một số lĩnh vực tại địa phương trả lời chất vấn của đại biểu HĐND. Việc đại biểu HĐND các địa phương yêu cầu thủ trưởng các cơ quan này trả lời chất vấn tại kỳ họp là hoàn toàn cần thiết, đáp ứng với đòi hỏi của thực tiễn đặt ra trong việc thực hiện chức năng giám sát của HĐND đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước tại địa phương. Tuy nhiên, điều đáng nói là theo quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức HĐND và UBND như đã viện dẫn ở trên thì đại biểu HĐND chỉ có quyền chất vấn đối với "...Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp". Do đó, việc HĐND yêu cầu thủ trưởng các cơ quan quản lý hành chính nhà nước không phải là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp trả lời chất vấn tại kỳ họp là không đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Có thể thấy rằng quy định của Hiến pháp và pháp luật hiện hành về chủ thể trả lời chất vấn của đại biểu HĐND còn bất cập, chưa đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn hoạt động giám sát của HĐND. Để vừa đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của hoạt động giám sát của HĐND vừa bảo đảm thực hiện nghiêm túc nguyên tắc pháp chế trong việc thực hiện pháp luật, thiết nghĩ khi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và Luật Tổ chức HĐND và UBND cần phải "lấp đầy khoảng trống pháp lý" này.

                                                                                       Phạm Thái Quý



,
.
.
.